Bãi rác Đông Thạnh (Hốc Môn) đã được xử dụng để làm bãi rác chính cho hầu hết dân chúng sống trong nội thành Sài gòn và vùng phụ cận. Trước năm 1975, nơi đây cũng là địa điểm của một bãi rác nhỏ được dùng để biến chế rác thành phân bón hữu cơ.
Hiện tại, bãi rác có diện tích 32 hecta với hệ thống tường bao bọc chung quanh hàng cây số. Bên trong rác được tích tụ từ hơn mười năm qua, cao hơn mười mét và cao hơn tường chắn gấp hơn ba lần. Ở các góc của bãi rác, do còn khoảng trống, nên nước thải từ bãi rác tiết ra, bị các tường chắn bao lại nên hình thành nhiều hồ nước thải rộng từ 300 – 400 m2 và sâu 4 – 5 m. Các hồ nước trên nằm trên cao so với địa hình chung quanh., thậm chí còn cao hơn nóc nhà của các hộ dân sống quanh vùng. Nước trong hồ có màu đen, đặc quánh và tỏa ra nhiều mùi nồng nặc do các khí chứa lưu huỳnh bốc lên.
Bãi rác không được thiết kế theo tiêu chuẩn căn bản của một bãi rác lộ thiên tân tiến là phải có những lớp lót đáy (liner) để nước rỉ từ rác (leachate) không thể thẩm thấu vào đất và xâm phạm hệ thống nước ngầm phía bên dưới. Ở các lớp rác cũ, tuy người ta có lấp đất phủ lên trên bề mặt nên xe chở rác có thể chạy qua đống rác như đi trên đồi đất. Tuy nhiên lớp đất nầy không được nén chặt và đủ dầy để ngăn chặn sự thoát hơi của khí methane và sulfide. Cho nên bãi rác luôn luôn tỏa ra mùi khó ngữi.
Nước mưa đổ trên bãi rác, vì không có ống thoát để dẫn nước ra ngoài phạm vi bãi rác, nên ngày càng làm tăng thên thể tích nước thải của bãi rác. Do đó các vũng nước mưa còn đọng lại trên các đồi đất luôn sôi sùng sục do các bọt khí methane bốc lên từ nguồn rác bên dưới. Ở những phần đồi khô còn lại, nhiều đám khói bốc lên do rác bị cháy ngầm.
Theo ước tính khoa học và kinh nghiệm thực tế, so với diện tích của bãi rác Đông Thạnh và thời gian đã xử dụng thì dung tích nước thải có thể đạt đến mức 500 m3/ngày. Và nước mưa có thể làm tăng thêm tiến trình sinh hóa nhanh hơn nữa. Mặt khác, do lượng nước mưa đổ trên mặt bãi rác (trử lượng nước mưa trung bình cho vùng Sàigòn là 2000 mm/năm) do đó tổng lượng nước thải vào các tường chắn bao bọc chung quanh bãi rác có thể tăng đến mức 1000 m3/ngày trong những tháng mưa. Những hồ chứa nước thải bên trong các tường chắn là những hồ lộ thiên. Sự bốc hơi tự nhiên do ánh sáng mặt trời là yếu tố duy nhất để làm giảm mực nước của hồ chứa.
Tường bao bọc được thiết kế bằng những tấm vỉ sắt dầy độ 1mm và được gắn chặt vào các trụ bêtông. Tường phải chịu một áp lực thật lớn do nước thải dâng lên quá cao theo thời gian. Nước thải từ rác do các phản ứng sinh hóa (bio-reaction) và sinh hủy (bio-degradation), lâu ngày ăn mòn làm mụt nát các trụ bêtông. Do đó tác dụng ngăn mùi và cản rác không còn nữa vì nhiều đoạn đã vỡ, rác đã đổ ra ngoài. Thậm chí có nhiều đoạn phải đấp đê phía ngoài bờ tường mới có thể chịu nổi áp lực của nước!
Ngày 2/6 và nhất là ngày 17/7/2000, một khoảng tường chắn dài độ 8m bị vỡ ra. Các báo thành phố đều đồng loạt đăng tin. Báo Sàigòn Giải Phóng với hàng tít lớn trong hai ngày 20 và 21/7: Ô nhiễm từ bãi rác Đông Thạnh: Bài học rút ra. Báo Thanh niên ngày 20/7 với tựa đề: Hiễm họa từ những hồ nước thải khổng lồ. Và sau cùng báo Người Lao Động (21/7) đánh động dư luận với hàng tít: Dân vẫn sống trong nỗi lo. Ba tờ báo trên loan tin: “Theo ước tính của UBND xã Đông Thạnh, sự cố vừa qua đã gây thiệt hại hoàn toàn 14 hecta hoa màu, lúa, sen, cây ăn trái, ao nuôi cá của 45 hộ dân. Mười bốn nhà bị trôi”. Tiếp theo báo cáo chính thức của UBND, phóng viên Nguyễn Bình, báo Người Lao Động đã điều tra thêm và định mức thiệt hại của tai nạn. Ngoài những thiệt hại kễ trên, còn có gò rỉ hàng ngày ở khắp nơi chung quanh bờ chắn, khiến hơn 50 hecta hoa màu, cây ăn trái của gần 200 hộ dân địa phương trở thành cánh đồng chết.
Dòng nước thải của hai lần vỡ tường chắn trên, đỗ ra sông Rạch Tra rồi chảy về sông Sàigòn gây ô nhiễm môi trường. Cơn “lũ” nước thải vừa qua đã cho thấy mức độ độc hại của nó: cá ở sông Rạch Tra bị chết nổi lên mặt nước, và lúa bị chết hàng loạt. Như vậy sông Sàigòn cứ hứng chịu những cơn lũ như thế nầy thì chẳng bao lâu nó sẽ ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đối với chúng ta: nước ô nhiễm sẽ lan ra đồng ruộng, ngấm đến các lớp nước ngầm thâm nhập vào nước sinh hoạt của cư dân thành phố… Phải làm gì để ngăn chặn hiểm họa từ những hồ nước đen ở bãi rác Đông Thạnh (lời của phóng viên Đinh Thu, báo Thanh Niên).
Phản ứng của các cơ quan thẩm quyền
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Phó Giám đốc Công ty Xử lý chất thải thành phố cho biết ngay sau sự kiện 17/7 xảy ra:” Ngoài đoạn bờ bao vừa được gia cố, chúng tôi SẼ tiến hành kiên cố toàn bộ hệ thống tường rào bãi rác để không xảy ra sự cố đáng tiếc lần nữa. Nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Còn về căn bản để chấm dứt tình trạng nầy bằng xử lý rác theo công nghệ tiên tiến là vấn đề lớn, các ngành chức năng chúng tôi đang bàn bạc … tính toán.”
Từ năm 1999, hơn mười năm sau khi bãi rác đi vào hoạt động, công ty trên có lấp đặt một hệ thống xử lý nước thải của Trung Tâm Bảo vệ Môi trường. Nước thải từ bãi rác được gom xuống hồ nằm ngoài phạm vi của bãi rác. Nước chảy qua một thiết bị xử lý sơ bộ rồi đổ vào hồ chứa có dung tích 50.000m3 . Thiết bị xử lý nơi đây là bước xử lý sơ bộ cơ học, nước thải chảy xuyên qua hệ thống sàng lọc bằng đá và cát, dĩ nhiên không thể loại được các kim loại độc hại như: Arsenic, Thủy ngân, Chrome, Đồng, Cadmium, Nickel, Cobalt…., và các dung môi hữu cơ cùng các chất hữu cơ chứa chlor mầm mống của bịnh ung thư, nhất là không thể loại được vi khuẩn E.Coli, một trong các vi khuẩn gây tác hại đường ruột thường giết hại trẻ em còn nhỏ tuổi. Và hệ thống nầy cũng đã phải tạm ngưng từ hơn tháng nay vì hồ chứa đã tràn!
Hãy nghe ông Lê Đình Mai, Giám đốc Công ty trên trả lời về tình trạng bãi rác không được lót đáy làm cho nước mưa và nước rỉ đã thẩm thấu vào mạch nước ngầm:
-“ Với điều kiện tài chánh và công nghệ lúc đó, đành chịu như thế. Hy vọng trong công trình mới, mở rộm thêm 130 hecta, đang lập dự án khả thi, chúng ta sẽ có điều kiện làm tốt hơn. Tuy nhiên qua những giếng “quan trắc” trong bãi rác, chúng tôi chưa thấy có vấn đề gì.”
Cần ghi nhận rằng kỹ thuật thiết kế bãi rác phải được lót đáy để cách ly với mặt đất đã được rộng rãi áp dụng trên thế giới từ những năm ‘ 60. Cũng như việc phân tích nước rỉ hàng tháng qua những giếng quan trắc của một bãi rác tương tự ở Hoa kỳ cho thấy sự hiện diện của rất nhiều hợp chất hữu cơ như benzene, toluene, xylenes, ethylbenzene, napthalene (những dung môi thông dụng trong quá trình chế biến hóa chất) và rất nhiều hợp chất hữu cơ độc hại khác chứa chlore. Nước rỉ nếu không được xử lý bằng chlore để diệt các vi khuẩn E.Coli va Coliforms chứa một hàm lượng rất cao gấp 1000 lần hơn tiêu chuẩn nước uống (23 MPN/100mL, MPN hay Most Probable Number ( Số sác xuất cao nhất).
Thêm nữa bãi rác Đông Thạnh, ngoài các phế thải của cư dân, còn chứa phế thải bệnh viện trong thành phố do đó lượng vi khuẩn của đủ loại gây mầm bịnh vẫn còn tự do… đi vào nguồn nước, lòng đất và bầu khí quyển… Để rồi sau cùng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể dân chúng ngụ trong vùng, nhất là những người nghèo khó bần cùng nhất của xã hội đang sống chung quanh bãi rác và lấy bãi rác làm nguồn thu hoạch chính của gia đình!
Cần phải xác định thêm rằng từ khi bãi rác bắt đầu hoạt động, trong khoảng thời gian từ năm thứ mười đến năm thứ mười lăm, mức ô nhiễm của nước rỉ sẽ đạt đến mức tối đa. Vì lý do đó, cơ quan bảo vệ môi trường Hoa kỳ (USEPA) định mức thời gian xử lý một bãi rác không còn hoạt động nữa là từ 25 đến 30 năm để tránh việc nước rỉ thấm vào mạch nước ngầm.
Về tình trạng mùi hôi thúi và đủ loại khí và khói bốc qua sự mô tả của các phóng viên tại hiện trường cùng những hậu quả xảy ra triền miên cho cư dân quanh vùng ảnh hưởng lên hoa màu trồng trọt…. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tuyên bố rằng:” Sau mỗi lần xuống đo đạc mùi thì không lần nào kim đồng hồ đo “nhảy”, tức là chưa vượt tiêu chuẩn”.
Ông Giám Đốc Mai còn trả lời nhiều câu hỏi… chẳng những không xứng đáng với vị trí chuyên môn so với chức vụ mà còn thể hiện thái độ vô trách nhiệm khi được hỏi về mùi hôi thúi trong không khí, dưới đất thì nước sủi bọt, khí bốc lên cuồn cuộn …”Chôn rác như thế phải sinh ra khí là điều tất nhiên, và nó thoát được thì càng tốt”.
Được hỏi về hệ thống xử lý sơ bộ nước thải phải bị ngưng hoạt động, ông trả lời rằng: “Hệ thống nầy đã chạy suốt trong năm 1999. Nhưng dunh tích của hồ chứa cuối cùng chỉ bảo đảm trong mùa khô, còn mùa mưa năm nay thì chịu, do quá tải. Vì vậy chắc phải chờ đến hết mưa mới xử lý tiếp.” (Tất cả hệ thống xử lý nước rỉ cần phải hoạt động liên tục 24/24 và chắc chắn là không có trường hợp ngoại lệ là tạm ngưng để chờ trời hết mưa!!) Như thế là chấp nhận nước mưa xâm nhập tự do vào bãi rác và nước rỉ sẽ … đi vào lòng đất, ngập ruộng, nhà dân và …thênh thang đi vào sông Sàigòn để được tẩy rửa khi giòng chảy tiến về…biển Đông!!! Nước mặn từ Đông Hải đang tiến sâu vào Sàigòn. Trận giặc đuổi mặn đang diển tiến trong tình trạng báo động đỏ, nay lại thêm vấn nạn ô nhiễm dòng chảy càng làm vấn đề thêm quan trọng.
Cần ghi nhận thêm là tin tức đo đạc mới nhất về các đoạn sông ở khu công nghiệp Biên Hòa và thành phố Sàigòn cho thấy chỉ số oxy hòa tan ( DO, Dissolved Oxygen) giảm đến quá mức báo động là 1mg/L và 2mg/L vào mùa mưa năm nay. Trong mùa khô năm 1995, lượng DO ở khúc sông Sàigòn là 3mg/L. Thông thường, vào mùa mưa, lượng DO sẽ tăng lên khoãng 5-7 mg/L rất thích hợp cho tôm cá phát triển. Nếu lượng oxy hòa tan trong nước giảm dưới 3mg/L thì tôm cá khó có thể tồn tại được.
Biện pháp giải quyết của chính quyền
Cũng theo lời ông Mai, bãi rác Đông Thạnh đã hoàn thành “sứ mạng” của nó vào cuối năm nay. Chính quyền cũng đã dự kiến thiết lập một dự án khả thi vào tháng 10/2000 để đệ nạp và xin vay vốn của Ngân hàng Phát triển Á châu. Và nếu mọi việc đều ổn thỏa, thời gian đưa vào hoạt động của bãi rác mới sẽ được dự kiến vào năm 2002. Hy vọng lần thiết kế nầy sẽ có phần kỹ thuật cho việc lấp đặt các màn chắn không để nước thải xâm nhập vào lòng đất; thiết kế các giếng quan trắc có hệ thống bơm thẳng vào các hồ chứa ở nhà máy xử lý; có hệ thống thu hồi khí thoát ra; hệ thống ống dẫn nước mưa vào các cống hay sông rạch ngoài phạm vi của bãi rác. Và quan trọng hơn nữa là thiết lập một hệ thống xử lý “đúng nghĩa”, và đủ lớn để có thể xử lý nước thải cho một bãi rác có diện tích là 130 hecta như dự trù. Đề nghị, nhà máy xử lý nầy phải có năng suất tối thiểu là 2.000 m3/ngày cho dự án trên.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là, từ đây cho đến năm 2002, làm thế nào để giải quyết được 3.000 tấn rác /ngày của thành phố và một lượng khó kiểm soát của phế thải bệnh viện (theo báo cáo của Nguyễn Khắc Kinh trong hội thảo ”Xử lý phế thải y tế”). Vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi trên, ngoài việc ráng kéo dài “tuổi thọ” cho bãi rác Đông Thạnh thêm 2 – 3 năm nữa!?
Biện pháp đề nghị
Trước tình trạng bế tắc của bãi rác Đông Thạnh, một vài đề nghị “chữa cháy” sau đây có thể tạm thời giải quyết vấn nạn trên trong ngắn hạn.
- Thiết lập khẩn cấp các hồ chứa nước thải bên ngoài phạm vi bãi rác, sâu độ 4m và được ngăn bằng hai lớp màn lót đáy bằng plastic có độ dày khoảng 1mm.
- Thiết lập hệ thống ống dẫn nước thải từ bãi rác vào các hồ chứa trên để tránh nạn vỡ bờ tường do sức ép của nước thải (sự cố 2/6 và 17/7 vừa qua).
- Tăng cường khả năng xử lý của Nhà máy xử lý hiện có bằng cách tăng thêm dây chuyền xử lý và hồ chứa.
- Di dân ra khỏi bãi rác và các hồ chứa ít nhất là 1Km để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây không phải là khu thị tứ đông đúc nên việc giải tỏa tương đối ít phức tạp hơn. Và cũng không quên bồi thường tương xứng với tài sản mà người dân phải gánh chịu khi phải dời cư.
Hy vọng những ngành có trách nhiệm phối hợp xác định được vấn nạn trên và tận lực với quyền hạn vô vàn đang nắm trong tay để khẩn cấp thực hiện công trình làm sạch môi trường nầy, đáp ứng một nhu cầu đầy ý nghĩa cho dân và vì dân, nhất là ngay tại hòn ngọc Viễn đông đang mang tên “Bác”.
Thế kỷ 21 vẫn còn có cảnh xã hội trong đó con người vẫn triền miên bương chải với cuộc sống hàng ngày, vẫn phải đối diện với những áp lực ô nhiễm môi trường, nơi bầu khí quyển, nguồn nước sinh hoạt, mà giới có trách nhiệm không cố gắng đưa ra một nổ lực đáng kễ nào để cải thiện cho mãnh đất quê hương.
Đây mới chính là những ưu tiên mà người có trách nhiệm phải lưu tâm. Và việc làm nầy phải thực hiện đồng bộ và song hành với mọi phát triển kinh tế – kỹ nghệ của Đất Nước.
Cổ súy tận dụng “nội lực” để tự lực cánh sinh và phát triển quốc gia, nhưng trên thực tế không ai thấy ra “nội lực” ấy. Phải chăng nội lực nầy còn thiếu một con tim và vài khối óc.
MaiThanhTruyết