Nguyễn Phương Uyên
Kính thưa: Hội đồng xét xử
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn Công ty Luật TNHH Hà Sơn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội là người bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên trình bày quan điểm bào chữa như sau:
I. Tóm tắt vụ án:
Nguyễn Phương Uyên, sinh 12/10/1992; sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh.
HKTT: Thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Chỗ ở: Số 9 Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Tp.HCM.
Trình độ học vấn: 12/12.
Bị truy tố theo điểm c khoản 1 điều 88 Bộ luật hình sự 1999, 2009:
“Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
A) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
B) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
C) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Quyết định khởi tố vụ án số 01 ngày 19/10/2012.
Quyết định khởi tố bị can số 03 ngày 19/10/2012 đối với Nguyễn Phương Uyên.
Bị bắt từ ngày 19/10/2012.
Tiền án, tiền sự: không.
Kết luận điều tra số 01/ANĐT ngày 26/02/2013 của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An “Vụ án: Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, khởi tố ngày 19/10/2012 do Đinh Nguyên Kha và đồng bọn thực hiện”.
Cáo trạng số 31/QĐ-KSĐT ngày 06/03/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An.
II. Các hành vi bị truy tố:
Lần thứ nhất vào khoảng giữa tháng 08/2012:
1. Về lá cờ vàng ba sọc đỏ: Uyên sử dụng giấy trắng A4, dùng bút sáp màu vàng và màu đỏ tô thành lá cờ; phía dưới lá cờ có ghi chú thích bằng bút sáp màu đen dòng chữ: “1890 – 1920: Đại Nam quốc kỳ từ thời vua Thành Thái tới vua Khải Định; 1948 – 1975: Cờ Quốc Gia Việt Nam”. (trang 03 – Cáo trạng)
1.1. “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa, còn gọi là cờ vàng ba sọc đỏ được vua Bảo Đại sử dụng năm 1948. Đây là Quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam (do Pháp kiểm soát ở cả miền bắc và miền nam Việt Nam) từ năm 1949 đến 1955.
Năm 1890, lá cờ vàng ba sọc đỏ được tạo ra và sử dụng lần đầu tiên như là lá cờ quốc gia (Đại Nam Quốc kỳ 1890-1920)”.
Theo lịch sử thì đây là lá cờ của tổ tiên mà sau này Nhà nước Việt Nam Cộng hòa dùng lại và cũng như tên “Việt Nam” là do tổ tiên để lại chứ không phải là biểu tượng của thế lực phản động nào. Phương Uyên không làm ra, không xuyên tạc, không phỉ báng chính quyền nhân dân vì đây là sự thật lịch sử có trước cả Nhà nước CHXHCN Việt Nam (sinh ra năm 1976).
1.2. Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào cấm vẽ, dán cờ vàng ba sọc đỏ tại nơi công cộng.
1.3. Điều 69 Hiến pháp năm 1992, quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận,”.
Khoản 2 điều 19 Công ước Quốc tế về những quyền dân sự và chính trị năm 1996 (Việt Nam tham gia năm 1982), quy định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.”
Điều 19 Tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc năm 1948, quy định: “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.”
Hành vi này không vi phạm pháp luật, không có nội dung chống Nhà nước CXHCN Việt Nam nên không vi phạm điểm c khoản 1 điều 88 BLHS.
2. Về khẩu hiệu: Uyên sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh vải còn lại có nội dung không hay về Trung Quốc. Cả hai mảnh vải phía dưới đề ghi: “TH: TTYN”; (trang 03 – Cáo trạng)
2.1. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam không phải là một, nên không thể cho rằng phỉ báng Đảng là phỉ báng Nhà nước; đây không thuộc nội hàm của điều 88 BLHS. Hơn nữa, trong BLHS không có “Tội tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam”.
2.2. Nội dung mảnh vải ghi: “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” là quyền của công dân ghi ở điều 77 Hiến pháp năm 1992 “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Về yếu tố lịch sử và luật pháp quốc tế Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc là kẻ đã xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam việc phản đối kẻ xâm lược là một hành động yêu nước không thể bị kết tội.
2.3. Chữ viết tắt “TH: TTYN” không có nội dung, không ý nghĩa gì.
3. Về bức tranh: Uyên vẽ bức tranh miêu tả một người công an to lớn, tay cầm dùi cui chỉ về phía người dân đang xếp hàng. Bên trên bức tranh ghi dòng chữ “tự do dân chủ”, phía dưới bức tranh ghi: “TH: TTYN”.
3.1. Tệ nạn bất công, tham nhũng, thiếu dân chủ trong xã hội xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lúc Đảng và Nhà nước đã nhiều lần thừa nhận công khai. Những năm gần đây các các trường hợp công an đánh người, bắn chết người xảy ra nhiều …gây ra bức xúc cho xã hội nên việc Phương Uyên có vẽ bức tranh đó cũng không phải là xuyên tạc, phỉ báng mà là phản ánh một phần sự thật của xã hội, tất nhiên bên cạnh đó cũng có rất nhiều hình ảnh đẹp về cán bộ, chiến sĩ công an.
3.2. Như trên tôi đã nêu đây là quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân.
Lần thứ hai: vào các ngày 03/10/2012, 08/10/2012, Phương Uyên chỉ đổi tiền lẻ do Kha nhờ chứ không biết đến nội dung ghi trên tờ rơi.
Khoản 2 điều 63 “Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự” BL TTHS, quy định:
“Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:
Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;”
1. Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu ngày 10/10/2012 (Bút lục 55). Thu được khoảng 650 tờ rơi KT (07 x 14) có nội dung kêu gọi “Tuổi trẻ Việt Nam đứng lên chống lại Trung Quốc”. Không thể coi đây là hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
2. Biên bản hỏi cung Phương Uyên ngày 23/11/2012 (Bút lục 730). Nội dung cho rằng Phương Uyên phỉ báng lãnh tụ Hồ Chí Minh là “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là không đúng, bởi lẽ: Hồ Chí Minh không đồng nghĩa với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hơn nữa Hồ Chí Minh mất năm 1969, đến năm 1976 Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới ra đời.
3. Mặc dù Kết luận điều tra không hề nói đến nhưng Cáo trạng của Viện kiểm sát lại cho rằng sau khi các hành vi trên của Phương Uyên: Nguyễn Thiện Thành có kế hoạch chống nhà nước quy mô hơn bằng cách rải truyền đơn, có tên gọi là “Chiến dịch tờ tiền lẻ” làm nghiêm trọng hơn tính chất của sự việc mà không đưa ra chứng cứ để chứng minh: Kế hoạch, chiến dịch đó như thế nào? làm bất lợi cho các bị cáo là vi phạm (điều 64 – chứng cứ của BL TTHS) và làm sai lệch sự thật khách quan của vụ án, vi phạm (điều 10 BL TTHS).
4. Việc làm của Kha và Uyên rải tờ rơi ngày 10/10/2012 tại cầu vượt An Sương, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Tp.HCM là lần đầu tiên do Nguyễn Thiện Thành giới thiệu thì hai người mới biết nhau, hành vi kết hợp giản đơn không có sự phân công chặt chẽ nên không phải là hành vi có tổ chức.
III. Các vi phạm tố tụng hình sự:
1. Các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được trang thông tin điện tử “Tuổi trẻ yêu nước” được lập ra ở lãnh thổ nước nào? đã đăng tải các hình ảnh như cáo trạng đưa ra vào thời gian cụ thể nào? là vi phạm khoản 1 điều 63 – BL TTHS, quy định phải chứng minh:
“Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;”
Ai là người quản trị trang thông tin điện tử “Tuổi trẻ yêu nước”? là vi phạm khoản 2 điều 63 – BL TTHS, quy định phải chứng minh:
“Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;”
Không xác định được trang thông tin điện tử “Tuổi trẻ yêu nước” có số lượt người trong nước truy cập là bao nhiêu để đánh giá mức ảnh hưởng của nó? là vi phạm khoản 4 điều 63 – BL TTHS, quy định phải chứng minh:
“Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.”
Việc đăng tải các file ảnh trên trang thông tin điện tử “Tuổi trẻ yêu nước” là do người quản trị trang này phải chịu trách nhiệm về việc “phổ biến, tuyên truyền” chứ không phải là trách nhiệm của Nguyễn Phương Uyên.
2. Không có chứng cứ để xác định trang thông tin điện tử “Tuổi trẻ yêu nước” là có thật – là vi phạm khoản 1 điều 64 “Chứng cứ” – BL TTHS, quy định:
“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
3. Các cơ quan điều tra không xác định định được chứng cứ là Phương Uyên đã gửi các file ảnh từ máy tính nào (số hiệu máy tính), thời gian (ngày, tháng) nào? mà chỉ vừa duy nhất là lời khai của Phương Uyên.
4. Các biên bản hỏi cung ngày 23/11/2012 (BL 729), 09/01/2013 (BL 738) đều do các điều tra viên in từ máy vi tính để Phương Uyên ký là vi phạm khoản 1 điều 95 “Biên bản” – BL TTHS, quy định:
“Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất.”
5. Bút lục 38 “Đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can” ngày 19/10/2012 của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đối với Phương Uyên gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An không có số, nội dung không ghi số quyết định khởi tố vụ án, số quyết định khởi tố bị can. Đây là dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự để hợp thức hóa hồ sơ vụ án.
IV. Các cơ sở suy đoán vô tội:
6. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và gặp Phương Uyên tôi nhận thấy Phương Uyên là nạn nhân của Nguyễn Thiện Thành, người mà Phương Uyên chưa gặp mặt bao giờ. Cơ quan an ninh điều tra không bắt được Nguyễn Thiện Thành; không xác định được tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước” của Nguyễn Thiện Thành là như thế nào hay đây chỉ là cái bẫy để Nguyễn Thiện Thành gài những thanh niên sinh viên có nhiệt huyết với đất nước như Nguyễn Phương Uyên và những thanh niên sinh viên khác. Theo quan điểm của tôi vụ án Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên sẽ làm cho thanh niên sinh viên Việt Nam không dám quan tâm đến chủ quyền biển đảo Quốc gia và đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng trong xã hội; gây bất lợi cho việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.
7. Bức xúc trước tệ nạn tiêu cực, tham nhũng ngày càng diễn ra phổ biến trong xã hội, nguyên nhân là do tội của không ít các cán bộ công quyền trong bộ máy nhà nước gây ra. Điều đó đã tác động đến tinh thần của Phương Uyên một sinh viên trẻ tuổi trung thực nên Phương Uyên nhìn và có phản ứng tiêu cực với bộ máy nhà nước là một tâm lý chính đáng, dễ hiểu. Các hành động xâm phạm chủ quyền và tàn sát ngư dân Việt Nam ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc trong những năm gần đây; được giáo dục trong nhà trường về trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc là một người Việt Nam tất yếu Phương Uyên có phản ứng phản đối Trung Quốc. (điểm đ khoản 1 điều 46 – BLHS).
8. Phương Uyên đã trung thực hợp tác với Cơ quan điều tra như trang 11 của Kết luận điều tra số 01/ANĐT ngày 26/02/2013 của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An. Tự nguyện giao nộp các đồ vật tại Biên bản tạm giữ đồ vật và kiểm tra tài liệu ngày 14/10/2012 (BL 752 – 755) của Cơ quan điều tra. (điểm p khoản 1 điều 46 – BLHS).
9. Phương Uyên ngày 19, 20/08/2012 có dán cờ vàng, 01 khẩu hiệu “Tàu khựa cút khỏi biển Đông”, 01 tranh biếm họa ở gần nhà thuộc địa bàn xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận thì đây là một vùng nông thôn nghèo, ít người biết đến, dân trí còn thấp không có ảnh hưởng đáng kể.
10. Phương Uyên bị truy tố theo điểm c khoản điều 88 BLHS: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành…” nhưng Phương Uyên không “tàng trữ” bất cứ một tài liệu nào. Theo Biên bản tạm giữ đồ vật và kiểm tra tài liệu ngày 14/10/2012 (BL 752 – 755) các file ảnh Cơ quan điều tra có được là do phục hồi thẻ nhớ sau đó in ra giấy bắt Phương Uyên ký xác nhận.
11. Phương Uyên không có tiền án, tiền sự, chưa bị xử phạt hành chính.
12. Phương Uyên là một sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh.
13. Được bạn bè sinh viên quý mến; là một người con ngoan của gia đình.
V. Về phần dân sự:
Biên bản tạm giữ đồ vật và kiểm tra tài liệu ngày 14/10/2012 (BL 752 – 755), Phương Uyên là người tự nguyện giao nộp đồ vật. Đề nghị Tòa trả lại cho Phương Uyên:
1. Thẻ nhớ máy ảnh hiệu Transcend HC 4GB vì không có thông tin, tài liệu liên quan vụ rải truyền đơn;
2. Thẻ nhớ điện thoại loại micro 256MB vì kết quả, máy vi tính không nhận diện được thẻ nhớ này;
3. Điện thoại di động, hiệu Nokia 6131 vì kết quả, máy vi tính không nhận diện được thẻ nhớ của điện thoại (mục 2).
VI. Kết luận:
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Theo như Cáo trạng của Viện kiểm sát thì hành vi của Nguyễn Phương Uyên không gây ra hậu quả nào cho xã hội; không có động cơ, mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên chỉ là phản ánh bức xúc cá nhân trước hiện trạng của đất nước và muốn cảnh tỉnh thanh niên sinh viên về ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên không cấu thành trách nhiệm hình sự vì vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử hãy công minh xem xét tuyên Nguyễn Phương Uyên vô tội.
Trân trọng cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.
Long An, ngày 16/05/2013
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn