Khi sinh viên tại trường London School of Economics (LSE) biểu tình chiếm phòng ăn của giáo sư vào tháng trước để phản đối liên hệ của trường với chính phủ của ông Gaddafi tại Libya thì người ta đều nghĩ rằng đây chỉ là một câu chuyện nhỏ.
Những sinh viên này bực tức vì một bài diễn văn được truyền qua TV trong đó ông Seif al-Islam Gaddafi, một người con của nhà độc tài Muammar Gaddafi (vốn được LSE tặng bằng tiến sĩ danh dự năm 2008) đe dọa những người biểu tình rằng những người ủng hộ cha ông sẽ đánh chống lại mọi đe dọa cho đến viên đạn cuối cùng.
Những sinh viên này đầu tiên chỉ tưởng là trường có nhận một món tiền tặng dữ 1.5 triệu bảng Anh (2.45 triệu đô la Mỹ) từ một quỹ từ thiện của gia đình Gaddafi và đòi phải trả lại món tiền này. Nhưng sau đó, người ta phát hiện rằng quan hệ giữa LSE và chính phủ Libya đi xa hơn nữa. LSE còn ký hợp đồng huấn luyện cho các quan chức chính phủ Libya, và khoa trưởng của trường, Sir Howard Davies còn làm cố vấn đầu tư cho quỹ đầu tư của chính phủ Libya. Thiệt hại đối với uy tín của trường to lớn đến nỗi Sir Howard Davies cảm thấy bắt buộc phải từ nhiệm.
Nhưng không phải chỉ LSE mới bị dính líu đến việc nhận tiền từ những nguồn không được trọng vọng lắm. Và nó đã chiếu một tia sáng và không hoàn toàn được hoan nghênh vào việc các trường đại học của Anh làm sao gây ngân quỹ cho mình. Cách đây 15 năm khi nhà tỷ phú Saudi Arabia Wafic Said tặng trường đại học Oxford 25 triệu bảng Anh để thành lập một trường Quản Trị Doanh Nghiệp (Business Administration), các cuộc tranh cãi lúc đó tập trung vào việc một Quản Trị Doanh Nghiệp có phải là một môn học xứng đáng được dạy tại một trường đại học như Oxford hay không chứ không phải là quan hệ của ông Said với chính phủ Saudi Arabia.
Nhưng bây giờ thì khác. Sau khi Sir Davies từ nhiệm báo chí Anh lại khui ra một loạt những quan hệ của chính phủ Libya với những trường đại học khác của Anh. Trong một phúc trình cũng do hội thiện của gia đình Gaddafi tài trợ, các nhà nghiên cứu của King’s College London điều tra về tình trạng tại các nhà tù của Libya và thấy rằng “có một cải thiện rõ rệt” tại những nhà tù do cảnh sát Libya quản trị. Một số những cảnh sát này được huấn luyện tại King’s. Trường đại học John Moores University của Liverpool thì có một hợp đồng hợp tác giữa trường Quản Trị Doanh Nghiệp và Trường Khoa Học Y Tế của mình với chính phủ Libya. Trường Ðại Học John Moores cũng mở những lớp huấn luyện về chăm sóc sức khỏe tập trung cho trẻ em sơ sinh cho các bác sĩ và y tá Libya. Còn trường School of Oriental and African Studies (SOAS) thì có một chương trình chung cấp bằng Master về khoa học tài chánh với trường đại học Al-Fateh University tại Tripoli. Ngoài ra trường cũng tổ chức một lớp dạy tiếng Anh đặc biệt cho ông Mutassim Qaddafi, một người con khác của nhà độc tài Libya. Bà Sue Yates, giám đốc phát triển của SOAS vào lúc đó thì biện minh cho lớp học đặc biệt của ông Mustassim Qaddafi như sau: “Ðây không phải là điều gì đặc biệt cho những thành viên của các gia đình có tên tuổi. Ðây chỉ là huấn luyện đặc biệt cho một người nào có một bối cảnh đặc biệt.”
Tất cả ba trường đều nói rằng mọi liên lạc với Libya đều có sự thông qua và ủng hộ của Bộ Ngoại Giao Anh. Nhưng ông Robert Hatton, một dân biểu thuộc đảng Bảo Thủ thì chỉ trích mức độ mà các trường đại học của Anh tùy thuộc vào những khoản tặng dữ của những nhà hảo tâm thuộc vùng Trung Ðông. Ông Hatton nói: “Các trường đại học của chúng ta được coi là đại biểu cho tự do và dân chủ. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng rằng có trường đại học nào dám nhận tiền của Nam Phi dưới chế độ apartheid vào những năm 1980 hay không?”
Những quan ngại của ông Hatton cũng được đưa ra trong một phúc trình công bố vào năm 2008 của viện nghiên cứu Center for Social Cohesion. Phúc trình này có tựa đề là “A Degree of Influence” đưa ra e ngại rằng những khoản tặng dữ từ những nhà giầu Trung Quốc và Trung Ðông đã ảnh hưởng đến các trường đại học Anh. Phúc trình này không nhắc nhở gì đến Libya, nhưng chỉ ra rằng những khoản tặng dữ lên đến nhiều triệu bảng Anh của hoàng tử Al-Waleed bin Talal của Saudi Arabia và của những nhà cai trị Arab khác đã làm lệch lạc các nghiên cứu của Anh về vùng này và khuyến khích các giới lãnh đạo trường đại học nhắm mắt bỏ qua trước sự truyền bá phổ biến của một thứ Hồi Giáo quá khích tại các trường đại học Anh.
Tuy nhiên Chris Doyle, giám đốc Hội Ðồng Hữu Nghị Anh-Arab lên tiếng cảnh cáo rằng: “Chúng ta phải nên cẩn thận đừng để những tiếng ồn ào từ những kẻ cực đoan làm mang tiếng xấu cho mọi khoản tài trợ đến từ thế giới Arab” và ông nói thêm “vấn đề là những khoản tài trợ đó đến có kèm theo điều kiện hay không và nếu có những điều kiện đó có chấp nhận được hay không.”
Vấn đề là với tất cả mọi người, từ chính phủ các nước cho đến Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (OECD) đều áp lực các trường đại học tại Châu Âu phải kiếm thêm tài nguyên từ các tặng dữ tư nhân, vấn đề mà các trường đại học Anh vừa gặp phải có thể sẽ báo hiệu những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai.
Ðây có lẽ là một lãnh vực nữa mà các trường đại học Mỹ với lịch sử lâu dài kiếm tặng dữ từ phía tư nhân có thể cung cấp một mô hình cho các trường đại học Châu Âu đi theo. Nhưng theo ông Kris Olds, giáo sư tại trường Ðại Học Wisconsin thì người Mỹ cũng còn có nhiều điều phải học, “Trong lúc các trường đại học Mỹ chính có thể có sẵn những mạng lưới quốc tế để gây quỹ, nhưng họ không phải lúc nào cũng có một cơ sở kiến thức rộng rãi đủ để lượng định các rủi ro về chính trị, kinh tế hoặc văn hóa.”
Và như người ta đã thấy, ngay cả một trường như trường Ðại Học Harvard cũng có khi nhận tặng dữ từ những nguồn không mấy gì là trong sạch. Harvard trong năm 2007 nhận một khoảng tặng dữ 30 triệu đô la từ nhà tài chánh Jeffrey Epstein mà đến năm 2008 nhận tội hình sự là mua dâm từ gái vị thành niên. Sau khi ông Epstein này bị bắt nhiều nhà chính trị nhận tiền từ ông Epstein đã trả lại những món tiền này. Nhưng Harvard thì không. Một phát ngôn nhân của trường đại học đã trả lời tạp chí Harvard Crimson của sinh viên trường là: “Khoản tiền tặng của ông Epstein được dùng để tài trợ những công trình nghiên cứu quan trọng sử dụng toán học tại những lãnh vực tỷ như lý thuyết tiến hóa, virus và ung thư. Trường đại học không tính đến việc trả lại khoản tiền này.”
Ðó là một tiền lệ mà các trường đại học Anh cũng sẽ theo.
Lê Mạnh Hùng