Trong bài này tác giả sẽ không trình bày về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ đi sâu phân tích về đường yêu sách 9 đoạn được Trung Quốc nêu ra trong sơ đồ kèm theo công hàm nói trên.
Sự hình thành và tồn tại của một đường yêu sách khó hiểu
Công hàm ngày 7.5.2009 có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của đường yêu sách 9 đoạn và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới. Trước đó, mặc dù đường yêu sách này đã được thể hiện nhiều lần trên bản đồ Trung Quốc, nhưng CHND Trung Hoa chưa bao giờ có một tuyên bố chính thức nào về ý nghĩa pháp lý quốc tế cũng như quốc gia của đường đứt đoạn này. Thậm chí trong những văn bản pháp lý quan trọng của CHND Trung Hoa về các vùng biển (như: các Tuyên bố về Lãnh hải 1958, về Lãnh hải và vùng tiếp giáp 1992, về Đường cơ sở 1996 và về vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998…) thì đường yêu sách này cũng không hề được nhắc đến.
Sớm hơn CHND Trung Hoa một chút, năm 1993, trong bản “Giải thích chính sách biển nam Trung Hoa” do Viện Hành pháp Đài Loan thông qua thì vùng nước nằm bên trong đường đứt đoạn được coi như “vùng nước lịch sử” của Đài Loan. Như vậy, quan điểm của Đài Loan về đường đứt đoạn khác với quan điểm của CHND Trung Hoa. Trong khi Đài Loan coi vùng nước ở trong đường đứt đoạn mà mình yêu sách có quy chế nội thủy (tức là đòi hỏi có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ) thì, theo công hàm ngày 7.5.2009, CHND Trung Hoa lại phủ nhận việc Trung Quốc có chủ quyền đối với vùng nước này, chỉ đòi hỏi “quyền chủ quyền và quyền tài phán” tức là đòi hỏi một vùng biển có quy chế pháp lý tương tự với quy chế của vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển 1982.
Trước khi Nhà nước Trung Quốc xác định quy chế pháp lý của con đường này, thì tại nhiều hội thảo quốc tế (ví dụ như “Hội thảo về khống chế xung đột tiềm tàng ở biển Đông” diễn ra hằng năm từ 1991 đến nay tại Indonesia) các học giả Trung Quốc lại có những giải thích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau, về giá trị pháp lý quốc tế của đường đứt đoạn. Nhưng còn có một điều khác cũng rất quan trọng mà tất cả các học giả và kể cả Nhà nước Trung Quốc cho đến nay không thể trả lời được là: vậy thì làm sao xác định được tọa độ cũng như vị trí chính xác của từng đoạn cũng như của toàn bộ 9 đoạn của đường yêu sách này. Chẳng hề có một văn bản nào (dù là chính thức hay không chính thức) quy định hoặc giải thích về việc đó. Theo Phan Thạch Anh, một học giả Trung Quốc có uy tín, thì điều này “để lại khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong tương lai” (Pan Shiying, bài đăng trong tạp chí Economic Information & Agency, July 1996).
Có lẽ không cần bình luận gì thêm vì sao một yêu sách được cho là “đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ” mà lại không được các nước trong khu vực tính đến và không ai tôn trọng trên thực tế. Đường đứt đoạn này không thể là yêu sách nghiêm túc của một quốc gia đối với một vùng biển rộng lớn vì nó không có một nội dung pháp lý rõ ràng, thậm chí là mâu thuẫn, và không thể xác định được vị trí của nó trên thực địa.
Một yêu sách không có giá trị pháp lý quốc tế
Lập luận đầu tiên và được sử dụng nhiều nhất của các học giả Trung Quốc khi giải thích về đường đứt đoạn được vẽ trên bản đồ biển Đông là yêu sách này phải được xem xét dưới góc độ của “luật pháp quốc tế đương đại” (tức là luật pháp quốc tế vào thời điểm mà nó được vẽ ra), chứ không thể sử dụng Công ước Luật biển 1982 để xem xét giá trị pháp lý của nó (“người cũ biện pháp cũ, người mới quy định mới”, câu của Trương Thiệu Trung trong bài đăng trên báo mạng Nhân Dân (Trung Quốc) ngày 2.4.2009). Chúng ta sẽ xem xét đường yêu sách của Trung Quốc theo cách này.
Vào thời điểm mà đường đứt đoạn được vẽ ra (1947) những quy định của Luật biển quốc tế còn tồn tại dưới dạng những quy phạm tập quán, theo đó lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ có chiều rộng 3 hải lý tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất. Ngoài phạm vi lãnh hải là biển cả hay còn gọi là vùng biển quốc tế, nơi mà mọi quốc gia đều có thể thực hiện quyền tự do biển cả.
Cho đến năm 1958 các chính quyền khác nhau của Trung Quốc (triều đình nhà Thanh, Cộng hòa Trung Hoa và cả CHND Trung Hoa) đều công nhận hoặc không công khai phản đối chiều rộng của lãnh hải là 3 hải lý (xem Hungdah Chiu, “China and the question of Territorial Sea” International Trade Law Journal, số 1975 – 6). Như vậy, ngay cả theo luật pháp quốc tế đương đại thì một đường đòi hỏi không rõ ràng đối với một vùng biển rộng lớn như vậy không thể nào được coi là hợp pháp. Tiến sĩ Djalal, một chuyên gia luật biển nổi tiếng người Indonesia đã viết: “Không thể chấp nhận được rằng vào năm 1947, khi luật quốc tế nói chung chỉ ghi nhận lãnh hải 3 hải lý, Trung Quốc lại có thể yêu sách toàn bộ biển Đông” (Djatal, H.Shouthe China Sea Island Disputes, The Raffes Bulletin of Zoology, Supplement No.8/2000).
Vậy đối với yêu sách về một đường xác định phạm vi “quyền chủ quyền và quyền tài phán” trên biển Đông như công hàm ngày 7.5.2009 của Trung Quốc nêu ra thì sao? Câu trả lời cũng sẽ là tương tự như trên. Vì vào thời điểm này các quốc gia ven biển không có quyền mở rộng các quyền liên quan đến chủ quyền ra ngoài phạm vi lãnh hải của mình. Cũng cần nhấn mạnh là Luật biển quốc tế thời kỳ này hoàn toàn không điều chỉnh “đáy biển và lòng đất dưới đáy biển” ngoài phạm vi lãnh hải, vì vậy Trung Quốc càng không thể đòi hỏi quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với một vùng biển rộng lớn nằm trong đường đứt đoạn.
Lập luận thứ hai được các học giả Trung Quốc sử dụng để giải thích về đường đứt đoạn là: do đường này được vẽ ra từ 1947, nên Trung Quốc có thể đòi hỏi đối với vùng biển nằm trong đường này một “danh nghĩa lịch sử” nào đó hoặc, như yêu sách của chính quyền Đài Loan, coi đây là “vùng nước lịch sử”. Theo Phan Thạch Anh cũng như hai học giả Đài Loan Lý Tấn Minh và Lý Đức Hu (Li Jinming &?Li Dexia, The dotted line on the Chinese map of the SCS, Ocean Development & International Law, 2003) thì do con đường này đã tồn tại hơn nửa thế kỷ và không quốc gia nào phản đối nên đã tạo ra một danh nghĩa lịch sử cho Trung Quốc.
Cần phải nhắc lại rằng, tại Hội nghị Luật biển của Liên Hiệp Quốc lần thứ 3 các quốc gia đã không nhất trí được việc đưa vào Công ước Luật biển 1982 những quy định cũng như định nghĩa về vùng nước lịch sử. Tuy vậy, từ những tranh luận tại hội nghị, có thể rút ra những tiêu chí để một vùng nước có thể được xem xét danh nghĩa lịch sử gồm: Yêu sách phải công khai; quốc gia yêu sách phải thực hiện quyền lực nhà nước một cách hiệu quả, liên tục và hòa bình trong một thời gian dài; yêu sách phải được các quốc gia liên quan công nhận.
Dù rằng luật pháp cũng như thực tiễn quốc tế từ cổ chí kim chưa bao giờ công nhận “danh nghĩa lịch sử” hoặc quy chế “vùng nước lịch sử” đối với vùng biển rộng lớn như yêu sách của Trung Quốc, nhưng cứ thử xem xét một cách khách quan liệu Trung Quốc có thể đáp ứng được những tiêu chí nêu trên hay không. Thứ nhất, rất dễ thấy là tất cả các hoạt động hàng hải, dầu khí và nghề cá… của các quốc gia trong và ngoài khu vực biển Đông đều không hề vấp phải bất kỳ sự ngăn cản nào từ phía Trung Quốc ít nhất là cho mãi đến tận những năm 1990 của thế kỷ trước. Do vậy cũng là dễ hiểu khi mọi người đều nghi ngờ về việc Trung Quốc có thể đáp ứng được tiêu chí thực hiện chủ quyền thực sự một cách liên tục và hòa bình trong một khoảng thời gian dài từ sau năm 1947. Thứ hai, các quốc gia trong khu vực đều không thừa nhận cái gọi là “các quyền lịch sử của Trung Quốc”. Trái lại, họ đều đã đưa ra những quy định của mình về các vùng biển và cùng nhau ký kết các hiệp định phân định các vùng biển chồng lấn cũng như các thỏa thuận hợp tác khác trong biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc… Đó là chưa nói đến những tranh chấp về chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Đông.
Đường 9 khúc đứt đoạn được Trung Quốc thể hiện trong sơ đồ đính kèm công hàm ngày 7.5.2009 cũng không thể mang lại cho Trung Quốc quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển nằm phía trong đường này theo quy chế của Vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Công ước Luật biển 1982. Vì bản chất tiến bộ của Công ước Luật biển 1982 là sự công nhận và mở rộng quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển được bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên gắn liền với lãnh thổ của mình. Một con đường không rõ ràng nằm cách xa lục địa Trung Quốc hàng ngàn cây số liệu có thể đáp ứng quy định của Công ước Luật biển 1982.
Trong một tài liệu nghiên cứu về các tranh chấp trên biển Đông, Brice M.Claget, một luật sư người Mỹ đã nhận định: “Yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền “lịch sử” và quyền đối với hầu hết biển Đông và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề luật pháp nghiêm chỉnh” (“Competing Claims of Vietnam and China in the Vanguard Bank and Blue Dragon areas of the SCS” Journal Oil and Gas Law & Taxation Review, vol. 13 issue 10 Oct, 1995 và vol. 13 issue 11 Nov. 1995).
Như vậy, xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển thì yêu sách đường đứt đoạn 9 khúc của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được.
Một việc làm không phù hợp với xu thế của khu vực
Người ta có thể hiểu được vì sao mà Trung Quốc trong nhiều năm đã in các bản đồ có thể hiện đường đứt đoạn 9 khúc, nhưng lại không công bố chính thức yêu sách của mình trên biển Đông theo con đường này. Ngoài những lý do đã phân tích ở trên thì có lẽ sự thận trọng của Trung Quốc xuất phát từ sự cân nhắc đến tác động của việc đưa ra yêu sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh về một đất nước Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Liệu hình ảnh mà nhân dân Trung Quốc đã dày công xây dựng về một đất nước Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và hợp tác có còn được nguyên vẹn trong con mắt của nhân dân các nước láng giềng sau khi Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách đối với 80% diện tích của biển Đông? Liệu việc làm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự đánh giá của các nước ASEAN đối với những chính sách và việc làm phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC) trước đó của Trung Quốc?
Với vị trí địa chính trị, cấu tạo tự nhiên và hoạt động kinh tế – xã hội liên kết giữa các quốc gia, biển Đông là ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực. Các nước ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều cố gắng để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển hợp tác quốc tế trên biển Đông. Việc công khai đưa ra yêu sách về đường đứt đoạn vào lúc này chỉ làm cho tình hình trên biển Đông thêm phức tạp, đi ngược lại xu thế và nỗ lực của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định lâu dài cho những tranh chấp biển Đông. Các vấn đề trên biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, tìm ra một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được.
Quốc Pháp