Ngày 10 tháng 3, 2011, mảnh đất dưới biển Thái Bình, di chuyển mỗi năm khoảng một tấc đụng vào mảnh đất Âu Á gây ra một cuộc đông đất và sóng thần lớn nhất trong lịch sử nước Nhật trong hơn 100 năm.
Thiên tai, cơ trời ách nước đã khiến cả thế giới đổ cặp mắt về Nhật qua truyền hình, mọi người bàng hoàng quên cả cuộc cách mạng vũ trang ở Lybia cùng ngày chuyển qua giai đoạn khác với trận đánh bom vào giếng dầu vùng Raslamef của nhà độc tài Qaddafi.
Thiên tai, nhân tai, hỏa tai, thủy tai, cùng một ngày trên hai phần của thế giới. Bàn tay trời trong một giây phút hủy tất cả các công trình của con người và may mắn thiên tai đã xẩy ra ở Nhật để thế giới có dịp so sánh trận động đất 9.0 lớn nhất lịch sử với những thiên tai gần đây. Người Nhật đã dậy cho cả thế giới bộ mặt của nền dân chủ cởi mở và sự tôn trọng trật tự. Trong vòng vài phút sau địa chấn, Thủ tướng Nhật đã xuất hiện trên đài truyền hình yêu cầu mọi người bình tĩnh, 10 phút sau đó có báo hiệu sóng thần sắp đến, nước Nhật yên bình ngoài vùng động đất, khác hẳn với trận động đất ở vùng Tứ Xuyên năm 2008, Thanh Hải năm 2010 nơi dân Trung Hoa ở chen chúc, nghèo, vô trật tự, xây cất không đúng tiêu chuẩn dễ bị xập sau cơn địa chấn, chánh quyền tham nhũng, dấu diếm tin tức và khác hẳn với trận động đất gần đây ở Haiti cũng như Katrina năm 2005 ở New Orleans, Hoa Kỳ.
Con người Võ Sĩ Đạo
Người Nhật, kể cả những thanh niên trẻ, đã bị chính Thống đốc Tokyo, Shintaro Ishihara nghi ngờ là không còn giữ được tinh thần vâng lời và kỷ luật trong thế kỷ thứ 21 đã chứng tỏ cho thế giới thấy tinh thần của người Nhật: bình thản, vâng lời, kỷ luật, vị tha, bất bạo động, đùm bọc, giúp đỡ che chở lẫn nhau. Tinh thần của dân Nhật là tinh thần Võ sĩ đạo, Samurai, tạo từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 19. Con người Võ sĩ đạo biểu hiện qua vai trò của tài tử Toshiro Mifune trong những phim thập niên 1950-60, điển hình là “7 chàng Võ Sĩ Đạo” từ cuốn truyện Samurai của Yasushi Inoue, được Hollywood hâm mộ biến thành phim “7 Mercenaires”.
Võ sĩ đạo xuất hiện trong thời Sứ quân, trong một nước Nhật chia ba xẻ bẩy, căn bản là một chiến sĩ như hình ảnh của những Hiệp sĩ bên Âu châu thời Trung cổ. Người Nhật xem Võ sĩ đạo là hình ảnh, là đóa hoa, là cột rễ của nước Nhật. Ngược lại, Võ sĩ đạo sống theo những tiêu chuẩn đạo đức là tấm gương của dân Nhật. Căn bản Samurai là chiến sĩ. Người Võ sĩ phải học hỏi về mọi phương diện: đánh kiếm, cỡi ngựa, bắn cung, đánh thương, nhu thuật, viết, vẽ, văn chương, nghệ thuật. Như các cụ đồ, Võ sĩ Nhật phải học viết chữ (calligraphy), viết là nghệ thuật vì chữ viết nói lên được cá tính của con người. Nhu thuật là căn bản võ thuật của Võ sĩ đạo, nhu thuật sinh ra Nhu Đạo, khác với đấu vật phải dùng sức mạnh, nhu thật lợi dụng sức của địch và nhắm vào những yếu điểm của địch thủ để tiêu diệt khả năng tấn công nhưng không có mục đích giết người. Người Võ sĩ phải biết tự chế cả về tinh thần lẫn thể xác, chịu khổ không than thở, đụợc dậy phải giữ lễ độ với mọi người. Tinh thần này đã cho thấy qua cuộc động đất ngày 10/3/2011, người Nhật khắc kỷ, bộ mặt an nhiên không cho thấy vui buồn giận giữ. Trong xã hội, dân Nhật từ bé được dậy: “đời người là bể khổ”, “xum họp rồi sẽ chia ly”, “sanh ra phải chết”. Cá tính người Nhật đến từ tinh thần Võ sĩ đạo “Trí, Nhân, Dũng”. Hồi thập niên 1960, ở Võ đường Quang Trung của thượng tọa Thích Tâm Giác, châm ngôn được sửa thành “Bi, Trí, Dũng” cho hạp với nhà Phật nhưng thay đổi như thế nào thì Vũ, Dũng sức mạnh đứng sau Trí và Nhân. Võ sĩ không háo thắng không dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp. Trong chuyện Thạch Kiếm, một truyện võ hiệp Nhật nổi tiếng: chàng võ sĩ nghe nói về một kiếm khách nổi tiếng đã vác kiếm đến thách đấu. Quần hùng đứng ngoài đồng đợi kiếm sĩ đi ra ngoài để dự kiến một trận đấu có một không hai, đứng đợi hàng giờ kiếm khách vẫn không xuất hiện mặc dù chàng võ sĩ lên tiếng thách đấu, mắng nhiếc. Quần hùng nghĩ kiếm khách vô danh hèn sợ thua. Võ sĩ chống kiếm đợi, thình lình một đóa hoa được vứt ra từ trong động, võ sĩ nhặt đóa hoa và âm thầm bỏ đi. Quần hùng ngạc nhiên hỏi, võ sĩ đưa đóa hoa cho xem và nói “đường kiếm chém cuống hoa của hắn như thế này làm sao ta có thể sánh được!”
Tinh thần võ sĩ đạo lan ra khắp các tầng lớp xã hội Nhật từ rạp hát, trường học, truyện tiểu thuyết, cho đến chuyện kể của dân quê ngồi bên đống lửa. Võ sĩ đi vào nhân gian, trở thành những nhà lãnh đạo dân chủ Otoko-Date, luôn luôn sẵn sàng phục vụ cho đất nước. Người võ sĩ luôn luôn giữ tinh thần anh hùng trong khi chiến đấu, không lén lút, không hèn hạ “không ăn hiếp kẻ yếu, không quay lưng bỏ chạy trước địch thủ cao lớn hơn”. Thanh gươm là linh hồn của người võ sĩ Samurai. Từ lúc 5 tuổi trẻ Nhật đã mặc quần áo Samurai, học đánh kiếm. Sau một buổi lễ, trẻ được mang gươm thật. Hai thanh gươm luôn luôn mang theo bên mình cả khi ngủ. Trường kiếm (Daito) tượng trưng cho trung thành, đoản kiếm (Shoto, Kantana) tượng trưng cho danh dự.
Trẻ em đến tuổi trưởng thành được gởi đến người lạ, sống với thầy với bạn, thức dậy trước khi trời sáng, trước khi ăn sáng phải tập thể dục, học đọc học viết, đi với thầy trong mùa đông giá chân không, không giầy không dép, đi từng nhóm, đêm không ngủ. Trẻ em được dậy, trầm tĩnh là biểu hiện của can đảm, không để bị giao động vì những bất ngờ, không có gì có thể làm giao động, bình thản trong trận mạc, giữ bình tĩnh trước tai ương. Động đất không làm Samurai xao xuyến, Samurai cười trước bão tố, giữ được tự chủ làm thơ khi đợi cái chết đến. Vào Thế kỷ thứ 12, chủ soái Sadato bại trận, bị rượt đến bờ sông Koromo. Tướng quân Yoshire rượt theo Sadato hô lớn: “bị kẻ thù rượt đuổi không quay mặt lại là cái nhục!” Sadato bình tĩnh ngồi trên lưng ngựa, không quay lại, đọc một câu thơ, tướng Yoshire thình lình bỏ đi không cho quân đuổi theo, được quân sĩ hỏi, ông trả lời: “Ta không thể làm nhục một người trong khi bị kẻ thù đuổi theo vẫn ung ung giữ được tinh thần võ sĩ đạo”.
Trong cơn hoạn nạn, người Nhật giúp đỡ, che chở nhau trong cảnh màn trời chiếu đất, chia từng miếng ăn miếng mặc khác với tinh thần của bọn Bình gia Pháp gia dùng chánh sách hộ khẩu, lấy miếng ăn để kiểm soát dân, cái chánh sách cắt lương thực của cộng sản khác hẳn tinh thần Võ sĩ đao của người Nhật. Câu chuyện được kể trong thời sứ quân: tướng Kenshin tấn công quân của tướng Shingen ở tỉnh Tokaido một tỉnh nằm giữa miền núi xa biển, dân cần muối để sống, chúa của Kenshin ra lệnh cho ông không được cung cấp muối cho vùng Taikaido, ông không vâng lời, trả lời với chủ: “Ta không đánh nhau bằng muối, ta đánh nhau với kẻ thù bằng thanh gươm!”.
Nguồn gốc tinh thần Võ Sĩ Đạo
Người Trung Hoa tự hào với nền văn hóa Tam giáo Đồng nguyên (Khổng, Phật, Lão), còn tinh thần Võ Sĩ Đạo là tổng hợp của Phật, Khổng và Thần Đạo (Shinto).
Phật giáo đến Nhật qua ngả Trung Hoa, nổi tiếng với các vị sư Trung Hoa như Giám Chân (Ganjin) thế kỷ thứ 8 đem kinh về Nam Đô qua đường biển. Đạo Phật qua Nhật mang đến sự bình thản, an tịnh cho Võ sĩ đạo. Trong khi chiến đấu, phục vụ cho chủ Võ sĩ tin vào Nghiệp, bình thản chấp nhận những sự không tránh khỏi như cái chết, sống khắc kỷ, chịu đựng trước nguy hiểm, tai ương, xem cái chết là bạn đồng hành. Phật giáo Nhật phát triển về Thiền học (Zen: Dhyâna, bài thứ 7 trong Yoga) lời dậy nổi tiếng của Kiếm đạo ở Nhật là “Kiếm đạo đi ra ngoài sự diễn dậy của ta, phải đi theo Thiền đạo”.
Khổng giáo ảnh hưởng mạnh đến Võ Sĩ đạo. Trí thức Nhật từ các thế kỷ trước đi vào đất liền để du học và mang đạo Khổng về Nhật. Tinh thần Khổng học hạp với Võ sĩ đạo và giai cấp cai trị ở Nhật. Tinh thần Khổng Tử và Mạnh Tử được áp dụng đúng ở Nhật, khác với tinh thần “Xã hội hài hòa” của thời nhà Nguyên và Cộng sản Hồ Cẩm Đào. Bốn lời dậy của Khổng Tử “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” trong gia đình ra tới xã hội và bạn bè “chơi với nhau phải thành tín” cùng với tinh thần dân chủ được áp dụng dù có lúc lời dậy của Mạnh Tử có lúc bị cấm vì bị xem là nguy hiểm cho trật tự xã hội. Võ sĩ đạo xem “kiến thức là phương tiện đưa đến trí tuệ chứ không phải là cứu cánh” cũng như ngạn ngữ của người Nhật “học như là rau có mùi phải nấu đi nấu lại trước khi ăn”. Người Nhật coi trọng cái “học phải hành” của Vương Dương Minh, thuyết “học và hành là một” giống như của Socrate “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, giữa thông thạo chuyện đời”.
Chính nhân của Khổng Tử được áp dụng vào Võ sĩ đạo. Chính, ngay thẳng, là giáo hịch vững chắc nhất trong quy luật bất thành văn của con người Samurai. Người Võ Sĩ đứng thẳng xương sống không quỵ lụy, thẳng thắn, hành xử theo lẽ phải, không nao núng, chết khi phải chết, chiến đấu khi phải chiến đấu. Mạnh Tử gọi Chánh là con đường, Nhân là tâm của con người. Chính nhân dẫn đến can đảm. Khổng tử gọi can đảm “là làm những việc mà mình cho là phải” còn hoàng tử Mito nói “sống cuộc đời đáng sống, chết khi nào phải đáng chết còn chết vì lý tưởng không xứng đáng là cái chết của con chó!”.
Khổng Tử dậy cho các nhà lãnh đạo: “Đức là gốc, giầu có nhờ đức” còn Mạnh Tử dậy “ta nghe người không có đức nhân cầm đầu một nước nhỏ nhưng chưa thấy một nước lớn nào rơi vào tay một kẻ thiếu đức”. Cái đức dậy cho người Nhật thương những nạn nhân khi bị thiên tai. Cái lễ phép người Nhật học trong Trà Đạo được áp dụng cho mọi người ngay trong cảnh màn trời chiếu đất “hài hòa với mình và với người chung quanh”. Lễ phép phải dựa trên sự thành thực, không thành thực lễ phép chỉ là kịch cỡm.
Tinh thần Võ sĩ đạo khác với tinh thần “xã hội hài hòa” của Trung Hoa. Đạo đức của xã hội hài hòa là “vâng lời tuyệt đối” còn tinh thần Võ sĩ đạo là Trung Thành và Danh Dự. Trung thành không đòi hỏi Võ sĩ phải trở thành nô lệ cho bất cứ chế độ hay vua chúa nào. Tinh thần trung thành được thực hiện qua tinh thần dân chủ. Người Nhật xem trọng danh dự, khi cần bảo vệ danh dự họ có thể tự vận Seppaku hay Hari Kiri, mổ bụng cho mọi người thấy ruột gan ngay thẳng của họ. “Mất danh dự giống như vết sẹo trên cây, thời gian không làm phai đi mà trái lại vết sẹo càng ngày lớn”. Người Nhật đùm bọc lẫn nhau, yêu thương nhau trong khi hoạn nạn vì như Saigo: “Đạo là con đường của Trời Đất, con người phải đi theo. Trời yêu mọi người công bằng vì vậy yêu mình thì phải yêu người”.
Đạo Phật phát triển mạnh ở Nhật nhưng các võ sĩ Samurai và con cháu Thái Dương Thần Nữ không bỏ đạo của tổ tiên, Thần Đạo (Shinto). Đạo là đường. Shinto là đường của các vị thần. Trời đất thiên nhiên và các thần có hai bộ mặt vừa nhân đức vừa có thể giận giữ nên các thần (Kami) phải được thờ phụng cúng tế. Người Nhật thờ các thần để không bị phạt nhưng Kamikaze (thần phong) vẫn xẩy ra, Động đất đối với người Nhật là do thần Cá Trê quậy đuôi mặc dù cá trê được thờ trong đền Shinto. Khác với thần của Do Thái và Thiên Chúa, Thần của người Nhật không đặt luật, không chủ thuyết, luật lệ đạo đức, các Thần chỉ muốn được kính trọng.
Khi Phật giáo đến Nhật, người Nhật còn xem các Thần của họ là hóa thân của Đức Phật. Đền thờ Shinto nổi tiếng nhất ở trung tâm Nhật Bản, Ise, nơi Hoàng gia đến cúng tế, cất lên 1,500 năm trước, kiến trúc bằng gỗ và giấy để tránh động đất, mỗi 20 năm được giật xập và xây lại.
Thần Đạo không tin vào tội tổ tông, dạy mọi người phải trung thành với đất nước, thờ phụng tổ tiên, tin vào tánh bản thiện và tâm hồn trong sạch như tâm hồn Thượng đế. Đạo cũng giống như Đạo thờ Tổ Tiên ở Trung Hoa và Việt Nam, hay đạo Pagan ở Hy Lạp và Âu Châu trước khi bị Hoàng đế Constantine năm 312 theo đạo Thiên chúa giáo, đặt tên Catholic (đạo phổ thông) cấm đoán dân thờ các thần Hy Lạp và La Mã của đạo Pagan (đạo dân gian) và thắp nhang thờ tổ tiên.
Đền thờ Shinto đặc biệt là không chú trọng vào đồ vật thờ phượng. Tấm gương lớn treo dưới hình thức thờ phượng là vật chính. Sự hiện diện của tấm gương trong sáng biểu tượng cho Tâm của con người, cái Tâm trong sáng và điềm tĩnh phản ảnh của Thần và Thượng Đế. Khi đứng trước đền thờ để tế lễ, người đi lễ sẽ thấy chính hình ảnh của mình phản chiếu trong gương và hành động tế lễ tượng trưng với hành động tĩnh tâm “nhìn thấy mình, biết mình”. Tế lễ đối với người Nhật ở đền thờ Shinto là hành động xem xét nội tâm. Cách tế lễ khác với người Hy Lạp đạo Pagan, khi tế lễ ngườI Hy Lạp trầm ngâm ngước mắt nhìn lên Trời, người La Mã tế lễ cúi đầu nhìn xuống còn người Ấn Độ chắp tay nhất là khi gặp nhau để thừa nhận người đốI diện có một linh hồn.
Giáo lý của Thần Đạo đặt nặng hai điều: Trung Thành và Yêu Nước. Tổ tiên được thờ phụng từ thế hệ nầy qua thế hệ khác với Hoàng tộc đứng đầu. Quê hương đất nước đối với họ không phải chỉ là đất đai mà còn là nơi chốn thiêng liêng của tổ tiên; của thần linh với linh hồn tổ tiên. Hoàng đế đại diện cho Trời (Thiên tử như người Trung Hoa) và hoàng đế cũng như các thần vừa có quyền vừa có lòng thương dân.
Thời đại Samurai chấm dứt năm 1870 khi nạn Sứ quân bị dẹp. Nước Nhật thống nhất nhưng khác với hiệp sĩ (Chivalry) ở Âu Châu, Samurai không nhập vào để phục vụ Tôn giáo.
Thần đạo đặt nặng về đạo đức nên cuối thế kỷ thứ 19 người Nhật không theo chủ nghĩa Tự do Mậu dịch mãi đến khi Thuyền trưởng Matthew Perry đem chiến thuyền với thơ của Tổng thống Hoa Kỳ Millard Fillmore năm 1853 đến Nhật. Sau 240 năm bế môn tỏa cảng như Trung Hoa, Minh Trị Thiên Hoàng canh tân nước Nhật năm 1867. Người Nhật học hỏi khoa học phương Tây, giới trí thức không qua Trung Hoa du học như trước nhưng họ giữ tinh thần không mù quáng trước nền khoa học Tây phương và họ giữ được niềm tự hào “người Âu Châu không dậy cho người Nhật mà chính vì người Nhật tự mình muốn học hỏi các phương pháp tổ chức dân sự và quân sự của phương Tây”. Tinh thần nổi tiếng kỷ luật của hai dân tộc Đức và Nhật cùng với con đường Thần Đạo quá khích có lúc đã làm cho Nhật Bản đi sai đường gây Thế chiến Thứ hai nhưng sau 1945 tinh thần Võ sĩ đạo đã giúp họ tái thiết đất nước.
Trận động đất tháng 3 năm 2011 ở xứ Hoa Đào đã ảnh hưởng lên toàn thế giới, như Paul Dirac nhà vật lý nổi tiếng thế kỷ 20 đã nói: “ta ngắt đi một đóa hoa trên mặt đất làm chuyển động một vì sao ngoài vũ trụ!” Mong chuyển động ấy lan đến Việt Nam, một đất nước được tái thiết sau 1975 hoàn toàn dựa trên kinh tế, chủ nghĩa Cộng sản rồi đến chủ nghĩa vật chất, khiến cả đất nước và con người thiếu một tâm hồn.
Việt Nguyên