Từ năm 1868, nước Nhật bắt đầu bước vào thời kỳ canh tân về mọi mặt, cả về quân đội. 27 năm sau, lực lượng quân sự của Nhật Bản đã thắng lớn tại Triều Tiên, bắt Trung Hoa là nước lớn nhất tại châu Á phải ký kết Hòa Ước Shimonoseki vào ngày 17/4/1895 chấp nhận mọi đòi hỏi của Nhật Bản. Người quân nhân Nhật Bản đã làm cho các đại cường phương Tây phải kinh ngạc và thán phục. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu ra sao?
Saigō Takamori, Samurai, politician
1- Võ sĩ Samurai
Các bộ lạc đầu tiên tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch có lẽ gồm những người từ lục địa châu Á, họ là những kẻ xâm lăng, vượt biển để chiếm đóng hòn đảo chính Honshu (Bản Châu) và đẩy thổ dân Ainu lên mạn bắc, ra khỏi các cánh đồng phì nhiêu. Các bản văn của Triều Tiên vào thế kỷ thứ 4 đã ghi nhận rằng những chiến binh Nhật Bản của thời kỳ đó nổi danh về lòng chiến đấu gan dạ. Hoàng Đế Nhật Bản, hay Thiên Hoàng, có nguồn gốc từ nhóm Yamato là bộ lạc có sức mạnh quân sự hùng hậu nhất. Giòng dõi của nhà vua này tự nhận là con cháu của Nữ Thần Mặt Trời Amaterasu và các sách truyền thuyết cổ Kojiki (Cổ Sự ký) và Nihonji (Nhật Bản ký) đã ghi lại sự lưu truyền về nguồn gốc có tính linh thiêng này, khiến cho giòng dõi ngai vàng là thứ không thể thay thế và duy nhất trong lịch sử Nhật Bản từ cổ xưa cho đến ngày nay.
Các thế kỷ thứ 7 và thứ 8 là thời kỳ mà quyền hành của nhà vua được tập trung, nhưng khi biên giới đất nước được mở rộng, đã có nhiều lãnh chúa chiếm cứ các vùng đất riêng, với đội quân riêng dưới quyền. Những gia nhân này chuyển dần lòng trung thành đối với Thiên Hoàng sang các lãnh chúa và giai cấp quân sự này được gọi bằng tên là Samurai hay các võ sĩ Nhật. Trong nhiều thế kỷ, vị lãnh chúa có quyền lực mạnh nhất được gọi là Shogun hay Tướng Quân và vị này đã không lật đổ, không cướp ngôi của Thiên Hoàng mà đã cai trị nước Nhật Bản bằng danh nghĩa của Thiên Hoàng. Bằng cách này, giòng họ Tokugawa đã nắm quyền trong 250 năm và chế độ Tướng Quân đã bắt các lãnh chúa khác phải phục tùng và trung thành với chính quyền Edo.
Vào giữa thế kỷ 19, Nhật Bản được chia ra làm 260 miền và không phải tất cả các lãnh chúa đều quy phục Tướng Quân Tokugawa. Có hai miền bất phục tùng nhất là Chosu và Satsuma, và chính giai cấp Samurai của hai miền này đã đặt nền móng cho quân đội Thiên Hoàng là lực lượng quân sự đã chiến thắng quân lực Trung Hoa vào năm 1895 và quân lực Nga vào năm 1905, để rồi vào thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, quân đội Nhật Bản đã chiếm đóng từ Mãn Châu, qua Trung Hoa, Đông Dương, Miến Điện, xuống Mã lai, Indonesia và một số hải đảo phía tây Thái Bình Dương.
Satsuma là lãnh địa rộng lớn thứ hai, có thủ phủ là thành phố Kagoshima nằm tại mỏm xa nhất của đảo Kyushu (Cửu Châu). Đây là một miền đồi núi hiểm trở, nghèo về canh nông nhưng lại giàu có nhờ sự triều cống của vua các đảo Ryukyu (Lưu Cầu), gồm cả đảo Okinawa. Từ lâu, đã có các buôn bán giữa Ryukyu, Satsuma và Trung Hoa, và người dân vùng này có một tinh thần độc lập rất cao, ít khi chịu thuần phục, ngay cả với chính quyền Edo.
Choshu là miền phía tây của hòn đảo lớn Honshu (Bản Châu) với thủ phủ đặt tại Hagi. Đây là lãnh địa đứng hạng thứ 9 về diện tích, rộng hơn một nửa của Satsuma nhưng lại là miền canh nông trù phú, nhờ đó miền này có giới võ sĩ Samurai đông nhất. Dân chúng miền này cũng không ưa gì thể chế Tướng Quân Tokugawa, và trẻ em khi đi ngủ vào ban đêm, được đặt chân hướng về Edo để tỏ sự bất mãn. Dĩ nhiên là chính quyền Tướng Quân vẫn kiểm soát các lãnh địa cũng như hai miền này thật nghiêm ngặt nhưng tinh thần của các võ sĩ Samurai vẫn là bất khuất.
Theo truyền thống lâu đời, tinh thần võ sĩ Samurai được mô tả là tinh thần “Võ Sĩ Đạo” (Bushido), kết hợp từ hai ảnh hưởng lớn là Khổng Giáo và Thiền Phái của Phật Giáo (Zen Buddhism), đặt trọng tâm vào ba đức tính “Trí, Nhân, Dũng” và đòi hỏi mọi người phải trung thành tuyệt đối và không ngần ngại hy sinh cho đại nghĩa. Jocho Yamamoto đã viết trong cuốn sách Hagakure, một trong các tác phẩm nổi tiếng nhất về Võ Sĩ Đạo, về người võ sĩ Samurai đã tìm thấy sự siêu việt bằng cái chết của chính mình như sau: “Tôi đã tìm thấy con đường của người chiến sĩ là sự chết”. Chính nền đạo đức Samurai này đã là căn bản tinh thần của quân đội Thiên Hoàng với câu châm ngôn “Nhiệm vụ nặng hơn trái núi và cái chết nhẹ hơn lông chim”.
Chính quyền Tokugawa đã lợi dụng danh nghĩa Thiên Hoàng mà cai trị Nhật Bản, đã khéo léo khai thác các giáo điều Khổng Học về vâng lời và trung thành của gia nhân đối với chủ nhân trong các phương cách kiểm soát xã hội. Nhưng vào đầu thế kỷ 19, đã có các học giả xét lại lịch sử của Nhật Bản và kết luận rằng lòng trung thành là phải đối với Thiên Hoàng vì vương quyền này đã bị quên lãng trong hơn một ngàn năm, đã tới lúc phải phục hồi uy quyền này và phải coi Thiên Hoàng là trung tâm chính trị của đất nước. Sự chống đối chính quyền Tướng Quân thể hiện nhiều nhất tại hai miền Choshu và Satsuma.
Khi xẩy ra cuộc Chiến Tranh Nha Phiến tại Trung Hoa, chính quyền Tokugawa, các lãnh chúa và các võ sĩ Samurai cũng như các nhà trí thức thời bấy giờ đều quan tâm đến thế lực của các nước phương tây. Do qua trung gian của một số nhỏ người Hòa Lan và Trung Hoa buôn bán tại Nagasaki, người Nhật Bản dù trong thời kỳ bế quan, cũng hiểu rõ rằng Nhật Bản không có Khoa Học và Kỹ Thuật, và quân đội từ xưa vẫn xử dụng gươm đao, cung tên và giáo mác và về sau này chỉ có loại súng hỏa mai lỗi thời. Trái với các quốc gia phương tây, Nhật Bản lại không có một tổ chức quân đội quốc gia và khi Tướng Quân cần đến, các lãnh chúa chỉ cung cấp cho chính quyền trung ương một số võ sĩ Samurai từ các địa phương.
Vào các năm từ 1840, người Nhật đã mua súng của người Hòa Lan, đã chú ý tới kỹ thuật quân sự, và sự đe dọa của phương tây đối với Nhật Bản lại càng làm cho các nhà trí thức bận tâm về việc cải tổ đất nước.
Tại miền Choshu, có một bậc thầy rất tôn kính vương quyền và cũng đánh giá cao sức mạnh của các loại khí giới mới. Nhân vật được coi là tiên tri này có tên là Shoin Yoshida. Yoshida là một bậc thầy có sức lôi cuốn quần chúng, đã cố gắng gây cho các học trò của mình tinh thần quốc gia Nhật Bản (Yamato damashii) với chủ trương rằng tất cả đều phải hướng về Thiên Hoàng. Yoshida đã dạy các môn đệ rằng Nhật Bản phải làm chủ được Khoa Học mà các lực lượng phương tây hiện có và dùng Khoa Học đó làm công cụ để chống lại người phương tây. Yoshida cũng huấn luyện các học trò về các điều căn bản của chiến thuật bộ binh và khoa học về khí giới chiến tranh.
Do áp lực của các nước ngoài mà việc bảo vệ Nhật Bản càng trở nên cấp bách. Vào thời kỳ đó, việc bế quan tỏa cảng của chính quyền Tokugawa càng trở nên bất lực, vì các tầu buồm đã bị thay thế bằng các tầu biển chạy bằng hơi nước, Nhật Bản lại nằm trên con đường giao thương hướng lên mạn bắc và nhiều quốc gia đang cần tới một mơi có thể tiếp tế than đá, lương thực và nước uống cho tầu biển, một nơi trú ẩn cho các người săn cá voi bị đắm tầu, một thị trường tiêu thụ mới cho các sản phẩm của các quốc gia đã kỹ nghệ hóa. Đối với nước Anh, Nhật Bản là một điểm dòm ngó vào nước Nga sau trận Chiến Tranh Crimée và đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản sẽ là nơi dừng chân trên con đường hướng tới Trung Hoa.
Hoa Kỳ cũng chú ý tới Nhật Bản vì sự thịnh vượng của các tiểu bang phía tây nằm bên bờ Thái Bình Dương. Sự kiện này đã khiến cho Tổng Thống Hoa Kỳ Millard Fillmore phải cử đi Đô Đốc Matthew Perry để làm áp lực với Nhật Bản trong việc mở cửa. Khi các nhân viên quân sự của phái đoàn Perry đi vào đất Nhật năm 1854, tất cả đều là những lính chiến tân tiến, có trang bị súng ống đầy đủ. Các võ sĩ Samurai cũng chú ý đến các võ khí trên các con tầu thủy của hạm đội Perry, và khi vị Đô Đốc này đưa cho Tướng Quân coi một khẩu súng loại mới nhất của kỵ binh Hoa Kỳ, lãnh chúa Satsuma đã mượn món võ khí mới đó để xem xét kỹ và vẽ lại tỉ mỉ từng bộ phận trước khi hoàn trả.
Tới khi Tướng Quân hô hào các võ sĩ Samurai đánh đuổi các “kẻ man rợ” ra khỏi Nhật Bản, thì việc kháng cự các người tây phương của người Nhật Bản đã tỏ ra bất lực. Năm 1863, tầu chiến Hoa Kỳ USS Wyoming đã đánh chìm nhiều tầu thuyền của miền Choshu, đội quân viễn chinh Pháp đã bắn phá các bờ biển Nhật Bản và thủ phủ Kagoshima của miền Satsuma đã bị phá hủy gần một nửa bởi hạm đội Anh.
Emperor Mutsuhito Meiji
2- Việc canh tân Quân Đội Thiên Hoàng
Trong các năm từ 1840 tới giữa thập niên 1860, cả hai phe Tướng Quân và các miền chống đối đều tìm cách tổ chức lại quân đội. Phe Tướng Quân đặt ra ba ngành quân sự là bộ binh, kỵ binh và pháo binh. Lính bộ binh được trang bị gươm và các khẩu súng hỏa mai cổ, chỉ có 1/4 số lính được cấp loại súng trường kiểu mới của châu Âu. Trong khi đó, từ năm 1854, miền Satsuma đã cho thiết lập xưởng đúc đại bác và cố gắng kiếm tiền qua việc buôn bán với Thượng Hải, Trung Hoa, để mua vô thêm võ khí mới. Còn miền Choshu ngoài việc xây dựng đội quân mạnh nhất, lại còn là nơi hoạt động của hai nhà canh tân quân sự có tài nhất, đó là Uemon Yamada và Shinsaku Takasugi. Yamada đã bị ám ảnh bởi trung đội súng trường phương tây, vừa gọn gàng, vừa uyển chuyển nên đã đề nghị với lãnh chúa Choshu phải tổ chức quân đội sao cho có được đặc tính di động như thể “con người di chuyển các chân và tay” vậy. Yamada cho rằng quân đội Nhật Bản trang bị bằng gươm, giáo, cung và súng “chẳng khác gì một đàn quạ” vì tính hỗn tạp, khó vận dụng của nó.
Takasugi cũng là một người nhiệt tâm trẻ của miền Choshu, chủ trương rằng súng trường phải được trang bị không những cho nhóm Samurai mà cho cả các người lính thông thường khác. Theo ông ta, quân đội phải gồm cả giới Samurai lẫn giới nông dân và đặc quyền mang súng và chiến đấu cho lãnh chúa không nên chỉ giới hạn vào giai cấp chiến sĩ cổ truyền. Takasugi là người đầu tiên đã mang lý thuyết về tổ chức quân đội áp dụng vào thực tế.
Vào khoảng đầu năm 1864 tại Choshu được thành lập các trung đội hỗn hợp có trang bị súng trường gọi là Shotai, nằm trong ngành kỵ binh (kiheitai). Hạt nhân chính của trung đội là các võ sĩ Samurai, chung quanh là các thường dân gồm nhiều loại người: thợ săn, ngư dân, đô vật sumo, tu sĩ Phật Giáo cũng như nông dân, là những người đang ước muốn được bước sang giai cấp võ sĩ Samurai.
Trong số các sĩ quan của Shotai, có Arimoto Yamagata là người sau này đã xây dựng nên quân đội Hoàng Gia Nhật Bản. Yamagata lúc bấy giờ là một người trẻ, rất trí thức, có khả năng chính trị cao, không có đặc tính hấp dẫn của một anh hùng hay môt lãnh tụ mà chỉ có một đam mê là làm sao cải tiến được nước Nhật. Yamagata ở trong nhóm các người ái quốc (shishi) của miền Choshu, tụ họp chung quanh Shoin Yoshida và sẵn sàng hy sinh vì đức tin. Ngay từ khi kiheitai hay ngành kỵ binh của miền Choshu được thành lập, Yamagata đã là một quân nhân và dần dần trở nên cấp chỉ huy, huấn luyện kiheitai như một lực lượng để chống lại các người ngoại quốc. Vào thời niên thiếu, Yamagata đã chứng kiến cảnh kiêu căng của các người nước ngoài khi một nhóm thủy thủ Anh lên bờ, cướp đồ ăn và nước uống tại một làng nhỏ của miền Choshu. Rồi trong cuộc tấn công của người phương tây vào hải cảng Shimonoseki, Yamagata đã là một cấp chỉ huy quân sự tại đó, bị thương ở cánh tay và từ đó, ông không bao giờ đánh giá thấp sức mạnh quân sự của phương tây.
Tới khoảng giữa thập niên 1860, các đồng đội của Yamagata đều cho rằng sự đe dọa chính là từ phía chính quyền Tokugawa. Các liên lạc giữa Choshu và Edo trở nên xấu đi. Vào cuối năm 1864, khi Tướng Quân sắp gửi quân tới đánh miền Choshu các nhân vật bảo thủ nắm quyền của Choshu sẵn sàng đầu hàng. Nhưng nhóm cấp tiến trong đó có Yamagata và Takasugi lại dùng đội quân Shotai, đánh đội quân thường trực của lãnh chúa Choshu. Yamagata đã dùng lại chiến thuật oanh tạc và đánh cạnh sườn của quân đội Pháp xử dụng tại Shimonoseki khi trước, và đã chiến thắng. Sau khi đã chiếm được quyền hành tại Choshu, các người cấp tiến thề cùng nhau chống lại chính quyền Shogun.
Tới lúc này, chế độ Tokugawa đã thấy rõ sự nghiêm trọng của tình thế và cuộc chạy đua mua vô võ khí bắt đầu. Trong các năm từ 1864 tới 1868, đã có hơn 100 ngàn khẩu súng trường mới được đưa vào Nhật Bản, làm lợi cho các tay lái súng tây phương. Các tay lái súng người Anh và người Mỹ đều có mặt tại Nagasaki trong khi nhân viên của nhóm Satsuma cũng hiện diện tại London để mua thêm khí giới. Chính quyền Tokugawa khi đó đã yêu cầu sự trợ giúp quân sự của nước Anh nhưng nước này nghiêng về phe chống Edo vì cho rằng tương lai của Nhật Bản sẽ thuộc về nhóm người này. Vì thế phe Tướng Quân lại quay sang phía người Pháp, là nơi họ đã mượn được một số tiền để thiết lập nên các xưởng đúc và xưởng đóng tầu tại Yokosuka và đã hứa sẽ dành cho người Pháp quyền huấn luyện quân sự trong tương lại.
Trong khi đó chính quyền địa phương mới của Choshu chỉ định Masujiro Omura làm cố vấn quân sự cho đoàn quân Shotai và tập trung quyền chỉ huy quân sự vào trung ương. Omura là một học giả về Khoa Học Quân Sự của châu Âu và mới dịch thuật xong một tác phẩm Đức về chiến tranh quân sự mới. Ông ta rât chú ý tới kỷ luật và tinh thần quân đội, chủ trương tiêu chuẩn hóa vũ khí và phương pháp huấn luyện. Cũng vào thời gian này, 7,300 súng trường đã được gửi tới Nagasaki do một lái súng người Anh.
Do cùng chủ trương chống lại chế độ Tướng quân, hai miền Satsuma và Choshu cùng kết hợp, rồi vào tháng 3 năm 1866, lại có sự tham gia của hai nhóm quân sự thuộc các miền Tosa và Hizen, tất cả cùng đoàn kết lại để lo phục hồi quyền hành của Thiên Hoàng.
Vào mùa hè năm 1866, đoàn quân Shotai được chỉ huy bởi Yamagata, Takasugi và Omura với các vũ khí mới và cách huấn luyện quân sự mới, đã làm lệch cán cân quân sự. Mặc dù quân số ít hơn, đoàn quân Shotai đã chặn đứng được đoàn quân của Tướng Quân, làm suy yếu chính quyền Tokugawa và đồng thời làm ảnh hưởng tới truyền thống võ sĩ Samurai cổ.
Năm 1867, chính quyền Tokugawa cũng ban hành một chương trình cải tổ quân sự mới, kêu gọi binh lính tình nguyện nhưng việc tuyển mộ binh sĩ quá chậm chạp và việc cải tiến đã tỏ ra quá trễ. Một chuyên viên quân sự người Pháp tên là Charles Chanoine đã mô tả là người lính Nhật mới của thể chế Tướng Quân, đã mặc quân phục sặc sỡ của Pháp, trông họ nửa giống lính sen đầm Pháp, nửa giống viên chức chính phủ Nhật, và “họ còn đeo hai thanh kiếm Nhật” ở đằng sau lưng, đoàn quân này tiến lùi theo tiếng tù và làm bằng vỏ ốc và thúc đẩy bằng các cây giáo tre.
Lực lưởng của phe chống đối càng mạnh thêm. Yamagata lại được sự tham gia của hai nhân vật miền Satsuma là Takamori Saigo và Toshimichi Okubo, là những người sau này sẽ đóng các vai trò quan trọng trên đất nước Nhật Bản mới. Để cố làm hòa dịu, phe chống đối đề nghị chính quyền Shogun từ chức. Tháng 11 nam 1867, Tướng Quân thoái vị. Các đoàn quân Satsuma và Choshu đã chiếm cung thành Kyoto, tuyên bố phục hưng vương quyền của Thiên Hoàng và vào tháng 1 năm 1868, tiến quân về Edo để đánh đoàn quân của Tokugawa còn chưa chịu khuất phục. Hai lực lượng quân sự chống đối này đã gặp nhau tại làng Toba và Fushimi. Đoàn quân của Choshu khi đó không phải là đông nhất, nhưng lại có nhiều vũ khí tối tân và quân nhân đã được huấn luyện bằng kỹ thuật chiến đấu phương tây. Lực lượng Satsuma thì có tinh thần chiến đấu rất cao, biết dàn trận khéo léo với nhiều loại vũ khí. Về phía Tokugawa, nhóm quân sự Aizu là các võ sĩ Samurai đeo kiếm, tuy đã chiến đấu kiên cường tới chết nhưng mặt trận của họ cũng bị tan vỡ.
Sau chiến thắng tại Toba-Fushimi, đoàn quân Cách Mạng tiến về phía đông, chiếm thành phố Edo rồi tiến lên mạn đông bắc để đánh nhóm Aizu còn lại. Lúc này, Yamagata được cử làm tổng chỉ huy đoàn quân viễn chinh Thiên Hoàng và sau này, ông ta đã bị tố cáo tàn bạo trong cách đàn áp. Các nhóm quân sự khác trung thành với chính quyền Tokugawa cũng đã chiến đấu kém kiên cường hơn so với nhóm Aizu và cũng dần dần đầu hàng đoàn quân Cách Mạng.
Hai nhóm quân sự Satsama và Choshu đã biết hành động sớm nhất, thích nghi nhất với các điều kiện kỹ thuật chiến tranh và cách tổ chức mới, phương pháp huấn luyện mới… nên đã dẫn đầu trong việc tạo dựng nên bộ máy quân sự tân tiến của nước Nhật.
© Phạm Văn Tuấn © www.Vietthuc.org