Sau vụ bầu Kiên bị bắt, người ta tự hỏi ai là người chủ trương trang blog QuanLamBao, mà lại có thể thoát ra ngoài tầm kiểm soát của an ninh Việt Nam?
Trang blog Quanlambao hiện đang được nhiều người truy cập bởi những thông tin xuất hiện trên trang blog này được xem là phơi bày những bí mật nhất của chế độ hiện nay.
Bất khả xâm phạm
Nếu ai từng có một trang blog tại Việt Nam thì đều biết rằng đưa những bài viết có tính nhạy cảm là chấp nhận công an làm khó dễ và trang blog không sớm thì muộn sẽ bị đóng cửa theo những quy định mà nhà nước có sẵn nhằm đối phó với thông tin đi ngược lại với những gì mà chính quyền không muốn phơi bày.
Hai trang mạng nổi tiếng hiện nay là Basam và Dân Làm Báo sở dĩ không đóng cửa được vì có IP ở nước ngoài, thế nhưng chúng vẫn không tránh khỏi hacker nhiều lần tấn công.
Thêm vào đó tường lửa được tạo ra dày đặc trong nước làm nản lòng những người muốn theo dõi tin tức nơi báo lề trái.
Cơ quan kiểm soát thông tin mạng đã tỏ ra mẫn cán trong công tác này hơn cả sự mong đợi của chế độ.
Thế nhưng những nỗ lực của công an mạng lại không thể thành công đối với trang blog mang tên Quanlambao.
Từ khi xuất hiện tới nay trang blog này không những chỉ chuyên tâm đưa các bài viết vượt qua rất xa sự nhạy cảm mà nó còn tấn công trực diện Thủ tướng đương nhiệm cùng tất cả những người thân hay thuộc hạ của ông mà Quanlambao gọi chung là tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng.
Tình báo Bắc Kinh?
Vụ bắt giữ bầu Kiên đưa tiếng tăm của Quanlambao vượt xa các trang mạng nổi tiếng khác nhưng nó đồng thời cũng mang lại lắm câu hỏi về nhân thân của những ai đang điều hành trang mạng này.
Cách đưa thông tin của Quanlambao gây cho những người theo dõi tin rằng đây là sự hợp tác của đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để đối phó với thế lực ngày một lớn và bao trùm tất cả các ngõ ngách chính trị, kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
TS Hà Sĩ Phu, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ nhân quyền nhiều năm qua phân tích điều này:
“Quan Làm Báo đứng về phe ông Trọng và ông Sang và tất nhiên phe này thân Tàu hơn phe ông Dũng rồi vì vậy người ta nghi rằng Trung Quốc có một cái liên kết gì đấy.
Quan Làm Báo chủ yếu đánh vào tham nhũng và kinh tế, ngân hàng chứ còn mặt chống Trung Quốc thì Quan Làm Báo chỉ đưa những bài có tính chất tượng trưng để giảm bớt tính cực đoan của một phía chứ không nằm trong trọng tâm.
Tóm lại đánh Trung Quốc để bảo vệ đất nước không phải là trọng tâm của Quan Làm Báo. Đó là điều mà nhân dân phải cảnh giác.” TS Hà Sĩ Phu, Đà Lạt
Đối với nhiều nhà bất đồng chính kiến trong nước thì Quanlambao được hình thành và hoạt động mạnh mẽ như vậy chỉ có thề do bàn tay của tình báo Bắc Kinh giúp đỡ, điều hành từ bên ngoài.
Nhìn dưới góc độ chuyên môn những tin tức bí mật mà Quanlambao loan tải không thể che dấu được tình báo Việt Nam địa chỉ nguồn tin được tung ra.
Tuy nhiên chúng vẫn xuất hiện liên tục cho thấy kế hoạch thu thập tin tức được bố trí chặt chẽ và bài bản, khác rất xa với người làm việc trong nước.
Những ý kiến khác nhau
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một trí thức bất đồng chính kiến khác cũng cùng chung nhận xét rằng Trung Quốc chính là chủ nhân của Quanlambao, tuy nhiên ông không đồng ý cách mà hai phe chống đối lẫn nhau như vậy, ông nói:
“Giữa lúc nước sôi lửa bỏng này vấn đề cơ bản của Việt Nam bây giờ là vấn đề ngoại xâm, vần đề Trung Quốc, chứ đem nhau ra phơi mặt và đánh nhau như vậy tôi cho là không lành mạnh, càng đẩy thêm nguy cơ làm yếu mình và làm lợi thế cho Trung Quốc.
Tôi nghiêng về phía cho rằng có bàn tay của Trung Quốc. Ít nhất là giật giây, thúc ép, điều hành để tạo ra sự lộn xộn.”
Tuy nhiên đối với TS Hà Sĩ Phu thì ông lại ủng hộ Quanlambao ít nhất trong lúc này vì nó giúp cất đi gánh nặng của đảng trị:
“Nói về chuyện có lợi hay không lợi theo tôi chủ yếu là có lợi. Có được một tờ báo có tính chất nội tình như thế thì rất quan trọng.
Hai bên đánh nhau thì rất có lợi vì có đánh nhau thì tất cả những nhược điểm mới được phơi bày vì từ trước tới nay đảng cộng sản Việt Nam giữ kín rất tài.
Chính do mâu thuẫn đó tự họ phơi bày nhau ra, điều đó bất kể kết quả ra sao thì chuyện phơi bày đó giúp ích cho việc giải tỏa đảng trị cộng sản.
Thế còn cái phần có hại là phần đề phòng, cái phần nghĩ xa chứ còn phần trước mắt trong nội tình này thì Quan làm báo là tiếng nói có ích.” TS Nguyễn Thanh Giang, Hà Nội
Vẫn còn là bí ẩn
Những tin tức xuất hiện trên Quanlambao dù sao cũng soi sáng được rất nhiều góc tối mà chính quyền muốn dấu.
Trước mắt, người được lợi là nhân dân và dù muốn hay không những con sâu mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói tới đã có thuốc trị.
Tuy nhiên đối với nhiều người trong đó có TS Nguyễn Thanh Giang thì vẫn lo ngại rằng Quanlambao sẽ là nơi mà Trung Quốc dùng để khỏa lấp ý đồ xâm lăng của họ:
“Giữa hai vần đề nguy cơ của xâm lăng và nguy cơ của tham nhũng thì phải nói rằng nguy cơ xâm lăng là cao hơn và nguy hiểm hơn nguy cơ tham nhũng.
Bây giờ đem việc chống tham nhũng ra để khuấy động lên nhằm xóa nhòa việc chống xâm lăng mà cụ thề là Trung Quốc thì rất thất sách và có thể là âm mưu của những kẻ lãnh đạo”.
TS Nguyễn Thanh Giang cho rằng sự tham lam mà ông Nguyễn Tấn Dũng có được là do lỗi của hệ thống. Chính chủ trương, đường lối của đảng cộng sản Việt Nam đã sản sinh ra Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Ông Nguyễn Tấn Dũng có tham lam được như thế và tham nhũng không chỉ cho ông ấy mà cho bè cánh của ông ta như thế là cũng do chủ trương đường lối.
Lợi dụng việc làm trong sạch nội bộ để đi diệt nhau như vậy là không đúng. Tội của một người khác cụ thể là ông Tổng Bí Thư còn lớn hơn ông Nguyễn Tấn Dũng rất nhiều”.
TS Hà Sĩ Phu cũng cẩn thận với viễn ảnh phe của ông Nguyễn Phú Trọng chiếm ưu thế vì lúc ấy nguy cơ thân Tàu của ông Tổng bí thư sẽ làm cho đất nước bước vào một nguy cơ khác nguy hiểm hơn nhiều:
“Thái độ của người dân là như thế này: Thứ nhất họ không tin bên nào thắng cả vì bên nào thắng cũng có những sự nguy hiểm.
Cái bên đục khoét kinh tế, làm ruỗng đi năng lực của đất nước nếu lên được thì tuy không thân Tàu lại theo kiểu Putin trở thành một chế độ cộng sản biến tướng thì cũng chẳng dân chủ gì.
Thế còn phía hiện nay Quan làm báo đang chủ trương đánh vào tập đoàn ông Dũng mà thắng thì lại càng nguy hiểm hơn vì thân Tàu”.
Nói gì thì nói Quanlambao vẫn là đề tài bàn tán của người quan tâm đến sự ảnh hưởng từ các trang mạng Internet trong thời điểm hiện nay nhất.
Cho tới khi sự thật được phơi bày, Quanlambao vẫn là câu hỏi khó giải mã về những người đang điều hành nó.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-08-28