Yếu tố biển sẽ tiếp tục trở nên quan trọng hơn trong các thập kỷ tới, khi Đông Nam Á và Đông Á tiếp tục phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng địa chiến lược của yếu tố biển, từ Vịnh Arập và Ấn Độ Dương qua ĐNA và biển Đông tới Tây Thái Bình Dương.
Có vẻ như Đông Nam Á vẫn tiếp tục là tâm điểm nóng trong thời gian tới. Vừa rồi, chuyên gia quân sự cao cấp, giám đốc Diễn đàn nghiên cứu quốc phòng, ĐH New South Wales, Úc, GS Carl Thayer vừa công bố báo cáo hơn 70 trang về an ninh Đông Nam Á.
Ít nhất có 8 xu hướng đang định hình môi trường an ninh ở Đông Nam Á (ĐNA) trong vòng 5 năm tới.
Khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn là “bánh lái” quan trọng nhất đối với sự năng động trong từng nước ở khu vực ĐNA. Nó khiến cho tất cả các nước nhận ra rằng phục hồi kinh tế toàn cầu là điều kiện tiên quyết để tiếp tục đạt tăng trưởng kinh tế quốc gia. Sự phục hồi sau khủng hoảng chỉ có thể diễn ra thông qua hợp tác đa phương cấp cao và phối kết hợp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, đi đôi với những gói kích thích kinh tế trong nước.
Kết quả thực sự của khủng hoảng tài chính toàn cầu là thúc đẩy sự dịch chuyển quyền lực từ Bắc Mỹ và châu Âu sang Đông Á. Biểu hiện mạnh mẽ nhất của sự dịch chuyển này là củng cố sự nổi lên của Trung Quốc thành một sức mạnh chính trong mọi chiều kích của quyền lực quốc gia. Trung Quốc hiện đang đóng một vai trò lãnh đạo khu vực và toàn cầu thông qua nhóm G-20 và ASEAN +3. Trung Quốc đã sử dụng vị trí mới của mình để thúc đẩy các thỏa thuận điều chỉnh và giám sát mạnh mẽ hơn đối với các thể chế tài chính quốc tế và một tầm ảnh hưởng lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong các vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong khu vực.
Sự nổi lên của Trung Quốc thành một cường quốc có thể tạo thành một đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm ẩn đối với Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương cũng như ở ĐNA. Sự năng động trong quan hệ Trung – Mỹ sẽ có tác động lớn đến môi trường an ninh tại ĐNA.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến ĐNA trở nên phụ thuộc lẫn nhau và dễ bị tổn thương hơn trước các lực lượng toàn cầu. Nó cũng gây ra một sự chuyển dịch sức mạnh khu vực, góp phần tạo ra sự nổi lên của Indonesia và Việt Nam thành các tác nhân chính trong khu vực. Cả hai nước này đã nổi lên từ cuộc khủng hoảng toàn cầu với một vị thế mạnh hơn nhờ các chương trình phục hồi trong nước và khả năng duy trì sự ổn định nội bộ. Indonesia và Việt Nam được cho là sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn hơn trong việc định hình môi trường an ninh ĐNA.
Hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc
Có một mối liên hệ trực tiếp giữa tăng trưởng kinh tế mang tính hiện tượng của Trung Quốc với sự gia tăng ngân sách quốc phòng để hỗ trợ việc hiện đại hóa và biến đổi các lực lượng quân sự của nước này. Việc này có ý nghĩa cả về mặt khu vực và chiến lược.
Lực lượng Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLAN) đang gia tăng các vai trò và nhiệm vụ cho phép lực lượng này tác nghiệp bên ngoài phạm vi lợi ích lãnh thổ của họ ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải). Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, cho rằng ý định chiến lược đằng sau sự phát triển các khả năng mới của quân đội Trung Quốc dường như “tập trung nhiều vào Hải quân Mỹ và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực này”. Đặc biệt, việc xây dựng căn cứ quân sự Ngọc Lâm (Yulin) gần Tam Á (trên đảo Hải Nam) đã cho phép Trung Quốc có sự hiện diện quân sự trước để thực hiện ý đồ đòi chủ quyền trên Biển Đông và bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển qua eo biển Malacca và Singapore.
Nói tóm lại, sự hiện đại hóa và chuyển hóa quân sự của Trung Quốc, chủ yếu là hiện đại hóa Hải quân, đã tạo ra một thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh đối với các nước trong khu vực. Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bằng cách phát triển cái mà họ gọi là một cấu trúc lực lượng hợp lý để răn đe Mỹ, đã gây ra tình trạng bất an ở nhiều quốc gia láng giềng vì sự thiếu minh bạch của Trung Quốc.
Cam kết tăng cường của Mỹ
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc khủng hoảng toàn cầu đã làm hoen ố uy tín lãnh đạo thế giới của Mỹ và hủy hoại sức hấp dẫn của mô hình phát triển kinh tế kiểu tư bản dựa trên thị trường tự do. Về mặt chiến lược, cuộc khủng hoảng này đã dẫn tới sự giảm sút chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong những lĩnh vực sống còn nếu Mỹ muốn duy trì vai trò độc tôn về công nghệ. Tóm lại, Mỹ sẽ có ít nguồn lực hơn để định hình các phát triển chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có ĐNA. Trong thập kỷ tới, Mỹ thậm chí sẽ phải dựa nhiều hơn vào các đồng minh và đối tác chiến lược của mình để hợp tác đảm bảo an ninh khu vực.
Sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến một số chuyên gia phân tích chiến lược nói về nguy cơ xói mòn quyền lực Mỹ và đánh mất ưu thế chiến lược của Mỹ. Nước Mỹ đã đáp lại bằng cách tăng cường biểu dương sức mạnh quân sự và tiếp tục các cam kết chính trị với khu vực. Trong vài thập kỷ tới, Mỹ sẽ giữ được vai trò lãnh đạo thế giới, đồng thời duy trì vai trò là một sức mạnh hải quân hàng đầu ở châu Á – Thái Bình Dương và ĐNA.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra đúng vào giai đoạn chuyển giao trong nền chính trị Mỹ. Chính quyền Obama đã đem đến xung năng mới đến cam kết của Mỹ với ĐNA. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một bài phát biểu hồi tháng 1/2010 tại Trung tâm Đông – Tây đã khẳng định: “Mỹ đang trở lại châu Á”.
Bà Clinton đã chọn Indonesia là điểm đến trong chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên của mình. Bà đã tham dự các cuộc hội nghị liên tiếp của ARF kể từ khi đảm nhiệm chức Ngoại trưởng và tại cuộc họp đầu tiên của mình, bà đã phát động Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong. Mỹ đã thúc đẩy Hiệp định Thân thiện và Hợp tác, chỉ định một đại sứ thường trực tại ASEAN. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng đã thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do với một số nước trong khu vực như Việt Nam, dưới dạng chương trình Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ý nghĩa hơn, Tổng thống Obama đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN – Mỹ đầu tiên và sẽ chủ trì cuộc họp thứ hai; ông cũng đã lên kết hoạch tiến hành một chuyến thăm Indonesia.
Rõ ràng, chính quyền Obama không chỉ cam kết với ĐNA, mà còn muốn làm nhiều hơn chính phủ tiền nhiệm trong việc tham gia thông qua các kênh đa phương. ASEAN đã đáp lại bằng việc mời Mỹ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tóm lại, cam kết tăng cường của Mỹ sẽ đóng vai trò lớn trong việc gây ảnh hưởng tới môi trường an ninh ĐNA.
Gia tăng mua sắm vũ khí
Như đã nói ở trên, việc hiện đại hóa và chuyển hóa quân sự của Trung Quốc đã gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan đối với các nước trong khu vực. Các nước ASEAN tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố chung, song có thể thấy rõ mối lo ngại của họ trong sự gia tăng đáng kể của ngân sách dành cho quốc phòng và các hệ thống vũ khí mà họ trang bị mới.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, các đơn hàng vũ khí tới ĐNA đã tăng gần gấp đôi trong các năm 2005-2009 so với 2000-2004. Riêng Malaysia tăng 722%, Singapore tăng 146% và Indonesia tăng 84%. “Bữa tiệc” chi tiêu quốc phòng ĐNA, dù chủ yếu nhằm mục đích quốc phòng, nhưng cũng có thể gây bất ổn đối với an ninh khu vực.
Tầm quan trọng ngày càng lớn của yếu tố biển
Yếu tố biển sẽ tiếp tục trở nên quan trọng hơn trong các thập kỷ tới, khi ĐNA và Đông Á tiếp tục phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng địa chiến lược của yếu tố biển, từ Vịnh Arập và Ấn Độ Dương qua ĐNA và Biển Đông tới Tây Thái Bình Dương.
Xu hướng này có cả những mặt tích cực và tiêu cực. Một mặt, tất cả các nước châu Á – Thái Bình Dương sẽ có một lợi ích chung lớn trong việc duy trì an ninh cho các tuyến đường thương mại mà sự thịnh vượng kinh tế cũng như an ninh quốc gia của họ phụ thuộc vào. Đây cũng sẽ là trường hợp đặc biệt đối với các nền kinh tế Đông Á, vốn phụ thuộc vào các đường giao thông trên biển đi qua ĐNA để giao thương và nhập khẩu các nguồn năng lượng sống còn. Tầm quan trọng ngày càng lớn của yếu tố biển làm nổi lên khả năng tăng cường hợp tác đa phương để đảm bảo an ninh biển.
Mặt khác, các tuyến đường giao thông trên biển đi qua Biển Đông, nơi đang diễn ra tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Rõ ràng các chương trình hiện đại hóa và chuyển hóa quân sự hiện nay có những đặc điểm của một cuộc chạy đua vũ trang hải quân mang tính cạnh tranh hơn là các chiến lược hợp tác trên biển.
Ngày càng có nhiều vấn đề xuyên quốc gia
Tất cả các nước ASEAN đều nhấn mạnh đến sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống như một nhân tố chính sẽ ảnh hưởng tới môi trường an ninh khu vực. Vì các vấn đề này có bản chất xuyên quốc gia và vượt ra ngoài khả năng giải quyết của bất kỳ nước nào, nên chúng mở ra các khả năng hợp tác an ninh đa phương. Vì vậy các nước ĐNA đã ưu tiên cho hợp tác an ninh để đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống.
Tuy nhiên, hiện chưa có sự thống nhất về vấn đề phi truyền thống nào sẽ phải được coi là một mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Theo Toàn cảnh An ninh Thường niên 2009 của AFF, có 12 mối đe dọa an ninh phi truyền thống: chủ nghĩa khủng bố, hải tặc, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, buôn ma túy, buôn người, nhập cư trái phép, chặt phá rừng trái phép, đánh bắt hải sản trái phép, cúm gia cầm, cúm A/H1N1 và biến đổi khí hậu.
Sự dai dẳng của các “thách thức an ninh thường nhật trong nước”
Ít nhất 7 trong số 11 nước ĐNA đang bị ảnh hưởng bởi các thách thức an ninh trong nước ở mọi cấp độ, trong đó bạo lực đã được sử dụng để phục vụ cho các lợi ích của một nhóm đặc biệt hoặc một tác nhân phi nhà nước. Trong năm qua, Malaysia, Indonesia, Lào đã chứng kiến các cuộc nổi dậy lác đác của các phe phái hoặc bạo lực sắc tộc. Trong khi đó, Thái Lan, Myanmar và Philippines tiếp tục phải chịu tình trạng bất ổn chính trị và sự nổi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và sắc tộc, xung đột sắc tộc, và chủ nghĩa ly khai… Campuchia và Thái Lan bị kéo vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ liên quan đến vùng đất xung quanh một ngôi đền cổ ở khu vực biên giới hai nước.
Các “thách thức an ninh thường nhật trong nước” sẽ còn dai dẳng trong thập kỷ tới. Các cuộc xung đột ở miền Nam Thái Lan và Nam Philippines, và tình hình chính trị bất ổn ở Myanmar, nếu không được giải quyết sẽ lan rộng và ảnh hưởng tới an ninh của các quốc gia láng giềng.
Biến đổi cấu trúc an ninh khu vực
Từ khi khởi động ARF, ASEAN đã nhấn mạnh đến mục tiêu ngồi vào “chiếc ghế lái tàu”. Nhưng dù đạt được một số thành tựu, nhưng ARF vẫn là một diễn đàn đối thoại an ninh thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs) trên cơ sở đồng thuận và theo một lộ trình phù hợp với tất cả các thành viên.
ĐNA vẫn thiếu một cơ quan quản lý an ninh chung để đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh cố hữu và mới xuất hiện ngày nay. Tình trạng này dẫn tới các nỗ lực đặc biệt, như Sáng kiến phòng chống phố biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) để chống nguy cơ buôn bán liên quan đến phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, và Đối thoại Shangri-La để thảo luận các thách thức an ninh đặc biệt.
Hiện tại, có một loạt các đề xuất cải tiến cấu trúc an ninh hiện nay. Trung Quốc đang thúc đẩy Liên minh viễn thông châu Á – Thái Bình Dương (APT) để đóng một vai trò lớn hơn trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Nhiều Thủ tướng Nhật Bản đã đề xuất một cộng đồng Đông Á, trong khi cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd ủng hộ một cộng đồng bao gồm cả châu Á – Thái Bình Dương. Tất cả các đề xuất này đang thách thức ASEAN.
Một trong những xu hướng an ninh lớn hiện nay liên quan đến ĐNA là vai trò đầu tàu của ASEAN trong việc tạo ra một cộng đồng an ninh – chính trị nhằm củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Tóm lại, môi trường an ninh tại ĐNA đang bị quyết định bởi các xu hướng trong từng nước, rộng hơn là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy nhanh sự nổi lên của Trung Quốc cũng như quá trình hiện đại hóa quân sự và tầm ảnh hưởng của nước này trong các vấn đề khu vực.
Bên cạnh đó có một diễn biến khác là sự bá quyền của Mỹ đang suy yếu. Mỹ đã đáp lại bằng việc tăng cường hiện diện quân sự và tái cam kết với ĐNA. Hai xu hướng này đã dẫn tới những vụ va chạm trên biển và cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm giành ảnh hưởng tại ĐNA.
Các nước quan trọng ở ĐNA đã phản ứng bằng việc áp dụng các biện pháp “tự cứu mình” là tăng cường các khả năng quốc phòng và theo đuổi các chiến lược bao vây như một lời đáp trước những chuyển biến về địa chính trị đang diễn ra trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giữa các nước ĐNA, một sự chuyển đổi trọng tâm quyền lực cũng đang diễn ra với sự nổi lên của Indonesia và Việt Nam như những nhân vật chính.
Các mô hình hợp tác an ninh tại ĐNA
Có bốn mô hình hợp tác an ninh chính tại ĐNA. Đầu tiên là hợp tác quốc phòng đa phương giữa các nước lớn bên ngoài với từng nước ĐNA nhằm đối phó với các mối lo ngại an ninh đặc biệt. Thỏa thuận Quốc phòng Năm nước (FPDA) và các nỗ lực chống hải tặc theo sáng kiến của Nhật Bản là những ví dụ điển hình cho mô hình này.
Mô hình thứ hai liên quan đến hợp tác an ninh và quốc phòng do Mỹ đứng đầu với các liên minh thỏa thuận, các đối tác chiến lược và các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mô hình thứ ba tập trung vào các nỗ lực đa phương mà Trung Quốc dẫn đầu nhằm trói ASEAN vào một cấu trúc hợp tác an ninh khu vực Đông Á với trọng tâm chính là các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Mô hình thứ tư liên quan đến các nỗ lực đa phương do ASEAN làm trọng tâm nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh kể cả giữa các thành viên Khối này với các đối tác đối thoại, và giữa các thành viên trong ARF.
Hợp tác đa phương không có ASEAN
Thỏa thuận FPDA có hiệu lực từ năm 1971 giữa các nước Anh, Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore. Đây không phải là một liên minh. FPDA hiện là thỏa thuận đa phương lâu đời nhất – nếu không muốn nói là duy nhất – có quy mô hoạt động ở ĐNA.
Cơ quan chính sách cấp cao nhất là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng FPDA, họp ba năm một lần nhằm lập ra định hướng chiến lược. Năm 2000, các Bộ trưởng Quốc phòng đã đặt nền móng cho sự chuyển đổi lớn nhất trong lịch sử của FPDA. Hệ thống phòng thủ chồng lấn nhằm hỗ trợ nhau (IADS) được cấu trúc lại thành lực lượng Phòng thủ vùng trời chồng lấn, và sau đó là lực lượng Phòng thủ khu vực chồng lấn. Quyết định này đã mở ra một thời kỳ phát triển và biến đổi.
Năm 2003, các Bộ trưởng nhất trí rằng FPDA phải trở nên thích ứng hơn bằng việc tìm cách đối phó với các đe dọa mới. Năm 2004, các Bộ trưởng định hướng rằng FPDA phải kết hợp các kịch bản đe dọa phi thông thường trong các cuộc tập trận của mình, với trọng tâm đặc biệt là môi trường biển. Và trận sóng thần bất ngờ ở Ấn Độ Dương năm 2004 đã khiến FPDA đóng vai trò hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai. Tháng 6/2006, FPDA ủng hộ đề xuất của Malaysia về việc thành lập một trung tâm cứu hộ thiên tai khu vực. Và dần dần, các cuộc tập trận của FPDA đã có sự tham gia của các cơ quan phi quân sự.
Tuy nhiên, FPDA không lơ là vai trò của mình trong việc đối phó với các mối đe dọa thông thường. Trong 39 năm qua, FPDA đã phát triển và thích ứng với sự thay đổi môi trường chiến lược. FPDA đã dần dần mở rộng các trọng tâm của mình từ phòng thủ thông thường ở vùng trời trên bán đảo Malaysia và Singapore ra tận biển Đông, thông qua một loạt các cuộc tập trận phòng không thường niên tới các cuộc tập trận quân sự chung và kết hợp quy mô lớn nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh thông thường và phi thông thường mới xuất hiện.
Bên cạnh FPDA, hợp tác chống hải tặc do Nhật Bản đứng đầu là một ví dụ điển hình khác cho mô hình hợp tác đa phương ngoài ASEAN. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) bị hạn chế bởi hiến pháp về các dạng hợp tác phòng thủ và an ninh với các nước khác. Tuy nhiên, sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Nhật Bản đã thông qua một điều luật cho phép SDF tham gia các nhiệm vụ lớn hơn ở biển xa. Chính điều này dẫn tới sự can dự nhiều hơn của Nhật Bản vào các vấn đề an ninh trong khu vực.
Đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản vào hợp tác an ninh ở ĐNA là việc thúc đẩy các biện pháp chống hải tặc. Nhật Bản liên tiếp đưa ra sáng kiến Thỏa thuận Hợp tác Khu vực về chống hải tặc và các vụ cướp vũ khí trên tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP). Đây là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên nhằm đảm bảo an ninh biển trong khu vực. Tuy nhiên, đến năm 2004, tất cả các nước ASEAN đã trở thành thành viên của ReCAAP, cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka.
Sân khấu hợp tác an ninh của Mỹ
Hợp tác an ninh và phòng thủ của Mỹ với ĐNA – mô hình thứ hai – là tiền thân của FPDA và tập trung vào các đồng minh thỏa thuận (Philippines và Thái Lan), cũng như các đối tác chiến lược mới như Singapore. Trong quá khứ, cam kết an ninh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo mô hình “nan hoa xe đạp” với Mỹ là trung tâm. Ngày nay, với sự ra đời của ASEAN và ARF, Mỹ tiếp tục đặt ưu tiên phát triển các quan hệ an ninh song phương và đa phương dưới vai trò lãnh đạo của Mỹ.
ĐNA được xếp vào Khu vực trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, kéo dài từ châu Á – Thái Bình Dương qua Hawaii, tới bờ biển phía Tây châu Phi. Đánh giá quốc phòng 2010 của Mỹ xác định ba nhóm đối tác an ninh: đồng minh chính thức (Philippines và Thái Lan), đối tác chiến lược (Singapore) và các đối tác chiến lược triển vọng (Indonesia, Malaysia và Việt Nam).
Với Philippines, các vụ tấn công ngày 11/9 đã tạo một bối cảnh chiến lược mới cho các quan hệ quốc phòng hai nước. Các cuộc tập trận song phương thường niên đã bao gồm cả huấn luyện quân sự phối hợp dân – quân, các dự án nhân đạo và xây dựng khả năng cứu hộ thiên tai. Quan hệ quốc phòng và an ninh đã mở rộng dần dần và hiện Mỹ đã hỗ trợ cho cải cách phòng ở Philippines, chuyển vai trò của lực lượng vũ trang Philippines (AFP) từ các chiến dịch an ninh trong nước sang bảo vệ lãnh thổ, bao gồm cả phát triển một khả năng phòng thủ biển vào năm 2016. Philippines hiện được nhận phần lớn thứ ba trong Quỹ giáo dục và quân sự quốc tế (IMET) của Mỹ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với Thái Lan, quan hệ Mỹ – Thái dựa trên Hiệp ước an ninh tập thể ĐNA (thỏa thuận Manila). Hỗ trợ an ninh của Mỹ nhằm tăng cường các khả năng tác chiến chung, bao gồm cứu hộ cứu nạn thiên tai. Cuộc tập trận do Mỹ và Thái Lan chủ trì mang tên Rắn hổ mang Vàng (Cobra Gold) là sự kiện hàng đầu của PACOM và cũng là cuộc tập trận đa phương lớn nhất trong khu vực. Năm 2010, cuộc tập trận lần thứ 30 có sự tham gia của Thái Lan, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc, cùng các nước quan sát viên từ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Malaysia sẽ đăng cai tập trận này vào năm 2011. Cũng như các cuộc tập trận của FPDA nói ở trên, cuộc tập trận Rắn hổ mang Vàng trong những năm gần đây đã chuyển trọng tâm từ các kịch bản truyền thống sang các vấn đề an ninh phi truyền thống như gìn giữ hòa bình và cứu hộ cứu nạn.
Với Singapore, năm 1990 nước này đã ký với Mỹ một thỏa thuận quân sự cho phép các máy bay chiến đấu của Mỹ tiến hành tập trận định kỳ và cho phép tàu chiến Mỹ được cập cảng. Năm 1992, đơn vị hậu cần của Hải quân Mỹ đã chuyển từ vịnh Subic sang Singapore. Năm 1998, Singapore đã bắt đầu xây dựng các công trình cầu cảng để phục vụ các chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ tại căn cứ hải quân Changi. Bước chuyển biến lớn nhất trong quan hệ quốc phòng song phương diễn ra tháng 7/2005, khi Singapore và Mỹ ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng và khung chiến lược, công nhận Singapore là một đối tác hợp tác an ninh chính. Hai nước này đã có nhiều trao đổi về công nghệ và khoa học quân sự và tiến hành nhiều cuộc tập huấn quân sự nhằm đối phó với các mối đe dọa chung như chủ nghĩa khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hai đối tác này cũng chia sẻ những lợi ích chung về an ninh biển. Singapore đã đăng cai cuộc tập trận PSI chung đầu tiên ở châu Á hồi tháng 8/2005. Năm 2007, nước này đã tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với lực lượng hải quân Mỹ và Ấn Độ gần bờ Đông eo biển Malacca.
Với Indonesia, quan hệ quốc phòng và an ninh Mỹ – Indonesia cũng được làm mới và nâng cấp sau các vụ khủng bố 11/9. Các lực lượng vũ trang Indonesia hiện đóng một vai trò lớn hơn trong các sự kiện và các cuộc tập trận đa phương do Mỹ tài trợ, tập trung vào cứu hộ cứu nạn và gìn giữ hòa bình, như cuộc tập trận Garuda Shield. Với Malaysia, khi Mỹ mất các căn cứ ở Philippines, Malaysia đã nhanh chóng mời các tàu chiến Mỹ thăm cảng nước mình. Hai bên đã tiến hành tập trận Cope Taufan. Hiện Mỹ đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Malaysia. Còn với Việt Nam, quan hệ Việt – Mỹ đã được nâng cấp với sáng kiến tổ chức Đối thoại quốc phòng, An ninh và Chính trị lần đầu tiên. Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã thăm Washington và nhất trí mở các cuộc đối thoại quân sự trực tiếp với Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng tài trợ cho một loạt chương trình an ninh đa phương liên quan đến các nước ĐNA thông qua nhiều cơ quan chính phủ. Có thể kể đến Lực lượng Hỗ trợ đa quốc gia có kế hoạch (MPAT); chương trình Diễn tập Hợp tác sẵn sàng chiến đấu và Huấn luyện trên biển (CARAT), chương trình Hợp tác ĐNA chống khủng bố, Sáng kiến Chiến dịch Hòa bình toàn cầu (GPOI). Nhiều trong số các chương trình hợp tác này là nhằm đối phó với các thách thức an ninh xuyên quốc gia như chống khủng bố, kiểm soát xuất khẩu, giải giáp và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống sản xuất và buôn ma túy, và tội phạm xuyên quốc gia.
Trung Quốc và hợp tác an ninh đa phương
Quan hệ Trung Quốc với ĐNA đã chứng kiến một thay đổi lớn trên biển vào những năm 1990. Trung Quốc và Indonesia đã thiết lập lại quan hệ và mở ra cánh cửa cho Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Singapore và Brunei. Năm 1994, Trung Quốc trở thành một thành viên sáng lập ARF. Năm tiếp theo, Trung Quốc chính thức được chấp nhận quy chế đối tác đối thoại của ASEAN. Từ năm 1997, khi Trung Quốc đưa ra cái gọi là “khái niệm an ninh mới”, họ đã trở thành một người đề xướng năng động cho hợp tác an ninh đa phương ở ĐNA. Trung Quốc đã đưa ra khái niệm này tại hội nghị ARF về CBMs ở Bắc Kinh tháng 3/1997. Bốn tháng sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc chính thức trình khái niệm này lên hội nghị ARF lần thứ 4 ở Malaysia.
Rõ ràng Trung Quốc muốn nhắm tới hai mục tiêu. Đầu tiên là phát triển một quan hệ mật thiết hơn với ASEAN thông qua việc “nói về đối thoại” nhằm thuyết phục các thành viên ASEAN rằng sự nổi lên của Trung Quốc hoàn toàn mang tính hòa bình. Mục tiêu thứ hai là phá hoại cấu trúc liên minh hiện có của Mỹ. Điều này đã được khẳng định trong bài phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào năm 2000, khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Ông cho rằng: “Một trật tự an ninh mới nên được thiết lập để đảm bảo thực sự quan hệ hợp tác tôn trọng lẫn nhau, đồng thuận thông qua tham vấn và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thay vì đối đầu, dọa nạt và áp đặt.”
Tháng 11/2002, quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã được nâng cấp với việc ký kết hai văn bản quan trọng, một tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Năm 2003, Trung Quốc tham gia Hiệp ước Hợp tác và Bằng hữu ASEAN và trở thành một đối tác chiến lược của ASEAN. Năm 2004, ASEAN và Trung Quốc đã nâng quan hệ lên “chiến lược nâng cao”. Cuối năm 2006, Trung Quốc và ASEAN đã ký 28 “cơ chế khung hợp tác”, trong đó có các cuộc tham vấn định kỳ giữa các quan chức cấp cao về chiến lược và hợp tác an ninh chính trị, một hội nghị thường niên các Bộ trưởng Ngoại giao, và một hội nghị cấp cao thường niên ASEAN – Trung Quốc.
Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN phát triển chậm chạp. Hoạt động đầu tiên liên quan đến quốc phòng theo Kế hoạch Hành động năm 2004 là cuộc hội thảo về an ninh khu vực giữa các quan chức quốc phòng hai bên tại Bắc Kinh tháng 7/2006. Tháng 11/2007, Trung Quốc đã đề xuất một loạt sáng kiến về hợp tác an ninh phi truyền thống tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3. Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác quốc phòng được thể chế hóa và các trao đổi quân sự với các nước thành viên. Đầu năm 2008, Trung Quốc tổ chức cuộc đối thoại Trung Quốc – ASEAN đầu tiên.
Khi Trung Quốc tham gia ARF, họ còn nghi ngờ về các hoạt động đa phương có thể làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, dần dần Trung Quốc đã gắn bó với hợp tác an ninh đa phương trong khuôn khổ ARF và đóng một vai trò đặc biệt tích cực.
Hợp tác an ninh với ASEAN là trung tâm
Mô hình cuối cùng về hợp tác an ninh trong khu vực ĐNA tập trung vào chính ASEAN. Từ khi thành lập năm 1967, ASEAN đã thiết lập một mạng lưới dày đặc các cấu trúc cấp bộ trưởng trở xuống nhằm xử lý các vấn đề xuyên quốc gia. Bốn cơ quan đóng vai trò chính là Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), Cơ quan cảnh sát trưởng quốc gia ASEAN (ASEANAPOL), Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về ma túy, và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN.
Cơ quan lâu đời nhất trong ASEAN đối phó với các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia là ASEANAPOL, thành lập năm 1981, với nhiệm vụ ban đầu là chống buôn lậu ma túy. Trong hai thập kỷ rưỡi qua, ASEANAPOL đã quan tâm xử lý một loạt vấn đề rộng hơn, bao gồm buôn lậu, rửa tiền, nhập cư trái phép, hải tặc và khủng bố.
Tuy nhiên phải đến năm 2006, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mới cùng nhau tìm cách đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Các sự kiện ngày 9/11, các vụ đánh bom năm 2002 và 2005 vào Bali, vụ đánh bom đại sứ quán Austalia tại Indonesia năm 2004 và các vụ đánh bom các khách sạn ở Jakarta năm 2009 đã đưa nhiệm vụ chống khủng bố vào chương trình an ninh của ASEAN. ASEAN đã tiến một bước lớn vào năm 2006 khi thông qua Công ước của ASEAN về chống khủng bố, tại hội nghị thượng đỉnh thứ 12. Đây là thỏa thuận pháp lý đầu tiên chống khủng bố của ASEAN. Hiện, các nước thành viên đang phê chuẩn.
Năm 2004 và 2005, ĐNA phải hứng chịu hai thảm họa thiên nhiên lớn, trận sóng thần ở Ấn Độ Dương và bão Nargis. Các sự kiện này cũng đã làm nổi lên tầm quan trọng của công tác cứu hộ cứu nạn như một thách thức an ninh phi truyền thống phải được ưu tiên đối với ASEAN.
ARF là một diễn đàn đối thoại an ninh khu vực ASEAN gồm 27 nước thành viên. Năm 2002, trong một động thái nhằm đem đến một hơi thở mới cho ARF, Hội nghị Chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (ISM CT/TC) đã được thành lập và phát triển kế hoạch làm việc đa năng, đề ra nhiều sáng kiến hợp tác và đề xuất biện pháp chống khủng bố. Từ năm 2002-2008, mối đe dọa khủng bố ở ĐNA đã giảm. Đáp ứng với thay đổi này, năm 2009, ARF đã thông qua một kế hoạch hành động mới với trọng tâm đặc biệt là chống buôn lậu ma túy, chủ nghĩa khủng bố sinh học và an ninh mạng. Năm 2005, sau các trận sóng thần và bão Nargis, ARF khôi phục cơ chế ISM cứu hộ thiên tai (ISM DR) và từ đó đến nay đã trải qua 10 cuộc họp. Một mốc lịch sử quan trọng nữa, ARF đã thông qua Thông cáo của ARF về Đối phó với thiên tai và Xử lý tình trạng khẩn cấp, và Hướng dẫn chung của ARF về Hợp tác cứu hộ thiên tai.
ARF hiện đã sẵn sàng chuyển từ pha một với việc nhấn mạnh đến các biện pháp CBMs, sang pha thứ hai là ngoại giao phòng ngừa. Hiện các quan chức cấp cao ARF đang nghiên cứu một kế hoạch hành động ngoại giao phòng ngừa nhằm phát triển các biện pháp để đối phó với các lĩnh vực ưu tiên như các thách thức an ninh phi truyền thống và các biện pháp ngoại giao phòng ngừa kiên quyết nhằm thúc đẩy hợp tác hòa bình và tránh để các tranh chấp và xung đột leo thang thành các cuộc xung đột vũ tran.
Tác giả: Carl Thayer
Quốc Thái biên dịch từ Australian Strategic Policy Institute
[Nguồn: Tuần Việt Nam]