Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế (ICAO) sẽ phải lên tiếng về ba chiếc phi cơ dân dụng của Trung Quốc hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Phạm vi FIR Hồ Chí Minh. (Hình: Interrnet)
Hôm 2 Tháng Giêng, Trung Quốc điều động chiếc phi cơ dân dụng đầu tiên hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập. Việt Nam, Philippines, Nhật, Hoa Kỳ cùng lên tiếng phản đối. Những quốc gia này nhận định, hành động vừa kể của Trung Quốc tại vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền với năm quốc gia khác đã tạo thêm căng thẳng, đe dọa hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Các chuyên gia an ninh-quốc phòng thì cảnh báo việc Trung Quốc cho phi cơ thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập chứng tỏ Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành kế hoạch kiểm soát toàn bộ biển Đông. Chắc chắn Trung Quốc sẽ đưa các phi cơ quân sự đến những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng xong. Các căn cứ quân sự mà Trung Quốc thiết lập tại biển Đông sẽ là nơi trú đóng cho các phương tiện quân sự, hậu thuẫn cho tuyên bố thiết lập ADIZ (vùng nhận dạng phòng không) và cuối cùng là hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông.
Trung Quốc đáp lại bằng tuyên bố, việc cho phi cơ thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập là tất nhiên và chính đáng bởi Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại quần đảo Trường Sa và các vùng biển quanh đó. Trung Quốc cũng “khuyên” Hoa Kỳ nên tỏ ra có trách nhiệm, khách quan bằng những phát biểu thật sự có lợi cho hòa bình và sự ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Kế đó, ngày 6 Tháng Giêng, Trung Quốc điều động thêm hai phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Mới đây, Cục Hàng Không Việt Nam loan báo đã gửi khiếu nại cho ICAO vì khi điều động các phi cơ dân dụng thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc đã không có bất kỳ thông báo và thiết lập liên lạc nào với FIR Hồ Chí Minh.
FIR (Flight Information Region) là một thuật ngữ hàng không, xác định phạm vi và trách nhiệm điều hành – hướng dẫn tất cả hoạt động của các phương tiện bay của một cơ quan kiểm soát không lưu. Tuy FIR không đồng nghĩa với chủ quyền về không phận nhưng theo qui định của hàng không quốc tế, để bảo đảm an toàn bay và dễ dàng tổ chức tìm kiếm-cứu nạn, các phương tiện bay vào FIR nào thì buộc phải thông báo và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan kiểm soát không lưu điều hành FIR đó.
Ngoài không phận Việt Nam, FIR Hồ Chí Minh (trước đây là FIR Sài Gòn) còn có trách nhiệm hướng dẫn tất cả hoạt động của các phương tiện bay trong một phần không phận của Lào và Cambodia. Ngoài ra FIR Hồ Chí Minh và FIR Hồng Kông còn có trách nhiệm hướng dẫn các phương tiện bay trong vùng trời phía trên biển Đông.
Trong khiếu nại gửi ICAO, Cục Hàng Không Việt Nam nhấn mạnh, dẫu hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh nhưng các phi cơ dân dụng của Trung Quốc đã không gửi kế hoạch bay, không liên lạc để nhận sự hướng dẫn của cơ quan kiểm soát không lưu điều hành FIR này. Điều đó vi phạm các quy định của ICAO và uy hiếp an toàn bay của cả khu vực.
Dù muốn hay không thì ICAO cũng phải nhập cuộc và chưa rõ Trung Quốc sẽ biện bạch thế nào.
Theo G.Đ