Các thành viên Pháp Luân Công tại Đài Bắc ngồi thiền để phản kháng nhân kỷ niệm 11 năm ngày Pháp Luân Công bị Bắc Kinh đàn áp, khiến tổ chức này sau đó phải rút vào bí mật. [Ảnh: Reuters]
Sau hai năm gián đoạn, đối thoại Mỹ -Trung về nhân quyền bước sang ngày thứ hai tại Washington trong bối cảnh Hoa Kỳ có kế hoạch chống kiểm duyệt thông tin của Trung Quốc. Một ngân sách 30 triệu đô la đã được Quốc hội thông qua cho năm 2010 để chống kiểm duyệt internet tại Trung Quốc, Iran và một số quốc gia khác.
Theo báo Washington Post, một viên chức chính phủ đã đề nghị cung cấp khoảng 1,5 triệu đôla cho Tập đoàn Tự do Internet Toàn cầu GIFC ( Global Internet Freedom Consortium), một tổ chức ngoại vi của Pháp Luân Công để phá vỡ bức tường lửa kiểm soát Internet của Bắc Kinh.
Một thành viên của GIFC và một viên chức chính phủ xác nhận sự kiện này với báo chí.
Thông tin trên gây phản ứng giận dữ từ phía chính quyền Trung Quốc.
Từ Bắc kinh , thông tín viên Marc Lebeaupin cho biết thêm chi tiết :
“Lẽ ra đây phải là dịp để làm dịu quan hệ giữa Bắc kinh và Washington, nhưng với các đại diện Trung Quốc thì cuộc đối thoại này đã khởi đầu rất tồi tệ.
Hôm qua (13/5), bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định thông tin của tờ báo Washington Post, theo đó chính quyền Mỹ đồng ý dành 1,5 triệu đô la cho « Tập đoàn Tự do internet Toàn cầu », nơi cung cấp các phần mềm tin học để chống lại việc kiểm duyệt trên mạng internet. Đặc biệt là tập đoàn này rất thân với giáo phái Pháp Luân Công, một tổ chức vẫn bị cấm hoạt động ở Trung Quốc từ hơn 10 năm qua.
Bắc Kinh đã phản ứng ngay tức thì. Ngay tối qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gay gắt lên án sự hỗ trợ của Washington cho các « lực lượng và các hoạt động chống Trung Quốc», ngoài ra Bắc Kinh cũng bày tỏ quan điểm hai bên nên đối thoại hơn là đối đầu
Theo báo chí Trung Quốc thì rõ ràng, đứng đằng sau tập đoàn này là các thành viên của Pháp Luân Công.
Cần nhớ rằng Trung Quốc đã tuyên chiến trực tiếp với tổ chức này. Các thành viên cũng như những người ủng hộ giáo phái bị truy nã ráo riết. Mới đây hai luật sư đã bị rút giấy phép hành nghề vì đã chấp nhận bào chữa cho Pháp Luân Công. Họ bị buộc tội đã gây rối loạn tại tòa án. Việc trấn áp gần như có hệ thống này nhằm không để một luật sư nào ở Trung Quốc còn dám bênh vực cho giáo phái Pháp Luân Công.”
Anh Vũ / Tú Anh
[Nguồn: RFI]