Bà Aung San Suu Kyi gặp dân chúng nhân ngày Tết Miến Điện 17/04/2012 . Reuters
Quân đội Miến Điện, cột trụ của chế độ độc tài , có thể xoay trục để xây dựng một chế độ dân chủ. Người kỳ vọng vào diễn tiến này là lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, cựu tù nhân của tập đoàn quân sự suốt 15 năm. Nhân viếng thăm Hawai, vị dân biểu được công luận trong và ngoài nước tôn vinh như một nguyên thủ quốc gia giải thích lý do.
Chiều hôm qua 26/01/2013 , tại bang Hawai, Hoa Kỳ, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi tuyên bố bà tin tưởng « Quốc hội Miến Điện sẽ chấp thuận tu chính bản Hiến pháp » đi đến một thể chế dân chủ hơn và mặc dù quân đội vẫn chiếm đa số áp đảo tại nghị trường, bà « không lo ngại thái quá » . Niềm tin này đặt trên cơ sở nào và liệu có quá viễn vong hay không ?Giải Nobel hòa bình 1991 cho biết bà kỳ vọng vào tình người và tình yêu nước của mỗi công dân Miến Điện. Phát biểu tại Học viện chiến lược Đông-Tây, East-West Center, bà Aung San Suu Kyi giải thích « quân nhân cũng như mọi thành viên khác trong xã hội Miến Điện muốn đất nước được hạnh phúc hơn, hùng mạnh hơn và hài hòa hơn».
Tập đoàn quân sự Miến Điện từng bỏ tù, quản thúc bà Aung San Suu Kyi cùng hàng chục ngàn nhà dân chủ, văn nhân nghệ sĩ, đã nhường chổ cho một chính phủ dân sự vào tháng 3 năm 2011. Các viên tướng cởi áo nhà binh mà đứng đầu là tổng thống Thein Sein đã liên tục ban hành các biện pháp cải cách dân chủ phục hồi uy tín cho quốc gia Đông Nam Á sau 4 thập kỷ độc tài. Trong tiến trình dân chủ hóa này, tù nhân chính trị được tự do, báo chí được cởi trói. Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi cùng với hơn 40 thành viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ dành được toàn bộ số ghế dân biểu bổ khuyết trong cuộc bầu cử ngày 12/04/2012.Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố sẵn sàng chấp nhận bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống nếu được dân tín nhiệm trong cuộc bầu cử năm 2015.
Tuy nhiên giới phân tích không mấy tin tưởng vào khả năng này và đặt câu hỏi là liệu thành phần tướng lãnh cứng rắn có chấp nhận để quân đội « rút về doanh trại » như ở Indonesia và Thái Lan hay không ?Mặt khác, Hiến pháp hiện hành của Miến Điện do quân đội soạn thảo vào năm 2008, giai đoạn đen tối nhất sau« cuộc cách mạng áo cà sa » bị đàn áp đẫm máu đã dự kiến và ngăn chận trước mọi nỗ lực của đối lập đưa bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền. Bản hiến pháp quy định trách nhiệm tổng thống không thể trao cho một công dân có người phối ngẫu hoặc con cái mang quốc tịch nước ngoài. Thế mà, bà Aung San Suu Kyi có chồng là giáo sư Michael Aris, đã từ trần năm 1999, là người Anh và hai con mang quốc tịch Anh.Bà Aung San Suu Kyi gọi điều khoản được quân đội soạn trước để loại trừ nhà lãnh đạo đối lập được dân ngưỡng mộ như «người dì, người mẹ» là hành động «bất công, và phản dân chủ».
Bà nhận định một bản hiến pháp đúng nghĩa không thể được soạn ra để nhắm vào «một cá nhân dù là để duy trì cá nhân nào đó làm lãnh tụ cho đến chết hay để ngăn chận một người nào đó đến trọn đời cũng không nắm được chính quyền».Cũng trong bài phát biểu tại Hawai, lãnh đạo đối lập Miến Điện cho biết bà mong muốn hiến pháp Miến Điện phải được tu chính theo hướng thỏa mãn mọi « khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân và sắc tộc thiểu số». Nếu hiến pháp đi ngược lại nguyện vọng nhân dân thì «không tạo được một xã hội đoàn kết và hài hòa».
Theo AFP, không phải chỉ có nhân dân mà ngay trong hàng ngũ quân đội ,lãnh đạo đối lập rất được một bộ phận sĩ quan kính trọng. Quân đội Miến Điện do thân phụ của bà, người anh hùng dân tộc Aung San thành lập trong cuộc chiến chống thực dân Anh.Câu hỏi đặt ra là sau khi tập đoàn tướng lãnh thủ cựu từ chức vào tháng 3/2011, liệu khi nào thì giới sĩ quan yêu nước sẽ đủ dũng cảm sửa đổi hiến pháp để khôi nguyên Nobel hòa bình 1991 có thể ra tranh cử tổng thống năm 2015?
Tú Anh