Nhóm thứ nhất: Ăn cắp số liệu, thông tin của người khác để phục vụ cho lợi ích riêng của một người, nhiều người, phe nhóm hay một quốc gia.
Nhóm thứ hai: Đột nhập với mục đích phá hoại, ngăn chặn không cho tiếp cận tới công chúng những thông tin mà chúng cho là bất lợi cho lợi ích của một người, nhiều người, phe nhóm hay một quốc gia.
Bậc thầy của bọn khủng bố-tin tặc là những kẻ thù của tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền. Chúng sợ nhất thông tin minh bạch và đa chiều. Chúng muốn độc quyền thông tin để thực hiện chính sách bịt tai, che mắt nhân dân, mà đúng hơn là chính sách ngu dân hoá.
Trong đám tin tặc-dũng sĩ này, anh Ba Tàu và anh Cộng sản Ba Đình thuộc loại đầu bảng.
Thứ Ba tuần trước, bình luận về việc Trung Quốc mở cuộc tổng khủng bố Internet dưới chiêu bài “kiểm soát nội dung dâm ô”, tờ Financial Times viết: “Đây là bước đi quyết liệt nhất trong chính sách kiểm duyệt Internet của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu sự tồn tại của nó”.
Người Trung Quốc không còn có thể tạo lập trang web trên mạng của Trung Quốc. Nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP – Internet Service Provider) sẽ rà xét lại hàng triệu trang để xem liệu các trang này hoạt động có đúng quy định của pháp luật hay không.
Còn đàn em Ba Đình thì sao?
Năm 2009 này, Việt Nam đã được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới có trụ sở tại Paris (Reporters Sans Frontières, RSF), “chiếu cố” xếp vào 10 quốc gia kiểm duyệt khắt khe nhất báo chí và thông tin trên Internet, ngay bên cạnh đàn anh “môi răng” Trung Nam Hải và các đồng chí Bắc Hàn, Cuba. Bốn quốc gia cùng hội cùng thuyền này đều nằm chót bảng về mức độ tự do thông tin, sát sạt nhau trong 175 nước được xếp loại: Việt Nam hạng 166; Trung Quốc hạng 168; Cuba hạng 170; Bắc Triều Tiên hạng 174.
Trước đó, tháng 8/2006, Hãng thông tấn Pháp AFP đã công bố kết quả cuộc khảo cứu của OpenNet Initiative (ONI), công trình hợp tác giữa các trường đại học Harvard, Oxford, Cambridge và Toronto nói rằng, Cộng sản Việt Nam tập trung việc sàng lọc thông tin vào những địa điểm bị coi là “đe dọa đến chế độ độc đảng của họ” chứ không phải là ngăn chặn dâm ô như họ nói.
“Cơ chế kiểm duyệt internet của Cộng sản Việt Nam chia sẻ nhiều khía cạnh giống Trung Quốc, phản ánh quan hệ gần gũi giữa hai nhà nước” – John Palfrey, giám đốc Trung tâm Berkman về Internet và Xã hội ở Trường Luật Harvard, nói.
Trong thông tư ra tháng 12/2008, Bộ Thông tin Việt Nam siết chặt kiểm soát các blog, cấm truy cập các trang bị cho là chống đối nhà nước hay gây nguy hại cho an ninh quốc gia.
Mới tuần trước trang web Bauxitevn.org bị tín tặc tấn công, phải mất cả tuần mới khôi phục được.
Bản tin hôm 20/12/2009 của BBC viết:
“Kể từ khi bắt đầu hoạt động tới nay, chưa đầy một năm nhưng địa chỉ www.bauxitevn.info đã được trên 17 triệu rưởi lượt người truy cập, vào loại lớn nhất nhì trong các website cá nhân ở Việt Nam.
Trang Bauxite Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Tiễn sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, thoạt tiên với sứ mệnh là ‘Trang thông tin về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên’, vốn gây nhiều tranh luận ở trong nước.
Sau một tuần bị tê liệt vì bị tin tặc kiểm soát, hôm qua Chủ nhật, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho BBC biết trang mạng này đã mở lại”.
Chỉ một ngày sau, ngày 21/12/2009, BBC lại đưa tin: Đến lượt trang Talawas bị tin tặc tấn công.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, người sáng lập trang Web, nói với BBC rằng, “việc trang web bị tấn công có thể phần nào liên quan tới các vụ xử người bất đồng chính kiến sắp diễn ra – gồm vụ Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung”, và “hy vọng Talawas có thể hoạt động trở lại trong ngày lễ Giáng sinh”.
Talawas từ 8 năm nay là trang web có nhiều ảnh hưởng, được giới trí thức, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và truyền thông – quan tâm.
Tôi là một trong nhiều tác giả thường xuyên của Talawas. Talawas gắn bó gần gũi, thân thiết với tôi như một người bạn. Nơi đây tôi có thể tự do được nói, được biểu hiện quan điểm của mình trên mọi lĩnh vực đời sống, đồng thời đón nhận cởi mở những tiếng khen, chê của bạn đọc khắp nơi. Từ đây, tôi học hỏi được rất nhiều, trau dồi thêm kiến thức, hoàn thiện hơn cho mình tư duy và hành động trong cuộc sống.
Tôi liên lạc với nhà văn Phạm Thị Hoài để nắm thông tin và mức độ tổn thất. Hoài nói: “Đây là cú thứ nhất, tất nhiên mình không chết. Vấn đề là ở cú thứ hai, thứ ba anh ạ!”.
Talawas là một diễn đàn mở với mục đích phục vụ cho lợi ích xã hội. Nhà văn Phạm Thị Hoài, các biên tập viên và các tác giả, bloggers đều làm việc và viết gửi bài trên nguyên tắc thiện nguyện. Vì thế khả năng tài chính để duy trì trang web của Talawas hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của bạn đọc.
Muốn có một hệ thống bảo vệ thật tốt, chống lại được bọn khủng bố-tin tặc-ăn cắp không thể xài chùa hay giá rẻ mạt đối với nhà cung cấp dịch vụ – Internet Service Provider.
Vì thế, trước tình hình này, việc nâng cấp an toàn cho trang Talawas chắc chắn lại phải tiếp tục chờ đợi lòng hảo tâm của bè bạn và bạn đọc.
Lê Diễn Đức