Những người biểu tình đòi dân chủ ở HK ngày 28 tháng 9 năm 2014. AFP PHOTO/XAUME OLLEROS
Thỏa thuận về đối thoại giữa những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong và chính phủ mới đây đã tan vỡ gây ra những lo ngại về những bất ổn chính trị kéo dài tại Hong Kong. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Bruce Dickson, giảng dạy môn khoa học chính trị và bang giao quốc tế, Giám đốc Trung tâm Sigur về Châu Á thuộc đại George Washington để tìm hiểu câu trả lời.
Lo ngại bất ổn chính trị
Việt Hà: Thưa giáo sư, những người biểu tình ở Hong Kong cho rằng chính phủ đã không giữ lời hứa cho phép họ được tự do bầu chọn người đứng đầu đặc khu vào năm 2017, theo ông điều gì khiến Bắc Kinh bỏ lời hứa của mình?
Họ có thể có những đối thoại về những vấn đề khác nhau nhưng những lãnh đạo của Hong Kong không thể nào có thể thực sự đáp ứng được yêu cầu của những người biểu tình. -GS Bruce Dickson
GS Bruce Dickon: Theo quan điểm của Bắc Kinh thì đây là một sự làm rõ luật hơn là một sự thay đổi, tức là người dân vẫn được quyền bầu cử nhưng các ứng cử viên cần phải qua xét duyệt trước đó. Đây là điều mà người Hong Kong không muốn nhưng đối với những người vốn nghi ngờ về khả năng Trung Quốc cho Hong Kong dân chủ toàn bộ thì quyết định này không có gì đáng ngạc nhiên.
Việt Hà: Trong cuộc biểu tình của người Hong Kong vào năm 2003 phản đối dự luật an ninh, chính phủ Hong Kong cuối cùng đã phải nhượng bộ, không thông qua dự luật gây nhiều tranh cãi. Lần này, hai bên cũng đã đồng ý có những đối thoại, theo ông, chúng ta có thể hy vọng là chính quyền sẽ lại nhượng bộ như trước kia hay không?
GS Bruce Dickson: Tôi không hy vọng là có kết quả đáng kể gì từ những đối thoại giữa hai phía. Phần lớn các quyết định liên quan đến Hong Kong đều do Bắc Kinh quyết định chứ không phải những lãnh đạo Hong Kong. Cho nên họ có thể có những đối thoại về những vấn đề khác nhau nhưng những lãnh đạo của Hong Kong không thể nào có thể thực sự đáp ứng được yêu cầu của những người biểu tình. Vì thế không thể biết được họ sẽ đạt được gì qua đối thoại. Nhưng hãy nhìn vào thực tế là số người biểu tình đã giảm trong những ngày vừa qua, điều này cho thấy ý kiến của công chúng nói chung không đứng về phe của những người biểu tình cho nên sức nặng mặc cả từ phe biểu tình cũng giảm đi trong đối thoại như là hậu quả của thực tế này.
Việt Hà: Theo ông kết quả của những đối thoại này sẽ có tác động thế nào lên Bắc Kinh và Hong Kong?
GS Bruce Dickson: Phong trào dân chủ tại Hong Kong đã diễn ra từ lâu, ngay cả trước khi những cuộc biểu tình này nổ ra và nó sẽ vẫn tiếp tục. Nhưng liệu họ có được sự ủng hộ từ công chúng nói chung như những gì mà họ đã nhận được trong khoảng 10 ngày qua hay không thì đó là một phép thử thực sự. Nếu kết cục là chỉ có những cá nhân đòi dân chủ cứng rắn vẫn cam kết với những gì họ đang làm thì sẽ không có thay đổi gì nhiều. Nếu kết cục là họ có được sự hậu thuận mạnh mẽ từ công chúng thì điều này sẽ giúp tạo thay đổi nhưng cho đến lúc này điều này vẫn chưa rõ ràng.
Việt Hà: Bắc Kinh lần này tỏ ra khá kiềm chế trong việc đối phó với những người biểu tình, mặc dù đã có những ý kiến lo ngại về khả năng họ sử dụng bạo lực như trường hợp Thiên An Môn hồi năm 1989. Ông đánh giá thế nào về phản ứng của Bắc Kinh lần này? Tại sao họ làm vậy?
GS Bruce Dickson: Cho đến lúc này họ đã xử lý vấn đề khá tốt. Họ có những bài xã luận mạnh mẽ phản ứng lại phong trào, chỉ trích những cuộc biểu tình nhưng họ chỉ dừng lại ở đó. Bây giờ khi số người biểu tình giảm đi thay vì duy trì ở mức độ cũ hoặc thậm chí tăng lên cho nên họ không cần thiết phải làm những gì mà họ đã từng làm. Lập trường của họ là chờ đợi xem diễn biến tình hình ra sao cuối cùng đã cho thấy là họ thực hiện một chiến lược tốt để đối phó với những cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Việt Hà: Theo ông những gì đang diễn ra tại Hong Kong có tác động thế nào đối với các phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở ngay tại Trung Quốc nói riêng và ở khu vực nói chung?
GS Bruce Dickson: Những vấn đề của Hong Kong rất là đặc trưng cho nơi này nên rất khó để có thể làm một tổng quát chung dựa vào những cuộc biểu tình vừa diễn ra tại đây và sự liên quan của nó đối với các nơi khác. Ngay cả ở trong Trung Quốc, người dân cũng không coi những gì đang xảy ra tại Hong Kong có liên quan đến họ và do họ quyết định. Sẽ có những nhóm người ở các nước khác nhau kêu gọi dân chủ, và điều này đã diễn ra và sẽ tiếp tục. Nhưng liệu những biểu tình ôn hòa có đạt được kết quả như ở Hong Kong hay như phong trào Hoa Hướng Dương ở Đài Loan hay không thì đó là những bài học được học bởi những người khác. Nhưng theo tôi điều quan trọng là có đủ những yếu tố đặc trưng của Hong Kong trong những vụ biểu tình này liên quan đến việc ai sẽ được bầu và ai được chọn để ứng cử sẽ không được quyết định ở Hong Kong. Cho nên sẽ rất là rủi ro khi chúng ta so sánh Hong Kong vốn rất khác biệt với các vùng khác trong khu vực.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Việt Hà, phóng viên RFA