Trung Quốc hiện cũng đang phải đối phó với bong bóng địa ốc, và Bắc Kinh đang cố gắng ghìm quả bóng này lại trước khi nó vỡ. Vì vậy, theo ông Lee, họ sẽ không muốn giảm mức xuất cảng, tức là sẽ không muốn thả nổi đồng tiền.
Lý do thứ nhì, chính quyền Bắc Kinh quan tâm tới nạn thất nghiệp, hơn là những điều kiện kinh tế vĩ mô chung chung. Con số thất nghiệp được chính thức đưa ra là 4%-5%, nhưng thực tế có thể lên tới gấp đôi con số đó. Khi khủng hoảng tài chánh thế giới diễn ra, Trung Quốc bị mất từ 20 triệu tới 40 triệu việc làm, và đó là nguyên nhân Bắc Kinh ngừng việc nâng giá đồng nhân dân tệ đã tiến hành từ 2005 tới 2008.
Sau hết, theo ông Lee, phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới, Bắc Kinh đã ủng hộ các doanh nghiệp quốc doanh. Trong thời gian 2008-2009, từ 80% tới 90% số tiền kích thích kinh tế và vay mượn ngân hàng là được đưa vào các cơ sở kinh tế nhà nước, theo thống kê chính thức được tờ Australian Financial Review phân tích năm 2009. Trong khi đó, mảng kinh tế tư nhân bị thu nhỏ dần. Mà trong khi đó, chính các cơ sở tư nhân mới là nơi tạo ra nhiều việc làm nhất – hiệu quả gấp đôi các cơ sở nhà nước, theo phân tích của Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc.
Vì vậy, nếu thả nổi đồng tiền, Bắc Kinh sẽ phải bù lại nạn thất nghiệp bằng cách đẩy mạnh kinh tế tư nhân. Ðiều này sẽ dẫn đến đảng Cộng Sản mất quyền lực kinh tế.
Ông Lee đặt câu hỏi: Liệu có ai muốn đoán xem Bắc Kinh có chấp nhận rủi ro đó không?
Vũ Quí Hạo Nhiên