Ba Khuynh Hướng Văn Hóa-Chính trị Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc
Thế kỷ 20 là thế kỷ của văn minh Âu châu lan tràn ra toàn thế giới. Đó cũng là thế kỷ của sức mạnh hải quân và hàng hải. Những nước Âu châu ven biển dù nhỏ bé như Hà Lan, hay sau này suy yếu đi như Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha, cũng nhờ phát triển hải quân và hàng hải mà đã chiếm đóng được những vùng đất rộng lớn xa xôi ở Nam Mỹ, Á châu, Nam Thái Bình Dương, Đông Nam Á. Những quốc gia ngoài Âu Châu chưa phát triển kỹ nghệ, dù rộng lớn như Trung Hoa, cũng không thể chống cự lại được một nền văn minh cơ khí phương Tây đang đến hồi sung mãn. Thế giới đầu thế kỷ 20 là thế giới của Âu hóa. Nước Nhật là quốc gia duy nhất ở Á Châu cường thịnh lên ngang hàng được với các quốc gia phương Tây cũng nhờ sớm biết chấp nhận Âu hóa.
Tại Việt Nam, thế kỷ 20 mở ra một thời kỳ khủng hoảng toàn diện, từ văn hóa, đến kinh tế, xã hội và chính trị. Sau hơn 20 năm chiếm đóng Việt Nam, từ Nam Kỳ đến Trung và Bắc kỳ, nền tảng văn hóa xã hội và chính trị của quốc gia Đại Nam, Đại Việt, dần dần bị phá vỡ. Đến đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ, dẹp gọn mọi cuộc nổi dậy, biến triều đình thành con rối. Tầng lớp sĩ phu, dường cột của quốc gia quân chủ, hoàn toàn bị phá sản. Song song với các chương trình mở mang giao thông vận tải nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên, thực dân Pháp tận diệt nền Hán học, không cho phát triển quốc học, sử dụng quốc ngữ chỉ như công cụ chuyển tiếp sang Pháp ngữ và Tây học. Họ khuyến khích và phát triển các chương trình giáo dục và sinh hoạt văn hóa xã hội nhằm Âu hóa tầng lớp thanh thiếu niên thành thị. Nguy cơ diệt vong về văn hóa, biến dân tộc ta và đất nước ta thành tôi đòi cho mẫu quốc Pháp, hiển hiện rõ nét ngay trong thập niên đầu tiên của thế kỷ, và ở khắp mọi nơi, từ Nam tới Bắc, nhất là tại các thành thị mới, tại ngay Hà Nội, thủ đô văn hiến của Đại Việt.
Nền Tây học mà chính quyền thực dân thiết lập lên để thay thế Hán học lại không nhằm đào tạo nhân tài mà chỉ nhằm cung cấp những cán bộ trung cấp – thông ngôn, thư ký, nhân viên hành chính – cho việc cai trị. Đó là nền giáo dục nô lệ. Cho đến năm 1906, lớp học cao nhất tại Bắc kỳ chỉ mới đến năm thứ ba của bậc trung học phổ thông. Năm 1907 Toàn quyền Paul Beau mở các lớp đại học đầu tiên ngay tại Hà Nội nhưng chưa đầy một năm phải đóng cửa vì không có sinh viên, và phải mười năm sau mới mở cửa lại được. Đại học này mở ra chỉ như cái ngọn hoa lá cành, trên cái nền gốc tiểu học và thân cây trung học chưa phát triển. Nó chỉ nhằm vừa thuyết phục vừa thị uy trước giới sĩ phu Bắc Hà đang chao đảo, mất phương hướng trước sự suy tàn của Hán học và của chế độ quân chủ. Vào đầu thế kỷ 20, nước Đại Nam, vốn coi trọng việc học, nhưng lại rơi vào một khoảng trống vắng lớn về văn hóa giáo dục.
Trước bối cảnh đó, sĩ phu yêu nước tất nhiên không thể ngồi yên. Sau thất bại của phong trào Văn thân “bình Tây sát tả” –phong trào sĩ phu chống cả Tây và chính sách thỏa hiệp với thực dân của triều đình– các sĩ phu yêu nước tiếp tục gây dựng các phong trào chống Pháp bằng nhiều hình thức mới. Tầng lớp sĩ phu tại Trung và Bắc Kỳ, hiểu rằng cần khai mở những con đường cứu nước mới. Tại Nam Kỳ, đất của Pháp, vào đầu thế kỷ, đã xuất hiện một tầng lớp trí thức và doanh nhân mới theo Tây học.Trong bối cảnh phát triển khác nhau đó ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, đã xuất hiện ba khuynh hướng văn hóa-chính trị.
Khuynh hướng thứ nhất chủ trương phát triển quốc ngữ và sách báo mới, để mở mang dân trí và canh tân đất nước. Khuynh hướng thứ hai hoạt động theo hướng ôn hòa hợp pháp, lập các hội đoàn và đảng chính trị để vận động cho một nước Việt Nam độc lập. Khuynh hướng thứ ba chủ trương đấu tranh chống lại thực dân Pháp bằng mọi phương thức, cả bạo động và ôn hòa, để giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc.
Khuynh hướng thứ nhất chấp nhận thực tế Việt Nam đã bị Pháp thuộc, dựa vào các chương trình văn hóa, giáo dục hợp pháp để nâng cao dân trí, mở mang công nghệ và canh tân đất nước. Khuynh hướng này do tầng lớp trí thức Tây học chủ trương, và thực hiện theo hai hướng, văn hóa và chính trị, trong đó thuyết giảng và viết sách, viết báo là công cụ vận động. Đa số thành phần thanh thiếu niên đang theo tân học tại các vùng thành thị hưởng ứng cuộc vận động này.
Đại biểu của hướng vận động văn hóa này gồm những người như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh ngoài Bắc, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của trong Nam. Họ biết Pháp ngữ, quốc ngữ, và cả Hán tự. Họ dịch sách của các tác giả triết học, chính trị và văn học Pháp nổi tiếng. Họ sử dụng báo chí làm phương tiện truyền bá quốc ngữ và những tư tưởng mới của phương Tây. Báo chí và quốc ngữ là hai phương tiện vận động canh tân vừa phổ thông vừa nhanh chóng, hữu hiệu. Qua các sách dịch, qua nền báo chí mới và nhất là qua sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp của quốc ngữ, một luồng văn hóa-tư tưởng, văn học-nghệ thuật mới ra đời, phát triển song song với nền văn hóa, văn học nghệ thuật Pháp ngữ. Luồng văn hóa mới này, nhờ dùng quốc ngữ, dần dần thấm nhập vào mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, tạo nền tảng cho các cuộc vận động chính trị cách mạng trong những thập niên sau của thế kỷ.
Người Pháp không phải không thấy tác dụng của báo chí. Một trong những người đã giúp cho Nguyễn Văn Vĩnh – người được coi như “kiến trúc sư” của nền báo chí Việt Nam– là Francois-Henri Schneider. Schneider là người sáng lập ra Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise) và là chủ bút của tờ Tương Lai Bắc Kỳ (L’Avenir du Tonkin) và cũng là một chuyên viên in ấn ở Pháp, sang Đông Dương kinh doanh in ấn và báo chí trong khoảng từ 1888 tới 1918. Schneidersang Đông dương cũng vớinhiệm vụ mật là tuyên truyền cho chính phủ thuộc địa, cho nước Pháp, muốn sử dụng Nguyễn Văn Vĩnh trong lãnh vực báo chí để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nguyễn Văn Vĩnh cũng “tương kế tựu kế”, thực hiện mộng làm báo mà ông khao khát khi qua Pháp dự triển lãm báo chí, và thấy được ảnh hưởng to lớn của báo chí và phương tiện in ấn.Ông khởi đầu sự nghiệp với Ðăng cổ Tùng báo, số ra mắt ngày 28 tháng3, 1907 do ông làm chủ bút. Từ đó ông theo đuổi nghề làm báo quốc ngữ cho đến khi ông mất năm 1936.
Hướng thứ hai trong khuynh hướng canh tân tập trung hoạt động nhắm cải thiện dân sinh, đòi dân quyền, nhân quyền và vận động cho chế độ dân chủ. Người đại biểu cho khuynh hướng này là Phan Chu Trinh. Ông không chủ trương làm báo như Nguyễn Văn Vĩnh, cũng không lập đảng chính trị như một số tri thức Nam Kỳ. Ông sử dụng tài lý luận và diễn thuyết của ông để đi khắp nơi kêu gọi thanh niên tham gia canh tân đất nước, đòi hỏi chính quyền thực dân đối xử nhân đạo với người dân Việt, chống lại mọi hành động ức hiếp dân chúng của giới tham quan ô lại của triều đình và của chính quyền thực dân. Ông được giới thanh thiếu niên thành thị hâm mộ, tin theo nhưng bị cả triều đình Huế và chính quyền thực dân căm ghét. Ông bị bắt nhiều lần, có lần bị triều đình tuyên án tử hình, nhờ hội nhân quyền Pháp can thiệp nên thoát chết.
Phan Chu Trinh có hai bài diễn văn nổi tiếng, “Ðạo đức và luân lý Ðông Tâỵ”, và “Quân trị chủ nghĩa, dân trị chủ nghĩa”, nói lên được quan điểm văn hóa và chính trị của ông, kêu gọi nhanh chóng phát triển theo phương Tây. Năm 1925, khi được biết tin vua Khải Ðịnh mất, Phan Chu Trinh gửi điện tín cho Pasquier, Khâm sứ Trung Kỳ, cho hay ông sẽ đứng ra lo việc cải tổ triều chính và lập dân đảng. Chưa kịp thực hiện ý định táo bạo này thì ông lâm bệnh và qua đời ngày 24 tháng 3 năm 1926.
Khuynh hướng văn hóa chính trị thứ hai xuất phát từ Nam kỳ nơi mà các sinh hoạt văn hóa, chính trị được hưởng theo quy chế của miền đất thuộc Pháp. Ngoài việc nền Tây học được phát triển ngay sau khi bị Pháp chiếm, Nam kỳ cũng là nơi có tờ báo quốc ngữ đầu tiên, dù đó là một hình thức công báo, tờ Gia Định báo, ra số đầu tiên năm 1865. Nền Tây học phát triển sớm đã giúp xuất hiện ba thành phần xã hôi mới tại đây, đó là trí thức Tây học và doanh nhân cùng điền chủ giầu có. Cả ba thành phần này đều có người đóng góp tích cực cho phong trào đòi độc lập tự chủ.
Quan điểm duy tân thực ra xuất phát đầu tiên từ Nam kỳ, từ nhóm chủ trương báoNông Cổ Mín Đàm (trong chén trà bàn chuyện nông thương) ra đời năm 1901, mà nhóm này gọi là Minh tân. Khi Lương Khắc Ninh còn làm chủ bút tờ báo thì Minh Tân Hội hoạt động kín đáo. Năm 1906, khi Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tờ báo này, đồng thời cũng làm chủ bút báo Lục tỉnh Tân văn,hội Minh tân xuất hiện và hoạt động công khai, cùng hòa nhịp với phong trào Duy Tân lúc đó đã lan rộng khắp nước.
Nam kỳ cũng là nơi ra đời sớm nhất các hội đoàn dân sự và chính trị hoạt động công khai hợp pháp theo đường lối Pháp-Việt đề huề. Nguyễn Phan Long và hội Minh Tân cùng đảng Lập Hiến đại biểu cho đường lối ôn hoà, bất bạo động theo chủ trương giành quyền tự quyết dân tộc từ từ bằng sự thoả hiệp, đối thoại với chính quyền bảo hộ Pháp. Đây cũng là đường lối của Phan Chu Trinh và phong trào Duy Tân.
Khuynh hướng văn hóa chính trị thứ ba là đấu tranh quyết liệt để giành độc lập dân tộc. Đại biểu và cũng là lãnh tụ của khuynh hướng này là Phan Bội Châu. Vốn là người học giỏi, thông minh dĩnh ngộ, tài trí hơn người ngay từ khi còn nhỏ, Phan Bội Châu hiểu rằng phải tìm ra con đường cứu nước phù hợp thời đại hơn. Nhưng tìm con đường đó ở đâu? Xuất thân từ Nho học, không trải qua Âu học, như Phan Chu Trinh và nhiều trí thức Nam kỳ, nên dù biết Nho học không đáp ứng được tình thế mới, nhưng Phan Bội Châu lúc đầu còn hoạt động trong nước, chưa biết phải theo đường lối nào. Đây cũng là hoàn cảnh chung của tầng lớp sĩ phu yêu nước Bắc và Trung kỳ, cho đến khi họ xuất dương, hoạt động tại các nước Á châu, gặp gỡ các nhân vật cách mạng và chính trị của nhiều nước, đọc được các “tân thư” dịch từ các tác phẩm ở Âu châu sang chữ Hán hay chữ Nhật.
Ngay trong thời gian đầu của cuộc đấu tranh, Phan Bội Châu cùng các sĩ phu dồng chí hướng đã thử nghiệm cả hai phương thức đấu tranh, vũ trang lật đổ và canh tân ôn hòa. Tại ngay vùng Nghệ Tĩnh, quê hương ông, ông cùng các đồng chí đã thu mua tàng trữ vũ khi để gây dựng lực lượng kháng chiến. Nhưng sau đó ông lại thành lập Duy Tân Hội và kêu gọi các sĩ phu tiến bộ lập các hội duy tân ở các nơi nhằm chấn dân khí, khai dân trí, một việc làm mà Phan Chu Trinh coi là con đường đúng đắn nhất – canh tân rồi mới độc lập được.
Cuộc vận động duy tân phát triển rộng khắp, tạo ra cuộc cải cách văn hóa xã hội, cải cách về ăn mặc, cắt tóc ngắn, bình đẳng nam nữ…. Cùng với phong trào duy tân là các trường nghĩa thục, dậy miễn phí các môn học mới, từ chữ quốc ngữ đến toán pháp, sử địa…Đông Kinh Nghĩa thục nổi tiếng nhất mở ngay tại Hà Nội. Một số trường nghĩa thục nhỏ hơn cũng được mở ra tại vài làng xã chung quanh Hà Nội. Tại miền Trung có Quảng Ngãi Nghĩa thục.
Tuy nhiên ngay phong trào Duy tân và các hoạt động ôn hòa theo đường lối thỏa hiệp với người Pháp cũng bị chính quyền thực dân đàn áp thẳng tay. Đông Kinh Nghĩa thục bị đóng cửa, các buổi diễn thuyết chính trị bị cấm…nhiều hội đoàn văn hóa, chính trị bị giải tán, càng ngày càng nhiều nhà hoạt động yêu nước ôn hòa bị bắt giam. Trong bối cảnh đó, từ cuối thập niên 1910, đầu thập niên 1920 trở đi xuất hiện những khuynh hướng và phong trào đấu tranh quyết liệt, sắt máu hơn.
Trong những bài tới chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn ba khuynh hướng văn hóa-chính trị nói trong bài này để tìm hiểu ảnh hưởng của những khuynh hướng đó vào sự phát triển của tư tưởng văn hóa-chính trịvà của phong trào cách mạng tại Việt Nam trong các giai đoạn sau của thời kỳ Pháp thuộc.
Đoàn Viết Hoạt
25.7.2014