Tham vọng, cứng nhắc thì khó thành công
Trong công cuộc xây dựng đất nước, việc thúc đẩy phát triển kinh tế luôn luôn là mục tiêu khẩn thiết. Vì thế cho nên việc đưa ra một chiến lược phát triển là nỗ lực đầu tiên để hiện thực hóa mục tiêu này. Tuy nhiên, chiến lược có thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ nội dung của chiến lược đến sự thực thi nó trong thực tế. Nếu nội dung tốt mà thực thi thiếu hiệu quả thì cũng không đạt được mục tiêu, và nếu thực thi tốt nhưng nội dung không phù hợp với thực tế của đất nước thì dễ gây ra hại nhiều hơn lợi.
Nói như vậy để thấy rằng, thận trọng, thực tế, và khả thi là những điểm tiên quyết trong việc chọn lựa chiến lược phát triển. Một chiến lược với quá nhiều tham vọng hoặc thiếu linh hoạt do bị ảnh hưởng bởi những lý thuyết cứng nhắc sẽ khó thành công.
Kinh nghiệm phát triển từ nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rằng, không có một mô hình nào có thể đúng mọi lúc mọi nơi. Thúc đẩy phát triển hợp lý là một quá trình tìm kiếm và trải nghiệm cụ thể để tháo gỡ những trở lực lớn nhất đang kiềm chế sự tiến bộ của đất nước.
Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, trở lực thì khá nhiều nhưng không có nghĩa là phải giải quyết hết cùng một lúc. Lý do đơn giản là làm việc gì thì cũng cần phải có nguồn lực; mà nguồn lực thì hữu hạn, bắt buộc ta phải chọn lựa và ưu tiên cho những việc cấp bách nhất.
Ví dụ, dồn nhiều nguồn lực để phát triển những ngành công nghiệp được cho là chiến lược thì tất nhiên là sẽ mất bớt nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực như y tế và phát triển nông thôn. Điều này cũng cho thấy rằng, nếu việc sử dụng nguồn lực không thỏa đáng (do lựa chọn không hợp lý) thì không những gây ra lãng phí mà còn đè nén sự phát triển chung.
Do đó, Việt Nam nên tập trung nguồn lực để giải quyết những lực cản chính thay vì ôm đồm quá nhiều thứ, làm giảm khả năng khả thi.
Hơn nữa, trong một nền kinh tế chuyển đổi thì sự can thiệp quá chi tiết vào quá nhiều lĩnh vực sẽ đưa đến nguy cơ làm đảo ngược tiến trình cải cách. Vì thế hợp lý hơn hết là tập trung vào những vấn đề căn bản nhất nhưng có khả năng tạo ra những hiệu ứng lan tỏa nhiều nhất trong toàn nền kinh tế và xã hội.
Ba trở lực chính
Theo đây, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ ba trở lực chính đang tồn tại rõ nét hiện nay.
Thứ nhất, cần phát triển một hệ thống pháp lý chú trọng đến việc bảo vệ quyền sở hữu. Thực tế trên thế giới đã cho thấy rằng, không một quốc gia nào có thể có được một trình độ phát triển cao nếu không có một hệ thống quyền sở hữu tương đối tốt.
Theo bảng xếp hạng của Chỉ số quyền sở hữu quốc tế (International Property Rights Index) thì Việt Nam đứng thứ 80 (trên 125 nước được khảo sát) trong năm 2010, tệ hơn nhiều nước Đông Á khác như Singapore (8), Malaysia (41), Thái Lan (59), và Trung Quốc (64).
Trong thực trạng của Việt Nam hiện nay, những bất cập về quyền sở hữu đất đai cần phải được giải quyết để tạo ra một xung lực mới cho nền kinh tế và giảm bớt những bất công mà dân nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đang gặp phải.
Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ cũng cần được bảo vệ mạnh mẽ để tạo đà cho những sáng tạo mới và gây thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có kỹ nghệ cao.
Một đất nước muốn leo nhanh trên chiếc thang phát triển thì nhất thiết phải tạo động cơ cho thành phần tư nhân phát huy hết năng lực và sáng tạo của mình thông quả việc đảm bảo quyền sở hữu nói chung.
Thứ nhì, cần xây dựng một hệ thống giáo dục có khả năng hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phát triển nhằm giải quyết những bất cập về chất lượng đào tạo cũng như khả năng nâng cao kiến thức của người dân. Trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức ngày nay, giáo dục trở nên vô cùng quan trọng. Nó không những giúp đạo tạo một lực lượng lao động với những kỹ năng tốt, có khả năng tiếp thu các kỹ thuật mới mà còn thúc đẩy sáng tạo và phát triển công nghệ.
Việt Nam đang nói nhiều về vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc này chỉ có thể trở thành hiện thực sau khi có được một tiền đề giáo dục hợp lý.
Tầm quan trọng của giáo dục không chỉ dừng lại ở sự liên hệ của nó đối việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kiến thức (và sự lan truyền của nó) còn có khả năng làm giảm bớt các bất bình đẳng trong xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Khi dân chúng có nhiều kiến thức hơn thì họ sẽ gia tăng đòi hỏi quyền làm chủ của mình. Người dân sẽ tăng cường đặt dấu hỏi đối với những chính sách bất cập và vận động một cách có hiệu quả hơn để nhà nước có những chính sách tốt hơn nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc khác thuộc các lĩnh vực như y tế và hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Khu vực nông thôn hiện nay đang chịu nhiều thiệt thòi cho nên cần được đặc biệt tăng cường đầu tư giáo dục. Chính phủ cần có một chính sách phát triển các trung tâm đào tạo nghề nghiệp và các trường cao đẳng, đại học hướng đến việc đào tạo những kỹ năng có thể đáp ứng cho nhu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ ngân sách để tăng cao tỉ lệ tiếp cận Internet của người dân. Phải chi Chính phủ chuyển các nguồn lực dành cho các doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả và đang bị nợ chồng chất về cho khu vực nông thôn thì đã làm lợi cho đất nước biết bao nhiêu.
Tạo được đà phát triển ở nông thôn sẽ trực tiếp giải quyết một phần lớn bài toán phân hóa giàu nghèo đang gia tăng ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, cần cải thiện năng lực quản lý nhà nước. Ở khía cạnh này, quản lý cần được xem như là một quá trình để tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển chứ không phải là sự thực thi những mệnh lệnh chính trị xa rời thực tế.
Muốn được như vậy thì phải tăng cường tính minh bạch của chính phủ, phòng chống tham nhũng, tạo điều kiện cho dân tham gia vào quá trình lập chính sách, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật, và đào tạo cho được một đội ngũ những nhà quản lý vừa có tầm vừa có tâm.
Yếu tố con người đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình này. Muốn có được những nhà quản lý như mong muốn thì cần phải tạo cho được nếp nghĩ rằng phục vụ trong guồng máy nhà nước là một trách nhiệm công dân cao cả chứ không phải là một cơ hội để kiếm chác.
Lớp lớp các thế hệ người Việt suốt bao đời qua đã nghe theo tiếng gọi của non sông để sẵn sàng chiến đấu và hy sinh nhằm giữ yên bờ cõi thì trách nhiệm hiển nhiên của những ai đang phục vụ trong bộ máy điều hành đất nước (từ địa phương đến trung ương) là không phụ lòng mong đợi của người dân và không đánh mất bổn phận công dân của mình.
Nhưng để làm tốt trách nhiệm của mình thì chắc chắn là họ cần phải có một mức lương tương đối thong thả để sống. Nếu đồng lương không đủ sống thì e rằng việc giảm thiểu tham nhũng sẽ mãi là vấn đề nan giải của Việt Nam. Do đó, cải cách tiền lương khu vực nhà nước sao cho gần với thị trường cạnh tranh sẽ là một điểm cần phải làm.
Một chiến lược hữu hiệu và sát với thực tế cho Việt Nam không thể không bao gồm những điểm đã bàn ở trên. Được như vậy thì sẽ tạo được một tiền đề vững chãi cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách bền vững. Lơ là những điểm này để chạy theo những mục tiêu đầy tham vọng (nhưng ít có khả năng hiện thực hóa một cách hợp lý) thì không những làm đảo lộn sự phân bổ nguồn lực mà còn làm nặng nề thêm những trở lực của phát triển.
GS. Trần Lê Anh [Đại học Lasell, Massachusetts]
- Thận trọng, thực tế, và khả thi là những điểm tiên quyết trong việc chọn lựa chiến lược phát triển.
- Một chiến lược với quá nhiều tham vọng hoặc thiếu linh hoạt do bị ảnh hưởng bởi những lý thuyết cứng nhắc sẽ khó thành công