Lấy lý do sự bùng phát các mạng báo điện tử cá nhân ở Việt Nam đã “vi phạm đạo đức của công dân, ảnh hưởng tới quyền tự do chân chính của người khác” Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã công bố bản dự thảo “Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng” gồm 57 Điều nhằm tiêu diệt tận gốc mọi quyền tự do ngôn luận của người dân.
Việc làm phản dân chủ này được Bộ Thông tin và Truyền thông đăng trên trang điện tử của Bộ này ngày 12/06 (2012) nhằm thay cho26 Điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008.
Ngòai những điều ngăn chận tội phạm và bảo vệ thuần phong mỹ tục, nhất là đối với trẻ em, những điều quy định mới đã huy động mọi ngành chức năng của Chính phủ từ Trung ương xuống địa phương, đặc biệt 4 Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Công An, Quốc Phòng và Tài Chính áp dụng mọi biện pháp để kiểm soát và chế tài các công ty, tổ chức và cá nhân sử dụng dịch vụ Internet
Mục đích của văn kiện dự thảo nhằm: “Quy định chi tiết đối với việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, bao gồm quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, trang thông tin điện tử, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên Internet; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng.”
Điều 2 nói rõ các “Đối tượng” bị chi phối bởi Nghị đình này gồm: “tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng.”
Điều mà đảng CSVN lo ngại nhất hiện nay là sự bùng nổ tự phát ở trong nước của các mạng báo điện tử cá nhân và các tổ chức quần chúng không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước, hay còn được gọi là “các báo lề trái”. Do đó, Nghị định mới đã định nghĩa rõ rằng: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không đăng lại thông tin chính thức. Trang thông tin điện tử của cá nhân có thể do cá nhân tự thiết lập hoặc thiết lập sử dụng dịch vụ mạng xã hội (blog).”
Khi đã quy định như thế là nhà nước chủ trương không để cho bất cứ ai được tự do có tiếng nói riêng vượt ra ngòai tầm kiểm soát của chính quyền.
Cho nên khi nhân danh “bảo đảm an ninh quốc gia” để xen vào cuốc sống riêng tư và kiểm soát tư tưởng người dân thì Nghị định mới cũng giải thích thế nào là “an ninh quốc gia” như đã viết: “Đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng là các hoạt động quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi sử dụng, lợi dụng Internet và cung cấp thông tin trên mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích của công dân; phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua mạng; điều tra và truy tố tội phạm mạng.”
NHỮNG ĐIỀU CẤM KỴ
Vì vậy trong số 57 Điều của Nghị định vừa phổ biến để lấy ý kiến công chúng thì những việc cấm ghi trong Điều 5 là quan trọng nhất vì nó đã cho phép các cơ quan an ninh tình báo của Công an, Quân đội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài Chính có tòan quyết giết chết một trang mạng với những lý do mơ hồ như “chống lại nhà nước”, “vi phạm an ninh quốc gia” và tội “tuyên truyền” giống như những tội danh viết trong Bộ Luật Hình Sự đã được Nhà nước dung để buộc tội và bỏ tù những cá nhân chống đảng và nhiều người của các tổ chức Tôn giáo không chịu làm theo các điều kiện của Nhà nước.
Nguyên văn “Điều 5” quy định “Các hành vi bị cấm” như sau:
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
a) Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
2. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định.
3. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
4. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm.
5. Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại hệ thống máy chủ tên miền quốc gia, hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, truy cập thông tin và sử dụng hợp pháp các dịch vụ trên Interrnet của tổ chức, cá nhân.
6. Sử dụng trái phép tài nguyên Internet, mật khẩu, khoá mật mã, thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân.
7. Phát tán các nội dung thông tin giả mạo cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Gửi thư điện tử rác hay quảng cáo trái pháp luật.
8. Tạo ra, cài đặt, phát tán các phần mềm độc hại, vi rút máy tính, để thực hiện một trong những hành vi quy định tại Điều 71 Luật Công nghệ thông tin. Xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin nhằm tạo lập công cụ tấn công trên Internet hay nhằm thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Điều 70 và Điều 72 Luật Công nghệ thông tin.”
CÁC ĐIỀU 70, 71 và 72
Vậy các điều 70,71 và 72 của Luật Cộng nghệ thông tin viết gì?
Điều 70. Chống thư rác
1. Tổ chức, cá nhân không được che giấu tên của mình hoặc giả mạo tên của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thông tin trên môi trường mạng.
2. Tổ chức, cá nhân gửi thông tin quảng cáo trên môi trường mạng phải bảo đảm cho người tiêu dùng khả năng từ chối nhận thông tin quảng cáo.
3. Tổ chức, cá nhân không được tiếp tục gửi thông tin quảng cáo trên môi trường mạng đến người tiêu dùng nếu người tiêu dùng đó thông báo không đồng ý nhận thông tin quảng cáo.
Điều 71. Chống vi rút (virus) máy tính và phần mềm gây hại
Tổ chức, cá nhân không được tạo ra, cài đặt, phát tán vi rút máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện một trong những hành vi sau đây:
1. Thay đổi các tham số cài đặt của thiết bị số;
2. Thu thập thông tin của người khác;
3. Xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài đặt trên thiết bị số;
4. Ngăn chặn khả năng của người sử dụng xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng những phần mềm không cần thiết;
5. Chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số;
6. Thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số;
7. Các hành vi khác xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng.
Điều 72. Bảo đảm an toàn, bí mật thông tin
1. Thông tin riêng hợp pháp của tổ chức, cá nhân trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng được bảo đảm bí mật theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân không được thực hiện một trong những hành vi sau đây:
a) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;
b) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;
c) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;
d) Bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;
đ) Hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.”
Căn cứ vào những điều này thì các cơ quan an ninh của Nhà nước CSVN từ trước đến nay đã vi phạm nghiêm trọng một số khỏan ngăn cấm ghi trong 2 Điều 71 và Điều 72 khi họ phá phách, đánh cắp, xoá mất nhiều mạng báo cá nhân và thiết bị số của những người bất đồng chính kiến, công khai đấu tranh bất bạo động đòi dân chủ, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo.
Như vậy thì với Nghị định mới, liệu những hành động xâm phạm tài sản và quyền con người của công dân Việt Nam của các cơ quan an ninh nhà nước có phải chấm dứt không, và liệu các cán bộ, viên chức nhà nước thi hành lệnh chống phá nhân dân có bị pháp luật trừng trị như khi người dân bị nhà nước tố cáo vi phạm những điều cấm kỵ ấy không?
Đối với các Địa điểm truy nhập Internet công cộng, hay còn được gọi là Café Internet, Điều 10 của Nghị định dư thảo quy định chủ nhân: “Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm của mình để thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này.”
Đối với người sử dụng dịch vụ tại qúan Internet thì phải: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin truyền, đưa, lưu giữ trên mạng viễn thông”, theo như khỏan 1 của Điều 16 Luật Viễn thông (LVT).
TÊN MIỀN QUỐC TẾ
Đối với các tổ chức hay cá nhân không sử dụng “tên miền quốc gia Việt Nam” (.vn) để truyền tải thông tin của mình, theo quy định trong Điều 20 của Nghị định mới, phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông để chịu sự kiểm soát.
Quy chế viết: “Tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Điều 23 Luật Công nghệ thông tin (LCNTT). Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể quy trình, thủ tục thông báo sử dụng tên miền quốc tế.”
Điều 23 của LCNTT viết nguyên văn việc quy định “Thiết lập trang thông tin điện tử” như sau:
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm quản lý nội dung và hoạt động trang thông tin điện tử của mình.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” khi thiết lập trang thông tin điện tử không cần thông báo với Bộ Bưu chính, Viễn thông. Tổ chức, cá nhân khi thiết lập trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải thông báo trên môi trường mạng với Bộ Bưu chính, Viễn thông những thông tin sau đây:
a) Tên tổ chức ghi trong quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép mở văn phòng đại diện; tên cá nhân;
b) Số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân hoặc số, ngày cấp, nơi cấp hộ chiếu của cá nhân;
c) Địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hoặc nơi thường trú của cá nhân;
d) Số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử;
đ) Các tên miền đã đăng ký.
3. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này, khi thay đổi thông tin thì phải thông báo về sự thay đổi đó.
4. Trang thông tin điện tử được sử dụng cho hoạt động báo chí phải thực hiện quy định của Luật này, pháp luật về báo chí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Trang thông tin điện tử được sử dụng cho hoạt động kinh tế – xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh phải thực hiện quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, các trang báo mạng của người Việt Nam ở trong nước hiện không sử dụng tên miền Việt Nam như địa chỉ của Báo Nhân Dân của đảng CSVN (www.nhadan.org.vn), nghĩa là không nằm trong hệ thống báo, đài của nhà nước thì phải khai báo và chịu kiểm soát gay gắt, thay vì tự do phổ biến tin tức hay các bài viết “ngoài lề” như đang làm.
Nói cách khác, Nghị định mới sẽ ngăn cấm các “nhà báo tự do” hành nghề, mặc dù không được ai trả lương và cũng chẳng nhận được đồng xu nào của người đọc!
Do đó, nếu vi phạm (hay không vào khuôn phép theo lệnh đảng) thì sẽ bị “thu hồi tài nguyên Internet”, đúng nghĩa là bị “đóng cửa” theo Điều 21 mà Nghị định mới đã viết:
1. Thu hồi tài nguyên Internet là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu lại quyền sử dụng tài nguyên Internet đã phân bổ, cấp cho tổ chức, cá nhân.
2. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Viễn thông, việc thu hồi tài nguyên Internet còn được thực hiện căn cứ vào các trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi việc sử dụng tài nguyên Internet vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.
b) Kết quả giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
c) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức phạt bổ sung là thu hồi tài nguyên Internet đã có hiệu lực pháp luật.
d) Không đưa địa chỉ Internet, số hiệu mạng vào sử dụng sau 06 tháng kể từ ngày được phân bổ, cấp.
đ) Không đóng phí, lệ phí theo quy định.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể quy trình, thủ tục thu hồi tài nguyên Internet.”
Khoản 2 của Điều 50 Luật Viễn thông (LVT) viết:
Việc thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi để sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh;
b) Mục đích, đối tượng sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet không còn phù hợp với quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet hiện hành;
c) Tổ chức, cá nhân đã được phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet không nộp lệ phí phân bổ, phí sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet.
3. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet quy định tại khoản 2 Điều này phải ngừng sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet theo quyết định thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet. 4. Nhà nước bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.”
Sau cùng, khi nói về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân Việt Nam đối với việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng” thì Điều 23 mới viết:
1. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình tự cung cấp, lưu trữ, truyền đưa trên mạng, bao gồm cả nội dung thông tin của đường liên kết trực tiếp, bảo đảm không vi phạm các điều cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bản quyền, về sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân là chủ các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân chịu trách nhiệm về các thông tin cung cấp, lưu trữ trên trang thông tin điện tử của mình, bao gồm cả thông tin công cộng do tổ chức, cá nhân khác đưa lên hoặc thông tin qua đường liên kết trực tiếp, bảo đảm không vi phạm các điều cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này.
3. Sử dụng các dịch vụ Internet và thông tin trên mạng theo quy định của pháp luật. Thực hiện đăng ký thông tin cá nhân theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định cụ thể việc đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng.”
Về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì Điều 29 viết rằng: “Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy định tại Điều 11 và các quy định sau:
1. Tuân thủ quy chế trao đổi thông tin công cộng của mạng xã hội.
2. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình tự cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, bao gồm cả nội dung thông tin của đường liên kết trực tiếp do mình cung cấp, bảo đảm không vi phạm các điều cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này.
3. Chịu trách nhiệm về các thông tin cung cấp, lưu trữ trên trang thông tin điện tử cá nhân của mình được thiết lập trên mạng xã hội, bao gồm cả thông tin công cộng do tổ chức, cá nhân khác đưa lên hoặcn thông tin qua đường liên kết trực tiếp, bảo đảm không vi phạm các điều cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này.
4. Thực hiện đăng ký thông tin cá nhân khi cung cấp thông tin công cộng theo quy định; tự quyết định việc cho phép chủ mạng xã hội sử dụng thông tin cá nhân khi đăng ký và sử dụng dịch vụ.
(Chú thích : Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ truy nhập Internet.
Ngoài việc tuân thủ các quyền và nghĩa vụ đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Viễn thông, người sử dụng dịch vụ truy nhập Internet còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Tuân thủ thời gian hoạt động tại các điểm truy nhập Interrnet công cộng.
2. Không được kinh doanh lại các dịch vụ Internet.
3. Tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin và các quy định khác có liên quan tại Nghị định này.)
CÔNG AN VÀ INTERNET
Về “trách nhiệm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng”, Nghị định mới viết trong Điều 55 đà dành tòan quyền cho hai Bộ Công an và Thông tin và Truyền thông kiểm soát các họat động trên Internet như sau:
1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng, bao gồm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh thông tin, phòng chống các hành vi lợi dụng mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và lợi ích công dân, bảo vệ bí mật nhà nước.
b) Tổ chức, chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tội phạm, tổ chức điều tra, truy tố tội phạm mạng và các vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực Internet và nội dung thông tin trên mạng.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp viễn thông, Internet tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm trên mạng và ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này.
d) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng theo thẩm quyền.
e) Chủ trì tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng; chia sẻ thông tin liên quan đến an toàn thông tin; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền phù hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng.
b) Tham gia tuyên truyền về ý thức và trách nhiệm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cho tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng.
Ngòai ra còn nhiều cơ quan và Ủy ban Nhân dân các cấp cũng được huy động phối hợp với công ty cung cấp dịch vụ Internet làm việc kiểm soát lưu thông trên Internete. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet phải lưu trữ các thông tin đến và đi cho Công an kiểm soát.
Các người sử dụng Internet còn bị ràng buộc có trách nhiệm rất khe khắt như sau:
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong hoạt động Internet và nội dung thông tin trên mạng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và nội dung thông tin trên mạng.
a. Triển khai các giải pháp, trang thiết bị kỹ thuật theo quy định của Bộ Công an để lưu trữ thông tin đưa vào, truyền đi trên mạng; ngăn chặn việc truy cập, truyền đưa thông tin có nội dung vi phạm Điều 5 của Nghị định này.
b. Xây dựng, ban hành quy định vận hành, khai thác, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, Tổ chức việc đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng theo quy định của Bộ Công an. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đối với các đại lý Internet, người sử dụng dịch vụ, cán bộ, nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp.
c. Cung cấp thông tin, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng Internet, nội dung thông tin trên mạng vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
d. Ngừng ngay việc cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đối với các chủ thể lợi dụng các dịch vụ này để hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
e. Bố trí mặt bằng, điểm truy nhập mạng, các cổng kết nối, giao diện kết nối tại các điểm kết nối Internet quan trọng và những điều kiện kỹ thuật cần thiết cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong hoạt động Internet.
g. Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng trước khi chính thức cung cấp dịch vụ. Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất, định kỳ, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của Bộ Công an.
h. Chịu trách nhiệm hướng dẫn đại lý Internet, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến công cộng của doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng của Bộ Công an trong hoạt động Internet và nội dung thông tin trên mạng.
i. Chịu sự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
5. Trách nhiệm của chủ điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng:
a. Triển khai, thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng theo quy định của Bộ Công an.
b. Phối hợp, thực hiện yêu cầu của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong hoạt động Internet và nội dung thông tin trên mạng.
c. Hướng dẫn, quản lý người dùng dịch vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng theo quy định tại Nghị định này.
6. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng.
a. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung tin đưa vào và truyền đi trên Internet.
b. Khi nhận được thông tin gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá Việt Nam, không được in, sao, tán phát và phải báo ngay cho cơ quan công an nơi cư trú để xử lý.
c. Chịu trách nhiệm bảo vệ mật khẩu, khoá mật mã, nội dung thông tin riêng và bảo vệ hệ thống thiết bị Internet của mình.
d. Tuân thủ quy định về đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng trong hoạt động Internet và nội dung thông tin trên mạng.
đ. Triển khai hoặc phối hợp triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ bảo đảm an ninh thông tin trong hoạt động Internet và nội dung thông tin trên mạng theo quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
e. Cung cấp thông tin và phối hợp loại bỏ các nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên hệ thống thiết bị của mình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.”
Như vậy là người dân Việt Nam đã mất hết mọi quyền tự do thông tin và được thông tin như đã được công nhận trong Hiến pháp Ðiều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Điều 4 của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999) cũng quy định: “Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân Công dân có quyền:
– Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới;
– Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;
– Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới;
– Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
– Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.”
Nhưng một khi những quyền ghi trong Hiến pháp và Luật Báo chí bị tước bỏ bởi các Nghị định trái luật và chống lại Hiến pháp thì nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có còn là “của dân, do dân và vì dân” nữa không, hay chỉ còn là của một nhóm người có đặc quyền và đặc lợi trong đảng mà thôi?
Nghị định của Bộ Thông tin và Truyền thông đang được loan truyền trong dân chỉ là một phương tiện khác của đảng để bịt miệng dân, nhưng có giúp sửa được cái mồm méo mó khó coi của đảng không?
Phạm Trần
One Comment
T.Tran
Hoa-kỳ có đáng tin cậy không ? Xin trả lời ngắn gọn là KHÔNG . Bởi các
lý-do sau đây : Trong lịch sử lập quốc của Hoa-Kỳ chữ “TÍN” không quan-trọng.
Quyền-lợi là trên hết, giống như những thương gia mục tiêu tối hậu là làm
giàu dù bất chính.