Người phụ nữ 66 tuổi mang tên Aung San Suu Kyi với dáng dấp mãnh mai như cành liễu mà cả Tập đoàn quân phiệt hùng hậu, tàn bạo của Miến Điện (Burma, Myanmar) cũng không thể nào bẻ gãy ý chí sắt đá của nhân vật được dân chúng tôn sùng và thế giới ngưỡng mộ.
Aung San Suu Kyi, con gái Tướng Aung San
Giải Nobel Hòa bình 1991 trao cho Bà Suu Kyi chỉ nói lên một phần nhỏ trong sự nghiệp đấu tranh bền bĩ, kiên trì vì tự do dân chủ xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi vô bờ bến.
Hoạt động của Bà Suu Kyi trước cũng như sau khi nhận các giải thưởng đấu tranh cao quý không hề tăng hoặc giảm cường độ.
Trước phong ba, bão táp độc tài, dã man vẫn không tước đoạt được phong thái dung dị, yêu kiều do bẩm sinh cũng như được rèn luyện trong sóng gió chính trường.
Thừa hưởng dòng máu đấu tranh giành độc lập cho đất nước của cha, Tướng Aung San được người Miến Điện tôn kính như vị anh hùng dân tộc, bị sát hại năm 1947, Aung San Suu Kyi đã đặt Tổ Quốc trên quyền lợi, sự an nguy của bản thân và gia đình trong cuộc đấu tranh bất-bạo-động và trường kỳ.
Bà Suu Kyi chịu ảnh hưởng cả triết lý bất-bạo-động của Mahatma Gandhi lẫn ý niệm Phật giáo đã lao vào cuộc chiến đấu chống cường quyền kể từ năm 1988.
Sợ mất quyền lực, sợ quyền lực khiến dân tộc Miến Điện mất khả năng phát triển toàn diện để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại nên Tổng thư ký Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ, Aung San Suu Kyi tìm cách giải thoát sự sợ hãi đè nặng lên xã hội Miến Điện. Nỗi sợ ám ảnh đến độ không ai dám bàn tán chuyện chính trị dưới sự cầm quyền của giới quân nhân suốt nửa thế kỷ.
Trong bài diễn văn nổi tiếng “Freedom From Fear”, Bà Suu Kyi nhấn mạnh “Sợ mất quyền lực làm hư hỏng kẻ cầm quyền và dân sợ giới cầm quyền thì bị khuất phục”. Từ đó, người Miến Điện sợ mất tự do, mất quyền làm người có phẩm giá hơn kinh hãi hành động tàn bạo của giới quân phiệt.
Liên đoàn ra đời ngày 24/09/1988 thì Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia kể từ 20/07/1989 và đã từ chối rời đất nước để đổi lấy tự do.
Năm 1997, được tin chồng, Tiến sĩ Micheal Aris bị ung thư tuyến tiền liệt thời kỳ chót đang sinh sống với các con tại Vương Quốc Anh mà không được Tập đoàn quân phiệt Miến Điện cho phép nhập cảnh, Bà Suu Kyi đã chôn chặt mối thương tâm để từ chối rời quê hương, kể cả lúc người bạn đời nhắm mắt xuôi tay.
Aung San Suu Kyi thể hiện thái độ không sợ hãi khi bị giam tại nhà tù có những người mất trí; trong thời gian 15 năm giam giữ và quản thúc tại gia từ 1989; lúc bị 5,000 người tấn công đoàn xe của Liên đoàn đi vận động ở phía bắc Miến Điện năm 2003.
Quan điểm đấu tranh của Bà Suu Kyi được đúc kết trong bài diễn văn hôm 29/06/2011 mà Đài BBC dành cho mỗi nhân vật nổi tiếng trên thế giới một lần trong năm.
Thứ nhất, tinh thần yêu chuộng tự do và quyết tâm thực hiện quyền tự do cho cá nhân, cho tập thể trong bất cứ tình huống nào dù có phải hy sinh tự do của bản thân.
Bầu nhiệt huyết này đã truyền sang cho mọi thành viên trong Liên đoàn để tiếp tục đòi được tự do trong xã hội không có tự do, bất chấp hành động bạo ngược, tàn ác của Tập đoàn quân phiệt. Vì thế, Liên đoàn vẫn ngang nhiên hoạt động dù lãnh tụ đang ở trong tù hay bị quản thúc tại gia nhiều năm.
Trụ sở nhỏ xíu của Liên đoàn ở Yangon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, bị nhà cầm quyền gọi là cái “chuồng bò” lại được phần đông dân chúng tôn trọng và yêu mến.
Aung San Suu Kyi
Các nhà ngoại giao quốc tế, kể cả Mỹ, Anh, Úc, Đức, Pháp, đã hiện diện trước “chuồng bò” cùng với đông đảo dân chúng để tham dự lễ tưởng niệm liệt sĩ do Bà Suu Kyi tổ chức. Trước đó vài giờ, Bà đến tham dự buổi lễ tại Đài Liệt sĩ được canh phòng nghiêm ngặt do Thị trưởng mời. Sau đó, Bà dẫn đầu 3,000 người tuần hành tới Đài Liệt sĩ để vái lạy trước vong linh của Cha và 6 Bộ trưởng bị lực lượng bán quân sự của cựu Thủ tướng U Saw sát hại ngày 19/07/1947.
Thứ hai, chọn vị thế bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền quân phiệt và sẵn sàng sống trong “vùng đất đầy bất trắc vận hành theo các nguyên tắc và luật lệ bất thành văn … dựa vào nội lực của bản thân”. Do đó, Bà Suu Kyi không lùi bước nào trên con đường đòi lại công lý cho dân chúng.
Trong cuộc bầu cử năm 1990, Liên đoàn được 59% phiếu bầu, chiếm 81% ghế Quốc Hội, nhưng, giới nón sắt không chịu trao quyền lãnh đạo dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tới bây giờ.
Liên đoàn tẩy chay cuộc bầu cử do Tập đoàn quân phiệt tổ chức trong năm 2010 nhằm thay màu áo, nhưng quyền lực vẫn thuộc vào phái ka ki làm cho chính phủ hiện thời thiếu căn bản pháp lý.
Hôm 27/07/2011, Bộ trưởng Lao động và Xã hội đã tiếp xúc với Aung San Suu Kyi, nhưng, chẳng đi tới đâu như những cuộc gặp mặt khác vì Miến Điện vẫn do một tập đoàn quân phiệt cai trị, không có tự do mà đầy tù chính trị, không có tự do ngôn luận, không được quyền hội họp, không được tự do thông tin, càng không có quyền chọn lựa chính quyền theo ý muốn.
Người bất đồng chính kiến không quá quan tâm đến những triết thuyết đầy tính chất kinh viện mà nên giải thích cho quần chúng những quan ngại hằng khắc sâu trong tâm khảm họ.
Tự do chỉ có thể giành được qua hành động thực tế chứ không bằng các khái niệm trừu tượng qua các lập luận triết học.
Phong cách hòa nhã mà cương quyết của Bà Suu Kyi khiến cho đối phương không thể cáo buộc tội quá khích và cũng không xa lìa với chủ trương đấu tranh bất-bạo-động.
Trước một cường quyền tàn ác, hiểm độc, mị dân cần nhiều nhà bất đồng chính kiến để mang lại sự thật và niềm tin cho quảng đại quần chúng.
Chính trị gia bỏ rơi lý tưởng sẽ bị dân chúng xa lánh.
Nhà bất đồng chính kiến chớ nên rơi vào vị thế phản biện. Nếu không, ở đàng sau chỉ có sa mạc hoang vắng.
ĐẠI-DƯƠNG