Ba mươi lăm năm nhìn lại kể từ ngày đất nước qui về một mối, ta thấy các lãnh đạo Cộng sản hay bàn về đề tài muốn cai trị phải có bằng tiến sĩ và ngọn cờ đầu là Thành ủy Hà-nội đã lên kế hoạch dự kiến đến năm 2020 thì 100% ủy viên thành ủy phải có loại bằng này. Đây là một tin vui cho những ai có lòng muốn quê hương xứ sở no ấm phú cường đi vào kỷ nguyên của kiến thức, tri thức. Cũng là điều phấn khởi cho các nhà trí thức một thời bị dè bỉu khi các cấp lãnh đạo trước đây của họ đã từng cho Mao chủ tịch nói ra điều gì cũng đúng, kể cả khi hắn ta nói ‘trí thức không bằng cục phân’, thì đây là bước ngoặt trong định hướng đào tạo và dùng người không phải chỉ ‘hồng’ mà thực tế trong thời hội nhập đã đổi sang ‘chuyên’, đoạn tuyệt hẳn với cái thời mà dân gian hay gọi là ‘vừa hồng vừa…ngu”.
Ở đây ta không bình phẩm nói thì hăng mà thực hiện thì khó, chỉ tiêu như trên trời mà thành quả lại dưới đất, cũng chẳng chê bai là bằng cấp cho cố, lại đào tạo tại chức, bằng đen sổ đỏ, rút cục toàn… tiến sĩ giấy.Tạm để qua chuyện nực cười khi muốn biến thủ đô thành cái nôi văn miếu thời đại với hàng chục ngàn tiến sĩ thì hàng ngũ dân đen của đất ngàn năm văn vật sau khi sát nhập Hà Tây tỷ lệ về nạn mù chữ lại đang cao nhất nước (theo Vietnam.net). Phải nói những người công sản Việt nam là những chuyên gia xuất sắc trong lãnh vực ‘rút kinh nghiệm’. Có nhiều cái họ nói, họ làm được,và làm tốt. Cụ thể như bài học đông Âu chẳng thể xảy ra ở Việt nam cũng vì họ đã thấy trước điều này. Chả thế mà sau 10 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa (75-85) đất nước đi vào giai đoạn bi đát đến nỗi tướng Trần Độ, chính ủy của đội quân giải phóng đã phải than thở, “Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không? Thắng lợi 75, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hóa thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao mà đến năm đầu của thập kỷ ’80 cả nước đói nghèo, ngắc ngoải?” (Nhật ký Rồng Rắn 2004/Trần Độ).
Nhưng họ không để ngắc ngoải đến độ xuôi tay, họ đã biết ‘đổi mới’, đổi màu, khi sóng gió lặng êm sẽ tính sau, miễn là còn nắm được quyền, cai trị được cả nước, còn áp đặt việc xây dựng mô hình XHCN trên xứ sở vốn dĩ từ ngàn xưa giai cấp công nhân chỉ đứng hàng thứ yếu sau hai tầng lớp sĩ nông.
Trở lại chủ điểm của bài viết, nhân khi những giá trị của tri thức đang được phục hồi, người viết muốn hồi tưởng lại một thời kỳ đã qua, mà hệ lụy của những người miền Nam đã phải trả giá quá đắt. Tôi muốn nói thời của ‘những tài năng bị chôn sống’. Họ là ai? Đủ loại, các văn nghệ sĩ trong đó có nhà văn nhà báo, học giả, những người làm công tác nghệ thuật, những giáo sư đại học, giáo sư biệt phái, các lãnh tụ sinh viên học sinh, các sĩ quan trẻ đa phần có trình độ đại học, những trí thức chuyên viên bậc cao, những người được đào tạo chính qui từ các nước phươngTây, các nhà văn hóa, nghiên cứu dịch thuật, những chỉ huy lãnh đạo cấp cao, các lãnh đạo đảng phái hội đoàn yêu nước, các nhà tôn giáo chân chính, các nhân sĩ quốc gia liêm chính, các nhà xã hội từ thiện, các doanh nhân doanh gia hàng đầu, chưa kể các công nhân viên, thường dân đã làm việc hoặc liên hệ với chế độ, với người Mỹ mà chuyên môn nghiệp vụ của họ cũng có những đóng góp nhất định. Việc liệt kê gốc gác, thành phần vẫn còn thiếu sót, nhưng con số tài năng bị phí phạm, bị cho đi ‘cải tạo’ thì hầu như gia đình nào ở miền Nam cũng đều được chiếu cố.
Có người nói chuyện đã qua nhắc lại làm gì khi quá khứ đã chìm vào quên lãng, nhưng trớ trêu là có những cái lịch sử hay lập lại. Có ai ngờ một chủ nghĩa thống trị hơn nửa thế giới, một hệ thống xã hội luôn tự xưng là ưu việt lại bị sụp đổ khi tuổi thọ không qua nổi quá hai thế hệ? Cho nên dĩ vãng có thể quên, nhưng quá khứ cần nhớ lại một cách nghiêm túc làm bài học cho những thế hệ kế tục. Thật sự, nếu chỉ phải đi ‘học tập’ năm ba tuần hay một tháng theo thông cáo rồi về, thì nhiều người trong số họ sẽ là cái vốn quí, là tiềm năng tri thức, là đội ngũ kỹ thuật có thể xử dụng ngay cho việc xây dựng và phục hồi đất nuớc sau chiến tranh. Tôi biết nhiều người tỏ ý muốn đóng góp, cụ thể xin đan cử một trường hợp. Anh X., một người quê ở Huế, được đào tạo tại Mỹ, khi thời gian cải tạo bước vào năm thứ 8, anh ta khóc trong ngày sinh nhật thứ 40 của anh. Nằm cạnh anh, tôi hỏi, vui lên, sao khóc? đinh ninh là anh nhớ vợ nhớ con. Có thể cho là anh ‘khùng’ khi anh lại tỏ ý tủi thân vì ở tuổi sung sức nhất của đời người, anh thấy không còn cơ hội làm một cái gì cho xã hội khi có chút học vấn kiến thức như anh.
Nhớ lại khi đánh đổ, tiêu diệt những giá trị tri thức của một chế độ ‘khác màu’, muốn triệt đường tiến thân của các tài năng muốn đóng góp cho xứ sở quê hương, những người say men chiến thắng sau 75 vẫn kiêu hãnh tự hào cho mình là siêu việt, là vô địch, không tiếc lời dè bỉu những con người đã được giáo dục đào tạo dưới chế độ cũ. Nhưng chỉ vài chục năm sau, nhà học giả cộng sản Trần bạch Đằng khi cảnh báo các người lãnh đạo Đảng về sự cải tổ hệ thống giáo dục đào tạo nhân tài đã viện dẫn gương của hai bác sĩ Trần Đông A và Phạm Thành Trai (là những người chủ trì ca mổ thành công tách rời hai em bé song sanh dính liền nhau có tên Việt-Đức), người Cộng sản lão thành đã phải nhìn nhận, “cứ nói họ đào tạo dưới chế độ Mỹ ngụy, nhưng tài năng họ hơn ta rất nhiều.” (theo báo Thanh Niên).
Bước vào đầu thế kỷ này, trong xu hướng đổi mới tư duy cho phù hợp với yêu cầu kinh tế hội nhập, các nhà hoạch định chiến lược trong việc đào tạo xử dụng nhân lực của Hà Nội đã dám khẳng định ‘muốn có khả năng tư duy đột phá thì phải…có bằng tiến sĩ’ và không còn cách nào hơn khi đo trình độ tri thức, nghiệp vụ bằng chính ‘học vị’. Ta hãy chờ xem thành quả của định hướng này với cách nhìn rộng mở khi giá trị của văn miếu được phục hồi và các tài năng không còn bị chôn sống.
ĐỖ XUÂN TÊ
35 năm nhìn lại