Bài Hát đón Hoàng Đế hồi loan
Vài chi tiết lịch sử về Quốc Kỳ
và Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa
Gần đây, năm 2008, một nhóm người Việt ở nước ngoài, nhóm mà họ tự cho là người « Quốc Gia », vẽ lá Quốc Kỳ Việt Nam Cọng Hòa, dưới những dạng hoạt kê quá khích. Họ nhân danh là « Tự Do Báo Chí », « Tự Do Tư Tưởng » hay là « Nghệ Thuật »….Họ biết chăng lá Cờ Vàng đó tượng trưng cho Lý Tưởng, mà gần hai thế hệ thanh niên, thanh nữ của miền Nam đã hy sinh, bị tù đày hay phải bỏ quê cha đất tổ dấn thân vào những cuộc vượt biên thập tử nhất sinh, để rồi phải xây lại cuộc đời với muôn vàn cay đắng trên đất lạ xứ người. Và cũng có thể, họ là những con, em của hai thế hệ trên. Hành động của họ làm cho người ta suy nghĩ…
Bài nầy không có tham vọng nói đến « lịch sử » một cách tỷ mỷ về Quốc Ca và Quốc Kỳ của Việt Nam Cọng Hòa. Trên báo chí, tập san, trên mạng Internet, đã có rất nhiều bài đề cập đến đề tài đó. Đúng có, sai có. Nhưng sự phân tách đó, chỉ có những Sử Gia chuyên nghiệp và liêm chính mới khẳng định một cách chân thật được. Ở đây, tôi muốn nêu lên một khía cạnh nhỏ, mà chúng tôi, ông anh, bà chị và tôi còn sống, là nhân chứng, hầu góp một phần nhỏ nào vào lịch sử về Quốc Ca và Quốc Kỳ của Miền Nam.
Thân Phụ chúng tôi, Cụ Bửu Ngự, là Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Nguyễn-Phước Tộc – HĐTSNPT, từ năm 1945 đến năm 1947, và Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Tôn Nhơn Phủ – HĐTSTNP, từ năm 1948 cho đến khi Ông mất vào tháng Sáu 1949. Ba chữ « Tôn Nhơn Phủ » được thấy lại trên các công văn, sau 3 năm không dùng đến (1945, 1946, 1947). Những chứng tích về Thân Phụ chúng tôi làm « Tôn Nhơn », quý vị độc giả có thể tham cứu tại Centre des Archives d’Outre-mer – CAOM, ở Aix-En-Provence, Pháp, dưới chứng thư: Fonds du SPCE, Haut Commissariat à l’Indochine. Cote SPCE 43. Dossier: Les Activités de la Famille Impériale de 1947 à 1953, hay bài «l’honneur retrouvé de S.E. Buu-Ngu» của Giáo Sư Paul Isoart, cho đăng trên tạp chí Approches – Asie, số 18, do Đại Học Nice – Sophia Antipolis xuất bản năm 2003, hay bài của Giáo Sư Võ Như Nguyện dịch ra tiếng Việt từ bài của Giáo Sư Paul Isoart, cho đăng trên tập san Dòng Việt, số 14, năm 2003.
Sở dĩ, tôi đề cập đến chuyện trên, vì Thân Phụ chúng tôi, Cụ Bửu Ngự, đã trực tiếp tham dự vào sự lựa chọn Bài Hát cùng Lá Cờ mà sau nầy trở thành Quốc Ca và Quốc Kỳ của Quốc Gia Việt Nam và của Việt Nam Cọng Hòa, với tư cách Chủ Tịch HĐTSTônNhơnPhủ.
Trước khi vào đề tài, tôi xin nhắc lại sơ lược «lịch sử» về Quốc Ca và Quốc Kỳ.
Quốc Ca
Theo DT Pho Rum của Đặc Trưng, năm 2000, với tài liệu lấy ở «Âm Nhạc Việt Nam» của Trần Quang Hải, 1989, và Báo Chuông Việt 1966, thì nhạc của Quốc Ca là do Nhạc Sĩ Lưu Hữu Phước đặt, khi ông ta còn là một học sinh ở Sàigòn, trước năm 1940, với câu mở đầu: «Này anh em ơi ! Chúng ta kết đoàn hùng tráng. Đồng lòng cùng nhau, ta đi kiếm nguồn tươi sáng… ». Sau đó, khi ông ra học ở Đại Học Hànội, khoảng 1940, 1941, đã sửa lại đôi chút và đặt tên bài đó là « Sanh Viên Hành Khúc », lời mới đổi lại như sau : «Nào anh em ơi ! Tiến lên đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng nhau, ta đi sá gì thân sống…». Bài hát được sinh viên yêu chuộng, và được đặt ra lời bằng tiếng Pháp, dưới danh xưng «La Marche des Etudiants» : «Etudiants ! Du sol l’appel tenace. Présent ( ?) (pressant ?) et fort, retentit dans l’espace… ».
Bài hát bị Pháp cấm chỉ, sinh viên mới đặt ra lại lời Việt, với danh xưng mới « Sinh Viên Hành Khúc » và mở đầu bằng : « Nầy Sinh Viên ơi ! Đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi, đi đi mở đường khai lối… ». Bài hát chẳng những được sinh viên, học sinh yêu thích mà cả dân chúng Thăng Long mến chuộng. Thế rồi, chỉ trong một tuần, bài hát được truyền từ Hànội đến Huế và vào tới Sàigòn. Không một trường nào không biết, không một học sinh nào không hay. Cũng vì thế, để đại chúng hóa, hai chữ « Sinh Viên » được thay bằng hai chữ « Thanh Niên ». Danh xưng được đổi lại là « Tiếng gọi Thanh Niên » và ta có : « Nầy Thanh Niên ơi ! Đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi, đi đi mở đường khai lối… ». Và cuối cùng bài hát đã trở thành Quốc Ca của Việt Nam Cọng Hòa với câu mở đầu : « Này công dân ơi ! Quốc gia đến ngày giải phóng. Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống… ». Khỏi cần nhắc, điệu nhạc đã được quần chúng thuộc nằm lòng, mặc dầu còn lẫn lộn trong lời ca, vì bài đó có gần 10 lời khác nhau…
Quốc Kỳ
Theo Cụ Tôn Thất Bình trong bài « Quốc Kỳ Việt Nam », trên mạng « Người Việt Ly Hương Úc Châu », thì Quốc Kỳ Việt Nam khởi đầu bằng « Long Tinh Kỳ », dưới triều Khải Định, sau đó là cờ « Quẻ Ly » của Chính Phủ Trần Trọng Kim, rồi từ đó có cờ « Quẻ Càn » dưới thời Quốc Gia Việt Nam do Cụ Tôn Thất Sa vẽ… Có một vài tác giả, như Trương Thúy Hậu trong bài « Quốc Kỳ Việt Nam, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ », hay Nguyễn Đình Sài trong « Quốc Kỳ Việt Nam: Nguồn Gốc và Lẽ Chính Thống », trên mạng Internet, cho rằng Quốc Kỳ Việt Nam Cọng Hòa, có từ đời Thành Thái, dưới danh hiệu « Đại Nam Quốc Kỳ (1890-1920 ». Có lẽ ông Nguyễn Đình Sài dựa theo Ben Cahoon trong «Worldstatesmen », cũng trên mạng Internet, để quyết đoán chuyện đó. Theo Cụ Tôn Thất Bình và theo tôi, thì các tác giả trên, đã dựa vào tài liệu lịch sử nào để khẳng định Quốc Kỳ Việt Nam Cọng Hòa, có từ đời Thành Thái (1889-1907) ?
Năm 1948, Hoàng Đế Bảo Đại định « hồi loan ». Đức Từ Cung, Đức Bảo Đại, muốn làm áp lực với Pháp, để cựu Hoàng lấy lại ngai vàng, nên Đức Bảo Đại mới chỉ định Cụ Bửu Ngự, đang làm Chủ Tịch HĐTSNguyễnPhướcTộc, đãm nhiệm chức vụ « Kiêm Nhiếp Tôn Nhơn Phủ Vụ – KNTNPV », một chức vụ cũ của các Cụ «Tôn Nhơn » dưới triều Nguyễn. Nhưng sau đó, để dể bề thương thuyết với Pháp, thay vì đãm nhiệm chức vụ trên, Cụ Bửu Ngự được chỉ định giữ chức vụ Chủ Tịch HĐTSTônNhơnPhủ, với ba chữ « Tôn Nhơn Phủ » thay cho ba chữ « Nguyễn-Phước Tộc ». Ba chữ « Tôn Nhơn Phủ » được lập lại trên các công văn với con dấu son mới, sau 3 năm không dùng đến (1945, 1946, 1947). HĐTSTônNhơnPhủ được đổi lại thành HĐTSNguyễnPhướcTộc như năm 1945, vào năm 1955, dưới nền Đệ Nhất Cọng Hòa.
Với chức vụ và trách nhiệm của Chủ Tịch HĐTSTônNhơnPhủ, Cụ Bửu Ngự đã tham dự trực tiếp trong việc lựa chọn Quốc Ca và Quốc Kỳ của Quốc Gia Việt Nam, cùng với các Cụ Trần Văn Lý, Trần Thanh Đạt, Ưng Bàng, Ưng Bình, Tôn Thất Quảng, Bửu Thạch, Công Chúa Mỹ Lương (Lương Mỹ ?), và một số Thân Hào ở Huế, mà chúng tôi lúc đó còn nhỏ, nên không nhớ hết. Các Cụ lập một « Hôi Đồng » để chọn Quốc Ca, Quốc Kỳ cùng chuẩn bị đón Hoàng Đế hồi loan. Một buổi họp sơ khởi được tổ chức tại Phủ Tôn Nhơn, nhân ngày lễ « Hưng Quốc Khánh Niệm », vào tháng Sáu 1947, đã đề cập đến sự Thống Nhất Ba Kỳ « từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu » và các « Nước » của Đại Nam, như « Thủy Xá », « Hỏa Xá » (Cao Nguyên Trung Phần), cùng sự thành lập « Hội Đồng » trên. (Xem tài liệu T. Sûreté Fédérale du Centre-Annam, Huê, N° 1115 S2, ngày 25 Juin 1947. CAOM).
Sau đó, năm 1948, Cụ Bửu Ngự đã đề nghị với các Vị trong «Hội Đồng» lấy bài «Tiếng gọi Thanh Niên» mà Cụ đã đổi lời để dón Hoàng Đế. Lời như sau:
Này Quốc Dân ơi ! Cố Nhân đã về Đất Nước,
Người người mừng reo, muôn chim nức lời ca rước.
Hồi trông thân thế xưa, trần ai bao gió sương,
Trời Tây khắp bôn phương, Sầm Sơn quen biết đường.
Hồng Kông, Côn Minh nơi ghi dấu,
Trùng Khánh, Bắc Hán tình nương nấu.
Vì nước ngôi báu, xem cầm mảnh lông,
Làm gương soi chung khắp người trong nước.
Bền chí quyết chiến đấu, thề quên hết mình,
Hăng hái cùng núi sông, nối Đức Cao Huỳnh.
Quốc Dân ơi ! Ta quyết đi đến cùng,
Quốc Dân ơi ! Ta nguyện theo dấu Ngài.
Tiến lên, đồng tiến, vẻ vang nòi giống,
Xứng danh ngàn năm dòng giống Tiên Rồng.
Chúng tôi, con cái trong nhà, phải học thuộc lòng lời đó, và rất có thề là những con em trong bà con, hay của các nhân sĩ khác ở Huế, lúc bấy giờ cũng phải học, để sẵn sàng cho ngày đi đón Hoàng Đế hồi loan. Nhưng sau đó « Hội Đồng » đã biểu quyết lấy bài « Tiếng gọi Thanh Niên », cả nhạc lẫn lời làm Quốc Ca, và đề nghị Cụ Bửu Ngự làm một bài khác để chào đón Hoàng Đế.
Bài trên hai chữ Cao Huỳnh chỉ Thế Tổ nhà Nguyễn, được dâng miếu hiệu « Thế Tổ Cao Hoàng Đế ». Vì kỵ trọng húy Thái Tổ Nguyễn Hoàng, nên chữ Hoàng được thay bằng chữ Huỳnh và Cao Hoàng thành Cao Huỳnh.
Cụ Bửu Ngự có quen một Nhạc Sĩ. Chúng tôi lúc đó còn nhỏ, nên không biết Nhạc Sĩ đó là ai. Năm 1945 thì phải, Nhạc Sĩ đã giúp Cụ Bửu Ngự phổ nhạc một bài hát để đón Kỳ Ngoại Hầu Cường Để định về lại Việt Nam. Lời của bài hát do Cụ Bửu Ngự làm như sau:
Bóng huy hoàng vừng hồng rạng rực ngời,
Trời sáng rộng cùng cùng rạng cùng soi.
Ngày đẹp thắm xinh xinh tươi xinh tươi,
Khắp sơn hà đầy đầy đầy nét vui cười.
Bạn cùng ta, như chung cùng một lòng vui,
Ngọc cờ cao, oai hùng mừng tung.
Nhạc rền vang ấm ca thêm càng như xui,
Lòng hớn hở chào mừng Yêng Hùng.
Toàn dân hôm nay vui mừng.
Cùng nhau hoan hô tưng bừng.
Phất ngọn cờ chào Ngài về bình yên.
Và mừng Ngài biên vô biên.
Vược hải ngoại bao nhiêu niên.
Mà nay mừng cuộc đoàn viên.
Lần nầy Cụ Bửu Ngự cũng liên lạc với một Nhạc Sĩ. Có phải là cùng một nhạc sĩ lúc trước hay không, chúng tôi cũng không biết rõ, để nhờ Nhạc Sĩ phổ nhạc giúp bài hát để đón Hoàng Đế thay cho bài « Tiếng Gọi Thanh Niên » của Nhạc Sĩ Lưu Hữu Phước nói trên. Lời do Cụ Bửu Ngự làm như sau:
Nhân dân nước Nam tha thiết dâng lời kêu khẩn cầu xin.
Bắc nam quyết tâm trung thành tiến mạnh lên vì Quốc Gia.
Toàn dân hăng hái, đứng dơ tay đồng lòng cầu Đức Hoàng Thượng cứu tinh.
Từ nay nước Nam cùng đang khát khao hòa bình.
Khắp đó đây, muôn người hằng mong tiếng vang dội xa.
Nước Nam từ rày nhất quyết một lòng lớn tiếng tôn Hoàng Đế.
Mau tung cờ HỢP NHẤT BA KỲ rạng chói khắp non sông nhà.
Bài hát rất hay. Lời và Nhạc rất tha thiết, nhưng cũng không kém hùng hồn. Chúng tôi vì phải học thuộc lòng, nên mới nhớ đến ngày nay. Cụ Bửu Ngự mất khoảng một tháng trước khi Đức Bảo Đại về Huế. Vì gia đình chúng tôi, lúc bấy giờ, đang có đại tang, nên chúng tôi không dự vào việc đón tiếp Hoàng Đế, còn bài hát đó có dùng hay không trong dịp nầy, vào tháng Bảy 1949, chúng tôi cũng không được rõ. Và bài hát được quên lãng trong quần chúng.
Vào khoảng những năm 1953, 1958, tôi đang học trường Bình Linh (Pellerin), trường các Thầy Dòng De La Salle, thì mấy Thầy (Frères) dạy cho chúng tôi một bài hát «Nhà Thờ mà nhạc là nhạc bài nói trên, với lời mới như sau, mà tôi chỉ còn nhớ có câu đầu:
«Thanh niên chúng con khao khát dâng lời kêu khẩn cầu xin,
Mong ơn Chúa ban …. »
Tôi lúc bấy giờ rất lấy làm ngạc nhiên, và về nhà có trình lại với Me chúng tôi, và thưa rằng «Me ơi, mấy Ông Frère đã lấy bài hát của Cha làm bài hát Nhà Thờ». Phản ứng của Bà Cụ chúng tôi, như thế nào, lúc bấy giờ, hiện giờ tôi cũng không nhớ rõ. Rồi thời gian trôi đi, nhưng bài hát đó, tôi không quên được, vì đã học thuộc lòng lúc còn nhỏ, vả lại nhạc và lời rất hay. Sau nầy, cứ mỗi lần gặp được người theo đạo Công Gíáo là tôi hỏi họ, xem họ có biết bài hát đó không, nhưng không ai biết đến bài hát đó cả.
Hè năm 2003, tôi về Huế, tôi muốn đi thăm lại La Vang, nên một cô, người bà con, theo đạo Công Giáo, đã đưa tôi đi « hành hương ». Trên chuyến đi, tôi có hỏi cô ta về bài hát đó, thì cô nói, lúc cô còn học Trung học tại trường Jeanne d’Arc, cô có tập hát bài đó, nhưng bây giờ cô chỉ nhớ một vài câu như sau :
«Anh em chúng con tha thiết dâng lời kêu khẩn cầu xin.
Mong ơn Chúa thương soi lòng biết đàng tôn thờ kính tin.
Đời con đang sống, muốn để cả tâm can tìm Chúa trong nguồn yêu thương».
Tôi mừng lắm và cho cô biết là bài hát đó do Ông Cụ chúng tôi làm, để đón Đức Bảo Đại vào năm 1949, và đã hát cho cô ta nghe, cùng nhờ cô ta tìm giúp bản nhạc (partition). Sau hơn một năm cố gắng tìm tại các nhà thờ ở Huế, cô ta cũng không tìm ra, và nói bài hát đó quá cũ, nên bây giờ «Nhà Thờ» không dùng đến nữa, nên chẳng ai biết đến.
Năm 2005, theo sự trao đổi điện thơ (e-mail) với nhóm cựu học sinh Thiên Hựu, Jeanne d’Arc, tôi được biết Nữ Tu Diệu Khánh, Bề Trên dòng Nữ Tu Saint Paul de Chartres ở Đànẵng. Tôi có nhờ Bà tìm giúp tôi bài hát đó với 3 câu đầu mà cô bà con tôi cho lúc trước, như đã trình trên. Thế mà Bà Bề Trên Diệu Khánh đã tìm ra và đã thương tôi, gởi cho tôi bài hát đó với danh xưng « Phút Cầu Xin ». Tôi mừng không thể tả và cám ơn Bà Bề Trên Diệu Khánh vô cùng.
Theo tài liệu Bà Diệu Khánh cho, bài «Phút Cầu Xin» được đưa vào sổ nhạc « Nhà Thờ » năm 1958, nghĩa là 10 năm sau khi bài nhạc được đặt ra. « Nhạc » của Hùng Lân, và « Từ » của Văn Thi. Tất nhiên, lời đã được Văn Thi đổi lại, mà ngay cả nhạc, cũng có thêm vào một đoạn, và đã phân ra lời, điệp khúc, nhưng phần chính thì vẫn như cũ, như lúc năm 1948, mà Cụ Bửu Ngự đã làm. Sau đây là bài «Phút Cầu Xin», lời của Văn Thi mà tôi trích theo điệu nhạc nguyên thủy của bài hát đặt ra để đón Hoàng Đế hồi loan, vào năm 1948:
Anh em chúng con tha thiết dâng lời kêu khẩn cầu xin.
Mong ơn Chúa thương soi lòng biết đàng tôn thờ kính tin.
Đời con đang sống, muốn để cả tâm can tìm Chúa trong nguồn yêu thương.
Vào nơi Chúa đây là nơi thánh ân muôn nghìn.
Con dám trông ơn Người (thiếu một chữ, so với lời năm 1948, trong bài hát đón Hoàng Đế Hồi Loan) nghe tiếng con cầu xin.
Cho con từ rày nhất quyết hằng ngày biết sống vui lòng Chúa.
Cho con từ rày nhất quyết hằng ngày biết mến yêu tôn thờ.
Bài hát đặt ra năm 1948, có phải do Nhạc Sĩ Hùng Lân làm hay không, tôi không rõ. Theo tài liệu Wikipedia Tiếng Việt thì năm 1948, Nhạc Sĩ Hùng Lân đang dạy ở trường Chu Văn An, Hànội và chỉ vào Nam năm 1954. Tôi chỉ đặt dấu hỏi, chứ không dám bàn đến, vì thật tình không biết đích xác nhạc sĩ đã phổ nhạc là ai, mà chỉ biết lời làm vào năm 1948 là của Thân Phụ chúng tôi, Cụ Bửu Ngự.
Sau đây tôi xin sao chụp bản nhạc (partition), do Bà Bề Trên Diệu Khánh gởi cho. Lời thì lời của bài hát đón Hoàng Đế Hồi Loan, đặt ra hồi năm 1948. (Xem ở dưới)
Trong bài hát năm 1948 có câu « Mau tung cờ HỢP NHẤT BA KỲ rạng chói khắp non sông nhà », cùng buổi họp sơ khởi, tổ chức tại Phủ Tôn Nhơn, nhân ngày lễ « Hưng Quốc Khánh Niệm », vào tháng Sáu 1947, như đã trình trên, đã xác nhận 3 sọc đỏ của Quốc Kỳ, tượng trưng cho 3 kỳ : Bắc, Trung, Nam, như Cụ Tôn Thất Bình viết trong bài « Quốc Kỳ Việt Nam » nói trên. Còn chuyện Quốc Kỳ được Cụ Tôn Thất Sa vẽ, như Cụ Tôn Thất Bình khẳng định, thì chúng tôi không rõ, nhưng theo tôi, chuyện đó cũng có thể, vì Cụ Tôn Thất Sa là một nhân sĩ ở Huế lúc bấy giờ, Cụ cũng là người trong « Hoàng Gia » và là bạn của Ông Cụ chúng tôi.
Bài viết nầy nói lại bài hát Đón Hoàng Đế Hồi Loan, tuy là một chi tiết rất nhỏ đối với lịch sử, nhưng cũng là lịch sử, mặt khác hiện nay, hầu hết mọi người không ai biết đến, trừ ông anh, bà chị và tôi còn sống. Vậy viết ra để độc giả biết đến cũng là một điều hay. Ngoài ra, bài đó xác nhận 3 sọc đỏ của quẻ « Càn » là tượng trưng cho sự thống nhất 3 kỳ, chứ không phải là cờ «Quẻ Càn» hay «Quẻ Khôn» gì cả.
Tiện đây, tôi xin nhắc lại giai thoại hai câu hò, ít ai biết đến, mà người ta gán cho Cụ Phan Bội Châu. Theo Bà Cụ chúng tôi, hai câu hò đó được đăng trên báo Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng và theo lời đồn thì cũng do Cụ Huỳnh Thúc Kháng đặt ra.
Khi Cụ Phan Bội Châu bị an trí ở Bến Ngự, Huế. Một hôm Cụ dạo mát trên một con đò dưới sông Hương. Cô lái đò dò hỏi chí khí của Cụ, cô ta mới hò một câu nhu sau:
« Thái Bình Dương đương cơn gió thổi. Chiếc thuyền em trôi nổi khác tợ cánh bèo. Cớ sao Anh không ra tay giúp chống, đở chèo, Yêng Hùng sao lại nằm queo trong đò ? ».
Cụ mới trả lời như sau:
« Thái Bình Dương đương cơn sóng gió. Chiếc thuyền em nhỏ chớ vội ra khơi. Một mai kia rồi sóng dập, gió dồi, một mình anh chèo chống giữa vời sao đương ! ».
Thấy Cụ Phan có ý tự biện hộ, cô lái đò mới hò thêm một câu nữa :
« Hởi người Chí Sĩ, xin nghĩ cho kỹ, rồi hảy phân trần. Bấy lâu nay, tai em nghe Anh mắc nợ Quốc Dân, rứa chơ Anh đã trả một vài phần chi chưa ? ».
Cụ Phan trả lời :
« Nợ Quốc Dân, trăm phần anh dốc trả, cho nên chi anh bôn bả lặn lội sang xứ người. Chẳng qua chưa gặp vận thời, yêng hùng lâm nạn, nợ đời anh còn mang ».
Thế là « ngày sau », báo Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng hai câu hò đó.
Mong bài nầy góp được một phần nào, tuy nhỏ mọn, cho lịch sử. Đó là ước nguyện của tôi.
TS. Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Xuân Phân Kỷ-Sửu
310 032009 nvt*ttl*
One Comment
Doisoente
Họ biết chăng lá Cờ Vàng đó tượng trưng cho Lý Tưởng, mà gần hai thế hệ thanh niên, thanh nữ của miền Nam đã hy sinh, bị tù đày hay phải bỏ quê cha đất tổ dấn thân vào những cuộc vượt biên thập tử nhất sinh, để rồi phải xây lại cuộc đời với muôn vàn cay đắng trên đất lạ xứ người. Và cũng có thể, họ là những con, em của hai thế hệ trên. Hành động của họ làm cho người ta suy nghĩ…
Đọc câu này của tiền bối tôi đã không còn hứng để đọc tiếp những gì mà tiền bối viết.Cái phận chúng tôi phải sống xa quê cha đất tổ là do bọn việt cộng sát máu lừa đảo nhân dân mà tạo nên cảnh bể dâu này chứ không phải là lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng chẳng phải vì bài quốc ca.Người ta đã chia đất nước ra lảm hai cho bọn khát máu ở phương bắc nhưng chúng nhất định phải nhuộm đỏ miền nam.Bao nhiêu người dân Việt ngã xuống chỉ vì tham vọng bá chủ toàn cầu của bè lũ cộng sản khát máu.
Người dân miền nam đâu có mấy người thích đi lính chỉ để giết Việt cộng? Chúng tôi chỉ muốn sống an bình nhưng việt cộng tàn phá quê hương.Bổn phận phải gìn giữ quê hương nên phải đi quân dịch, giặc đến nhà đàn bà phải đánh.
Tiền bối hãy xem Việt cộng đối xử với nhân dân ngày hôm nay còn tệ hơn thới thực dân tây đối với ông Hồ.