Một tuần sau Đại lễ Thăng Long, chúng ta thấy những gì ? Chúng ta thử rút những kinh nghiệm gì ? Thời sự thế giới có biết đến chúng ta không ?
Thế giới tuần qua, khen ngợi ca tụng và nói nhiều đến Liu XiaoBo nhà tranh đấu Nhân quyền được giải Nobel hiện vẫn còn bị nhà cầm quyền Trung Cộng cầm tù, nhiều nhà báo ví Giải Nobel cho Liu XiaoBo là như một cái tát tai vào mặt anh cầm quyền Trung Cộng. Càng bỉ mặt cho Trung Cộng hơn nữa là hiện nay Trung Cộng tuy đã là quốc gia đừng số hai thế giới về mặt kinh tế, lại là quốc gia bị chê bai về giá cả và chánh sách tiền tệ. Thế giới tài chánh quốc tế cho rằng cách kiềm hãm đồng Yuan trung hoa ở mức hối đoái thấp là một mánh khóe « ăn gian » để chiếm thị trường xuất khẩu. Nói tóm lại Trung quốc được dư luận thế giới chú trọng đến nhiều nhưng rất tiêu cực.
Thế giớituần qua theo dõi Chili và những người thợ mõ đang được cứu thoát.
Thế giới tuần qua theo dõi những nguy cơ do khủng bố có thể diễn ra ở Âu châu, Pháp Anh Đức, và cảnh giác du khách.
Còn đại lễ 1000 năm Thăng Long của Việt Nam ? Không ai biết cả ! Lại càng không biết và không nói tới, khi Miền Trung Việt Nam đang bị lũ lụt. Thật vô phước cho người Việt ! Một đất nước nếu có những lãnh đạo là thật sự là những người lãnh đạo, thì dù đang có lễ lạc đi nữa, nếu trong nước có thiên tai thì cấp tốc ngưng ngay lễ lạc, lo thiên tai, lo ngay việc cứu trợ. Cùng trong một thời gian, tấm gương sáng ở Chili, cả nước dồn mọi nỗ lực, Tổng thống đứng đầu, cứu cho được 33 người thợ mõ đang kẹt ở dước 600 mét sâu trong lòng đất. Trái lại Việt Nam, các ngư dân bị Hải quân Tàu bắt chưa trả về đến nay, vẫn không ai biết ; lũ lụt, nhà trôi của mất vẫn không ai lo, và Hà nội tưng bừng mở hội 1000 Thăng Long….Tại sao Nhà Nước Việt Nam vô tâm như thế ? Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam vô hậu như vậy ? Nhưng nếu Đảng vô hậu, Nhà nước vô tâm, lương tâm người Đảng viên, lương tâm người lãnh đạo đối với dân, đối với đất nước, đối với Tổ quốc ? ở đâu ? …..
Và Việt Nam khi mở hội là muốn trình làng cho thiên hạ thế giới biết là nay mình đang là một nước đang lên đang phát triển. Và giá các nạn nhơn lũ lụt và giá các ngư dân đang bị Tàu bắt là giá phải trả đó thôi ! Thế nhưng Việt Nam có thực sự đang phát triển thật không ? Đánh giá vào sự các tư bản ngoại quốc muốn biến Việt nam làm một cái xưởng của thế giới, người bàng quan nghĩ rằng rồi đây Việt Nam sẽ vọt lên như Trung Quốc, hay không?
Ta hãy ráng phân tích xem:
«Muốn thực hiện những hứa hẹn phát triển kinh tế , Việt nam phải tân trang tất cả hạ tần cơ sở . Và đặc biệt chú trọng đến phát triển xã hội. » Geoffroy Caillet – Tuần Báo Kinh tế Viễn Đông, ngày 5 tháng 10 2010 .
Hà nôi, hay Sài gòn, một ngày bình thường, vào một buổi chiều, trên một con đường đông người và đông khách du lịch, một đám người tụ tập ngước cổ nhìn một cảnh,.. rất ăn khách du lịch ngoại quốc,.. những cameras, những máy chụp hình nhá lên liên tục, hình ảnh nầy chỉ thấy ở Việt Nam. Đứng trên những cây thang cao bằng tre, các thợ điện đang thay ráp, cắt sửa, những bó giây cáp điện bùi nhùi rối rắm trên những cột điện, chui lòn phanh phui những mạng lưới giây điện, rối bù trên bầu trời của những đường phố Hà nội hay Sài gòn. Không ở đâu, người du khách âu mỹ có thể thấy những anh thợ điện làm việc như thế nầy. Không ở đâu người du khách, nhứt là âu mỹ, có thể đứng gần một anh thợ điện làm việc trên một nhóm đường giây điện công cộng như ở Việt Nam. Đột nhiện, một tia điện xè chớp, một tiếng nổ, trong những tiếng ồ, hơi hoảng, của các khán giả. Chả sao, đấy chỉ một « chạm điện », một « cua-xiệc-quy » (court circuit) nho nhỏ, bình thường, do hệ thống điện quá già nua, quá tải. Cuối cùng hệ thống điện cũng được sửa chạy,… sẽ chạy ngon lành … cho đến kỳ sửa tới. Và cả con đường bừng sống lại, tiệm ăn, khách sạn bựt sáng, đèn đường, đèn néon, đèn bảng hiệu, … nào cà phè, nào hàng ăn, nào hàng uống,… tất cả nhấp nháy sống lại, tiếng nhạc, tiếng loa ….ồn ào, tấp nập, .. tất cả nhờ vào điện, tất cả cần điện.
Và hệ thống điện quá tải, cà rịt, cà đụi, chạy bửa có bửa không ! bửa đực bửa cái ! Nhưng cái tài của anh thợ điện Việt Nam sửa cả. Cắt, nối, câu, kéo …chỉ có cái kềm và đôi tay…Ôi Việt Nam muôn thuở, ngày tôi bỏ Sài gòn ra đi, nay đã 30 năm, vẫn còn nghe chuyện Sài gòn bị « cúp điện » !!
Cải tiến hạ tầng cơ sở : điện, nước, giao thông .. là một nhu cầu bức thiết của một Việt Nam trên đà phát triển với nhịp độ 6% mỗi năm. Một nhịp độ sẽ đưa Việt Nam thành một quốc gia có tầm hoạt động cao. Nhưng muốn được như vậy, nhiều việc phải làm : một hệ thống hỏa xa cao tốc, nối liền Hà nội –Sài gòn trong vòng 6 tiếng, phải được thiết lập. Nhưng chương trình ấy phải bãi bò, vào ngày 19 tháng 6 vừa qua bởi Quốc hội Việt Nam. Con đường cao tốc ấy sẽ tốn 600 dollars nợ cho mỗi người Việt Nam . ( Hiện nay mỗi công dân Việt Nam đã nợ 600 dollars rồi – xem « Mỗi người ViêtNam gánh 600 USD nợ công tức 51,7 % GDP »/ Thanh Bình/Việt Thức 13/10/2010) – với 600 USD cho đường hỏa xa cao tốc nữa, thế là sẽ mất toi toàn bộ GDP/ mỗi đầu người – 1200 USD – thế là phá sản. Vì thế phướng pháp nới rộng đường rầy, và cải tiến hệ thống đường lộ được Nhà nước và Quốc hội Việt Nam chấp thuận. Và như thế Nhà nước Việt Nam « hy vọng » với 15 tỷ USD hằng năm cho hệ thống đường xá giao thông năm 2020 Việt Nam có cơ bước vào thế giới công nghiệp.
Thật vậy, cũng như mọi quốc gia có giấc mơ thành những nước có một « Tổng sản lượng trung bình » Việt Nam ngay từ bây giờ phải có một tầm nhìn và một sự lựa chọn chiến lược trong chánh sách và đường hướng phát triển để Việt Nam bước vào con đường công nghiệp hóa nền kinh tế phát triển.
Ta thử tóm lược : Sau khi xây cất hạ tầng cơ sở như đã nói trên, chúng ta phải nghĩ ngay đến đào tạo tay nghề công nhơn lao động. Tay nghề của công nhơn Việt Nam rất yếu kém, và đặc biệt trong ngành Ngân hàng và Luật học. Bài toán khó giải của Hà nội là không được để các quốc gia nghèo có lao động rẻ tiền vượt mình, mà cũng không để các quốc gia cùng nhóm mình giựt khách hàng đầu tư vì có một lực lượng công nhơn có tay nghề có kỹ thuật công nghiệp cao hơn mình. Vậy thì :
Phải biết đầu tư vào con người :
Đến ngày hôm nay, các nước đầu tư vẫn còn « thích » Việt Nam. Trong những vùng nông thôn ngoại ô thành phố Sài gòn, đất canh tác tuần tự biến thành khu kỹ nghệ. Sự phát triển các khu kỹ nghệ ấy nói lên được sự đánh giá cao của các quốc gia đầu tư, nhờ chương trình khuyến khích bằng thuế vụ của Nhà nước Việt Nam. Một nhà đầu tư Pháp giải thích : « Nói một cách tổng quát, chúng tôi những nhà đầu tư ngoại quốc vẫn còn thích vào Việt Nam. Một phần vì Nhà Nước Việt Nam tạo những điều kiện khuyến khích đầu tư. Nhưng ở mặt khác, cũng có nhiều tiêu cực, như thủ tục rườm rà, hủ tục tham nhũng, vẫn còn làm mất thì giờ và sức nhẫn nại ; và thêm vào đó kỹ thuật nghề nghiệp, tay nghề của công nhơn việt nam còn rất kém cỏi. Nhưng nói chung, Việt Nam vẫn còn hấp dẫn người đầu tư ngoại quốc, nhưng với một loại kỹ nghệ nào đó, không cần kỹ thuật cao ! ».
Hiện nay, tư bản Á châu chiếm trọn hạng đầu trong giới đầu tư, nhứt là Nhựt Bổn và Đại Hàn. Nhưng những tư bản Âu Mỹ cũng bắt đầu tới. Tháng Tám vừa qua PepsiCo có ngỏ ý muốn đầu tư 250 triệu USD trong vòng 3 năm. Nhưng đầu nhiều nhứt vẫn vào khu du lịch, 8,8 tỷ USD riêng cho năm 2009, Accor công ty du lịch lớn của Pháp tuyên bố sẽ nhân đôi số phòng hiện nay ở Việt Nam từ đây đến 2012.
Nhưng con người ? Con người sẽ là cái nhức nhối cho phát triển ở Việt Nam. Chả nhẽ cứ đi làm lao công lấp ráp mãi sao ?. Chả nhẽ làm điếm gái nhảy hay chạy bàn mãi sao ? . Theo thống kê Ngân hàng Quốc tế, chỉ số dân nghèo ở Việt Nam đã từ 58% năm 1993 tụt xuống còn 12,3 % năm 2009 và con số Tổng sản lượng đầu người đã được đưa lên từ 400 USD đến 1200 USD cũng trong giai đoạn đấy. Thế nhưng, đó là con số ! không tính đến những sai biệt giàu nghèo khổng lồ. Làm sao sang bằng tình trạng giàu nghèo ấy cho công bằng hạp lý hơn. Sai biệt giữa cán bộ và người dân, sai biệt giữa người dân đô thị và người dân nông thôn, ruộng rẩy. Và giáo dục, muốn có bằng cấp phải mua, muốn vào trường giỏi cũng phải mua, đi học phải cúng tiền giáo sư để học thêm… Còn phẩm chất kỹ thuật nghề nghiệp, hiện nay đầu tư kỹ nghệ du lịch nhiều, đầu tư kỹ nghệ ăn uống nhiều ! Nhưng ngày mai, nếu có thương nghiệp đầu tư kỹ nghệ mủi nhọn, như công xưởng công cụ máy móc, như xe hơi, như tàu bè hàng hải, lấy đâu tay nghề nếu không có đội ngũ công nhơn có học vấn cao, có kỹ thuật giỏi. Người Việt Nam ngày nay có người giỏi toán, có người giỏi văn nhưng chưa thấy có người kỹ sư có bằng sáng chế . Muốn có một phát triển đồng bộ bền vững phải cài tổ lại ngành Giáo dục. Muốn có những nhà đầu tư khả dỉ đem lại cho Việt Nam một phát triển đồng bộ và bền vững phải ngay tư bây giờ có một chương trình tạo những công nhơn có kỹ thuật và sáng kiến, chả nhẽ suốt đời làm công nhơn lấp ráp, còn kỹ sư sáng tạo lại của ngoại quốc nhập vào. Đừng quá vội vã tổ chức công nhơn « kiểu mì ăn liền » để trả lời cho nhu cầu của thị trường kinh tế, làm giàu cho chế độ.
Cũng đừng quá bắt chước Trung Quốc. Hiện nay Trung quốc sau một thời gian nhảy vọt nhưng nay bắt đầu có những trạng thái bất đồng : bất đồng giữa đô thị- và nông thôn. Từ lâu nay ở Trung Cộng, người dân nông thôn lên thành thị làm việc phải có giấy phép và chỉ sống tạm bợ thôi. Đó là những mingong, dân công. Mặc dù chính những dân công là thành phần đóng góp xây dựng làm giàu cho Trung Quốc nhưng nay họ chỉ là những công dân hạng hai trên đất nước mình, và họ đã bắt đầu đòi hỏi một sự phát triển công bằng giữa công dân đô thị và công dân nông thôn.
Cũng đừng bắt chước Trung Quốc chỉ chú trọng vào thị trường xuất cảng thế giới. Nếu thế giới không mua thì gặp khó khăn và khũng hoảng ngay. Trung cộng may mắn còn có thị trường các nước chư hầu tiêu thụ giùm : Việt Miên Lèo, Thái và Phi Châu… Nhưng Việt Nam thì chẳng có ai cả !
Nói tóm lại cái giá phải trả để phát triển một nước Việt Nam phải bắt đầu bằng ngành Giáo dục.
Giáo dục không phải tuyên bố có một triệu anh Tiến sĩ, nhưng Giáo dục phải có những anh công nhơn giỏi, những nghệ nhơn đầy sáng tạo. Một bộ môn nghiên cứu khoa học và sáng chế công nghiệp. Giáo dục là đào tạo những bộ môn hữu ích cho những nghiệp vụ phục vụ một đất nước có tầm vóc phát triển cao : Ngân hàng, Luật học, các bộ môn công pháp, thương mãi, thương mãi quốc tế.. Cả Trung quốc mà ai ai cũng cho là có một tầm vóc phát triển cao ngày nay vẫn còn một ngành Ngân hàng và một ngành Luật học rất thấp kém. Chưa nói đến những ngành Khoa học Nhơn văn để đo lường cái trình độ văn minh của một quốc gia và một dân tộc : Trung Quốc ngày nay không có một nhà Triết học, một nhà Xã hội học hay một nhà Nhơn chủng học có tầm vóc quốc tế.
Việt Nam hãy cố gắng vươn mắt ngó sang phía Đông, bên kia bờ Thái Bình Dương, phía Mỹ hay ngó sang phía Tây, bên kia bờ Lục địa Âu Á phía Tây Âu, đừng ngó lên phía Bắc. Phiá Bắc, chỉ học làm thứ công dân số 2, học làm những mingong thôi !
TS. Phan Văn Song