Thí dụ chúng ta đến ăn ở một cửa hàng mà thấy thức ăn thì dở, nhân viên thì không thèm nghe khách nói, và ruồi nhặng tùm lum, quý vị sẽ làm gì? Nhiều khi phải cố nuốt cho xong bữa. Nhưng bình thường thì người ta sẽ quyết định, hoặc từ nay cạch đến già không đến đây ăn nữa, hoặc mời chủ tiệm ra, lên tiếng than phiền hay là phản đối.
Nhà kinh tế Albert Hirschman, mới qua đời cuối năm 2012, đã viết một cuốn sách bàn về các “phản ứng” của người tiêu thụ, với nhan đề là: “Exit, Voice and Loyalty” (Bỏ đi, Lên tiếng và Thủy chung); với tựa nhỏ: “Responses to Decline in Firms, Organizations, and States” (Phản ứng trước sự Suy đồi của các Xí nghiệp, Tổ chức, và Quốc gia).
Cuốn sách in năm 1970, đến năm 1989 bỗng được nhắc nhở lại trong thế giới chính trị học. Vì nhiều người thấy hiện tượng “Bỏ đi hoặc Lên tiếng” cũng diễn ra ở Ðông Ðức. Mô hình của Hirschman có thể giải thích sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Cộng Hòa Dân Chủ Ðức.
Trong cuốn sách trên, Hirschman trình bày hai cách phản ứng của con người khi bất bình với một xí nghiệp cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ không xứng đáng, hay với một tổ chức và quốc gia không đáp ứng những ước vọng của tham dự. Thứ nhất là chỉ “bỏ đi” mà không cần nghĩ tới nó nữa; người tiêu thụ đi mua hàng nhãn hiệu khác; dân một nước đi di cư. Thứ nhì là “lên tiếng” ở ngay trong tổ chức để mong nó thay đổi; hoặc đề nghị chính quyền thực hiện các chính sách đúng lòng dân. Những người muốn thủy chung thường không nghiêng về giải pháp bỏ đi, họ ở lại và cố gắng cải thiện.
Hirschman nhận xét hành động bỏ đi thường là quyết định có tính chất cá nhân; còn việc lên tiếng thường có tính tập thể, vì công ích hơn là tư lợi. Ông phân tích tác động của hành động bỏ đi trên khuynh hướng lên tiếng, và ngược lại. Khi biết có thể đi ăn ở tiệm phở khác được thì khách hàng chẳng cần phải lên tiếng chê hàng phở nấu dở. Cũng vậy, khi người dân một nước có thể di cư sang nước khác dễ dàng thì họ cũng không quan tâm đến việc đòi hỏi chính quyền phải đưa ra những chính sách hợp ý dân hơn. Cả hai lựa chọn đều thể hiện khát vọng tự do, cho nên các chế độ phủ nhận quyền tự do của dân có thể nới rộng hoặc thắt chặt hai chính sách cùng một lúc; và việc thả lỏng trong phạm vi này có thể kích động nhu cầu đòi phải nới rộng trong phạm vi khác. Cũng giống như khi một xí nghiệp biết khách hàng có thể chọn mua của xí nghiệp khác thì họ cũng sẵn sàng hỏi ý kiến người tiêu thụ để tự cải tiến dịch vụ hay sản phẩm.
Trong trường hợp các nước cộng sản, thả lỏng cho người dân di cư, hoặc chính quyền nấp đằng sau việc tổ chức di cư, là một cách để giảm bớt số tiếng nói phản kháng có thể cất lên. Nhưng hai lựa chọn bỏ đi hay lên tiếng tác động nhau khiến cho chính sách thả lỏng di dân khiến cho nhiều người lên tiếng mạnh mẽ hơn. Như tại Ðông Ðức trước năm 1989, hai loại hành động của người dân chán ghét chế độ cộng sản đã hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Sau khi chính phủ Hungary (cộng sản) mở cửa biên giới với nước Áo (tự do và trung lập) vào đầu Tháng Năm 1989, hàng ngàn người Ðông Ðức (cộng sản) đã qua Hungary để tìm đường sang Áo, rồi từ đó vào tị nạn tại Tây Ðức (tự do). Ðến cuối Tháng Chín, đã có hơn 30,000 người theo con đường đó, khiến chính quyền cộng sản phải đóng cửa biên giới với Hungary; nhưng người dân vẫn biết cách tìm đường chui mà đi.
Người dân Ðông Ðức được tự do bỏ đi trong một thời gian, chính hành động này thay đổi cả cách họ nhìn thế giới và nhìn chế độ đang cai trị họ. Một khi cảm thấy được tự do hơn để lựa chọn giữa hai đường Bỏ đi (Abwandern), hay Lên tiếng (Widersprechen), người ta bỗng dưng thấy tự do là một điều đáng mơ ước, thấy trên thế giới này con người có thể còn rất nhiều thứ để lựa chọn nếu được tự do. Người dân bình thường chưa hề nghĩ tới việc bỏ đi hay là lên tiếng cũng chịu ảnh hưởng trước quyết định của những người khác. Tự nhiên, ai cũng ý thức được “tư cách người lớn” của mình, không ai chấp nhận sống dưới sự chỉ huy ngặt nghèo của một chế độ coi dân chúng như trẻ con nữa. Nhiều người quyết định không bỏ đi mà phải lên tiếng. Vì công ích chứ không phải vì mình. Mỗi ngày họ càng đông hơn. Họ đánh thức cả một dân tộc.
Năm 1990, Hirschman trở lại Berlin, sống một năm ở quê hương mà ông đã phải bỏ ra đi năm 18 tuổi. Suy nghĩ về mô hình cũ của mình, ông nhận thấy các biến cố đưa tới sự sụp đổ của Bức Tường cho chúng ta một bài học: Hành động Bỏ đi có thể tác động tác trên hành động Lên tiếng, vì có nhiều người bỏ đi nên càng thêm có nhiều người lên tiếng, chính vì nhiều người bỏ đi nên cường độ lên tiếng càng mạnh mẽ hơn! Cả hai loại quyết định đó đã hỗ trợ lẫn nhau đưa tới cảnh chế độ cộng sản sụp đổ.
Có thể dùng mô hình “Exit, Voice and Loyalty” của Hirschman để nhận định về tình trạng nước ta hay không? Chế độ cộng sản ở Việt Nam trước đây 30 năm từng cho tổ chức những vụ “vượt biên bán chính thức” để thu tiền “bán bến.” Nhiều cán bộ cộng sản đã làm giầu nhờ chủ trương này; nhưng đó cũng là một cách để giảm bớt số người “lên tiếng,” khi mở ra cho họ con đường “bỏ đi.” Những người đang “lên tiếng” chống chế độ bây giờ cũng được khuyến khích “bỏ đi” trước khi họ tạo thêm ảnh hưởng.
Ngày nay, còn những người thuộc loại “có của” cũng mới được thả cho “bỏ đi.” Bởi vì nếu còn ở trong nước nhiều người sẽ có ngày phải “lên tiếng” đòi những quyền tự do họ cần được hưởng. Có nhiều lý do khiến những người có tiền có của sẽ tới lúc cũng muốn “lên tiếng.” Thứ nhất, họ thấy rằng tài sản mình tạo ra chỉ được bảo đảm nếu xã hội sống trong luật pháp. Người ta sẽ sở phải tiếp tục sống với bọn cường hào tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm; như đã xẩy ra trong cảnh anh Nguyễn Tuấn Anh mới chết oan khuất ở Vĩnh Phúc. Ðến mạng người mà chúng còn không kiêng nể thì thử hỏi có cái gì khác được an toàn trong một đất nước do đám này “lãnh đạo?” Nhưng người ta cũng còn những nhu cầu tự do khác, ngoài quyền được sống trong luật pháp rõ ràng. Bởi vì chỉ có pháp luật công minh khi người dân được tự do, ít nhất là được tự do lên tiếng. Nhu cầu tự do này sẽ đẩy tới nhu cầu tự do khác. Cứ như thế, sẽ nguy hiểm cho chế độ.
Những người muốn lên tiếng hoặc phải bỏ đi thường là những phần tử ưu tú trong một xã hội. Một cửa hàng mà gặp được khách “sành ăn” thì có thể được nghe họ lên tiếng để giúp mình nấu nướng ngon hơn. Khi đám khách đó lên tiếng thì chủ tiệm phải biết cảm ơn. Còn nếu họ chỉ bỏ đi ăn tiệm khác, thì cửa hàng sẽ cứ làm thức ăn như cũ, không khá hơn được. Sẽ có ngày bị cạnh tranh đến sập tiệm.
Trong một quốc gia, những người hay lên tiếng cũng giống như đám khách sành ăn; thường là loại công dân có khả năng, biết cái hay khác cái dở, biết việc đúng khác việc sai. Họ cũng phải là những người có lý tưởng, không chỉ nghĩ tới quyền lợi và sự an vui của riêng mình mà còn lo cho đồng bào. Khi một quốc gia mất những thành phần có khả năng và có lý tưởng thì tai hại cho tương lai.
Khi những người có triển vọng lên tiếng mà lại bỏ đi thì chế độ sẽ kéo dài được lâu hơn. Nhưng phải nhớ lại trường hợp Ðông Ðức để thấy rằng khi số người bỏ đi và số người lên tiếng cùng gia tăng thì hai hiện tượng xã hội này sẽ thúc đẩy lẫn nhau, không thể tránh được. Số người lên tiếng lên cao còn tác động tới lòng Chung thủy (Loyatlty) của những người khác. Những người tính bỏ đi cũng có thể nghĩ lại, vì lòng “chung thủy” sẽ được khơi dậy. Trong tâm lý người Việt Nam, đó là tình tự sâu bền đối với quê hương, đất nước. Vì lòng yêu nước, nhiều người không thể nào chọn con đường “bỏ đi,” nếu nhìn thấy hy vọng có thể “lên tiếng” để cải thiện cuộc sống, cho mình và cho người chung quanh.
Nước ta hiện nay có rất nhiều người lên tiếng. Một nhạc sĩ 90 tuổi như Tô Hải đã ngậm miệng gần suốt đời, chịu không nổi nữa. Cô Trịnh Kim Tiến bắt buộc phải lên tiếng, và chắc chắn cô sẽ không chịu bỏ đi. Bà Phạm Thị Lài và con gái đã lên tiếng bằng những hành động bất đắc dĩ. Những người ít nói mãi cũng phải bật miệng lên tiếng. Nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên thấy phải nói thẳng tại sao ông không đồng ý với ông Nguyễn Phú Trọng. Bao nhiêu người lên tiếng như vậy, còn đông hơn số các nhà trí thức Ðông Ðức lên tiếng trước năm 1989. Ðó là dấu hiệu đất nước sẽ phải thay đổi.
Ngô Nhân Dụng