Trong lúc những công điện ngoại giao của Mỹ vừa bị tiết lộ cho thấy Trung Quốc nghĩ rằng bán đảo Triều Tiên nên được thống nhất dưới sự kiểm soát của Nam Triều Tiên nếu chế độ ở miền bắc sụp đổ, một học giả Trung Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên là “lợi ích cốt lõi hạng nhất” của Trung Quốc. Giáo sư Lý Hy Quang của Đại học Thanh Hoa nói với đài VOA rằng Trung Quốc nên nêu rõ lập trường này và cung cấp cho Bắc Triều Tiên “ô dù hạt nhân” như Hoa Kỳ đang làm với Nam Triều Tiên.
Trong lúc nhiều người bàn tán xôn xao về việc Trung Quốc có ý định bỏ rơi chính phủ ở Bình Nhưỡng để ủng hộ cho bán đảo Triều Tiên được thống nhất dưới sự kiểm soát của Seoul, một học giả Trung Quốc nói rằng quốc gia Cộng Sản bị cô lập này là “lợi ích cốt lõi hàng đầu” của Trung Quốc và việc gây ra chiến tranh ở Bắc Triều Tiên là một hành động gây hấn và tuyên chiến với Trung Quốc. Trong bài bình luận đăng ngày 30 tháng 11 trên tờ Hoàn cầu Thời báo do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, giáo sư Lý Hy Quang của Đại học Thanh Hoa cho rằng bất kể Bắc Triều Tiên do ai cai trị và theo thể chế nào thì nước này vẫn là lợi ích cốt lõi thượng hạng của Trung Quốc, chứ không phải chỉ là một nước “láng giềng hữu nghị” thông thường. Nhà nghiên cứu bang giao quốc tế nổi tiếng của Trung Quốc này nói thêm rằng hòa bình của bán đảo Triều Tiên không phải chỉ là vấn đề giữa hai miền Triều Tiên mà là một vấn đề có liên hệ mật thiết với an ninh của Trung Quốc.
Vị giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Quốc tế của Đại học Thanh Hoa cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Ban Hoa Ngữ đài VOA.
Ông Lý Hy Quang cho biết: “Bắt buộc phải có một vùng trái độn. Cần có một vùng trái độn giữa Trung Quốc với một nước lớn có khả năng xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc. Triều Tiên là vùng trái độn của Trung Quốc ít ra là từ thời nhà Đường và vị thế này từ trước tới nay chưa hề thay đổi. Bất kể là Bắc Triều Tiên do ai nắm quyền và có một thể chế như thế nào thì chúng ta cũng phải bảo đảm là Bắc Triều Tiên là một vùng trái độn, có một chính quyền thân Trung Quốc, thân thiện với người Hoa.”
Bài viết của giáo sư Lý Hy Quang cho rằng một khi chiến tranh bùng ra ở Bắc Triều Tiên hay chính phủ ở Bình Nhưỡng bị sụp đổ thì nhiều người trong số 26 triệu người Bắc Triều Tiên sẽ vượt qua đường biên giới dài 1 ngàn 300 cây số để vào vùng Diên Biên của Trung Quốc, gây ra tình trạng hỗn loạn hay loạn lạc. Và theo ông, nếu giới hữu trách Trung Quốc ra tay trấn áp để phục hồi trật tự, Bắc Kinh sẽ bị các nước Tây phương tố cáo là gây ra thảm họa nhân đạo hay thanh tẩy sắc tộc – tương tự như tình hình ở Nam Tư cũ hồi thập niên 1980, và Hoa Kỳ cùng với Nam Triều Tiên sẽ mượn danh nghĩa Liên hiệp quốc để can dự và dựng ra một nước “Kosovo Á châu” trong vùng đông bắc của Trung Quốc.
Ông Lý Hy Quang khẳng định rằng tình huống đó không phải chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Ông Lý Hy Quang nói: “Năm 1999 tôi đã đọc được một bản phúc trình của một học giả Nam Triều Tiên và một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ – dĩ nhiên là được soạn thảo qua sự ủy thác của một cơ quan nào đó của chính phủ Mỹ. Phúc trình này dự báo là khi Bắc Triều Tiên bị sụp đổ thì vùng Diên Biên của Trung Quốc sẽ xuất hiện “một nước Kosovo”. Điều đó sẽ dẫn tới chỗ Diên Biên hoặc độc lập hoặc sáp nhập trở lại với một nước Đại Hàn thống nhất.”
Giáo sư Lý Hy Quang cho rằng thế trận chữ C mà Hoa Kỳ dựng lên để bao vây Trung Quốc đã hình thành và vòng vây càng lúc càng chặt hơn. Ông nói rằng giờ đây, ngoại trừ Nepal, Pakistan và Bắc Triều Tiên, hầu như toàn bộ khu vực xung quanh Trung Quốc đều bị yếu tố Hoa Kỳ bao vây.
Ông Lý Hy Quang cho rằng trong tình thế hiện nay Trung Quốc nên thực hiện ba việc quan trọng là yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, dựa theo cách thức Hoa Kỳ áp dụng đối với Nam Triều Tiên để đặt Bắc Triều Tiên dưới “ô dù hạt nhân” của Trung Quốc, và khuyên nhủ Bắc Triều Tiên đi theo con đường cải cách khai phóng.
Ông Lý Hy Quang nói thêm: “Nếu vào lúc này mà Trung Quốc không đưa ra một tín hiệu rõ ràng thì Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ không hiểu được sự thể và có thể họ sẽ thực hiện những hành động khiêu khích có tính chất cực đoan. Đứng trước những hành động thị uy của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ rất tức giận và có thể sẽ có phản ứng cực đoan. Kết cuộc là Trung Quốc sẽ phải nhận lãnh hậu quả. Vùng đông bắc của Trung Quốc sẽ gánh chịu tai ương.”
Giáo sư Trần Cương, một chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng có lẽ đã tới lúc Bắc Kinh cần phải điều chỉnh chính sách về Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông không tán đồng cách đánh giá của ông Lý Hy Quang về vị thế của Bắc Triều Tiên đối với Trung Quốc.
Ông Trần Cương nói: “Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có mối quan hệ đồng minh chiến lược từ thập niên 1950 tới nay. Nhưng trong tình thế mới hiện nay thì phải chăng mối quan hệ này cần được điều chỉnh? Đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và trong lúc các yếu tố kinh tế ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải xem xét lại vấn đề Bắc Triều Tiên có phải là lợi ích cốt lõi cao nhất của Trung Quốc hay không. Ngoài ra, theo nhận xét của tôi thì giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc không hề xem là Bắc Triều Tiên có vị thế quan trọng về chiến lược như chính lãnh thổ của mình.”
Trong cùng ngày bài viết của giáo sư Lý Hy Quang được tờ Hoàn Cầu đăng tải, trang mạng WikiLeaks đã công bố nhiều công điện mật của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó có những tài liệu cho thấy rằng Trung Quốc bất bình trước thái độ ương ngạnh của Bắc Triều Tiên và sẵn sàng ủng hộ cho bán đảo Triều Tiên được thống nhất dưới sự kiểm soát của miền nam, nếu chính quyền ở Bình Nhưỡng sụp đổ.
Tiến sĩ Trịnh Kế Văn, chủ biên Tạp chí Quốc phòng Á châu Thái bình dương ở Đài Loan, nhận định như sau về việc Trung Quốc có thể không còn xem Bắc Triều Tiên là bức chắn an ninh của mình.
Ông Trịnh Kế Văn nói: “Nếu xảy ra một tình huống như vậy thì việc Bắc Triều Tiên được Nam Triều Tiên thống nhất là một thực tế mà Trung Quốc không thể không chấp nhận. Bởi vì nếu tình trạng hỗn loạn tiếp diễn ở Bắc Triều Tiên và tiếp tục leo thang thì rất có thể là Trung Quốc sẽ bị lôi kéo vào chiến tranh. Và như vậy thì những thành quả phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ bị tiêu tan trong một sớm một chiều. Hậu quả này rõ ràng không phải là điều mà Trung Quốc muốn có. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng nếu chính quyền Bắc Triều Tiên bị sụp đổ thì Trung Quốc sẽ phải miễn cưỡng chấp nhận để cho Nam Triều Tiên thống nhất Bắc Triều Tiên.”
Theo các công điện ngoại giao của Mỹ bị tiết lộ, các giới chức Trung Quốc nhận định rằng kinh tế Bắc Triều Tiên đã hoàn toàn suy sụp và chính phủ ở Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ trong vòng từ 2 đến 3 năm sau khi lãnh tụ Kim Jong Il qua đời. Cũng theo các tài liệu này, các giới chức Trung Quốc đã chuẩn bị một kế hoạch phòng hờ và nói rằng họ có thể ứng phó với 300 ngàn người tị nạn từ Bắc Triều Tiên nhưng có thể sẽ phải đóng cửa biên giới để duy trì trật tự.
Duy Ái [Nguồn VOA]