Dư luận mấy hôm nay xôn xao về vụ sách dạy kỹ năng sống cho trẻ em cấp một dạy các em đi trên thảm thủy tinh vỡ, tự đâm kim tiêm vào tay…để vượt qua sự sợ hãi, thể hiện lòng dũng cảm.
Thứ nhất, có vẻ như những người biên soạn nên bộ sách này vẫn chưa thật sự hiểu thế nào là dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Dạy cho trẻ lòng dũng cảm là thuộc về phạm trù đạo đức, lẽ ra phải nằm trong bộ môn đạo đức hay giáo dục công dân gì đó, chứ không phải nằm trong phần kỹ năng sống.
Về việc dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh (do sự phản ứng của dư luận, bài học này nay đã bị rút ra khỏi cuốn sách), tất nhiên, khi đem ra thực hành (mà hình như đã có vài lớp ở vài trường khác nhau thực hành vụ này rồi), các thầy cô đã cẩn thận tính toán sao cho học sinh không bị thương tích. Ví dụ như không để cho các mảnh thủy tinh vỡ thành những mảnh vụn nhỏ dễ găm vào chân, sắp xếp những mảnh thủy tinh sao cho nằm xuống không chĩa lên trên, “lấy băng dính để gom lại những mảnh vụn vỡ để đảm bảo nguy cơ thương tích cho các em ở mức độ nhỏ nhất” (như lời ông Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1”) và các em đi qua không bị sự cố gì. Nhưng nếu các em đi ngoài đường hoặc ở bất cứ chỗ nào đó, thậm chí ngay ở nhà, một cái ly bể thôi, mảnh vỡ văng tung tóe mà các em cũng tưởng là dẫm lên không sao thì thật tai hại, hoặc các em về nhà muốn thực hành thêm thì thế nào cũng bị thương tích. Điều đáng nói là dạy các em những trò như đi trên thủy tinh vỡ, tự đâm kim vào tay…không phải là dạy các em lòng dũng cảm, mà là…dạy trẻ chơi dại!
Khi dư luận chỉ trích, Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” còn bao biện:
“Nếu học đi trên thảm thủy tinh có thể chảy máu, thì học bơi cũng có thể chết đuối vậy” (trong bài báo có đề cập, cuốn sách xuất bản năm 2015 đã thay thế bài học dạy trẻ đi qua thảm thủy tinh bằng bài dạy trẻ tập bơi, và người phóng viên đã đặt câu hỏi về điểm khác nhau trong nội dung của hai bài học)
(“Nếu học đi trên thủy tinh có thể chảy máu, thì học bơi cũng có thể chết đuối vậy”, kênh 14)
Đó là một kiểu ngụy biện. Học bơi nguy hiểm nhưng biết bơi là một kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, giúp các em khỏi bị chết đuối, nhất là khi ở VN có biển, có quá nhiều sông suối, kênh đào và năm nào cũng đọc thấy thông tin học sinh bị chết đuối chỗ này chỗ kia…Đi trên thủy tinh vỡ không phải là một kỹ năng sống cần thiết. Một người với trí thông minh bình thường cũng biết khi thấy thủy tinh vỡ thì nên tránh chứ không phải cứ dẫm lên để chứng minh mình dũng cảm.
Còn chuyên gia cao cấp Lê Anh Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc Tâm Việt Group thì cho rằng:
“Việc dạy cho học sinh đi trên thủy tinh là một trong hệ thống các bài tập thực hành một trong những giá trị sống. Đó là giá trị về lòng dũng cảm, vượt qua nỗi sợ của bản thân.
…chương trình rèn luyện cho các em những kỹ năng sống, giá trị sống. Ở nước ngoài chỉ những trường quốc tế mới được học.
…Đây là những chương trình huấn luyện về kỹ năng sống và không phải học sinh nào cũng được học. Để học được những chương trình, nhà trường hoặc phụ huynh phải có đủ kinh phí để theo học các lớp có sự lựa chọn về giảng viên. Ở nước ngoài, chỉ các học sinh trường quốc tế mới được học những bài này bởi chi phí cho giảng viên là rất đắt đỏ.
Những gia đình quan tâm đến con em, có điều kiện kinh tế mới có điều kiện tham gia các chương trình huấn luyện này.”
(“Sách dạy trẻ kỹ năng đi trên thủy tinh: Việc tốt, nên làm” (VTC News)
Như đã nói ở trên, người viết bài này không nghĩ dạy trẻ em đi trên thủy tinh vỡ là “những giá trị của lòng dũng cảm, những giá trị sống, kỹ năng sống”. Dũng cảm là vượt qua những sự nguy hiểm nhưng phải là sự nguy hiểm cần thiết, và có khả năng trẻ sẽ phải đương đầu trong cuộc sống, ví dụ như khi nhà cháy, khi phải vượt qua một con suối, một khu rừng vắng, khi lạc đường …hoặc dũng cảm vượt qua chính mình khi thú nhận một việc làm sai, một lời nói dối, dũng cảm giúp đỡ người khác đang gặp nguy v.v.
Có thể những giáo trình này đã được dạy ở nước ngoài nhưng khi đem vào dạy cho trẻ con VN thì phải cân nhắc. Ngay cách trình bày vấn đề có phù hợp hay không. Ví dụ như trong bài cách dạy cười, “giơ ngón cái ở trước mặt nhìn các bạn và cười ha ha ha, chỉ ngón trỏ về phía bạn và cười, miệng há to, nhìn các bạn và cười không phát ra tiếng, cười với cây cối trong vườn…”
Chúng ta biết, tập cười là điều quan trọng, nhiểu khi cuộc sống mệt mỏi phiền toái quá khiến chúng ta quên mất nụ cười. Cười để thư giãn, cười tạo niềm lạc quan vui sống cho mình, cười tạo sự thân thiện cho người khác… Tuy nhiên, khi đem vào dạy trẻ em, cách thức trình bày làm người đọc cảm thấy chẳng khác nào dạy một lũ bị tâm thần, gặp cái gì cũng cười hô hô ha ha.
Chưa kể hàng loạt kiến thức nhồi nhét, chưa cần thiết cũng được đem vào dạy trong sách kỹ năng sống, biến kỹ năng sống cuối cùng lại trở thành một môn học nặng kiến thức, mà tác giả trong bài viết “Yêu cầu HS lớp 2 nhớ tên 5 hoa hậu thế giới”(VietnamNet) đã nêu lên. Nào yêu cầu trẻ phải “Kể tên 5 hoa hậu thế giới trong 5 năm vừa qua, kể tên 5 người đoạt giải Nô-ben năm 2012”. Rồi nào “HS lớp 3 sao đã học “Tổng quan cấu trúc bài thuyết trình”?, HS lớp 4 sao đã học “Hai bán cầu não” , HS lớp 5 sao đã phân tích chữ Hán?…”
Có khi, lại dạy trẻ những điều nhảm nhí, có hại như trong bài “Sách nhảm, dung tục “tấn công” học sinh” (Lao Động) đã phân tích. Dạy trẻ “cùng các bạn nhảy lên tấm ván đặt trên một con lăn, cách mặt đất 15 cm để vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Sau khi thực hiện, em cảm thấy…” Nhiều phụ huynh lo lắng, khi nhảy lên tấm ván đặt trên con lăn đó thì học sinh sẽ “vồ ếch”, có cơ ngã dập mặt”. Dạy trẻ còn nhỏ mà đã láu vặt, không tôn trọng luật an toàn về giao thông như trong ví dụ về việc góp ý cho bác tài xế xì hơi các bánh xe để chiếc xe tải, có chiều cao quá mức cho phép, có thể đi qua gầm cầu vượt. Sách “Hỏi đáp nhanh trí” thì càng nhảm nhí hơn, từ cách đật câu hỏi, trả lời, những tình huống đặt ra, cho tới hình ảnh minh họa…mà trong bài báo đã chỉ ra.
Người ta nghĩ sao với những quyển sách và cách dạy trẻ như vậy?
Thực tình tôi không hiểu nổi nhiều ông giáo sư, tiến sĩ ở đất nước này. Hình như họ vẫn không hiểu thế nào là kỹ năng sống và dạy kỹ năng sống cho trẻ con, họ vẫn chưa hiểu cái gì nên dạy, cái gì không?
Ở lứa tuổi cấp một, có những kỹ năng sống tối thiểu mà các em cần biết, ví dụ như với học sinh lớp một, nếu ở nhà một mình có ai gõ cửa đòi vào nhà thì không cho vào, đừng nói chuyện với người lạ, đừng nhận quà, leo lên xe người lạ… cho tới nếu ở nhà một mình mà điện bị hư, lửa bốc lên trong bếp…thì phải làm gì, nếu bà ngoại già hoặc em bé nhỏ chẳng may bị ngất thì phải kêu số điện thoại nào. Lớn hơn một chút, lớp hai lớp ba, biết sơ cứu đơn giản cho mình và cho người khác, biết giúp đỡ khi người già bị đột quỵ, bị tai nạn, khi em bé nhỏ bị sặc sữa…, biết nấu những món ăn đơn giản cho mình khi cha mẹ vắng nhà…Rồi thì học bơi, học những biện pháp tự bảo vệ ở mức tối thiểu.
Tức là những kỹ năng tự bảo vệ mình, biết ứng phó trong những tình huống cần thiết hoặc nguy hiểm. Cấp hai cấp ba là dạy các em có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội ở mức cao hơn, kể cả dạy các em phải biết tự vệ trong những trường hợp bị tấn công bất ngờ, có thể tự sống sót một mình trong rừng, ngoài biển, trẻ ở thành phố không bỡ ngỡ khi về nông thôn, dạy các em kỹ năng giao tiếp, biết định hướng, biết lên kế hoạch làm việc, quản lý thời gian, quản lý tiền bạc, làm việc theo nhóm v.v…
Còn nhớ ở VN trước năm 1954 và ở miền Nam trước ngày 30.4.1975 ở có tổ chức Hướng đạo sinh cực kỳ hay, không chỉ giúp thanh thiếu niên rèn luyện tính cách, tháo vát, để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, biết sống chan hòa với tập thể, để trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm, biết trọng danh dự, hữu ích cho xã hội trong tương lai…mà còn dạy rất nhiều kỹ năng sống cụ thể, ví dụ như khi đi picnic, đi dã ngoại biết dựng lều, thắt nút thòng lọng, sử dụng la bàn, tìm hướng trong bóng đêm, hoặc biết sử dụng những cách thức để cầu cứu khi bị lạc, bị nguy hiểm, biết dùng đá quẹt nhóm lửa trong rừng, thổi và nấu cơm, cấp cứu…
Ai đã từng tham gia tổ chức Hướng đạo sinh đểu biết tổ chức này đã rẻn luyện con người trở thành những cá nhân biết sống vì mình, vì người khác và vì cộng đồng, biết nhiều thứ trong cuộc sống như thế nào. Phong trào này đã bị đình chỉ hoạt động tại miền Bắc Việt Nam vào năm 1954 và rồi toàn cõi Việt Nam vào năm 1975.
Sau này hình như cũng có một số đơn vị Hướng đạo được thành lập và hoạt động trở lại ở miền Nam, nhưng không được nhà nước VN chính thức công nhận.
Kỹ năng sống là như vậy. Chúng ta quá biết lâu nay dưới mái trường xã hội chủ nghĩa học sinh chỉ được dạy một mớ kiến thức chết mà không được dạy các kỹ năng sống, nền giáo dục này chỉ dạy các em lao vào học lấy điểm rồi sau này cố mà thi vào đại học, học để lấy bằng, chứ không phải học để làm người, đặc biệt, một con người tử tế, lương thiện. Việc tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên quá cao tại VN so với nhiều nước khác trong khu vực hay trên thế giới, việc trong xã hội ngày càng có nhiều vụ án xảy ra trong đó tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng nhiều, mức độ phạm tội ngày càng dã man, phi nhân tính…là hậu quả nhãn tiền.
Đó là một nền giáo dục thiếu vắng một triết lý giáo dục cao đẹp, thiếu hẳn sự tự do, độc lập, sáng tạo, tính nhân bản. Những ví dụ về sự thiếu nhân bản thì đầy dẫy. Trong khi giáo dục ở chế độ cũ của miền Nam dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống như đi thưa về trỉnh, gặp đám ma đứng lại ngả mũ chào, gặp người già trẻ em phụ nữ có mang thì giúp đỡ, biết thương xót người tàn tật cho tới thú vật chim muông…thì giáo dục miền Bắc trước đây chỉ nhăm nhăm nhồi nhét vào đầu trẻ lòng căm thù Mỹ ngụy, yêu Bác Hồ chứ không phải yêu ông bà cha mẹ mình, dạy toàn những điều đao to búa lớn…
Nền giáo dục ấy cho đến tận bây giờ cũng vẫn không khá hơn về bản chất.
Nên đừng tự hỏi tại sao xã hội ngày càng lắm kẻ vô cảm, vô trách nhiệm, ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình, sao lắm tội phạm, tội ác. Ngay nhiều quan chức được ăn học ở nước ngoài, giáo sư, tiến sĩ lắm học hàm, học vị kêu xủng xoẻng mà còn từ phát biểu cho tới hành động đều ngu xuẩn dốt nát, vô cảm, lý lẽ thì đầy ngụy biện, xa rời thực tế, xa rời nhân dân…thì làm sao dạy trẻ cho ra hồn, làm sao là gương tốt cho trẻ?
Song Chi