Để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
Tại sao phải đặt lại vấn đề “Tổ quốc”
“Tổ quốc” là một khái niệm rất quen thuộc trong ngôn ngữ Việt Nam. Đại tự điển tiếng Việt[1] định nghĩa “Tổ quốc” là “Đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.”
Vấn đề tưởng như rất đơn giản nhưng lại không đơn giản!
Từ khi chủ nghĩa cộng sản Mác-Lênin du nhập vào Việt Nam, khái niệm “Tổ quốc” được hiểu một cách hoàn toàn khác với lối hiểu thông thường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như sau:
Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình[2].
Quan điểm này được những người cộng sản Việt Nam coi là nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong truyền thống đó, ông Nguyễn Phú Trọng, GS TS Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận định về khái niệm “Tổ quốc” như sau:
Khái niệm bảo vệ Tổ quốc cũng được xác định đầy đủ hơn: bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ lãnh thổ, biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển mà còn là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ kinh tế, văn hóa dân tộc, bảo vệ sự nghiệp đổi mới…[3]
Vì Nguyễn Phú Trọng là nhân vật quan trọng trong giới lãnh đạo Đảng CSVN, chúng ta cần giải mã và làm sáng tỏ khái niệm “Tổ quốc” mà Hồ Chí Minh đã rao truyền; đồng thời xét đến những hệ lụy từ việc định nghĩa “Tổ quốc” mà không có “ông cha, tổ tiên của mình” qua khái niệm “bảo vệ Tổ quốc” đã được “xác định đầy đủ hơn” của Nguyễn Phú Trọng.
Khái niệm “Tổ quốc” của người cộng sản
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx tuyên bố là “người vô sản không có tổ quốc”.[4] Nhưng sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Lenin, Đảng Cộng sản thiết lập chính thể Sô-viết tại Nga, và Lenin đã bổ sung ý niệm “người vô sản không có tổ quốc” của Marx bằng khái niệm “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Có nghĩa là từ khi có Cách mạng tháng Mười, người vô sản mới có được “Tổ quốc”, đó là Liên Xô.
Lenin giải thích khái niệm Tổ quốc như sau:
Tổ quốc là một sản phẩm cần thiết, và mô hình không tránh được, trong thời đại phát triển xã hội của giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân không thể lớn mạnh, không thể trưởng thành, không thể tập trung sức mạnh, trừ khi “họ xây dựng họ thành một “Tổ quốc”, mà không trở thành dân tộc [national] (dù không phải theo ý nghĩa của giai cấp tư sản).[5]
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa theo Lênin là tổ quốc của người vô sản ở khắp nơi trên thế giới, không gắn liền với đất đai của tổ tiên cha ông và không chấp nhận sự tồn tại của các giai cấp khác trong xã hội.
Theo trung tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình thì:
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dẫn đến sự ra đời của Tổ quốc XHCN – một Tổ quốc kiểu mới trong lịch sử nhân loại được đặc trưng bởi chế độ xã hội XHCN, trong đó giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ xã hội đồng thời làm chủ Tổ quốc.[6]
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa này đã phủ định khái niệm Tổ quốc kiểu cũ, là loại Tổ quốc của giai cấp tư sản luôn luôn gắn đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình.
Mâu thuẫn về “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”
Trung thành với hai tổ quốc không phải là điều khó. Khó là khi quyền lợi của hai tổ quốc đó mâu thuẫn với nhau.
Trường hợp mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc là một bài học đáng để ý.
Sau khi cướp chính quyền ở lục địa Trung Hoa, Mao sớm hiểu rõ khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của Liên Xô chỉ là cái bánh vẽ. Mao thấy được âm mưu của Liên Xô dựa vào khối XHCN để trở thành một đế quốc mới. Do đó, Mao không ngần ngại vứt khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của Lenin vào sọt rác, quay ra chống lại Liên Xô và tố cáo Liên Xô theo chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn để áp chế các nước nhỏ. Mâu thuẫn giữa hai nước đàn anh XHCN đã đưa đến những đụng độ biên giới đẫm máu từ 1959 và kéo dài cho đến ngày tàn của Liên Xô năm 1991.
Trường hợp của Đảng CSVN và Trung Quốc cũng là một bài học đáng để ý.
Trong thời gian tranh chấp giữa Trung Quốc và Liên Xô, do nhu cầu tiếp nhận viện trợ của cả Liên Xô và Trung Quốc để phục vụ chiến tranh nên Đảng CSVN phải cố gắng đi dây giữa hai lằn đạn, thân thiện với cả hai bên cho đến khi chiến tranh chấm dứt.
Sau năm 1975, Đảng CSVN quyết định đi hẳn vào quĩ đạo Liên Xô và quay mặt chống Trung Quốc. Hậu quả là Việt Nam bị sa lầy vào chiến trường Campuchia khi Trung Quốc gia tăng viện trợ cho Pol Pot để chống lại tập đoàn Hunsen do Việt Nam bảo hộ. Đồng thời Trung Quốc mở cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, để dạy cho Đảng CSVN một bài học về thái độ phản trắc của Việt Nam.
Tái xây dựng “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” sau khi Liên Xô sụp đổ
Sự phá sản toàn diện của Liên Xô năm 1991 là một biến cố bất ngờ đối với Đảng CSVN.
Trong những giây phút hấp hối của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đảng CSVN đã tìm đến kẻ cựu thù là Trung Quốc để tìm cách bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong buổi họp của Bộ Chính trị ngày 10/4/1990 với sự hiện diện của Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đảng CSVN đã thấy rằng con đường duy nhất để cứu vãn tổ quốc xã hội chủ nghĩa là phải liên kết với Trung Quốc.[7]
Nhưng làm thế nào Đảng CSVN có thể liên kết với Trung Quốc với một hiến pháp ghi đích danh Trung Quốc là kẻ thù của dân tộc? Xin thưa, phải tự tạo ảo tưởng.
Cái ảo tưởng đó được Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, giải thích như sau:
Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới.[8]
Nói theo ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, chiến lược bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới của Bộ Chính trị Đảng CSVN thời điểm 1990 là Trung Quốc sẽ thay thế Liên Xô để làm “Tổ quốc thứ hai” của người cộng sản Việt Nam. Nhưng từ năm 1950 Trung Quốc đã không còn tin vào “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của Liên Xô. Và sau khi thành công với bốn hiện đại hoá, Trung Quốc trở thành một ác quỉ ở Á châu.
Hậu quả của cái ảo tưởng ôm lấy một con ác quỉ để làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới đã đem lại bao nhiêu thảm hoạ cho dân tộc Việt Nam. Với thái độ hèn nhát thần phục Bắc Kinh, Đảng CSVN đã mở đường cho Trung Quốc ào ạt chiếm đất chiếm biển của Việt Nam qua những hiệp định phân chia biên giới, hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, và cuộc xâm lăng quân sự trên biển Đông Nam Á để chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc trắng trợn bắn giết ngư phủ Việt Nam ngoài khơi Quảng Nam, Quãng Ngãi, thiết lập tô giới Bauxite tại Tây Nguyên, khai thác hàng ngàn hécta rừng ở các tỉnh biên giới, và ngang nhiên thiết lập các làng mạc Trung Quốc tại Việt Nam.
Vài suy nghĩ
1. Từ “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” đến “Đề cương văn hoá” 1943
“Đề cương văn hoá” năm 1943 là văn kiện quan trọng đầu tiên của Đảng CSVN do Trường Chinh soạn thảo và được coi là kim chỉ nam định hướng cho cuộc cách mạng xã hội tại Việt Nam dưới “ánh sáng” của tư tưởng Mác-Lênin. Luận về Tính chất của nền văn hóa mới Việt-nam, Trường Chinh viết như sau:
Văn hóa mới V. N. do đảng C. S. Đ. D. lãnh đạo chủ trương chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xô-viết (như văn hóa Liên xô chẳng hạn)[9]
Cụm từ chưa phải là phải được hiểu là tình trạng chưa thành hình của một cái gì sẽ thành trong tương lai. Văn hoá mới là khởi điểm và văn hoá Sô-viết là đích đến. Ở đây Trường Chinh xác định rằng nền văn hoá mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là sẽ trở thành văn hoá Sô-viết trong tương lai.
Để đảm bảo quá trình này, theo Trường Chinh, “Văn hóa mới V. N. là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.”[10]
Trong khi người Việt chưa biết hình dáng của văn hoá tân dân chủ như thế nào mà Đảng CSVN đã định hướng lấy văn hoá dân tộc làm bình phong cho một thứ văn hoá mới thì quả lả một cuộc phiêu lưu để xoá sổ văn hoá dân tộc. Tâm thức nô lệ văn hoá ngoại bang bắt nguồn từ đây.
Hậu quả của tâm thức nô lệ này là văn hoá dân tộc vốn đã bị xâm thực bởi văn hoá Liên Xô trước đây, đang bị bào mòn bởi văn hoá Trung Quốc dưới nhãn hiệu văn hoá xã hội chủ nghĩa hay tân dân chủ. Điều này giải thích tại sao kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của dân Việt năm 2010 mang đậm tính chất văn hoá Trung Quốc.
2. Việt điểu sào nam chi
Khi bàn về câu chuyện “Không quên cái cũ”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc trong Cổ học tinh hoa viết như sau:
Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. “Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi”. Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.[11]
Tổ quốc là gốc tích xứ sở mình, gắn liền với đất nước của ông bà tổ tiên mình. Chim Việt thì đậu cành nam. Nhà cách mạng Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam để nói lên tấm lòng suốt đời hướng về tổ quốc Việt Nam của ông. Cáo, ngựa, chim còn biết nhớ đến nguồn gốc huống chi là con người.
Thế nhưng trong bản di chúc để lại cho hậu thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như sau:
Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.[12]
Ước muốn đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin khi chết là ước mơ chính đáng của người cộng sản. Nhưng lịch sử dân tộc sẽ phán xét Hồ Chí Minh để xem ông coi Tổ quốc nào là quan trọng. Đồng thời lịch sử sẽ xét xem mục đích cuộc đời cách mạng của ông là đem lại sự giàu có thịnh vượng và hạnh phúc cho Tổ quốc Việt Nam như Minh trị Thiên hoàng đã làm cho Nhật Bản, hay đem máu xương của thanh niên Việt Nam phục vụ cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới ngọn cờ dân tộc.
Kết luận
Sau khi thoát ra khỏi chế độ thực dân của Pháp, dân tộc Việt lại bắt đầu một giai đoạn vong thân với những khái niệm mơ hồ về Tổ quốc và văn hoá dân tộc.
Đã đến lúc người yêu nước phải vứt bỏ khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” để trở về với Tổ quốc Việt Nam và phục hoạt văn hoá dân tộc. Phải dứt khoát xác định không có Tổ quốc nào đứng trên Tổ quốc Việt Nam, và Tổ quốc Việt Nam phải trên hết.
Đã đến lúc người Việt Nam chân chính trong đảng hay ngoài đảng phải dứt khoát vứt “Đề cương văn hoá” của Trường Chinh vào sọt rác vì nó chính là nọc độc hủy hoại văn hoá Việt Nam, nô lệ hoá văn hoá Việt Nam suốt 65 năm nay bằng văn hoá ngoại bang. Không có thứ văn hoá tân dân chủ hay xã hội chủ nghĩa nào có thể thay thế được văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Chỉ có một cuộc cách mạng chân chính duy nhất mà dân tộc Việt Nam ước mơ từ hơn một thế kỷ qua, đó là cuộc cách mạng phục hưng dân tộc và phục hoạt văn hoá để đưa dân tộc Việt Nam cất cánh ở thế kỷ 21.
Phải dứt khoát xác định, ngoài nhân dân Việt Nam, không có một ngoại bang nào là chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam. Chỉ có những cuộc cách mạng phản dân tộc mới phải dựa vào sức mạnh của ngoại bang và kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
Đối với người dân Việt Nam chỉ có một Tổ quốc duy nhất, đó là Tổ quốc Việt Nam. Không có cái gì gọi là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “Tổ quốc Liên Xô”, “Tổ quốc phong kiến”, hay “Tổ quốc của giai cấp tư sản”. Tổ quốc Việt Nam là Tổ quốc của mọi giai cấp, kể cả giai cấp tư sản hay vô sản. Tất cả các khái niệm Tổ quốc khác đều là bịp bợm. Cái gọi là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” hiện nay chỉ là vỏ bọc của “Đại Hán thiên triều chủ nghĩa” của Trung Quốc để cướp đất cướp biển và triệt tiêu văn hoá của Việt Nam.
Khi có mâu thuẫn với các nước khác, người Việt phải đứng trên lập trường của dân tộc Việt để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến lợi ích và quyền lợi của dân tộc.
Chỉ có lúc đó, Việt Nam mới thực sự có độc lập chính trị và bảo toàn được đất nước và phục hưng được nền văn hoá của tổ tiên, cha ông để lại.
Chỉ có lúc đó, vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa – Trường Sa mới được giải quyết thỏa đáng.
Nguyễn Xuân Phước
Dallas 1 tháng 10-2010
[1] Đại từ điển tiếng Việt, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông Tin ấn hành năm 1998, trang 1663
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, trang 166
[3] Nguyễn Phú Trọng: “Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay”, Sài Gòn Giải phóng ngày 4 tháng 5 năm 2010
[4] C. Mác và Ph. Ăng-ghen, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 623
[5] Roman Rosdolsky, The Workers and the Fatherland, A Note on a Passage in the “Communist Manifesto“
[6] TS Nguyễn Tiến Bình, “Cách mạng Tháng Mười và một số vấn đề chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Cộng sản Số 19 (139) năm 2007
[7] Trần Quang Cơ: Hồi ức và suy nghĩ, trang 61
[8] Trần Quang Cơ, sách đã dẫn, trang 61
[9] Trường Chinh, “Đề cương văn hoá” 1943
[10] Trường Chinh, bài đã dẫn
[11] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc: “Không quên cái cũ”, Cổ học tinh hoa