Theo tin chính thức từ quan chức tỉnh Hà Tĩnh đã có 1 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Nhưng theo một người làm ở bệnh viện tại Hà Tĩnh cho biết, có 102 người Trung Quốc đang điều trị tại bệnh viện tỉnh, 48 người Trung Quốc tại bệnh viện thành phố, 63 người vừa Trung Quốc, vừa Việt Nam ở bệnh viện huyện Kỳ Anh. Tử vong ngoài bệnh viện là 3 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam tính đến trưa ngày 15/5.
Cuộc biểu tình của công nhân đã lan rộng trên khắp cả Việt Nam. Theo ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, những cuộc biểu tình của công nhân đã diễn ra trên 22 tỉnh của cả nước. Thậm chí, ở những tỉnh của miền Bắc như: Thái Bình, Hải Phòng cũng đã nổ ra biểu tình với hàng ngàn công nhân tham gia. Tất cả những cuộc biểu tình của công nhân để phản đối giàn khoan HD 981 mà Trung Cộng đưa vào vùng đặc quyền kinh của của Việt Nam.
Cũng theo ông này, đã có hơn 400 doanh nghiệp bị tấn công. Và theo ông này, tình hình đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng khi đến giờ này vẫn chưa ngăn chặn được. Và nếu không có biện pháp mạnh sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư e ngại về môi trường an toàn đầu tư.
“Chúng ta vẫn nói Việt Nam là điểm đến an toàn. Nhưng hôm nay, chỉ vì 1 giàn khoan thôi, chúng ta tấn công tất cả, không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản có chữ “loằn ngoằn” trên bảng hiệu mà tấn công cả các doanh nghiệp Châu Âu”.
Nghiêm trọng và nặng nề đến mức tại Vũng Áng đã gây tử vong cho người Trung Quốc.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh, cách khu kinh tế Vũng Áng chừng 20km bị bao vây nên hầu hết các trường hợp bị thương tại Vũng Áng, cả người Việt Nam lẫn Trung Quốc phải đưa thẳng lên bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Trong số đó có 2 ca phải mổ cấp cứu trong đêm, một bị dập phổi, một gẫy xương đòn cánh tay.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Đình Quang – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chiều 14/5, lợi dụng tình hình căng thẳng trên biển Đông, một nhóm người quá khích đã kích động công nhân kéo đến nhà máy Formosa gây hấn với kỹ sư, người lao động đang làm việc tại đây dẫn đến xô xát. Cũng cần nói thêm, tại Vũng Áng được coi như “thủ đô” của người Trung Quốc lao động chui tại Việt Nam. Con số lao động không giấy phép tại nơi này lên đến hàng ngàn người.
“Khoảng 22-23h, vụ hỗn loạn đã được kiểm soát. Trật tự được vãn hồi sau khi chúng tôi huy động lượng lớn công an, quân đội, biên phòng vào cuộc”, Ông Quang nói.
Một số công nhân tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan, Trung Quốc đã nhận được thông báo “tạm thời nghỉ làm”.
Nói về tình hình hỗn loạn chiều qua, một công nhân làm việc tại đây cho biết, vào lúc hơn 14h ngày 14/5, có 3 thanh niên cầm cờ đỏ sao vàng, đứng chặn công nhân ở cổng khu công nghiệp Vũng Áng không cho vào làm việc. Nhóm này kích động, kêu gọi đi biểu tình phản đối Trung Cộng hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép ở biển Đông. Ít phút sau đó, cả ngàn công nhân đã đình công dây chuyền, tràn ra đường hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam và phản đối Trung Cộng.
Đến 18h30, một xe khách chở hơn 30 chỗ chở công nhân Việt Nam và người Trung Quốc tan ca di chuyển ra phía ngoài, song đã bị đám đông chặn lại. “Nhóm thanh niên biểu tình quá khích đã chặn xe, và kéo người trên xe xuống hành hung, khiến 17 người bất tỉnh”. Theo lời kể của một phiên dịch được dẫn lại trên tờ Vnexpress.
Cũng theo người phiên dịch này cho biết thêm, rất nhiều người quá khích đã vào các công ty đang xây dựng, đập phá và đốt hai lò cao trong nhà máy luyện gang thép. Cảnh sát cứu hỏa có mặt kịp thời; tuy nhiên, phải đến 22h đám cháy mới được khống chế.
Có khoảng hơn 70 người được cho là gây rối, quá khích bị Công an huyện Kỳ Anh bắt để điều tra hành vi phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ…
Cuộc bạo động chết người, gây tổn thất nặng nề ở Vũng Áng là điều được dự báo trước, khi trước đó, trên một số tờ báo trong nước loan tin, hàng ngàn công nhân được cho nghỉ làm việc để biểu tình chống Trung Cộng. Tại nơi này, mâu thuẫn giữa công nhân Việt Nam và Trung Quốc đã có từ lâu. Cách đây khoảng hơn 1 tháng, một cuộc bạo động cũng đã nổ ra tại nơi này, khiến Quốc lộ 1A tê liệt. Và cuộc bạo động lần này, Quốc lộ 1A đã bị kẹt xe kéo dài đến hơn 14km.
Trái ngược nhau về số thương vong
Tờ Vnexpress cho biết, chiều tối 14/5, hàng ngàn người tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã kéo đến nhà máy Formosa nơi có lượng lớn công nhân Trung Cộng làm việc khiến tình trạng hỗn loạn. Theo tin chính thức từ quan chức tỉnh Hà Tĩnh đã có 1 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Nhưng theo một người làm ở bệnh viện tại Hà Tĩnh cho biết, có 102 người Trung Quốc đang điều trị tại bệnh viện tỉnh, 48 người Trung Quốc tại bệnh viện thành phố, 63 người vừa Trung Quốc, vừa Việt Nam ở bệnh viện huyện Kỳ Anh. Tử vong ngoài bệnh viện là 3 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam tính đến trưa ngày 15/5.
Trong khi đó, báo Sydney Morning Herald đưa tin, có 21 người (6 người Việt, 15 người Trung Quốc) đã chết trong vụ bạo động ở Vũng Áng và hàng trăm người bị thương.
Cũng một bản tin của hãng Reuter dẫn lời từ một bác sĩ tại Hà Tĩnh qua điện thoại thì con số người bị chết là 21 người như tờ Sydney Morning Herald loan báo.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Cộng thì cho biết, có 2 công dân của họ được biết là đã chết và hàng trăm người khác bị thương vẫn còn ở bệnh viện.
Những người chứng kiến sự việc tại Vũng Áng cho hay, con số thương vong không thể thấp như nhà cầm quyền Việt Nam đưa tin.
Tại các bệnh viện ở huyện Kỳ Anh, bệnh viện thành phố Hà Tĩnh, bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, bệnh viện tỉnh Nghệ An đều được Công an bảo vệ nghiêm ngặt. Họ sợ những người công nhân quá khích sẽ truy sát những công nhân Trung Cộng.
Người Trung Quốc, Đài Loan tháo chạy
Một bản tin trên đài VOA cho biết, công dân Trung Cộng ở Việt Nam bắt đầu băng qua biên giới vào Campuchia để chạy trốn các cuộc biểu tình bạo lực vì xung đột ở biển Đông.
Phát ngôn viên tòa Đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh, ông Trần Văn Thông nói với ban tiếng Khmer của đài VOA rằng, rất nhiều người Trung Quốc bắt đầu vượt biên giới vào tuần này.
Lực lượng an ninh ở Đài Bắc đã phải ngăn người biểu tình tiến vào bên trong
“Họ (người Trung Quốc) không bị trục xuất khỏi Việt Nam. Đó là quyết định cá nhân. Tôi không biết lý do tại sao người Trung Quốc không muốn sống ở đó nữa”.
Chưa rõ số người Trung Quốc đến từ Việt Nam là bao nhiêu người và các giới chức Campuchia từ chối bình luận về những vụ vượt biên diễn ra sau khi các nhà máy Trung Cộng, Đài Loan bị đám đông hỗn loạn nhắm làm mục tiêu cho các cuộc tấn công ở Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 15/5, nhiều người Đài Loan đã xuống đường biểu tình trước Văn phòng Kinh tế- Văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc và Lãnh sự quán Việt Nam ở Hong Kong để phản đối các cuộc bạo động nhắm vào công dân, công ty Đài Loan tại Việt Nam.
Lực lượng an ninh ở Đài Bắc đã phải ngăn người biểu tình tiến vào bên trong.
Rất nhiều người Đài Loan đã phải nhanh chóng thoát về nước để tránh sự truy đuổi của công nhân Việt Nam. Rất nhiều trong số họ khi trở về đã tố cáo chính quyền Việt Nam vì không có biện pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công. Họ nói chính quyền Việt Nam đã làm ngơ trước bạo loạn này.
Đứng trước tình trạng bao lực gia tăng trong những khu kỹ nghệ có người Trung Quốc đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện về đảm bảo an ninh trật tự.
Công điện này nói rõ, cấp bách thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật. Đảm bảo an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của mọi người, mọi doanh nghiệp. Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.
Dư luận quan ngại là nhà nước Việt Nam sẽ lợi dụng các cuộc xuống đường bạo động này để cấm chỉ tất cả các cuộc biểu tình trong tương lai, thế nhưng, phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc là ông Jay Carney nói vào ngày hôm qua rằng Hoa Kỳ ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa.
Người Quan Sát