Sau sự cố tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu Nhật Bản tại biển Hoa Đông, cho dù Tokyo đã liên tục tỏ dấu hiệu hòa hoãn, Bắc Kinh vẫn có hành động cứng rắn, thậm chí khiêu khích nước láng giềng. Theo giới phân tích, thái độ hung hăng này gây quan ngại nơi các nước Châu Á, thúc đẩy họ tìm kiếm đối trọng ngoài khu vực để cân bằng thế lực của Trung Quốc.
Một cuộc tập hợp biểu tìinh bài Nhật tại Bắc Kinh (RFI / Stéphane Lagarde)
Hành động quyết đoán mới nhất của chính quyền Bắc Kinh là ào ạt cử tàu tuần tra qua vùng biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Tokyo trên chủ quyền ở khu vực vùng biển phân chia hai nước, trong đó có vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, đang do Nhật quản lý, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Theo Tân Hoa Xã vào hôm nay, thì Trung Quốc vừa cử thêm một một tàu tuần tra đến vùng biển tranh chấp để tăng cường lực lượng của họ trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho biết là sẽ triển khai thêm 36 chiếc tàu nữa đến hiện trường. Mục tiêu, theo tuyên bố của một viên chức cao cấp thuộc Cục Hàng hải Quốc gia Trung Quốc, là để « củng cố năng lực của đội tàu tuần tra trên biển » của nước này.
Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc hiện có khoảng 260 tàu tuần tra trên biển, trong đó có 200 chiếc tàu nhỏ của lực lượng tuần duyên. Về phía Nhật Bản, nước này có 421 tàu tuần tra và 13 tàu khảo sát. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên ngành tuần duyên Nhật Bản, không phải tất cả mọi chiếc tàu đều tập trung vào những khu vực có tranh chấp với Trung Quốc.
Thông báo về quyết định ào ạt cử tàu tuần tra qua biển Hoa Đông là một động tác cứng rắn mới của Trung Quốc nhằm răn đe Nhật Bản, nối tiếp theo vụ cho hai chiếc tàu ngư chính của họ tiến đến gần vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư tối 24/10.
Trong lãnh vực ngoại giao cũng thế, bất chấp việc Tokyo liên tiếp kêu gọi tổ chức một cuộc gặp song phương giữa thủ tướng hai nước bên lề các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội vào tuần này, Bắc Kinh vẫn giữ thái độ không dứt khoát. Cho đến hôm qua, 26/10, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn không cho biết là liệu có cuộc họp đó hay không. Không những thế, ông Mã Triêu Húc còn tiếp tục gây sức ép trên Nhật Bản, khi tuyên bố là Bắc Kinh hy vọng Tokyo « có những biện pháp cụ thể để tạo điều kiện và bầu không khí thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ giữa hai bên ».
Ngoài những áp lực kể trên, theo các nhà quan sát, Trung Quốc còn sử dụng vũ khí kinh tế nhằm gây sức ép trên Nhật Bản, khi giới hạn đáng kể việc bán đất hiếm cho Nhật. Trung Quốc hiện gần như là độc quyền sản xuất loại nguyên vật liệu sống còn trong công nghiệp điện tử và ô tô, hai ngành kinh tế mũi nhọn của Nhật Bản.
Nhật Bản càng qụy lụy, Trung Quốc càng cao ngạo
Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận việc ngừng vận chuyển đất hiếm cho Nhật vì lý do chính trị, nhưng cho biết là chính sách chung của họ là giới hạn toàn bộ việc sản xuất và xuất khẩu đất hiếm để nguồn dự trữ của họ không bị suy kiệt, cũng như tránh cho môi trường không bị tổn hại.
Xin nhắc lại là quan hệ Trung – Nhật đã xấu đi đáng kể từ đầu tháng trước sau vụ Tokyo bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản gần vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông. Trung Quốc đã phản ứng dữ dội và tiếp tục duy trì thái độ căng thẳng bất chấp những động thái hòa dịu liên tiếp của Nhật Bản từng bị dư luận đánh giá là quá quỵ lụy Trung Quốc.
Theo ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại tại Đại Học Temple ở Tokyo thì trong cuộc đọ sức này, chính Trung Quốc là kẻ bại do thái độ cao ngạo của họ. Ông giải thích : «Nhật Bản đã quỳ mọp trước Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại là phía thực sự thất bại. Các tuyên bố và hành động của Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận hòa hoãn hơn của Nhật Bản, đã thêm củi lửa cho phái ‘’diều hâu’’ chống Trung Quốc. Những người Nhật, người Mỹ hay người những nước khác, từng khẳng định rằng đà vươn lên của Trung Quốc là một điều tốt, hiện đã bị mất thể diện ».
Còn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về vấn đề an ninh tại Châu Á thuộc Học viện Quốc phòng Úc thì cho rằng các nước Châu Á sẽ e dè Trung Quốc hơn và sẽ thiên về phía Mỹ và Nhật Bản nhiều hơn. Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, giáo sư Thayer ghi nhận là « đa số các nước trong vùng đều ngạc nhiên, thậm chí bị sốc trước đường lối cứng rắn của Trung Quốc ».
Thế nhưng, vì Bắc Kinh là nguồn viện trợ và đầu tư quan trọng cho các nước đang vươn lên trong vùng, do đó ít ai dám trực diện thách thức Trung Quốc. Đối với giáo sư Thayer, « trong thực tế, nhiều quốc gia không muốn bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc. Họ hy vọng là chính Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ làm điều này ».
Tóm lại, thái độ lấn lướt của Trung Quốc, tại cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, đang khiến cho Trung Quốc thất bại trong chiến lược nâng cao uy tín của mình trong khu vực và đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản.
Trọng Nghĩa
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần thứ hai ngày 24/09/2010 tại New York REUTERS/Jason Reed
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần thứ hai ngày 24/09/2010 là một cột mốc mới trong tiến trình được chính quyền Obama khởi động nhằm khôi phục ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại châu Á từng bị Trung Quốc bào mòn trong thập niên vừa qua. Bí quyết thành công của Mỹ là một đường lối ôn hòa, tôn trọng lợi ích của các nước nhỏ trong vùng, đối nghịch với thái độ hung hăng của Trung Quốc ngày càng khiến các láng giềng quan ngại. Đây là nội dung bài phân tích «Winning influence by not being aggressive» (Giành được ảnh hưởng nhờ không hiếu chiến) của tác giả M.S. trên trang blog của tuần báo Anh The Economist ngày 23/09.
Nhà báo Edward Wong vừa có một bài viết hay trên nhật báo Mỹ New York Times ngày 23/09 về cách bà Hillary Clinton đã lợi dụng chính sách ngoại giao sai lầm chuyên bắt nạt của Trung Quốc, để xây dựng ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Đông Á. Chủ trương quan tâm nhiều hơn đến khu vực, và đặc biệt là đến Đông Nam Á, là một trọng tâm xuyên suốt của chính quyền Hoa Kỳ kể từ khi ông Obama nhậm chức. Bà Clinton đã nhiều lần viếng thăm Đông Nam Á, nơi trước đây bị chính quyền Bush lơ là vì bị các sự kiện ở Trung Đông làm phân tâm. Barack Obama dự kiến gặp các lãnh đạo Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 24/09 tại New York.
Thế nhưng hầu hết các động lực thúc đẩy (các nước châu Á xích lại gần Hoa Kỳ) lại xuất phát từ các động thái phi lý và hiếu chiến của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Trung Quốc tiếp tục khẳng định đòi hỏi chủ quyền đơn phương trong vùng biển quốc tế xung quanh, điều mà theo các quan chức Mỹ không có cơ sở luật pháp quốc tế.
Với giọng điệu ngày càng mạnh mẽ, Bắc Kinh đòi Tokyo trả tự do cho thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật Bản cho là đã đâm vào tàu tuần tra của Nhật gần quần đảo Senkaku đang tranh chấp giữa hai bên. (Dường như Trung Quốc hiện đã tạm dừng xuất khẩu kim loại hiếm qua Nhật Bản, phá vỡ hợp đồng và có thể là đã vi phạm luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO).
Trung Quốc cũng phản đối các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Hàn ở Hoàng Hải, chọc giận Hàn Quốc vốn muốn gửi một tín hiệu phản ứng lại hành động của Bắc Triều Tiên bắn chìm của tàu khu trục Cheonan.
Và Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bác bỏ đòi hỏi của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia ; họ còn bắt giữ hàng trăm tàu thuyền đánh cá của Việt Nam, và đe dọa trả đũa công ty dầu hỏa Anh Mỹ nào ký kết hợp đồng thăm dò với Việt Nam. Điều đó đã mở đường cho bà Clinton tuyên bố vào tháng Bảy rằng Hoa Kỳ hậu thuẫn cho ý tưởng mở các cuộc đàm phán đa phương về biển. Các nước ASEAN rất phấn khởi, còn Trung Quốc thì tức giận, vì họ muốn thương lượng song phương với các láng giềng, có lợi hơn cho họ.
Bài học cơ bản ở đây là nước lớn giành được ảnh hưởng và quyền lực khi tuân thủ các hệ thống quốc tế dựa trên căn bản luật pháp, công bằng đối với các nước nhỏ. Các nước lớn mất đi ảnh hưởng và quyền lực nếu hành động một cách hung hăng và vô lối để mở rộng quyền lợi của mình, gây mất mát cho các nước nhỏ hơn.
Tuy nhiên, các nước lớn thường bị các làn sóng to lớn của chủ nghĩa dân tộc nội bộ chi phối, vì lẽ công dân của họ thường không được tiếp xúc với công dân hoặc các phương tiện truyền thông nước ngoài, lại ít biết ngoại ngữ, và không quen với ý tưởng theo đó đất nước to lớn và mạnh mẽ của họ vẫn có thể bị quan điểm hay lợi ích của bất kỳ một quốc gia nào khác hạn chế.
Bên trong hệ thống chính trị của các nước lớn, thường có những hình thức kích động tinh tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc để giành chiến thắng chính trị bằng cách cáo buộc các đối thủ là phản bội đất nước khi không mạnh tay đối với người nước ngoài. Điều đó thúc đẩy các chính trị gia đề ra các lập trường đối ngoại hung hăng mà sau đó sẽ gây tổn hại cho lợi ích thực tế của chính nước họ vì tạo ra sợ hãi và ác cảm ở nước ngoài, dẫn đến các phản ứng đối phó.
Phân tích kể trên ít ra là có thể giúp tôi giải thích được động thái tự hủy diệt và không thể lý giải được bằng cách khác của Trung Quốc khi họ tuyên bố rằng Biển Đông thuộc phạm vi “lợi ích cốt lõi” của họ (thuật ngữ này cũng sử dụng cho Tây Tạng và Đài Loan), qua đó họ tự ràng buộc mình vào một vị trí đàm phán mà họ không thể giành chiến thắng và cũng không thể thối lui.
Trong thập kỷ qua, Hoa Kỳ cũng đã phạm phải một số sai lầm phi lý tương tự. Thế nhưng gần đây, Mỹ đã giảm bớt chủ nghĩa đơn phương và tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ. Và điều đó đã mang lại hiệu quả.
Trọng Nghĩa