Bầu cử sơ bộ của hai đảng Cộng Hoà Dân Chủ đã chấm dứt. Đại Hội hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cũng đã xong với hai ứng cử viên đại diện cho hai đảng chính thức đương đầu với nhau trong Tổng Tuyển Cử (General Election) ngày 8 tháng 11, năm 2016 sắp tới. Hai ứng cử viên được hai đảng đề cử đại diện là Donald Trump bên Cộng Hòa và Hillary Clinton bên Dân Chủ.
Cuộc vân động tranh cử của hai ứng cử viên cũng đã bắt đầu với những với những đấm đá, bôi xấu lật tẩy nhau ngay những ngày đầu tiên không một chút nhân nhượng. Hai bên đều đem những chiêu độc của mình ra để hạ đối thủ.
Cũng ngay trong những ngày đầu này những cơ quan truyền thông không bỏ sót bất cứ một cuộc vận động nào cũng như bất cứ những gì hai ứng cử viên tuyên bố để khai thác thành những tin nóng và giựt gân để lôi cuốn cử tri tham gia vào cuộc bầu cử này càng đông càng tốt. Những cơ quan thăm dò dư luận cử tri (Poll Agency) ráo riết mở ra những cuộc thăm dò liên tục theo nhiều diện cử tri khác nhau.
Tính cho tới hôm nay thăm dò cho thấy bà Clinton hơn điểm ông Trump từ 5% đến 7%.
Thăm dò với câu hỏi : “ Bầu cho ai? bầu cho Trump hay bầu cho Clinton?” được một số cử tri phải nói là đông đảo của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa và độc lập bi quan cho rằng “ Tôi chẳng bầu Trump mà cũng chẳng thèm bầu cho Clinton”. Quan điểm của những cử tri này đánh giá hai ứng viên trong cuộc bầu cử này theo họ đều không xứng đáng để họ bầu chọn.
Đó là quan điểm của cử tri bi quan về hai ứng cử viên hiện nay của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Dù gì đi nữa thì cuộc bầu cử tổng thống vẫn phải tiến hành theo hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ qui định. Ngày 8 tháng 11, 2016 toàn dân Mỹ phải đi bầu để chọn vị tổng thống thứ 45 cho nước Mỹ và tổng thống này sẽ nhậm chức vào tháng 1/ 2017.
Để có thể đánh giá và chọn một ứng cử viên nào đó là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, cử tri không phân biệt đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ hay độc lập cần phải theo dõi cuộc vận động tranh cử của hai ứng cử viên Trump và Clinton để tim hiểu rõ ràng hơn về lập trường, đường lối, chính sách và những chương trình hành động cai trị nước Mỹ trong tương lai mà cử tri cho là thích hợp nhất để lấy quyết định chọn ứng cử viên đó qua lá phiếu của mình.
Donald Trump người gây nhiều tranh cãi ngay từ khi nhập cuộc đua vào Toà Bạch Ốc và được coi là ứng cử viên gây nhiều chú ý. Tốt có, xấu có. Ủng hộ có, chống đối có.
Đối với giai cấp trung lưu, lao động da trắng “bảo thủ” của Cộng Hòa thì Trump được nhiều sự ủng hộ vì họ không tin vào những chính trị gia của hai đảng tại Washington D.C. Khối cử tri này cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong tình trạng trì trệ. Nước Mỹ đang đi chệch hướng. Họ tin Trump có thể đấu tranh đem lại công ăn việc làm của họ đã bị mất đi từ nhiều năm nay qua “toàn cầu hoá”. Trump cho biết ông ta sẽ trừng phạt những công ty đem job ra nước ngoài. Đó là lời hứa.
Đối với giới “bảo thủ” có tinh thần “dân tộc cực đoan” cũng tin Trump sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh và được nể nang như trước đây dưới thời Reagan qua khẩu hiệu : “ Making America Great Again”. Trump còn hứa là ông ta sẽ tăng ngân sách quốc phòng để cho quân đội Hoa Kỳ phải là một quân đội hùng mạnh nhứt thế giới. Đối với khối NATO Trump không muốn Hoa Kỳ bao thầu mà bắt các nước thành viên phải có những đóng góp công bằng. Trump còn muốn rút quân đội Mỹ đang đóng tại Âu Châu tại Nam Hàn và tại Nhật về nước để cho các nước đó phải tự vệ. Sự can thiệp hay giúp đở của Mỹ có chừng mực mà thôi.
Đối với các hiệp ước thương mại mậu dịch như NAFTA và TPP Trump không muốn cam kết nhiều cho rằng bất lợi cho kinh tế Mỹ.
Những điều trên cho thấy Trump đang muốn đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ “bảo hộ mậu dịch”, “ bế quan tỏa cảng” một chính sách tự cô lập.
Dư luận chú ý và bàn cãi nhiều nhất là tuyên bố nẩy lửa của Trump đòi trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp mà đa số từ Mexico và các nước Nam Mỹ. Trump cáo buộc những di dân này đã đem vào nước Mỹ những tệ nạn hình sự, băng đảng và xì ke, ma túy v..v Trump chủ trương sẽ xây một hàng rào dọc biên giới Mexico và Mỹ và bắt nước Mexico phải chịu tiền xây hàng rào này. Kế hoạch này của Trump cho thất sự cực đoan và hoang tưởng và gây nhiều tranh cãi và bị chống đối từ nhà nước Mexico và từ nhiều chính trị gia của Mỹ và khối cử tri người Spanish. Nhưng Trump lại đánh đúng “tim đen” của người Mỹ “bảo thủ” da trắng giai cấp trung lưu cho nên Trump vẫn còn thành trì bảo vệ mình.
Kế họach trục xuất di dân bất hợp pháp, khoảng 11 triệu, dù được một số ủng hộ nhưng có một số người rất có ảnh hưởng trên chính trường Hoa Kỳ chống đối đó là những chiến lược gia và chính trị gia uy tín của hai đảng chống đối và làm cho sự ủng hộ Trump giảm dần. Thấy được điều này ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nên Trump đã vội vàng thay đổi lập trường về vấn đề này. Trong cuộc gặp gỡ đài TV Fox Trump cho rằng di dân bất hợp pháp có quyền ở lại nước Mỹ qua những biện pháp nào đó thích hợp như phải qua một cuộc sàng lọc chặt chẽ.
Sự thay đổi lập trường về di dân không làm tăng thêm sự ủng hộ từ di dân thiểu số trái lại Trump còn bị mất đi từ những người trước đây ủng hộ ông về chính sách di dân này.
Để bảo vệ cho lập trường về di dân, Trump đã phải đích thân đi qua nước Mễ, theo lời mời, để gặp tổng thống Mễ, Enrique Pena Nieto, phân trần và bày tỏ lập trường. Dĩ nhiên Trump không hùng hổ mạnh miệng như từng tuyên bố trước đây. Trong cuộc gặp gỡ với tổng thống Mễ, Trump đã không thành thật về việc xây hàng rào và cũng không rõ ràng về chính sách di dân cứng rắn mà ông đã ồn ào tuyên bố trước đây.
Dĩ nhiên để giữ thể diện về lập trường di dân, Trump cho cử tri “bảo thủ” ủng hộ mình biết là ông ta vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách di dân của mình khi ông tuyên bố tại Phoenix, Arizona sau cuộc gặp gỡ tổng thống Mễ là nếu đắc cử tổng thống ngay trong tháng đầu tiên ông ta sẽ trục xuất khoảng 2 triệu di dân bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ.
Hai bộ mặt trái ngược nhau của Trump đã hiện rõ trong hai cuộc tiếp xúc với tổng thống Mễ và buổi gặp gở cử tri tại Phoenix.
Trump còn thể hiện sự ăn nói hồ đồ, bốc đồng về nơi sinh của tổng thống Obama. Trước đây Trump đã mở ra một cuộc vận động đi bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào thuận tiện thì Trump cho rằng tổng thống Obama không sinh trưởng taị Mỹ và muốn tạo dư luận truất quyền Obama vì lý do sinh quán. Nhưng cách nay chỉ vài ngày chính miệng Trump công khai tuyên bố thừa nhận tổng thống Obama sinh trưởng tại Mỹ.
Sự thay đổi lập trường về di dân này chứng tỏ Trump không nhất quán về di dân và có thể thêm những vấn đề khác nữa . Điều này có thể làm cho cử tri không còn tin tưởng nữa.
Về Obamacare Trump luôn luôn mạnh mẽ chống đối vụ Obamacare này và đe dọa là ông ta sẽ hủy bỏ hoàn toàn Obamacare. Đưa ra điều này Trump muốn lấy lòng giới “bảo thủ” trong đảng Công Hòa và những người da trắng “bảo thủ cực đoan”. Nhưng Trump khó mà có thể hủy bỏ hoàn toàn Obama Care vì cho tới nay có khoảng 2 triệu người đang có bảo hiểm sức khoẻ từ Obama Care.
Về khủng bố thì Trump đã vẽ lên một bức tranh của nước Mỹ không an toàn vì khủng bố mà ông ta luôn tố cáo chính quyền Obama với bà Clinton khi còn là ngoại trưởng là những tác nhân trực tiếp tạo ra khủng bố ISIS. Trump cho rằng sẽ hạn chế hoặc không cho bất cứ một người Hổì Giáo nào nhập cư Mỹ. Dư luận cho rằng việc chống người Hồi Giáo này Trump không làm cho nước Mỹ an toàn hơn mà trái lại điều này có thể gây thêm oán thù với thế giới người Hồi Giáo và nước Mỹ có thể còn nguy hiểm hơn.
Để lấy lòng thêm từ giới “bảo thủ” Cộng Hoà, Trump còn cho biết chính quyền của ông ta sẽ giảm thuế nhiều cho dân cũng như cho giới kinh doanh và hạn chế những can thiệp của chinh quyền vào đời sống người dân bình và giới kinh doanh.
Dù cố gắng lấy lòng và chứng tỏ chương trình nghị sự cai trị nước Mỹ của mình thích hợp với đường lối chính sách và cương lĩnh của đảng Cộng Hòa nhưng đa số chính trị gia, những lãnh tụ đảng Cộng Hòa đều cho rằng Trump không theo đường hướng chính ngạch của đảng Cộng Hòa.
Từ điểm này chúng ta không lấy làm lạ là Trump nhận được rất ít sự ủng hộ trực tiếp chính thức từ đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử này. Đa số những chính trị gia uy tín, chiến lược gia và lãnh tụ đảng Cộng Hòa tại hạ viện và thương viện như chủ tịch Hạ Việt Ryan, như cựu tổng thống Bush cha và con, như thống đốc John Karsick, tiểu bang Ohio, một tiểu bang có nhiều ảnh hưởng đến kết quả bầu tổng thống v…v đã tẩy chay đại hội đảng Cộng Hoà đề cử Trump là ứng cử viên của đảng. Ngày 4 tháng 9, 2016 báo Dallas Moring News đã nói rõ: “ Trump không phải là người của đảng Cộng Hòa. Trump không có tư cách là tổng thống và không xứng đáng hưởng được lá phiếu của bạn” ( Donald Trump is not Republican. Donald Trump is not qualified to serve as president and does not deserve your vote). Tiểu bang Texas là thành trì của đảng Cộng Hòa từ xưa đến nay. Hầu hết những ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đều thắng vẽ vang tại tiểu bang Texas này.
Nhưng cũng chính tờ báo Dallas Morning News này lại ủng hộ (endorse) bà Clinton mới là lạ.
Cho đến nay nhiều ứng cử viên thượng nghị sĩ liên bang của đảng Cộng Hoà đều tránh xa Trump. Có khoảng 70 lãnh tụ đảng Cộng Hòa trong một kiến nghị yêu cầu chủ tịch đảng Cộng Hòa ngưng trợ giúp cho ban tranh cử của Trump-Pence và sử dụng phương tiện cho cuộc tranh cử của các ứng cử viên dân biểu và thương nghị sĩ của Cộng Hòa tại quốc hội Hoa Kỳ trong ngày 8 tháng 11, 2016 này.
Đó là sơ lược một số điểm chính trong lập trường và chương trình nghị sự của Trump.
Nói đến cựu ngoại trưởng Hillary Clinton thì những ai quan tâm đến bầu cử kỳ này đều biết rõ lập trường của Hillary Clinton. Bà Clinton là một đảng viên của đảng Dân Chủ chính ngạch và cũng được đảng Dân Chủ chính thức đề cử trong đại hội đảng Dân Chủ tháng 7/ 2016 đại diện đảng tranh chức tổng thống thứ 45 với Donald Trump của đảng Cộng Hòa. Lập trường và chương trình nghị sự của Bà Clinton sẽ hoàn toàn thích hợp với “Cấp Tiến” (Liberal).
“Cấp Tiến” của đảng Dân Chủ là đối nghich lại với “Bảo Thủ” của đảng Cộng Hòa. Những chính sách và chương trình nghị sự của chính quyền Obama đang thi hành cho nước Mỹ vể mọi lãnh vực từ xã hội, kinh tế, chính trị cho đến an ninh và quốc phòng chịu ảnh hưởng “Cấp Tiến”
Nếu đã biết rõ và đã kinh nghiệm với “Cấp Tiến” thì cử tri sẽ không còn xa lạ gì với chương trình nghị sự và chính sách của bà Clinton hiện nay. Từ lâu nay ai cũng biết “cấp tiến” của đảng Dân Chủ luôn luôn hướng về giai cấp lao động, trung lưu nghèo và các sắc dân thiểu số.
Do đó người viết không cần nói nhiều về những chương trình và chính sách và đường lối cai trị của bà Clinton trong những cuộc vận động. Một điều gần như chắc chắn nữa mà dư luận vẫn còn đồn cho tới hôm nay là nếu bà Clinton đắc cử tổng thống thì chương trình nghị sự, chính sách của bà không khác nhiều với chính phủ Obama vì cùng là “Dân Chủ cấp tiến”. Trong khi đó dư luận còn đồn đoán rằng chính quyền Hillary Clinton sẽ nối tiếp nhiều chương trình của chính quyền Obama còn dở dang chưa thực hiện như về di trú, xã hội, kinh tế, tài chánh, an ninh quốc phòng và Obama care v…v.
Lập trường và đường lối hoạt động cùng những chính sách của bà Clinton đã hiện rõ.
Nhưng hiện nay bà Clinton còn đang gặp nhiều vấn nạn rất nhạy cảm có thể ảnh hưởng đế quyết định của cử tri Cộng Hòa, Dân Chủ và độc lập vì sự lương thiện và sự thành thật của bà bị nghi ngờ trong thời gian bà làm ngoại trưởng như vụ e-mail, như Bà lợi dụng chức vụ và uy tín để gây quỹ riêng cho Clinton Foundation.
Chưa hết phe ủng hộ Trump còn lôi ra hồ sơ sức khoẻ của bà có một lần bà bị ngất xỉu để cho rằng tình trạng sức khoẻ của bà Clinton không đủ để lãnh đạo nước Mỹ với tư cách là tổng thống. Một biến cố mới nhứt về sức khoẻ của bà Clinton là bà ta đã đột ngụy trong ngày kỷ niệm 9-11 tại Nữu Ước vì bịnh phổi của bà không chịu nổi thời tiết ngày hôm đó nóng nực oi bức đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc tranh cử của bà vì lý do sức khoẻ. Bà Clinton đã phải hủy bỏ chuyến đi vận động tại một số tiểu bang miền Tây như California. Chắc chắn ban vận động của Trump sẽ khai thác tối đa vần đề này để đem thắng lợi về cho Trump. Ngay tức thì sau đó để tỏ ra là “quân tử” Trump và ban vận động đưa ra những lời chúc bà Clinton mau chóng bình phục để trở lại cuộc vận động tranh cử.
Nhưng chỉ sau một ngày dưỡng bịnh bác sĩ của bà Clinton cho biết bà đã bình phục và có thể tiếp tục cuộc vận động đang dỡ dang. Đồng thời ban vận động của bà cũng phổ biến một báo cáo tình trạng sức khoẻ của bà theo đó bác sĩ cho biết bà Clinton đủ khả năng đãm nhận chức vụ tổng thống Mỹ.
Những tranh cãi về những vấn nạn của bà Clinton vẫn còn tiếp tục chưa biết sẽ đi về đâu.
Lập trường chính sách và chương trình nghị sự của hai ứng cử viên đã hiện rõ.
Bây giờ là lúc những cử tri có quan tâm đến tình hình nước Mỹ thì cần bỏ thời gian tiếp tục theo dõi những vận động tranh cử của hai ứng cử viên. Đặc biệt cử tri cần theo sát những cuộc tranh luận (Debate) sắp tới của Trump và Clinton công khai trên các đài truyền hình toàn quốc.
Thay lời kết
Ở đây người viết muốn lập lời tuyên bố của mục sư William Barber nói trong đại hội đảng Dân Chủ tháng 7/ 2016 tại Philadelphia như sau: “chúng ta bầu chọn tổng thống không nên dựa vào đảng tịch của mình mà phải chú ý vào tài đức, khả năng lãnh đạo quốc gia của ứng cử viên” và câu nói của TNS Ted Cruz, cựu ứng cử viên tổng thống, trong đại hội đảng Cộng Hòa như sau: “chúng ta bầu tổng thống dựa vào lương tâm của mình” để nhắn nhủ cử tri phải thật vô tư và thật cẩn thận suy xét và tìm hiểu từng ứng cử viên trước khi vào phòng phiếu bỏ phiếu cho ứng cử viên mà mình nghĩ rằng có thể làm cho nước Mỹ tốt hơn mà mình là một thành phần trong xã hội đó.
Ngay sau hai đại hội của hai đảng Cộng hòa, Dân Chủ với hai ứng cử viên đại diện ai cũng nghĩ rằngbà Hillary Clinton sẽ thắng ông Donald Trump dễ dàng. Ngay hcính những người của đảng Cộng Hòa cũng không tin là trump có thể quật ngược thế cờ. Nhưng càng gần đến ngày bầu cử nhứt là trước ngày có buổi Debate (26 tháng 9, 2016) người ta chứng kiến một sự gạc nhiên là sự cách biệt giữa bà Clinton và ông Trump rất là khít khao. Có những thăm dò còn cho biết Trump hơn điểm Clinton nữa. Dù những thăm dò cho biết như vậy nhưng đại đa số củ tri Cộng Hòa cũng như Dân Chủ và độc lập vẫn không muốn Trump là tổng thống Hoa Kỳ.
Cuộc so tài giữa Trump và bà Clinton còn nhiều gay cấn và nhiều thay đổi vào giờ phút chót khi hai ứng cử viên lúc đó mới tung ra những chiêu độc để hạ đối thủ của mình để thênh thang đi vào Toà Bạch Ốc.
Cân nhắc bầu chọn một ứng cử viên phải là người có tài, có khả năng lãnh đạo và phải có tư cách tác phong của một nhà lãnh đạo của một siêu cường như Mỹ. Phải chọn “ the best of the best” hoăc phải chọn “cái tệ ít với cái quá tệ”.
Lá phiếu của người Việt chúng ta dù không có tính cách quyết định ngay tại hai tiểu bang có đông người Việt là California và Texas nhưng chúng ta cũng nên tham gia bầu cử cho thật đông đảo.
Cử tri sẽ bầu cho ông Trump hay bầu cho bà Clinton? Ai sẽ là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ?
Dù ai đắc cử là tổng thống đi nữa thì nước Mỹ cũng sẽ đi vào lịch sử lần đầu tiên có một tổng thống là phụ nữ hoặc là một người chưa bao giờ giữ một chức vụ gì trong chính quyền Hoa Kỳ.
Hãy chờ xem.
Kỷ Nguyên Nguyễn Văn Tâm