Nhân hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và thủ tướng Anh David Cameron vào trưa nay tại Luân Đôn, hai bên ký một hiệp ước gia tăng hợp tác quốc phòng. Hiệp ước này cho phép hai cường quốc hạt nhân Âu châu duy trì thế lực trên trường quôc tế, mặc dù ngân sách của quân đội hai nước đều bị cắt giảm.
Tổng thống Sarkozy và thủ tướng Cameron tại cuộc họp thượng đỉnh Luân Đôn 2/11/10. Reuters
Theo hiệp ước này, Anh Pháp sẽ thành lập một đơn vị tác chiến chung, chế tạo máy bay trinh sát tự động, cùng thực hiện thí nghiệm nguyên tử trong các cơ sở nghiên cứu tại Pháp.
Paris và Luân Đôn còn hy vọng sáng kiến này sẽ thúc đẩy các thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu tham gia vào một chính sách phòng thủ chung. Từ Luân Đôn, thông tín viên Véronique Rigolet tường thuật :
«Hiệp ước này đúng là xuất phát từ quyết tâm chính trị, nhưng nguyên nhân đầu tiên là do khủng hoảng kinh tế bắt buộc. Luân Đôn và Paris phải ký một thỏa thuận hợp tác rộng lớn về phòng thủ chung. Vào thời điểm mà ngân sách chi tiêu quốc phòng bị giới hạn, hai cường quốc hạt nhân Âu châu hy vọng duy trì được thế lực quân sự trên thế giới bằng cách kết hợp lực lượng vũ trang đôi bên.
Từ nhiều tháng nay, bộ tham mưu hai quân đội xem xét các kế hoạch phối hợp cụ thể để lực lượng đôi bên tăng cường trợ giúp nhau trên thực tế : chẳng hạn hậu cần nước này giúp nước kia tiếp tế nhiên liệu cho máy bay, tàu rà thủy lôi hoặc cùng huấn luyện phi công và bảo trì vận tải cơ khổng lồ A-400 M.
Nếu như hai bên đã bỏ dự án chế tạo chung hàng không mẫu hạm, Anh và Pháp dự trù sản xuất hàng loạt máy bay trinh sát không người lái thế hệ mới. Quan trọng hơn nữa là hợp tác hạt nhân quân sự và « hợp đồng hành quân chung ». Nói cách khác, binh sĩ Anh và Pháp một lần nữa sẽ hoạt động chung với nhau trên chiến trường như tại Bosnia trong thập niên 1990. »
Theo AFP, cũng trong khuôn khổ hiệp ước hợp tác quốc phòng, vào năm 2016, Anh Quốc sẽ cho hạ thủy một chiếc hàng không mẫu hạm có hệ thống phóng máy bay như chiếc Charles De Gaule của Pháp. Như vậy, từ năm 2020, Anh Pháp có thể bố trí lực lượng máy bay chiến đấu trên hai hàng không mẫu hạm này.
Anh Vũ