Trong thế chiến II, hệ thống đường sắt của Nhật trải khắp Đông Nam Á. Trong quá trình mở rộng xâm lược, Nhật đã thành lập một cơ quan bí mật tên là “Sơn Bách Hội” chuyên vơ vét tài sản của các nước Châu Á. Thiên Hoàng Hirohito bổ nhiệm các thành viên trong hoàng tộc phụ trách tổ chức này tại Châu Á. Nhiệm vụ của họ là đem những tài sản vơ vét được từ các nước Châu Á về Nhật. Nhưng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên cuối cùng những tài sản này đã không đưa được về Nhật.
Những kho vàng khổng lồ tại Philippine
Năm 1940, Thiên Hoàng Hirohito hạ lệnh cho quân đội Nhật đem một số tài sản vơ vét được từ Philippine, Singapore, Malaysia, Đông Ấn Độ (thuộc địa Hà Lan) và vùng Đông Dương (thuộc địa của Pháp) về Nhật trên một đoàn tàu. Toàn bộ số tài sản này dự định sẽ được dùng vào thời khắc quyết định trong cuộc chiến với các nước đồng minh.Quân đội Nhật đã sử dụng mấy vạn lao động người Triều Tiên để đào các hầm, hào công sự ngầm dưới lòng đất để chôn giấu số tài sản này. Sau đó toàn bộ những người ấy đã bị bí mật sát hại, nhằm ngăn chặn để lộ thông tin về kho báu.
Một trong những hầm chôn giấu vàng của Nhật tại Philippine
Năm 1942, quân đội Nhật Bản chịu tổn thất khá nặng nề tại khu vực Thái Bình Dương. Các tàu tuần tra của Mỹ đã bắn chìm rất nhiều tàu chiến của Nhật. Ví dụ, họ đã bắn chìm con tàu Abochi khi nó đang trở 40 tấn vàng, 12 tấn bạch kim, 150 kara kim cương. Những cuộc tuần tra gay gắt trên biển khiến quân đội Nhật không có cách nào vận chuyển vàng và các loại tài sản khác về Nhật được. Để bảo vệ sự an toàn cho số tài sản khổng lồ đó, Thiên Hoàng Hirohito ra lệnh cho “Sơn Bách Hội” nhanh chóng kê khai số lượng tài sản này, sau đó đem cất giấu tại 175 điểm trên khắp đất nước Philippine. Những địa điểm chôn cất đó được gọi là “điểm chôn cất kho vàng hoàng gia”.
Năm 1945, quân đội Mỹ dần chiếm được các khu vực chiếm lĩnh của quân đội Nhật tại Philippine. Lúc đó, Nhật Bản vẫn còn ảo vọng muốn thực hiện một hiệp ước đình chiến có điều kiện với quân đội đồng minh và bảo đảm được quyền chiếm đóng tại Philippine sau khi chiến tranh để có thể ung dung đưa toàn bộ số vàng tại Philippine về nước. Thế nhưng ảo vọng của họ đã biến thành bong bóng xà phòng…
Đứng trước tình thế cấp bách đó, Nhật bắt đầu thực hiện việc xử lý và bảo mật cuối cùng cho các kho báu. Tháng 5/1945, một số người phụ trách “Sơn Bách Hội” đã sắp xếp cho các công trình sư thiết kế các “điểm chôn cất vàng hoàng gia” một buổi “chia tay thịnh soạn” trong đường hầm số 8 tại đảo Luzon phía bắc Philippine. Đường hầm đó sâu 67m chứa hàng đống vàng thỏi được xếp cần thận.
Tướng Sơn Hạ Phụng Văn
Khoảng giữa đêm, khi các công trình sư này đã uống say khướt, thì tư lệnh phương diện quân Nhật tại Philippine Sơn Hạ Phụng Văn cùng các thành viên của hoàng gia bí mật rời khỏi đường hầm số 8. Sau đó y cho dùng một khối lượng lớn thuốc nổ cực mạnh cho nổ tung căn hầm và bịt toàn bộ các thông đạo của đường hầm dẫn ra bên ngoài. Như vậy, toàn bộ số công trình sư này và số vàng kia đều bị chôn vùi trong lòng đất. Từ đó “những điểm chôn cất kho vàng hoàng gia” chìm vào bí mật. Ba tháng sau, Sơn Hạ Phụng Vãn đầu hàng quân đội Mỹ.
Bí mật được hé mở
Nhật đã tốn không biết bao công sức để bí mật về những kho báu này mãi mãi ngủ yên, thế nhưng họ đã sơ xuất. Họ đã để sót một nhân vật người Philippine có tên là Ben Wollmoris. Khi còn trẻ, Ben từng làm gia bộc của con trai Thiên Hoàng Hirohito là Vũ Điền tại Philippine. Mà Vũ Điền lại là một trong những người phụ trách các “điểm chôn cất kho vàng hoàng gia”. Trong một dịp tình cờ, Ben đã đem bí mật về các kho vàng này nói cho người Mỹ. Có điều, ông không nói rõ được bất kỳ một địa điểm cụ thể nào.
Ngày 2/9/1945, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh. Do đã tiến hành những cuộc thảm sát đẫm máu tại Manila nên Sơn Hạ Phụng Văn bị kết án tội phạm chiến tranh. Những người Mỹ trực tiếp thẩm vấn y đã cố gắng moi ra những bí mật về các kho báu chôn cất tại Philippine nhưng y không hề hé răng tiết lộ. Và người Mỹ đã tìm hướng khai thác mới: tài xế thân cận của y. Anh lái xe đó đã bị người Mỹ vu cáo về tội ngược đãi phạm nhân (trong thời gian chiến tranh) rồi đem nhốt vào tù. Trong thời gian này bằng mọi hình thức tra tấn, hỏi cung đặc biệt, tình báo Mỹ cuối cùng cũng đã khiến người tài xế của Sơn Hạ Phụng Văn khai ra bí mật liên quan đến các kho vàng.
Sau đó, khoảng thượng tuần tháng 10/1945, người này đã dẫn họ di xem một lượt hơn 12 địa điểm chôn cất vàng. Những điểm này đều nằm ở một nơi hoang tàn thuộc huyện ngoại ô phía bắc Manila, và đều do “Sơn Bách Hội” bí mật xây dựng.
Sau khi tìm được các “điểm chôn cất vàng”, tình báo Mỹ đã phái người bí mật đào lấy một lượng vàng thỏi, kim cương, đá quý , bạch kim với tổng trị giá đến mấy tỉ USD. McArthur (tư lệnh quân đội Mỹ tại Đông Nam Á) và Tổng Thống Truman lúc bấy giờ đều coi việc khai thác các kho báu này là bí mật quốc gia của Mỹ.
Tài sản của các nước châu Á biến thành của Mỹ
Nơi mà Mỹ “kiếm” được nhiều nhất từ những “điểm chôn cất kho vàng quốc gia” của Nhật là ở Saint Romana – Philippine. Khi quân đội Nhật ngày càng thất bại thảm hại tại Philippine thì đội du kích của nước này đã phát hiện thấy quân Nhật vận chuyển rất nhiều hòm lớn và nặng vào trong một hang núi, sau đó dùng thuốc nổ bịt kín tất cả lối vào. Một thiếu tá thuộc cục tình báo chiến lược Mỹ khi đó cũng ở đội du kính này và ông đã ghi nhớ được địa điểm cất giấu đó. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, ông đã tìm cách khai thông hang núi đó và tìm thấy những chiếc hòm được xếp đặt cẩn thận, bên trong chất đầy vàng thỏi, đá quý và kim cương.
Những chiếc hòm được xếp đặt cẩn thận, bên trong chất đầy vàng thỏi (ảnh minh họa)
Từ năm 1945 đến năm 1948, số tài sản giá trị hàng chục tỷ đô la này đã được vận chuyển về Mỹ mà không trao trả cho có bất cứ chủ nhân thực sự nào của nó – những quốc gia Đông Nam Á. Họ đem toàn bộ số tài sản đó gửi vào 176 ngân hàng trên 46 quốc gia khác nhau, trong đó chi nhánh ngân hàng liên hợp của Thụy Sĩ tại Giơnevơ đã mở một tài khoản cho một nhân vật có tên “Reimsdyer” với giá trị khoảng mấy chục tỷ USD.
Sau khi cục tình báo chiến lược giải tán, số tài khoản khổng lồ này được tiếp quản bởi CIA, và trở thành nguồn vốn “không thể kê khai” của cơ quan tình báo này. Mọi việc sử dụng và chi tiêu đều không chịu bất kỳ một sự kiểm tra nào. Điều đáng sửng sốt ở chỗ: có một số vàng đã trở thành tài sản riêng, trong đó lớn nhất là tài sản đã được con trai của tư lệnh MacArthur gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ tại Zurich: gần 100 tấn vàng! Ngoài ra trong tài khoản riêng của cựu thổng thống Mỹ Hoover tại ngân hàng Thụy Sĩ cũng có một lượng vàng lên đến 7,5 tấn.
Việc tìm thấy số tài sản khổng lồ đó đã giúp người Mỹ tích lũy được nhiều vốn hơn để thực hiện cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô. Theo một quan chức Mỹ tiết lộ thì chính phủ tổng thống Truman đã gom số tài sản tìm được ở Châu Á với số tài sản của phát xít Đức ở Châu Âu để thành lập lên “quỹ hành động chính trị bí mật” làm kinh phí trong cuộc đối đầu với Liên Xô sau này.
Số lượng thực sự của kho vàng bí mật
Đến nay, số vàng mà Nhật đã cướp được từ các quốc gia Đông Nam Á là bao nhiêu thì vẫn còn là một bí mật. Thế nhưng từ số lượng vàng mà cựu tổng thống Philippine Marcos cùng người đại diện của mình đã bán đi, ta cũng hình dung được phần nào. Tổng thống Marcos lúc đó cũng ý thức được rằng, tại đất nước của mình đang cất giấu một số vàng không nhỏ, cho nên ông đã nhiều lần tổ chức khai quật bí mật. Nhiều chứng cứ cho thấy ông đã gửi rất nhiều vàng tại các ngân hàng Thụy Sĩ. Ngoài ra ông còn tặng cho một nhà buôn vũ khí người Ả Rập Xêut rất thân với mình một lượng vàng khá lớn.
Cựu Tổng thống Marcos, người đã gửi rất nhiều vàng tại các ngân hàng Thụy Sĩ
Tổng thống Marcos và người đại diện của mình thường xuyên xuất hiện tại các thị trường buôn bán vàng ở London, HongKong, Sydney để bí mật bán đi rất nhiều vàng. Có lúc số vàng thỏi mà ông bán đi lên đến 10 tấn. Nó thực sự nhiều hơn số vàng dự trữ được biết đến tại đất nước này. Cứ cách một thời gian, sở buôn bán vàng lớn nhất thế giới tại London lại xuất hiện cuộc buôn bán bí mật có tên gọi “Black Hawk Marcos” (Diều hâu đen Marcos). Từ số vàng đã được bán đi cho thấy tổng thống Marcos có tài sản trị giá lên đến mấy chục tỷ USD.
Sau khi chính quyền Marcos bị lật đổ năm 1986, toàn bộ số vàng còn lại buộc phải trao trả cho người Mỹ. Để vận chuyển số vàng này, người Mỹ đã điều động cả một mẫu hạm hàng không.
Ngoài ra, còn rất nhiều cá nhân tự tổ chức các cuộc tìm kiếm vàng tại nhiều khu vực khác nhau ở Philippine. Những năm 70 thế kỷ trước, tại Philippine xảy ra “sự kiện Rokhas”. Rokhas vốn là người Philippine. Anh ta tự tổ chức các cuộc tìm vàng và năm 1970 đã phát hiện được một bức tượng Phật bằng vàng ròng phía bắc đảo Luzon. Bức tượng nặng khoảng 1 tấn, đầu tượng có thể ngắt ra, và trong đó là một lượng lớn châu báu, đá quý. Sau khi tổng thống Marcos nhận được thông tin này, ông đã cử quân đội tới nhà của Rokhas đoạt bức tượng đó khiến dư luận Philippine vô cùng xôn xao. Sau đó, vì áp lực của dư luận, Marcos đã phải “trả lại” cho Rokhas một bức tượng tương tự, nhưng chỉ là bức tượng đồng mạ vàng. Theo ước tính, giá trị thực bức tượng này cũng lên tới 2,6 tỷ USD.
Năm 1996, tức sau 7 năm Marcos chết vì bệnh, gia tộc Rokhas quyết định kiện tổng thống Marcos và người kế nhiệm ông lên tòa án bang Hawaii của Mỹ để yêu cầu được bồi thường. Năm 1998 tòa án đưa ra phán quyết, buộc vợ của Marcos phải trả lại bức tượng vàng đó cho gia tộc Rokhas.
Hơn nửa thế kỷ nay, những bí mật về số vàng mà quân đội Nhật cất giấu ở Châu Á ngày càng được hé mở. Đối tượng bị quân đội Nhật cướp bóc không chỉ là những quốc gia bị họ xâm lược mà còn có cả cá nhân, giáo đường, đền miếu, ngân hàng, công ty cũng như các tập đoàn kinh tế nằm trong khu vực bị chiếm đóng. Cuối những năm 40 thế kỷ trước, có người ước tính số tài sản mà Nhật vơ vét được có thể lên đến gần mấy trăm tỷ USD. Ngoài ra còn có rất nhiều kỳ châu dị bảo vô giá khác, điều này đã khiến dân các nước Châu Á chịu một tổn thất cực kỳ to lớn.
Vũ Anh Tiến – GD&ĐT