Tổng thống Mỹ Barack Obama
Nhật báo Washington Post hôm chủ nhật cho biết chính phủ của Tổng thống Obama đang chuẩn bị những biện pháp chế tài kinh tế trước đây chưa từng có nhắm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc được hưởng lợi từ việc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, quyết định này dự kiến sẽ được chính thức loan báo trong vòng hai tuần nữa, trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ vào tháng tới.
Tờ Washington Post trích lời một số giới chức chính phủ Mỹ nói rằng Hoa Kỳ chưa quyết định ban hành các biện pháp chế tài, trong đó có thể có việc đóng băng tài sản và ngăn chận những vụ giao dịch tài chánh của những người dính líu tới các vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, họ cho biết quyết định chót dự kiến sẽ được loan báo trong hai tuần nữa, vào khoảng thời gian Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Washington để thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên. Các giới chức Mỹ nói sự lựa chọn thời điểm để loan báo chế tài có mục đích nêu bật sự tức giận của các giới chức ở Washington đối với những hoạt động tin tặc của Trung Quốc.
Theo tờ Washington Post, Trung Quốc không phải là nước duy nhất xâm nhập các hệ thống máy vi tính ở Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại, nhưng họ là nước tích cực nhất. Bài tường thuật trích dẫn báo cáo của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) cho biết những vụ án gián điệp kinh tế đã tăng 53% trong năm vừa qua, và hầu hết các vụ án này có dính líu tới Trung Quốc.
Tháng 5 năm 2014, giới hữu trách Mỹ truy tố 5 viên sĩ quan của quân đội Trung Quốc thuộc đơn vị tin tặc 61398 về tội xâm nhập các hệ thống máy tính của các công ty hạt nhân, luyện thép và điện mặt trời của Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại. Năm 2013, công ty an ninh mạng Mediant ở Mỹ tố cáo Bắc Kinh thực hiện một chiến dịch tấn công mạng rất tinh vi nhắm vào các công ty, chính phủ và những cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ.
Trung Quốc đã bác bỏ những tố cáo đó và khăng khăng cho rằng họ là nạn nhân của những vụ tấn công mạng. Năm 2013, cựu nhân viên khế ước của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Edward Snowden tiết lộ một chương trình theo dõi bí mật với qui mô lớn mà tình báo Mỹ thực hiện trên khắp thế giới.
Tháng 4 năm nay, Tổng thống Barack Obama đã ban hành một mệnh lệnh hành chánh để xúc tiến chương trình chế tài đầu tiên từ trước tới nay nhằm trừng phạt tài chánh những cá nhân và tổ chức bên ngoài nước Mỹ dính líu tới những vụ tấn công mạng.
Ông Ankit Panda, biên tập viên thời sự Á Châu-Thái Bình Dương của tờ The Diplomat, cho rằng Hoa Kỳ không tuyên bố chiến tranh mạng với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng đây là một nỗ lực để làm cho những hành vi của Trung Quốc bớt táo tợn hơn, để áp đặt những cái giá mà họ phải trả, để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy là có những cái giá cho những cá nhân và những công ty bị cho là thủ phạm của những vụ gián điệp mạng và đánh cắp trên mạng. Và, quí vị đừng quên là Trung Quốc đã lập luận, nhất là sau khi có những tiết lộ của ông Snowden, rằng “chúng tôi không phải là nước duy nhất làm những chuyện này”, Hoa Kỳ cũng làm như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng Washington muốn làm rõ một điều là theo dõi cho các mục đích an ninh quốc gia là hoàn toàn khác với gián điệp thương mại. Tôi nghĩ rằng Washington tố cáo quân đội Trung Quốc tạo điều kiện cho việc đánh cắp tài sản trí thức để làm lợi cho các công ty Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng, nước Mỹ muốn thông qua những biện pháp chế tài kinh tế này để tuyên bố rằng những hành vi đó là không thể chấp nhận.”
Theo tường thuật của tờ Washington Post, các giới chức Mỹ nói mặc dù chế tài không thôi thì không đủ để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc, nhưng nếu được thực hiện một cách nhịp nhàng với những biện pháp khác để gây sức ép trên những lãnh vực ngoại giao, chấp hành pháp luật, quân sự, và tình báo, thì việc này sẽ bắt đầu áp đặt lên Trung Quốc những cái giá mà họ phải trả cho những vụ tin tặc.
Bài tường thuật cho rằng Hoa Kỳ sẽ đối mặt với những mối rủi ro, trong đó có việc Trung Quốc sẽ thực hiện những hành động để trả đũa.
VOA