Nếu quả như vậy thì sau khi cho bầy binh bố trận, ông Obama chỉ cần nói đi nói lại cho quốc dân và thế giới – kể cả thế giới Hồi Giáo trong đó có Ai Cập – hai chuyện: 1) hàng ngày và hàng giờ lãnh đạo Hoa Kỳ quan tâm theo dõi việc này vì 2) muốn dân Ai Cập và mọi dân tộc khác phải có quyền quyết định về đời sống của họ.
Một cách ngây thơ vô số tội kiểu Ronald Reagan, ông cứ nêu ra nguyên tắc lý tưởng. Rồi khoanh tay quan sát sự vận hành của các thế lực trong cuộc, tại Ai Cập và các quốc gia khác. Kể cả các phù thủy mắt xanh của mình. Quan sát hầu kịp thời tác động nếu sự vận hành xoay ra khỏi những kịch bản hay kế hoạch của Hoa Kỳ.
Nghĩ lại mà xem, ngần ấy quốc gia liên hệ – từ Israel đến Turkey, từ Iran đến Syria, từ Liên bang Nga đến Trung Quốc – đều có thái độ ấy: Canh chừng chuyện dầu sôi lửa bỏng để kịp thời bảo vệ quyền lợi của họ.
Ðiều kỳ lạ là Tổng thống Mỹ lại cuống cuồng nhảy từ vị trí của người quyết định về chánh sách qua vị trí của người tạo ra dư luận.
Ông lên truyền hình đòi Tổng thống Mubarak phải đi, lập tức! Phát ngôn viên của ông còn châm thêm rằng Quốc hội Ai Cập phải có đại diện của các xu hướng thần quyền – mà ai cũng hiểu là “Huynh đệ Hồi Giáo”. Ðây là lực lượng lão thành – có mặt khi Mubarak ra đời năm 1928 – và mờ ám vì mối liên hệ với các thế lực Hồi Giáo quá khích nhất.
Tác dụng của lời tuyên bố chỉ gây khó khăn cho tiến trình chuyển hóa từ loạn ra trị và cản trở hai mục tiêu mâu thuẫn của Hoa Kỳ: Mục tiêu lý tưởng là nền dân chủ và quyền tự do đầu phiếu của dân Ai Cập; mục tiêu thực tiễn là giữ cho xứ này khỏi trôi vào quỹ đạo của Hồi Giáo cực đoan.
Thay vì để cho các phù thủy mắt xanh của Hoa Kỳ ngầm thi thố pháp thuật, Tổng thống Mỹ lại lộn vai lộn vở, trở thành khuôn mặt lãnh đạo biểu tình cho Ai Cập! Non tay mà nhạy miệng là như vậy!
Quả nhiên là mâu thuẫn trong nội các dần dần được lộ ra ngoài, qua phản ứng của Ngoại Trưởng Hillary Clinton từ Munchen tại Ðức, và lời phát biểu của Ðặc sứ Frank Wisner vừa được gửi qua Ai Cập tuần trước: Không thể đòi Mubarak đi lập tức vì ông ta vẫn còn vai trò quan trọng! Tiến trình chuyển hóa đòi hỏi thời gian và điều kiện, kể cả những thể thức quy định trong Hiến pháp Ai Cập…
Biết vậy, ông Obama đành điều chỉnh tác xạ.
Trước khi đón khách vào xem trận Super Bowl trên màn ảnh trong Dinh Tổng thống, tại cuộc phỏng vấn của Bill O’Reilly thuộc hệ thống Fox News chiều Chủ Nhật mùng sáu, ông nói đến tiến trình chuyển hóa mà ông mong là có trật tự tại Ai Cập, thay vì nói chuyện Mubarak phải khăn áo ra đi càng sớm càng hay!
Chúng ta sẽ còn thấy Obama điều chỉnh nữa theo nhịp độ học bài của mình. Nếu không, ông có thể lãnh tội là làm “mất Ai Cập”!
Kết luận sơ khởi?
Cây Dân Chủ và phân bón Hoa Kỳ
Chúng ta không lạc quan cho là dân chúng mà biểu tình chống độc tài thì xứ sở sẽ có dân chủ. Cây dân chủ mà là loại cỏ dễ mọc thì cũng dễ nhổ. Thực tế thì Ai Cập có quân đội được lòng dân, có các tướng lãnh đang xoay trở – mà không đảo chánh – để Tổng thống ra đi trong trật tự. Nhưng hạt mầm dân chủ có thể mọc hay không lại do các thợ cấy, là các chính đảng. Ngoài đảng đối lập mạnh nhất là Huynh Ðệ Hồi Giáo và đảng cầm quyền (Dân Chủ Quốc Gia NDP) đang bị phân hóa – lãnh tụ vừa từ chức – Ai Cập còn năm chính đảng khác… Và một nhóm tự biên tự diễn và tự xưng danh “Phong trào 25 Tháng Giêng” – ngày khởi sự biểu tình tại Cairo.
Ðược ngọn sóng dân chủ đưa lên, lãnh tụ các chính đảng này vẫn tập trung vào mục tiêu đánh đuổi Mubarak mà chưa thống nhất về những gì sẽ thực hiện, và thực hiện ra sao. Họ chưa thống nhất ngay trong ngắn hạn vào tuần qua khi đối thoại về thủ tục giao thời với phó tổng thống đương nhiệm, Omar Suleiman, viên tướng có ảnh hưởng trong quân đội. Và sau đối thoại đến khi tranh đấu thật thì nhiều phần họ sẽ kèn cựa giành ghế của nhau.
Trong làn sóng hỗn loạn, tính chất tài tử của các đảng đối lập là một cám dỗ khiến Ai Cập có thể lâm thế kẹt.
Một là trôi vào hỗn loạn khiến quân đội sẽ thực sự cầm quyền và… xây dựng nền móng cho một chế độ quân phiệt sau này. Hai là lực lượng chống Mỹ có tổ chức nhất – với nhiều phương tiện chưa ai thấy rõ – là Huynh Ðệ Hồi Giáo, sẽ đánh tỉa và chiếm đa số. Nhưng sau đó có khi Huynh đệ lại vỡ đôi, giữa xu hướng Hồi Giáo xã hội và xu hướng cực đoan bảo thủ, tác giả của nhiều vụ bạo động trong quá khứ.
Vì vậy, tương lai Ai Cập không chỉ tùy vào cách ứng xử khéo léo hay không của Hoa Kỳ mà còn nằm trong tay các lãnh tụ chính trị, quân và dân sự. Nếu cứ tưởng rằng khẩu hiệu dân chủ sẽ tạo ra phép lạ, có khi họ chỉ là những kẻ lót đường cho quỷ dữ. Và nếu cứ tin rằng mình được Mỹ yểm trợ, họ sẽ mất lòng dân và không thể lãnh đạo được nữa, cho đến ngày lãnh đạo Mỹ đổi ý…
Dân chủ là loại cây khó mọc, và không thể mọc nếu sống nhờ phân bón phức hợp mang nhãn hiệu “Mỹ quốc viện trợ”. Phức hợp vì kết hợp loại hóa chất của Lục tiên, nay nói thế này mai đòi thế khác.
Nhân chuyện Ai Cập, ta cũng nên nhìn vào trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ Turkey – cường quốc Hồi Giáo số một ở Cận Ðông – và Nam Dương Indonesia – quốc gia Ðông Nam Á có đông dân Hồi Giáo nhất địa cầu. Hai xứ này đều chặn được khủng bố, có đảng Hồi Giáo và quân đội rất mạnh, mà xã hội không rơi vào khuynh hướng cực đoan hay độc tài. Phải chăng vì lãnh đạo của họ biết xử trí với Hoa Kỳ?
Hay là nhờ dân trí?
Đọc các phân tích, bình luận, tuyên bố trên báo chí khắp nơi về những diễn biến trong hai tuần gần đây tại Ai Cập không làm chúng ta hiểu thêm vấn đề. Đó là bởi những quyền lợi phức tạp đan xen nhau đằng sau hậu trường.
Lấy ví dụ Mỹ. Sở dĩ Mubarak tồn tại suốt 5 nhiệm kỳ, cai trị Ai Cập trong 28 năm qua là vì Mỹ thấy ở ông ta một đồng minh tin cậy được để duy trì các lợi ích của Mỹ tại khu vực này, như ngăn chận làn sóng Hồi Giáo cực đoan, chủ trương hòa hoãn với Israel… Bởi thế, Mỹ từng bỏ lơ yếu tố độc tài, tham nhũng, lạm quyền của Mubarak để đổi lại cái gọi là ổn định tình hình.
Một khi làn sóng dân chủ dậy lên, người dân tràn xuống đường, đòi Mubarak ra đi, thoạt tiên Mỹ nương theo làn sóng này với những tuyên bố đại loại Mubarak phải từ chức ngay đúng theo bài bản ủng hộ dân chủ. Nhưng chỉ vài ngày sau, Mỹ thay đổi thái độ, không còn thúc bách như trước. Đọc các bình luận trên báo chí bảo thủ ở Mỹ chúng ta sẽ hiểu ngay lý do. Nhiều ý kiến bình luận kiểu đó cho rằng nếu Mỹ bỏ rơi Mubarak, Ai Cập sẽ rơi vào vòng kiểm soát của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, là phe phái được cho là có mối quan hệ mật thiết với Hamas, Iran và các phe phái cực đoan khác. Nói tóm lại họ lo sợ Ai Cập sẽ trở thành một nhà nước Hồi Giáo thần quyền như Iran.
Thế nhưng có lẽ cũng không cần quan tâm lắm đến chuyện chính trị phức tạp này. Điều mà ai cũng thấy qua vụ Ai Cập là: 1/Các chính thể độc tài không phải không hiểu được nguyện vọng của người dân nước họ; 2/Họ có hai chọn lựa, một là nghe theo nguyện vọng này để xây dựng một xã hội dân chủ bền vững, hai là đợi đến khi người dân lên tiếng, lúc đó có thể đã muộn.
Những tuyên bố mang tính nhượng bộ của chính quyền Ai Cập chứng minh cho điều đầu tiên. Ngay từ những ngày đầu khi người dân Ai Cập xuống đường, Mubarak tuyên bố không ra tranh cử nữa, cũng không còn chuyện Mubarak “nhường ngôi” cho con. Sau đó, lần lượt các nhân nhượng khác được đưa ra: tự do báo chí, sửa đổi Hiến pháp để bầu cử tự do, bỏ luật khẩn cấp, từng bị giới mật vụ lạm dụng để bắt bớ người vô cớ, không ngăn chận kiểm soát Internet nữa…
Dĩ nhiên, giới cầm quyền biết rõ đây là nguyện vọng bình thường và chính đáng của người dân Ai Cập nhưng chỉ khi chịu áp lực của cả triệu người dân giận dữ họ mới nhượng bộ.
Điểm chung của các chính thể độc tài ở Libya, Syria, Ai Cập, Yemen, Algeria và Tunisia và các nước lớn đứng đằng sau họ là không thèm đếm xỉa đến số phận người dân, coi việc người dân phải thuần phục họ là chuyện đương nhiên. Cho nên phần lớn đã chọn cách bỏ qua nguyện vọng của người dân nước họ.
Tusinia là trường hợp khi giới cầm quyền chịu nghe theo thì đã muộn. Và ở Ai Cập, dù tình hình có chuyển biến như thế nào thì cũng đã muộn cho giới cầm quyền vì không đời nào người dân chịu quay về với xiềng xích nô lệ như trước.
Nguyễn Xuân Nghĩa
2 Comments
Lê Thiện Ý
T/T Obama rất “ngây thơ” khi kêu gọi T/T Mubarak từ chức ngay, cho dân Ai-Cập được quyền tự quyết. Nếu điều đó xảy ra, hỗn loạn xã hội ắt xảy ra; “đục nước béo cò”, quyền lực sẽ rơi vào nhóm có tổ chức và kỹ luật nhất – nhóm Huynh-Đệ-Hồi-Giáo – kiểm soát tình hình. Hoa kỳ, Do Thái BỊ VỠ THẾ TRẬN VÙNG TRUNG ĐÔNG. Quá khích Hồi Giáo trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức cả thế giới tự do, cũng như ảnh hưởng,vị thế cuả Mỹ .
nguyen tuong ba
Tôi thấy dấu hiệu nhiều thành phần quân đội đã ngả sang phe biểu tình.Tôi không nghĩ phe Hồi quá khích sẽ nắm quyền ở Ai Cập (Ai Cập giống Nam Dương )
và tôi cũng thấy thanh niên Ai Cập rất dân chủ.Cuộc cách mạng ở đây đã bắt
đầu ,không cản nổi.
Nguyễn Tường Bá