Khi Tổng Thống Barack Obama tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các lãnh tụ của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean) ở California từ thứ hai tới đây, một mục tiêu căn bản là một quốc gia không hiện diện trong cuộc họp, đó là Trung Cộng.
Kể từ khi chính phủ Obama bắt đầu “chuyển hướng sang Á Châu vào năm 2011, Hoa Kỳ đã trực tiếp cạnh tranh với Trung Cộng cho quyền lực kinh tế ở Đông Nam Á, và ảnh hưởng chính trị cũng như các dàn xếp an ninh thường đi theo.
Ông Stuart Dean, một giám đốc đã về hưu của Tập Đoàn General Electric đã trải 24 năm làm việc ở Đông Nam Á, giải thích với tờ New York Times như sau: “Có thể có một danh từ khác để diễn tả hơn là ‘Chiến Tranh Lạnh’ nhưng quả thật là có rất nhiều cạnh tranh kinh tế. Nó là một thứ giải Olympics về thương mại.”
Và như là để nhấn mạnh cái mục đích tiềm ẩn đó của cuộc họp này, nó sẽ được tổ chức ở Sunnylands Estate ở Rancho Mirage, nơi Tổng Thống Obama đã gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng cách đây ba năm.
Trong cuộc họp với các lãnh tụ của 10 quốc gia thuộc khối Asean, Tổng Thống Obama sẽ nói chuyện với một khối đại diện cho một dân số hơn 620 triệu người và một nền kinh tế tập thể khoảng 2.4 ngàn tỷ đô la, khối kinh tế lớn thứ ba ở Á Châu, chỉ sau có Trung Cộng và Nhật Bản.
Đứng về phương diện địa lý, Đông Nam Á nằm bao bọc quanh nhưng hải lộ bận rộn và chiến lược nhất của thế giới, thành ra vùng Đông Nam Á là mục tiêu chính của chính sách tái thăng bằng sang Á Châu của chính phủ Hoa Kỳ.
Trong khi các lãnh tụ chắc chắn sẽ bàn thảo về những vấn đề an ninh vùng, kể cả tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và chống khủng bố, họ cũng sẽ để một thời gian cũng tương tự như vậy cho các vấn đề kinh tế, kể cả Khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo, cũng như các chính sách nhằm thúc đẩy thêm tăng trưởng và kết hợp, cùng nhận định nhưng phương thức để khuyến khích thêm mậu dịch và đầu tư qua canh tân và kinh doanh.
Những viên chức Hoa Kỳ nói chuyện với báo chí ở Washington hôm Thứ Tư tuần rồi không đi vào chi tiết, chỉ nói cuộc họp sẽ có nghị trình linh động. Thứ Trưởng Ngoại Giao Daniel R. Russel, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, giải thích: “Nó không phải là một nghị trình điều đình được bàn thảo trước cứng ngắc và sắp thứ tự một hai ba. Nó là một cuộc thảo luận mở giữa các lãnh tụ.”
Trong khi các viên chức nói cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc họp “chống Trung Cộng,” Washington cũng rõ ràng tìm cách dành quyền lãnh đạo ở Đông Nam Á qua đầu tư, các nhà phân tích nhận xét.
Ông Kevin G. Nealer, một chuyên gia về Trung Cộng và là một partner của Tập Đoàn Snowcroft ở Washington giải thích: “Những hành động của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa đã làm hại lời tuyên bố của họ là thăng tiến trong hòa bình và tạo nên những nghi ngờ mới về ý định kinh tế và địa lý chính trị của họ trong vùng. Ngay cả những liên hệ khó khăn nhất của Hoa Kỳ trong vùng cũng còn lành mạnh hơn và có hữu hiệu hơn là liên hệ tốt nhất của Trung Cộng, và sự đầu tư sâu đậm và liên tục của Hoa Kỳ ở đó đã tạo ra những thói quen hợp tác và chia sẻ mục tiêu với Asean mà chỉ có mậu dịch không tạo nên được.”
Trung Cộng đã là bạn hàng lớn nhất của Asean từ năm 2009 với mậu dịch song phương vượt 366 tỷ đô la vào năm 2014, theo những thống kê mậu dịch của Asean. Hoa Kỳ đứng thứ tư sau Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản. Đông Nam Á cũng là thị trường xuất cảng lớn thứ tư của Hoa Kỳ vào năm đó.
Tuy nhiên, chiến thuật của Hoa kỳ đã tập trung vào đầu tư trực tiếp nơi mà Hoa Kỳ vượt xa Trung Quốc. Các công ty Hoa Kỳ đổ 32.3 tỷ đô la vào Đông Nam Á trong các năm từ 2012 đến 2014, theo thống kê của Asean, so với chỉ có 21.3 tỷ đô la từ Trung Cộng. Từ năm 2000 đến năm 2014, Hoa Kỳ đầu tư 226 tỷ đô la vào Đông Nam Á, theo thống kê của Cơ Quan Phân Tích Kinh Tế Hoa Kỳ, hơn là số tiền đầu tư của Hoa Kỳ đổ vào Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cộng lại.
Hoa Kỳ duy trì mục đích là bảo đảm sự chế ngự của mình vào đầu tư trong khi dẫn đầu về mậu dịch, theo các nhà phân tích, và Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là vũ khí chính trong cuộc chạy đua đó. Bốn trong số 10 quốc gia Asean là thành viên trong khi ba quốc gia nữa, Indonesia, Philippines và Thái Lan, hoặc đã tuyên bố ý định tham gia hoặc nói họ đang tính chuyện tham gia.
Chủ Tịch Hội Đồng Thương Mại Mỹ Asean Alexander C. Fieldman thì nói là hội nghị thượng đỉnh là tột đỉnh của một chiến thuật kinh tế Hoa Kỳ cho vùng Đông Á bắt đầu từ tuần lễ đầu tiên khi ông Obama nhậm chức.
Đầu năm 2009, Ngoại Trưởng Hillary Clinton làm cuộc công du đầu tiên với tư cách ngoại trưởng và bà chọn đến Indonesia, thành viên của Khối G-20 và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, và cũng là lãnh tụ không chính thức của Asean.
Ông Fieldman giải thích: “Tôi nghĩ chiến thuật của chính phủ Obama đã là một chiến thuật dài hạn vốn phản ảnh một viễn ảnh cho toàn Á Châu và hiểu rõ là Asean là một quân bài tối quan trọng trong bàn cờ mà trong quá khứ các chính phủ Hoa Kỳ khác đã không chú ý đến. Kể từ ngày thứ nhất, họ đã tập trung vào vùng này và hiểu là nó thực sự sẽ là bãi chiến trường cho tương lai của Á Châu.”
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á cho Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Thuật và Quốc Tế (CSIS) ở Washington giải thích là mậu dịch giữa vùng và Trung Cộng rất mạnh. Đông Nam Á là một nguồn nguyên liệu để cung cấp cho cỗ máy kinh tế của Trung Cộng và giai cấp tiêu thụ ngày càng tăng của họ, cung cấp các sản phẩm từ quặng mỏ đến dầu cọ từ Indonesia và Malaysia và phụ kiện điện tử từ Singapore, Malaysia và Thái Lan. Ông thêm: “Trung Quốc cũng viện trợ rất nhiều, đặc biệt cho các dự án hạ tầng cơ sở, một khu vực mà các công ty Hoa Kỳ gặp khó khăn cạnh tranh bởi các chính phủ Đông Nam Á sản xuất ra quá ít dự án mà các ngân hàng Hoa Kỳ chịu tài trợ.”
Tuy vậy, sự trông cậy vào Trung Cộng như là một bạn hàng tin cẩn đang ngày càng phai lạt. Trong khi gần 12% tổng số hàng xuất cảng của Asean đi sang Trung Quốc năm 2014, chiếm số cao nhất cho bất cứ một quốc gia nào, xuất cảng sang Trung Cộng đã giảm mạnh năm ngoái trong khi giá nguyên liệu đổ dốc và chờ đợi sẽ còn tiếp tục sụt giảm nửa năm nay vì sự chậm lại của nền kinh tế Trung Cộng.
Các nền kinh tế chính trong vùng, kể cả Indonesia, bắt đầu cảm thấy chấn động. Một kinh tế gia của Cơ Quan Tái Bảo Hiểm của Indonesia giải thích: “Sự nhạy cảm của Indonesia với nền kinh tế Trung Cộng rất lớn, và đó cũng là trường hợp của Asean.”
Vẫn còn chưa biết là liệu Hoa kỳ có hưởng lợi từ sự trì trệ của Trung Cộng để gia tăng mậu dịch trong vùng hay không. Nhưng lợi điểm của Hoa kỳ về đầu tư có thể tạo nên những lợi ích về lâu về dài theo ông Dean, cựu giám đốc của General Electric. Ông nói: “Tiến bộ trong kinh doanh và những thỏa thuận lớn đều được thúc đẩy bởi đầu tư. Nó bảo đảm một sự hiện diện lâu dài, xây dựng liên hệ lâu dài và biến chúng ta thành những công ty địa phương ở mỗi quốc gia chúng ta đầu tư.” Vả lại ông thêm “Mậu dịch bao giờ cũng ngắn hạn và có thể biến mất nhanh hơn là đầu tư, và đứng về phương diện mậu dịch Trung Quốc luôn có lợi điểm vì họ ở gần.”
Thành ra, hội nghị thượng đỉnh Asean Hoa Kỳ lần này sẽ là một bước nữa trong kế hoạch dài hạn của chính phủ Obama nhằm sử dụng Đông Nam Á để bao vây Trung Cộng.
Lê Phan