Lại một lần nữa hai công trình nghiên cứu mới nhất chứng tỏ về mức độ quan trọng của vấn đề bất bình đẳng đang gây tác hại cho Hoa Kỳ. Thứ nhất, theo Báo cáo của cơ quan US Census Bureau năm 2014 về tình trạng thu nhập hằng năm và nghèo minh chứng rằng lợi tức của một người Mỹ bình thường vẫn còn tiếp tục trì trệ, cho dù tình trạng kinh tế được suy đoán là hồi phục sau thời kỳ Tổng Suy Trầm. Mức thu nhập trung vị của từng hộ gia đình, sau khi điều chỉnh giá lạm phát, vẫn còn ở dưới mức so với 25 năm trước đây.
Người ta thường nghĩ là sức mạnh nhất của Hoa Kỳ không phải là quyền lực quân sự, mà là hệ thống kinh tế làm cho thế giới phải ganh tị. Nhưng tại sao các nước khác cố ganh đua với một mô hình kinh tế mà phần lớn dân chúng, – đúng ra là đa số -, chịu cảnh lợi tức trì trệ, trong khi thu nhập của giới thượng tầng luôn tăng vụt?
Một công trình nghiên cứu thứ hai là Báo cáo của cơ quan United Nations Development Program´s Human Development năm 2014. Họ chứng thực các phát hiện này. Hàng năm, cơ quan UNDP phổ biến một bảng sắp hạng các quốc gia tính theo chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ số này kết hợp các mức độ khác của sự an lạc ngoài mức thu nhập, còn gồm thêm cả các vấn đề sức khoẻ và giáo dục. (Theo báo cáo này, Việt Nam chiếm hạng 121 trong tổng số 187 quốc gia và lãnh thổ, CTCND)
Nếu tính theo chỉ số HDI, Hoa Kỳ đứng sau Na Uy, Úc, Thụy Sĩ và Hoà Lan. Nhưng nếu điều chỉnh giá trị này theo điểm về bất quân bình, Hoa Kỳ tụt đến hạng 23, một tình trạng tệ hại nhất đối với một nước phát triển cao độ. Thực vậy, Hoa Kỳ thua cả Hy Lạp và Slovakia, những nước mà thông thường dân chúng không xem như là một mô hình khuôn mẩu hay là người cạnh tranh với Hoa Kỳ trong một bảng phân hạng cao thấp nào.
Báo cáo của cơ quan UNDP nhấn mạnh đến một khiá cạnh khác của thành tựu xã hội: đó là khả năng bị tổn thương. Báo cáo chỉ ra rằng trong khi một vài nước đã thành công trong việc đưa dân chúng thoát cảnh cùng cực, cuộc sống của một số nơi vẫn còn không ổn đinh. Một biến cố nhỏ, – thí dụ như cơn bạo bệnh trong gia đình -, có thể đẩy họ lại lâm vào cảnh cơ hàn. Cuộc đời bị tụt dốc là một đe dọa đích thực trong khi khả năng thăng tiến bị hạn chế.
Tại Hoa Kỳ, năng động để thăng tiến là chuyện nhiều về huyền thoại hơn là thực tế, trong khi tụt dốc và tổn thương là kinh nghiệm phổ biến tràn lan. Một phần trong vấn đề này là do hệ thống bảo hiểm sức khoẻ của Hoa Kỳ. Hệ thống này làm cho những người Mỹ nghèo luôn ở trong hoàn cảnh bất ổn, cho dù có biện pháp cải cách của Tổng thống Barack Obama.
Những thành phần tận cùng trong xã hội chỉ là một bước nhỏ thoát ra khỏi cảnh phá sản mà nó mang theo bao hệ lụy. Bệnh tật, ly dị và thất nghiệp thường đẩy họ đến bên bờ vực thẳm. Dự thảo luật Cải cách Bảo hiểm của Obama, còn gọi là Obamacare năm 2010, có mục tiêu cải thiện những đe doạ này – có nhiều biểu hiện tích cực cho thấy dự luật là một biện pháp giảm thiểu đáng kể cho số lượng người Mỹ không có bảo hiểm. Nhưng một phần do phán quyết của Tối Cao Pháp Viện và sự ngoan cố của các thống đốc và các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng Hoà trong 24 tiểu bang đã không chịu mở rộng chương trình bảo hiểm cho người nghèo (Medicaid) – cho dù chính quyền liên bang chi trả hầu hết toàn bộ chi phí -, nên trước cũng như sau gì cũng có đến 41 triệu người không được bảo hiểm. Khi bất bình đẳng kinh tế chuyển sang thành bất bình đẳng chính trị – như trong một phần lớn đã xãy ra tại Hoa Kỳ- , chính quyền ít quan tâm đến các nhu cầu của những người thuộc hạ tầng xã hội.
Không phải chỉ có các chỉ số tính theo TSLQG hay HDI phản ảnh được sự thay đổi qua thời gian hay sự dị biệt giữa các nước về khả năng bị tổn thương. Ngay tại Hoa Kỳ và các nơi khác có một sự tụt hậu rõ rệt về mức an toàn. Ai có công ăn việc làm, thì cũng lo sợ liệu có khả năng còn giữ được việc hay không; ai thất nghiệp cũng mang nỗi lo làm sao tìm được việc.
Sự suy sụp kinh tế gần đây làm tiêu tan cơ nghiệp của nhiều người. Tại Hoa Kỳ, ngay cả sau khi tình hình thị trường cổ phiếu được hồi phục, tài sản tính theo trung vị đã giảm đi hơn 40% từ năm 2007 đến năm 2013. Điều này có nghĩa là làm cho bậc cao niên và giới đang sắp vào tuổi nghĩ hưu lo âu hơn về mức sống. Hằng triệu người Mỹ mất nhà, hàng triệu người lâm vào cảnh bất ổn không biết mình có thể sẽ bị mất nhà trong tương lai không.
Những bất an này phụ thêm vào các nổi bất an khác mà người Mỹ đã phải đối phó từ lâu. Tại các nội thành trong nước, hàng triệu giới trẻ người Mỹ gốc Nam Mỹ và châu Phi phải đối đầu với một hệ thống tư pháp và cảnh sát bất công và hoạt động kém; ai mà vượt đường của cảnh sát trong đêm, gặp đúng người khó chịu, có thể lãnh án tù không lý do – hoặc chịu hậu quả trầm trọng hơn.
Đã từ lâu, châu Âu ý thức được tầm quan trọng để giải quyết vấn đề khả năng bị tổn thương bằng cách cung ứng một hệ thống bảo hiểm xã hội. Người châu Âu công nhận rằng một hệ thống bảo hiểm xã hội tốt đẹp có thể cải thiện toàn bộ thành tựu kinh tế, khi cá nhân càng muốn chấp nhận có nhiều nguy hiểm, thì có thể đưa tới tình trạng tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Những hiện nay tại nhiều nơi trong châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao (trung bình là 12% và là 25% tại những nước bị ảnh hưởng nặng nhất), kết hợp với việc cắt giảm mức bảo hiểm xã hội do chính sách tiết kiệm, cả hai làm gia tăng về khả năng tổn thương mà không hề có trước đây. Hậu quả của vấn đề là mức suy giảm về an lạc xã hội của con người có thể tăng cao hơn so với mức đã đề ra theo các biện pháp tính theo TSLQG – những số liệu này vốn dĩ đã là đen tối, nhưng tại hầu hết các nước cho thấy rằng lợi tức thực sự tính theo đầu người, sau khi đã điều chỉnh lại do lạm phát, hiện nay tại nhiều nước thấp hơn so với trước thời khủng hoảng – làm cho nữa thập niên đã phải mất đi.
Báo cáo của Uỷ Ban Quốc tế về Lượng định Thành quả Kinh tế và Tiến bộ Xã hội (mà tôi là người chủ trì) nhấn mạnh rằng TSLQG không phải là một thước đo phù hợp để đánh giá nền kinh tế phát triển tốt đẹp. Báo cáo của hai cơ quan US Census Bureau và UNDP nhắc chúng ta lại về tầm quan trọng của nhận thức này. Chúng ta đã phí phạm quá nhiều thời gian để suy nghĩ về cách suy tôn khái niệm TSLQG này.
Cho dù chỉ số TSLQG có tăng nhanh đến đâu, khi nền kinh tế thất bại trong việc cung ứng những thành quả cho phần lớn dân chúng, mà họ phải đương đầu với bất trắc ngày một gia tăng, thì theo ý nghĩa cơ bản nhất, đó là một nền kinh tế thất bại. Và các chính sách, giống như chính sách khắc khổ, làm gia tăng bất an và làm giảm đi mức thu nhập và lối sống cho phần lớn dân chúng, trong ý nghĩa nền tảng, đó là những sách lược thất bại.
Joseph E. Stiglitz
Đỗ kim Thêm dịch
Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel về Kinh tế, Giáo sư Đại học Columbia, Chủ tịch Uỷ Ban Tư Vấn Kinh tế của Tổng Thống Bill Clinton và Phó Chủ Tịch Ngân hàng Thế giới. Tác phẩm mới nhất mà ông viết chung với Bruce Greenwald là Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.
Nguyên tác: The Age of Vulnerability,
http://www.project-syndicate.org/commentary/economic-failure-individual-insecurity-by-joseph-e–stiglitz-2014-10
Tựa đề bản dịch là của người dịch