I.Dẫn Nhập
Dân tộc Việt Nam từ thời xa xưa đã có nền tư tưởng cũng như văn minh khác hẳn với người Tầu phương Bắc. Bài biên khảo này xin được trình bày những nét khác biệt căn bản giữa hai nền văn hóa lớn ở Á Châu. Và cũng là sự phản biện những gì bà Đỗ Ngọc Bích tác giả bài viết “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100417_do_ngoc_bich.shtml) đăng trong diễn đàn tiếng Việt của trang bbc.co.uk.
II. Tư tưởng tộc Việt thời tối cổ
Nước Việt chúng ta hiện diện từ hơn 5000 năm trước Tây lịch đã có khoảng không gian địa lý bắt nguồn từ sông Chang Jiang (Trường giang), sông Yangtze River (Dương Tử) kéo dài cho đến đồng bằng sông Hồng Bắc Việt. Trải qua nhiều sự thay đổi của lịch sử, đã mang các Quốc hiệu khác nhau như Văn Lang, Âu Lạc, Giao Chỉ, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam, An Nam, Việt Nam, và cũng tại nơi này đã là đầu mối giao tiếp của 2 nền văn minh cổ Á châu. Đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Trung Hoa từ phía Bắc xuống, Ấn Độ từ phương Nam lên. Vì vậy có lúc nước ta đã có quốc hiệu là Giao Châu.
Dân Tầu là giống dân du mục phương Bắc, pha trộn các chủng tộc như Thổ nhĩ kỳ, Tây tạng. Sau đó hai chủng tộc này lại pha trộn với người Tầu thời nhà Thương (Shang Dynasty). Nhà Thương dựng nước khoảng 2000 năm trước Công nguyên và bị bại trong tay nhà Chu hay Châu (Zhou), từ đó dân Tầu mới chính thức lập quốc, và họ rất hãnh diện về triều đại này. Một điều cần lưu ý, đó là nhà Chu lập quốc chỉ mới 1000 năm trước Công nguyên mà thôi.
Đức Khổng Phu Tử viết Kinh Xuân Thu đã chê bai không ngớt lời nhà Chu hay Châu (Zhou) là loạn ly, vô đạo đức. Và ngài đã lấy tư tưởng của tộc Việt mà dạy bảo cho dân Tầu.
Văn hóa Tầu ngoài học thuyết Khổng Tử còn có Lão Tử. Khổng Tử chú trọng các hình thức, khuôn khổ thế gian tức chủ trương CÓ; Lão Tử thiên về xa lánh cõi đời tìm sự tĩnh mịch, cho rằng thế gian này chẳng có gì đáng luyến tiếc nên bảo là KHÔNG. Văn hóa của Ấn Độ thì có Phật giáo. Phật giáo chủ trương vượt ngoài CÓ và KHÔNG, tìm sự giải thoát ngay chính tâm hồn của mỗi người.
Tuy nhiên trước khi hai nền văn hóa Ấn Hoa truyền đến thì Việt Nam chúng ta đã có sẳn một nền văn hóa lâu đời. Nền văn hóa hay văn minh đó là Đông Sơn và Lạch Trường.
Dân tộc Bách Việt là một dân tộc đã hiện diện vào 5000 năm trước công nguyên, và là giống dân trồng, cấy lúa đầu tiên của nhân loại. Theo niên kỷ mà Tạp Chí Địa Dư Hoa Kỳ xuất bản năm 1991 (National Geographic Society) ghi nhận tộc Việt đã hiện diện 5000 năm trước công nguyên.
Trong một trăm bộ tộc Việt thì Lạc Việt thuộc dòng giống Tiên Rồng (tức là bộ tộc Việt đứng đầu).
Là một dân tộc hiện diện lâu đời như thế trên một vùng đất phì nhiêu trù phú; tổ tiên chúng ta đã biết tổ chức đời sống có trật tự, tôn ty, trong một khoảng không gian cố định, biết tưởng nhớ tiền nhân, anh hùng, liệt nữ, cũng như biết tôn xưng vị lãnh đạo, thờ kính những hiện tượng thiên nhiên v.v…Tất cả những điều nêu trên là tư tưởng Việt Nam, và nó đã được hệ thống hóa dưới một tên gọi khác là nền Văn Hiến Chi Bang của một đất nước tự lập, tự cường. Người viết có gọi những điều vừa nêu trong bài Tư Tưởng Nhân Quyền Của Tộc Việt được biên khảo cách đây 9 năm là Tâm Thức Việt.
Tư tưởng Việt Nam hay tộc Việt cổ xưa được chia làm hai phần: Đó là tư tưởng bình dân và tư duy bác học.
III. Tư tưởng bình dân và tư duy bác học:
Tức là tư tưởng của hàng dân chúng và người làm ruộng. Trong tư tưởng bình dân này, Ý Thức Thần Thoại và Triết Học là tiêu biểu nổi trội đã chi phối đời sống tâm linh của người Việt ở những thời gian đầu dựng nước. Vào thời đó người Việt Nam sống trong một không khí siêu nhiên, có thể nói là huyền bí. Bất cứ ở đâu họ cũng nhìn thấy ảnh hưởng của thế lực phi thường hành động vào đời sống của chính họ, tốt hay xấu. Bất cứ người Việt nào, thuộc về giai cấp nào ở xã hội đều không vượt được ra ngoài sự ám ảnh về quyền lực phi thường đó…và họ cảm thấy sợ hãi.
Sự sợ hãi nầy đã góp phần gây nên những tín ngưỡng ấy. Bất luận ra sao, họ đều cảm thấy bất cứ động tác nào, dù lớn dù nhỏ đều không ra khỏi phạm vi huyền bí đó. Họ luôn bị cái huyền bí phi thường ám ảnh. Đưa đến tâm trạng muốn thờ cúng để được che chở, bảo vệ. Do ảnh hưởng tâm lý đó, nên đâu đâu họ cũng đều thấy thần hiện diện cả. Thần linh bàng bạc, ẩn hiện khắp nơi, nhuần thấm khắp cả, tất cả đều được xem là Thần linh. Và họ cho rằng ngay cả sông núi cũng có hồn.
Có người xem đây là mê tín dị đoan, nhưng vào thời điểm cách đây hơn 5000 năm, lúc ấy tâm trạng con người còn hồn nhiên, mộc mạc, chưa bị những điều kiện vật chất, kỹ thuật chi phối. Họ suy nghĩ như thế cũng là tự nhiên.
“Kinh thi nói: “Việc quỉ thần đến không thể lường được, huống chi có thể lờn được sao. “Ôi ! mầu nhiệm mà rõ rệt, thành thật không thể che giấu như thế đấy. “
Từ Ý thức thần thoại và triết học nêu trên tổ tiên chúng ta đã cụ thể hóa qua việc xây dựng Nhà Mồ, Thiên Động cũng như chế tạo trống đồng Đông Sơn. Từ đó đã hình thành hai nền văn minh tối cổ của tộc Việt đó là: Văn Minh Đông Sơn và Văn Minh Lạch Trường.
Cũng cần biết thêm là miền châu thổ Nhị Hà hay Hồng Hà, ngày nay là miền Bắc Việt Nam vốn từ ngàn xưa là nơi cố đô lịch sử, nơi đây có một địa lý tự nhiên cùng khí hậu khác biệt hẳn với nước Tầu, phía Bắc kể từ dãy núi Ngũ Lĩnh trở lên, phía Tây là dãy Trường Sơn hay núi Ngang chạy từ Tây Tạng xuống đến mũi Cà Mau của Nam Việt, chia dãy đất bán đảo Đông Dương hay Ấn Độ China thành hai khu vực Đông Tây rõ rệt.
Trống đồng Đông Sơn được các nhà khảo cổ học thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ khai quật tại Bắc Việt, phía Bắc Trung Việt ở tỉnh Thanh Hóa một di tích cổ xưa của một nền văn minh có trước khi nước ta bị người Tàu đô hộ.
Năm 43 sau Tây lịch, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bị thất bại, Mã Viện đã thẳng tay tàn sát dân Việt, đồng thời thực hiện một cuộc tàn phá đến tận gốc rễ văn hóa của tộc Việt bằng cách thâu gom hết trống đồng ở Giao Chỉ (tiêu biểu nền văn minh tộc Việt) để đúc thành ngựa chiến (tiêu biểu văn minh tộc Hán). Ngoài ra Mã Viện còn đem Khổng giáo cũng như nếp sống Tầu, sửa Luật Việt, để đồng hóa dân Việt. Chính sách cai trị vô cùng dã man tàn bạo, các sự kiện này đã ghi lại trong Hậu Hán Thư (sách sử Tầu).
Trống đồng Đông Sơn là những cổ vật quý giá cho các bộ môn như xã hội học, nhân chủng học cũng như cho văn hóa và tiền sử học của tộc Việt. Các nhà khảo cổ tìm thấy, một chiếc ở chùa Long Đội Sơn làng Ngọc Lữ tỉnh Hà Nam và chiếc thứ hai đào được ở làng Hoàng Hạ, tỉnh Hà Đông giáp giới với tỉnh Hà Nam, cách mặt đất 1,50m. Cả hai đều ở châu thổ Bắc Việt. Đấy là hai chiếc trống toàn vẹn nhất. Ở Pháp, Viện bảo tàng quân đội có trưng bày một chiếc trống đồng của tộc Việt, không rõ có phải một trong hai chiếc trống nêu trên hay không?
Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (viết tắt là LSTTVN) tập 1 ghi: “Trên mặt trống có nhiều hình vẽ… Trống đồng để ở Hà Nội mang trên mặt hình vẽ sáu chiếc thuyền, ở giữa có những con chim lớn đậu. Các thuyền đều cùng một kiểu. Vỏ thuyền khum khum vòng vòng nửa vành trăng. Ở giữa nhô lên một cái ụ có trang trí, có lẽ là cột buồm. Giữa cái ụ với đuôi thuyền có một kiến trúc mái phẳng, ở trong có một cái trống. Những trang trí ở mũi thuyền và đuôi thuyền gợi lên hình ảnh cái đầu và đuôi chim. Thuỷ thủ của thuyền là một số những chiến sĩ mang dao, cầm tên hay rìu, và hai người trong số có một người đánh trống treo ở cột buồm, một người cầm mái chèo. Một chiến sĩ đứng ở trên mũi thuyền, sẵn sàng bắn tên. Các đồng ngũ cũng có vẻ rộn rịp. Toàn bộ cho ta cảm tưởng một cuộc giàn trận theo nhịp trống, và người cầm lái đang đẩy mạnh khiến mái chèo uốn cong trong tay y… Như thế là toàn thể cảnh trí biểu diễn đề tài duy nhất quan hệ với người chết và tín ngưỡng linh hồn bất diệt“.
Trống đồng Đông Sơn thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên
[trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp. Nguồn: vi.wikipedia.org]
Trống đồng được các tộc Việt thời cổ chú ý chế tạo. Tuy nhiên trống đồng kiểu Lạc Việt là thịnh hành nhất, cho nên gọi là Lạc Việt đồng cổ. Trống đồng tượng trưng cho sự hiệu lịnh dân chúng, tế lễ thần linh, trừ tà khử bịnh của các Lạc Hầu, Lạc Tướng.
Vịnh Nam man của Bồ Tát Tôn Quang Hiến có câu:
Đồng cổ dữ man ca
Nam nhân kỳ tài đa
nghĩa:
Trống đồng với ca Mường
Người Nam tế lễ thường.
(LSTTVN tập 1)
Ngụ ý triết học của Trống Đồng đã gồm thâu tinh thần văn hóa Lạc Việt thời đại Đông Sơn, tức là thời kỳ mà tộc Việt mới chỉ là một bộ lạc sinh hoạt trong những điều kiện đơn sơ giản dị, đồng thời còn sống chìm trong tinh thần vật tổ thiêng liêng thần bí. Vật tổ ấy là con chim Hồng Lạc (được khắc trên trống đồng), mà ngày nay người ta còn mường tượng qua hình ảnh con cò, nhất là qua hình ảnh cô gái miền Bắc, đầu chít khăn mỏ quạ, mình khoác cái áo tơi lá gồi, khom lưng dưới ruộng lúa lúc trời mưa. Vào thời mới lập quốc người dân Lạc Việt đều tự đồng hóa bản thân với con chim vật tổ là một, chỉ có một ý thức là ý thức vật tổ, chỉ có một mệnh lệnh trên cùng là mệnh lệnh vật tổ, giữa họ và hồn thiêng vật tổ không thể nào tách rời được. Vật tổ thời đó được hoàn toàn thay thế vào thời buổi này, là đại diện cho tộc Việt.
Về tài liệu lịch sử cũng như giai thoại thần kỳ của trống đồng Đông Sơn được liệt kê như sau – LSTTVN tập 1:
– Quyển Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa (Trung Hoa tùng thư), La Hương Lâm viết:
“Thời cổ, văn hóa của Việt tộc rất đáng được người ta chú ý là sự chế tạo trống đồng với cách sử dụng. Và trống đồng của Việt tộc lại phải lấy kiểu Lạc Việt làm thịnh nhất, cho nên gọi là Lạc Việt đồng cổ“.
– Sách Tùy Thư Địa lý chí viết:
“Từ núi Ngũ Lĩnh đến hơn hai mươi quận phía Nam, các rợ* đều đúc đồng làm trống lớn. Khi mới hoàn thành treo ở giữa sân, đặt rượu để mời đồng bào. Người đến dự có trai gái nhà giàu lấy vàng bạc làm chiếc thoa lớn, cầm đánh vào trống, xong rồi để lại cho chủ nhân gọi là thoa đồng cổ. Chúng hay chém giết lẫn nhau gây nhiều thù oán.
Muốn đánh nhau thì đánh vào trống ấy, người kéo đến cuồn cuộn như mây vần. Kẻ nào có trống gọi là Đô Lão, quần chúng đồng tình suy tôn và tòng phục”.
* Người Tầu gọi tộc Việt chúng ta là rợ hay mọi.
– Sử nhà Minh có truyện Lưu Hiển, năm đầu Vạn Lịch đi đánh dẹp Từ Châu thu phục được 60 trại, bắt được trống đồng Chư Cát tới 93 chiếc.
– Sách Đại Nam nhất thống chí, tập thượng, mục tỉnh Thanh Hóa, nói về các đền miếu, có nói đến Đền thờ thần Trống Đồng “Đồng cổ thần từ”.
– Đại Nam Nhất Thống Chí- tỉnh Thanh Hóa, tập Thượng, Văn Hóa tùng thư tập 4 ghi : trống đồng đã có từ thời Đông Hán, mà không phải là bắt đầu từ đời Khổng Minh mới có.
– Theo Việt Nam Carrefour de peuples et de civilisations trang 1648-1651, Olov Janse ed France Asie ghi nhận : “Dưới sự điều khiển của hai chị em bà Trưng, quân Hán đã bị đuổi ra khỏi biên giới. Để trả thù sự thất bại ấy, vua Tàu đã gởi vào năm 43 s.cn nhiều đội quân do tướng Mã Viện chỉ huy … một trong những đạo quân đã vượt xuống miền châu thổ Thanh Hóa, dọc theo lưu vực sông Mã, nơi vị trí của làng Đông Sơn… Hàng ngàn người bị giết hay bị bắt làm nô lệ… Biến cố lịch sử ấy đã đánh một đòn rất nặng vào nền văn minh Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam… “.
Đời Lê Trung Hưng năm 1561 quân Mạc xâm chiếm các huyện Vĩnh Ninh, An Định, thuyền quân nhà Lê đóng ở thượng lưu sông Mã, đương đêm vẳng nghe có ba tiếng trống ở ngoài trăm dặm, tướng nhà Lê liền sai người trinh sát mới biết là tiếng trống do tự núi Khả Lao phát ra. Đến sáng hôm sau quân Lê theo đánh quân Mạc, trong khi giao chiến, bỗng có nước trào dâng lên rất mạnh, quân nhà Lê bèn thừa thế dong buồm thẳng tiến, khí thế hăng hái bội phần, làm cho quân Mạc phải thua bỏ chạy.
Năm Hoằng Định (đời vua Lê Kính Tôn, 1600) trong tờ sắc phong Sơn Thần có câu: “Trên sông sóng gió giúp cho trận thắng của tam quân” tức là truyện này vậy.
Như thế từ lịch sử, giai thoại truyền kỳ cho đến tư tưởng triết lý đều ghi nhận trống đồng Đông Sơn đã được tộc Việt chế tạo từ ngàn xưa dùng trong các việc tế lễ cũng như hiệu lịnh dân chúng của các Lạc hầu, Lạc tướng.
Các Thiên động được tổ tiên ta xây dựng dùng làm nơi tu tiên, cũng như nơi quàn hay chôn những người đã chết, với hy vọng rằng những người này cho dù không còn hiện diện trên cõi đời, nhưng sẽ luôn luôn độ trì cho con cháu được may mắn. Đồng thời trong thâm tâm của người Việt Nam thời xưa là mong muốn được sống mãi không chết như các vị thần tiên. Người dân Việt thời nay nhiều nơi còn giữ tục lệ này, như mua sẳn một cái quan tài (thông thường gọi là thọ) để trong nhà dưỡng già và chờ trăm tuổi.
Như thi hào Nguyễn Du có nói:
Chết là thể xác, còn là tinh anh
Trên khắp đất nước chúng ta, có nhiều sự tích thần thoại nhắc đến triết lý thiên động này như, hang động Thẩm Lệ ở Yên Bái, như các người già trẻ tham gia trẩy hội thành hương nơi động Hương Tích, như Phủ Giầy để chiêm ngưỡng cảnh giới thiên nhiên thanh tĩnh cao siêu hầu quên đi trong chốc lát sự đau khổ của trần gian.
Những nhân vật tiêu biểu của triết lý thiên động thần tiên gồm có Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung Mỵ Nương trên bãi Tự Nhiên. Chử Đồng Tử được tôn thờ như vị Đạo tổ bậc nhất trong hàng Bốn Người Không Chết hay Tứ Bất Tử của hệ thống tín ngưỡng thần tiên Việt Nam, ông còn được xem là người Phật tử tại gia đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Những nhân vật khác cũng như cuộc tình duyên giữa chàng Từ Thức với nàng Giáng Tiên; câu chuyện Thánh Gióng đuổi giặc Ân…
Bốn Người Không Chết hay Tứ Bất Tử của hệ thống tín ngưỡng thần tiên Việt Nam đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa.
Nền văn-minh Lạch-Trường đi vào thực tế mà di-tích tiêu-biểu là Cổ Mộ Thiên động đã được tổ tiên của tộc Việt xây dựng rải rác từ Tứ-Xuyên xuống đến Thanh-Hóa.
Tóm lại, văn minh Đông Sơn hiện diện từ giữa thế kỷ cuối trước Công nguyên cho đến giữa thế kỷ đầu sau Công nguyên. Khoảng không gian hiện diện của nền văn minh này bao gồm ở vùng Tây Nam nước Tầu hiện nay, lãnh thổ tộc Việt lúc bấy giờ, gần trọn bán đảo Đông Dương, và một vài xứ ngoài của Ấn Độ. Theo Giáo sử Nguyễn Đăng Thục ghi trong Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam tập 2 cho rằng: “…văn minh Đông Sơn hình như phần lớn của dân nguyên thủy Mã Lai“.
Văn Minh Lạch Trường Cổ Mộ Thiên Động hiện diện từ ba thế kỷ trước Công nguyên. Sự hiện diện của nền văn minh này rải rác khắp nơi trên lãnh thổ của tộc Bách Việt. Có thể nói một phần vùng Tây Nam nước Tầu hiện nay, tức lãnh thổ của tộc Bách Việt bấy giờ, kéo dài cho đến Bắc Việt và một số tỉnh Trung phần. Cũng theo Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục nhận xét:”…Văn minh thời kỳ này là của chủng tộc phần lớn nguồn gốc Thái“. Và hai nhóm văn minh trên đã có ảnh hưởng lớn đối với văn minh Việt Nam cũng như các dân tộc vùng núi hiện diện ở miền Tây nước Tầu và một phần lớn vùng Đông Nam Á.
Ngoài ra còn một nền văn minh khác có ảnh hưởng sâu đậm đến văn minh Việt Nam, đó là nền văn minh Óc Eo. Hiện diện từ những năm đầu của thế kỷ thứ II sau Công nguyên và kéo dài đến 500 năm. Vùng ảnh hưởng gồm các vùng ven biển phía Bắc cho đến Thanh Hóa, phía Nam bao gồm miền Nam Việt Nam. Xuất xứ của nền văn minh này là Ấn Độ.
Ở phần trên chúng ta đã tìm hiểu khái quát về tư tưởng bình dân của những người nông dân sống gần với thiên nhiên; phần này xin được lược sơ qua về tư duy bác học của những vị học giả, nho sĩ và Tăng sĩ Phật giáo đã có ảnh hưởng thế nào đối với tộc Việt.
Khi tiếp nhận các nền văn hóa Ấn Hoa thì dân tộc ta đã dung hóa nó trở thành nền văn hóa dân tộc thật sự. Sự dung hóa của 3 nền văn hóa Việt-Ấn-Hoa đã tạo cho nước Việt một phong thái khác hẳn đối với các nước chung quanh, chính sự tổng hợp đó ta gọi là Tâm Thức Việt. Nhờ un đúc Tâm Thức này mà tổ tiên chúng ta đã có những hành xử giữa người và người mang tình tự dân tộc trong công cuộc cứu nước và dựng nước.
Phật giáo đã truyền đến Việt Nam trước tiên, sau đó những nhà truyền giáo mới đến nước Tầu để truyền bá.
Những tác phẩm tiêu biểu của Tư duy bác học gồm: Lục Độ Tập Kinh, thiền học Trần Thái Tông (Khóa Hư Lục), Tư tưởng Trúc Lâm Yên Tử của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Tư tưởng Nhân Nghĩa của Nguyễn Trải v.v…
Những điều trình bày trên cho phép chúng tôi đi đến kết luận là dân tộc Bách Việt luôn ở trong lòng của dân tộc Việt Nam. Còn người Trung Hoa chẳng có dính dáng gì đến nguồn gốc, cũng như đời sống văn minh của chúng ta. Dân Tộc Việt Nam là dân tộc Việt Nam còn dân tộc Trung Hoa là dân tộc Trung Hoa.
Quá khứ đã có thời kỳ dân Trung hoa, hay Tầu phải học văn hóa, lễ nghĩa của dân Bách Việt. Do chính Khổng Tử là bậc thầy lớn của họ du nhập để dạy cho dân Tầu biết cách sống sao cho có văn minh, văn hoá.
IV. Bài Thơ Thần Sông Núi Nước Nam
Trong năm 981, lúc nhà Tống đang mưu toan xâm lăng nước Ðại Cồ Việt, thì vua Lê Ðại Hành đã vời Pháp sư Pháp Thuận vào hỏi ý kiến của ngài về vận nước Nam ra sao. Ngài Pháp Thuận đáp rằng:
Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh
Ý nói vận nước dài hay ngắn là tùy thuộc theo lòng dân có đoàn kết hay không, ngày xưa tổ tiên ta đã ví sự đoàn kết này như là bó mây cuộn lại (ngày nay ta dùng hình ảnh bó đũa), có đoàn kết thì chắc chắn quân dân ta sẽ chiến thắng giặc ngoại xâm và nước Nam được hưởng thái bình. Bậc làm vua thì phải có tài có đức thì các nơi hết nạn chiến tranh.
Vua Lê còn nhờ ngài Khuông Việt cầu nguyện đức Tỳ Sa Môn Thiên Vương (là một vị thần hộ trì ngôi Tam Bảo) tại núi Vệ Linh, ở đền do ngài đã dựng lên, gia hộ cho quân dân nước Ðại Cồ Việt được chiến thắng quân nhà Tống do Hầu Nhân Bảo dẫn đầu sang xâm lăng nước ta. Một hôm vua nằm chiêm bao và trông thấy hai vị tướng Trương Hạo Trương Hát là danh tướng của Triệu Việt Vương. Triệu vương bị Nam Ðế đánh bại, nhiều lần ông mời hai vị Tướng này ra cộng tác nhưng họ đều từ chối, cuối cùng đã lấy cái chết để giữ tròn chữ trung với Triệu Việt Vương. Sau khi hai ông chết được phong làm thần và thấy nước Nam sắp bị kẻ thù xâm lăng liền thị hiện để tiếp cứu. Sáng hôm sau vua Lê thuật lại cho mọi người trong triều được biết, đồng thời lập đàn tràng cung thỉnh và khấn rằng: “Thần nhân có thể giúp ta thành được công nghiệp này thì việc phong thưởng và cúng đơm muôn đời sẽ không hết“. Cũng trong đêm ấy vua lại nằm mơ thấy hai vị ấy hiện về để bái tạ. Một vị từ phía nam Bình Giang tới, vị khác từ sông Như Nguyệt xuống, cả hai đều nhắm hướng trại đóng binh của quân Tống mà tiến đánh.
Ngày 23 tháng 10, vào lúc canh ba, khi trời tối mịt, gió lớn lưa dồn nổ ra, quân Tống tan vỡ. Thần ẩn hiện trên không trung, cất tiếng ngâm:
Nước Nam sông núi vua Nam ở
Rành rẽ phân chia tại sách trời
Giặc nghịch sao nay dám đến phạm
Chúng bay chuốc bại chắc ngay thôi
nguyên âm
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quân Tống nghe thế hoảng sợ chen nhau bỏ chạy tứ tán, và quân dân Ðại Việt đã chiến thắng một cách vẻ vang. Qua đó cho ta thấy rằng bài thơ bốn câu được xem là Tuyên Ngôn Ðộc Lập đầu tiên của và duy nhất một nước Ðại Việt thực sự tự do đã được tuyên bố ngay từ năm 981 sau khi vua Lê Ðại Hành chiến thắng quân xâm lăng nhà Tống, chứ không phải của Lý Thường Kiệt tuyên bố vào năm 1076 như được phổ biến từ bấy lâu nay. Nguồn gốc của bài thơ Thần được ghi trong Việt sử diễn âm cũng như Thiên nam ngữ lục viết vào thế kỷ 16 và 17.
Và đây cũng là bài thơ khẳng định vị thế độc lập giữa nước Đại Việt và nước Tầu.
V. Kết Luận:
Như thế thì đã rõ tộc Bách Việt hay dân tộc Việt Nam có nguồn gốc riêng tư độc lập hoàn toàn với người Tầu phương Bắc, đồng thời văn hóa tư tưởng của tộc Việt là thầy của văn hóa tư tưởng Tầu ở những năm trước Công Nguyên.
Bà Đỗ Ngọc Bích là tác giả bài viết “Một Cách Nhìn Khác Về Tinh Thần Dân Tộc”, bài này có một giá trị nhất định đối với suy nghĩ riêng của tác giả mà thôi. So trên tổng thể dân tộc, không có sự phù hợp chút nào, cũng như lý luận khó thuyết phục được người đọc.
Tác giả Ngọc Bích đã chỉ trích hai khuynh hướng bài xích Việt Nam Cộng sản và Tầu cộng sản ở trong và ngoài nước như sau:
Ngoài nước :… Dân Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải tị nạn sau biến cố tháng 4/1975 ‘ghét’ nhà nước cộng sản Việt Nam và nhà nước cộng sản Trung Quốc từ xưa thì rõ rồi… không rõ là họ bài xích Việt Nam và Trung Quốc là do sự thù hằn nội chiến… hay là thực sự muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam…
Khi tác giả Đỗ Ngọc Bích viết những chữ trên về hai khuynh hướng bài xích Việt Nam cộng sản hay Tầu cs, cho thấy thái độ rất khinh người của người viết, thái độ khinh người có lẽ do học vị của người viết hay sao?
Tuy nhiên, xin góp ý là với tác giả Đỗ Ngọc Bích là
Thiên ngoại hữu thiên … Cao nhân tắc hữu cao nhân trị.
Đối với những người nêu trên, bà là một người nghiên cứu lịch sử nên có sự tôn trọng những người đi làm lịch sử cho dù họ có xuất thân từ khuynh nào đi nữa. Do đó, nên có sự khích lệ và cảm thông nếu vì lý do nào đó mà chỉ trích có vẻ như tác giả Ngọc Bích muốn đi ngoài xu hướng chung của cả dân tộc.
Người nghiên cứu, biên khảo lịch sử nên và cần có tâm hồn vượt thời gian và không gian và vượt lên trên những định chế đang sinh sống, như thế phần biên khảo, nghiên cứu mới có giá trị thực sự. Ngoài ra cũng cần nên lắng nghe và học hỏi nơi tất cả mọi người.
Nội dung toàn bài tác giả Ngọc Bích chỉ có hai mục đích duy nhất, đó là ủng hộ tập đoàn đảng Cộng sản Việt Nam bán nước, dâng biển cho Tầu; và Tầu cộng sản đã dùng mọi thủ đoạn để cướp nước Việt Nam.
Đặt giả sử nếu tác giả Đỗ Ngọc Bích muốn được nổi tiếng, mà lại dùng dân tộc, tổ tiên làm phương tiện, trông thật không phải đạo đức của một người nghiên cứu, biên khảo lịch sử Việt Nam đứng đắn.
Học hỏi, nghiên cứu là một cái biển mênh mông vô cùng tận, khó có ai tự hào bản thân đã học được tất cả những điều gì trên đời. Là người Việt Nam máu đang chảy trong người của bà là máu đỏ, da của bà là da vàng, nghiên cứu lịch sử nước nhà là một điều nên và phải làm. Tuy nhiên khi nghiên cứu nên lấy con tim và khối óc Việt Nam nhìn vào lịch sử Việt Nam, cũng không thể nào thiếu tinh thần khách quan và phương pháp khoa học, hơn là lấy con mắt của một người Hoa Kỳ hay ngoại quốc để nhìn vào lịch sử của cha ông.
Khi nghiên cứu Lịch Sử Việt Nam với con tim và khối óc Việt Nam bà sẽ thấy nhiều điều hữu ích hơn, có tình tự dân tộc hơn; còn nếu nghiên cứu Lịch Sử Việt Nam bằng cái nhìn Hoa Kỳ (qua môn Hoa Kỳ Học) sự nghiên cứu đó không còn mang tính chất dân tộc nữa.
Nếu có phát giác mới, thì bà nên tìm cách thuyết phục sao cho chiếm được cảm tình của người đọc, dần dần mới đi tới cảm thông và chấp thuận được quan điểm của bà, bà Đỗ Ngọc Bích. Đằng này bà làm ngược lại. Điều bà làm ngược lại đã gây sự phẫn nộ của tất cả những người, những học giả, các vị trí thức, cũng như mọi tầng lớp người Việt Nam ở trong và ngoài nước phản đối bài viết của bà. Chính vì cách trình bầy cao ngạo của bà, qua đó đã không lôi cuốn và thuyết phục được người đọc đã khiến có những phản ứng như vậy.
Trong bài có đoạn viết: “…Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn… Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc Đại Việt Sử Ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt Sử Lược (tác giả khuyết danh thời Trần), hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên), hay Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa…”
Thế thì chúng tôi xin hỏi bà Đỗ Ngọc Bích những gì bà viết ở bên trên lấy ở đâu ra? Bà có đọc được nguyên bản của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Cương Mục v.v…hay chưa? Hay những gì bà viết ra là do sự tưởng tượng phong phú và dồi dào của bà? Và trong bài viết cũng không thấy bà kê ra những sách vở tham khảo. Nguyên tắc của người làm việc biên khảo là, nên liệt kê những quyển sách, tài liệu có liên hệ tới bài viết, như thế sự trình bày mới có giá trị và tính thuyết phục cao.
Thiết nghĩ góp ý bao nhiêu đó đã đủ, trước khi chấm dứt bài viết và nhường cho những bài viết khác. Một ý kiến chót liên quan đến cuộc chiến VN xảy ra từ năm 1946-1975, không đơn thuần là “nội chiến” như bà đã viết. Đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của hai khối cộng sản và tư bản, đồng thời là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc Việt Nam chống lại đoàn quân Bắc xâm Cộng sản Việt Nam để bảo vệ nền văn hóa dân tộc.
Nếu những sự góp ý có gì mạo phạm mong bà bỏ qua, cũng như kính mong chư vị cao đức khắp nơi vui lòng chỉ dạy những thiếu xót trong bài viết của chúng tôi.
Trúc Lâm Lê An Bình,
Mùa Nhân Quyền tháng 05/2010
Thư Mục Tham Khảo:
– Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam tập 1 – Giáo sư Nguyễn Đăng Thục (http://www.truclamyentu.info/tlls_vanhoacuatocviet/tlls_lichsututuongvietnam/lichsututuongcuavietnam.htm)
– Việt Nam Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông – Du Miên Lê Thanh Hoa (http://phivu1956.blogspot.com/2008/11/vit-nam-sui-ngun-vn-minh-phng-ng.html, http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=83771, http://www.vietbao.com/images/upload/advertise/icon/VietNamSuoiNguonVanMinhPhuongDong.htm)
– Tư Tưởng Nhân Quyền Của Tộc Việt – Trúc Lâm Lê An Bình biên khảo (http://www.truclamyentu.info/tlls_vanhoacuatocviet/tutuongnquyencuatocviet.htm)
– Đem Đại Nghĩa Để Thắng Hung Tàn Lấy Chí Nhân Mà Thay Cường Bạo – Trúc Lâm Lê An Bình biên khảo (http://www.truclamyentu.info/tlls_vanhoacuatocviet/demdainghiadethanghungtan.htm)
– Tuyên Ngôn Độc Lập Của Nước Đại Việt – Trúc Lâm Lê An Bình biên khảo (http://www.truclamyentu.info/tlls_tutuongcuaphatgiao/tuyenngondoclapcuadaiviet.htm)
– Thiên Niên Sử Thăng-Long thành – Biên khảo về văn hóa, tư tưởng, lịch sử của thành Thăng-Long trong một ngàn năm qua. Trúc Lâm Lê An Bình thực hiện (sắp xuất bản)