Thuốc diệt trừ cỏ dại và khai quang Da Cam (Agent Orange)[1] đã được Quân Đội Hoa Kỳ dùng vào chiến dịch Ranch Hand để khai quang các trục lộ xâm nhập của Cộng Quân vào Miền Nam Việt Nam trong những năm 1962 tới 1971. Khoảng 19 triệu ga-lông hoá chất khai quang Da Cam đã dược dải trên mạng Trường Sơn, giáp ranh với Ai-Lao và tại Miền Nam, vùng biên giới Việt-Miên. Hoá chất Da Cam khi phân tán trên mặt đất đã khai phóng chất dioxin/dioxins, mà nồng độ tích lũy nếu cao quá mức bình thường sẽ nguy hại tới sức khoẻ của những người bị phơi nhiễm, làm độc, có thể lây biến phát xuất những căn bệnh hiểm nghèo như bệnh đái đường, ung thư phổi, máu, cuống họng, tuyến tiền liệt, bộ phận sinh dục, óc não v.v.
Từ thập niên 1980, nhiều vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại liên hệ tới hoá chất Agent Orange đã được giải quyết ngoài pháp đường. Năm 1984, qua thương lượng ngoài toà, các hãng lớn sản xuất hoá chất Agent Orange như Dow Chemical, Monsanto và Diamond Shamrock, đã phải trả một khoản tiền bồi thường tới 180 triệu Mỹ Kim cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ đã bị nhiễm độc trong khi thi hành quân vụ tại Việt nam, vào những giai đoạn sử dụng hoá chất trên.
Năm 1999, khoảng 20 ngàn người Nam Hàn, nạn nhân những cuộc khai quang Khu Phi Quân Sự giáp ranh với Bắc Hàn, đã khởi kiện đòi 5 tỷ Mỹ Kim về tiền bồi thường thiệt hại thương tích. Họ đã thua kiện vào năm 2002, nhưng sau đó, Toà Phúc Thẩm Nam Hàn đã phán quyết bắt hai công ty sản xuất hoá chất Da Cam là Dow Chemical và Monsanto phải bồi thường 62 triệu Mỹ Kim cho 6,800 nạn nhân trong cuộc. Toà Phúc Thẩm Nam Hàn đã cho rằng “các bị can đã vi phạm vì không dự trù các biện pháp an toàn khi sản xuất loại hoá chất khai quang có nồng độ dioxin cao hơn độ bình thường, và căn cứ vào bản báo cáo của Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ thì đã có “liên hệ nhân quả” giữa hoá chất Da Cam và 11 căn bệnh, trong đó có bệnh ung thư phổi, cuống họng, tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, Toà Phúc Thẩm Nam Hàn đã phủ nhận liên hệ nhân quả giữa hoá chất Da Cam và những căn bệnh về não óc.
Tương tự, ngày 31 tháng Giêng năm 2004, Tổ chức Vietnam Association for Victims of Agent Orange (VAVA),[2] đã nộp đơn khởi tố tại Toà án Liên Bang Hoa Kỳ đặt tại Brooklyn, New York, đòi các hãng lớn sản xuất hoá chất Da Cam như Dow Chemical, Monsanto và các hãng nhỏ như Diamond Shamrock, Uniroyal, Thompson Chemicals, Hercules bồi thường thiệt hại tập thể[3] về nhiễm độc hoá chất Agent Orange. Ngày 10 tháng ba năm 2005, Chánh Án Jack Weinstein thụ lý đã bác đơn kiện trên, phán rằng vụ kiện thiếu cơ sở và bằng chứng pháp lý, vì hoá chất Da Cam về mặt quốc tế công pháp không bị coi là chất độc vào thời điểm đó, nên Chính phủ Hoa Kỳ không bị cấm sử dụng hoá chát khai quang này. Do đó, các hãng sản xuất hoá chất Da Cam không bị trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền. Đồng thời trong hiện vụ, Chính phủ Hoa Kỳ khước từ tính cách bị đơn vì nại tư cách đặc miễn tối cao về chủ quyền quốc gia. Toà Phúc Thẩm Liên Bang Hoa Kỳ, Khu Vực II, tại New York, cũng đã phán quyết y án trên, vào ngày 22 tháng February năm 2008.
Trong Câu Chuyện Da Cam/dioxin Việt Nam,[4] TS Mai Thanh Truyết, GS Trần Cảnh Xuân và một số thành viên thuộc Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) [5] cho rằng các chuyên viên, khoa học gia tại Việt Nam đã căn cứ vào những cuộc khảo sát sai lầm, thiếu sót, lệch lạc và đã đưa ra những kết luận quy trách thiếu căn bản khoa học, nên đã không thuyết phục được toà án thụ lý trong việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại tập thể trên. Điển hình, họ đã thổi phồng nồng độ chất độc màu Da Cam/Dioxin và đã “vơ đũa cả nắm” cho rằng mọi trường hợp sơ sinh bị dị hình, dị dạng tại Việt Nam đều do Dioxin Hoa Kỳ gây ra. Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) đã cảnh cáo việc chính quyền Việt Nam cố tình chính trị hoá hiện tượng Da Cam/Dioxin tại Việt Nam để thi hành chính sách nhà nước hơn là bênh vực quyền lợi thiết thực của nạn nhân hoặc giải quyết căn nguyên ô nhiễm. Bộ Ngoại Giao của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam[6] đã liệt kê 4 triệu 8 trăm ngàn nạn nhân bị nhiễm độc do hoá chất Da Cam, với sự trưng bày khoảng 11 “Làng Hoà Bình” thu thập dưới 1 ngàn nạn nhân “điển hình”. Đó là những con số chính trị hơn là những dữ kiện chính xác, căn cứ vào thực nghiệm khoa học. Cả cuộc Hội Nghị Khoa Học Việt Mỹ về ảnh hưởng của Chất Da Cam/Dioxin tại Hà Nội cũng đã “bị ô nhiễm bởi màu sắc chính trị và không còn tính cách trong sáng của khoa học.”
Chính quyền Việt Nam đã cố tình “xách động và thổi phồng những hậu quả của dioxin mà không đủ luận cứ chứng minh, không có xác tín khoa học hầu mong đánh động lương tâm thế giới, chỉ làm cho đất nước càng bị cô lập hơn, và sẽ bị thế giới nhìn vào dưới cặp mắt không thiện cảm hơn nữa”. Thậm chí, chính quyền Việt Nam và những thành phần hữu trách còn làm thiệt hại cho quê hương xứ sở nếu như chính sách ngoan cố thổi phồng “quốc nạn” (dioxin độc hại hiện diện trong môi trường Việt Nam) đã làm người tiêu thụ trên thế giới sợ hãi, tẩy chay tập thể những nông ngư phẩm nhập cảng từ Việt Nam mà chính nhà hữu trách địa phương đã tuyên bố bị “ô nhiễm”. Gậy ông đập lưng ông là như vậy.
Vấn đề chính yếu là chính quyền Việt Nam và những thành phần hữu trách phải vượt khỏi thủ đoạn chính trị và kịp thời bạch hoá thủ tục nghiên cứu chính xác tình trạng ô nhiễm và các địa điểm nhiễm độc, do bất cứ nguyên nhân nào, do bất cứ trường hợp phát xuất nào, để cấp thời khuyến cáo và bảo vệ dân chúng tiếp cận ô nhiễm, và liên tục phối hợp với các thế lực nội thuộc và quốc tế làm sạch môi trường Việt Nam một cách thực tế và hữu hiệu.
Đó là quan niệm xây dựng kết sinh và tự quyết sinh tồn một cách hài hoà, hợp lý, hợp cảnh.
Lưu Nguyễn Đạt
CHÚ THÍCH
[1] Orange Agent/Da Cam là tên hoá chất diệt trừ cỏ dại và khai quang đựng trong các thùng được đánh dấu bằng những vòng màu “da cam”.
[2] Tổ chức Vietnam Association for Victims of Agent Orange (VAVA) do chính quyền Việt Nam khơi mào, nên thiếu tính cách thuần “dân sự”, tự chủ, độc lập.
[3] Về việc đòi bồi thường thiệt hại tập thể /class action lawsuit, xem thêm “People angry with Agent Orange package turn to class-action lawsuit“, The Canadian Press, Sep 13, 2007.
[4] Câu Chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam do Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) thực hiện và xuất bản năm 2008
[5] Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam (Vietnamese American Science & Technology Society/VAST) được thành lập năm 1990, theo quy chế hiệp hội bất vụ lợi 501(c) (3), tại Hoa Kỳ.
[6] Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam [Socialist Republic of Vietnam]. Xem thêm Vietnam Ministry of Foreign Affairs – [http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/nr041126171753/ns050118101044 Support Agent Orange Victims