Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có kế hoạch cùng Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia sẽ lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngày 5/11 ra Biển Đông.
Thông tin trên được hãng tin AP đăng tải và tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn lại.
Trước đó, hãng Reuters cho biết, không rõ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ đi đến khu vực nào, nhưng gần đây tàu này thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.
Khi được phóng viên hỏi lý do tàu sân bay Mỹ đi lại ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết: “Đây không phải là việc gì mới, vài chục năm qua đều là như vậy, trái lại, chính hoạt động khai thác, xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn (bất hợp pháp của Trung Quốc) ở Biển Đông mới là việc mới mẻ”.
Ông Ashton Carter còn tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do đi lại, đồng thời yêu cầu các bên lập tức chấm dứt hoạt động khai thác và quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Trong khi đó, phát biểu tại Trung tâm Stanford thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 3/11, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris tuyên bố quân đội nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở “bất cứ nào” mà luật pháp quốc tế cho phép, kể cả ở Biển Đông.
“Các vùng biển và không phận quốc tế thuộc sở hữu của mọi người chứ không phải của bất cứ quốc gia đơn lẻ nào. Quân đội của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và ở bất cứ đâu cũng như bất cứ thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông đang và sẽ không phải là một ngoại lệ”.
Ông Harris cho rằng chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải của Washington không nên bị coi là mối đe dọa. Ông nói: “Chúng tôi đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ qua, do đó (hoạt động ở Biển Đông) không phải là điều bất ngờ. Tôi tin rằng các hoạt động này sẽ không bao giờ bị coi là mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết bất đồng một cách hòa bình, không dùng vũ lực và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tuần trước, Mỹ đã đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cho rằng động thái này đe dọa chủ quyền, lợi ích và an ninh của Bắc Kinh. Dù vậy, phía Mỹ tuyên bố, hải quân nước này có kế hoạch thực hiện tuần tra Biển Đông ít nhất 2 lần/quý.
Tình trạng đối đầu ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ được cho là đã tác động đáng kể đến kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 3 vừa diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia), theo nhận định của Thời báo Tài chính (Anh) hôm 4/11.
Kết thúc hội nghị, các nước thành viên ADMM+ đã không thể ra được tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Biển Đông.
Chỉ một tuần sau khi Hải quân Mỹ có động thái đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, cả hai nước đã đẩy mạnh cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng trên mặt trận ngoại giao ngay tại hội nghị ADMM+ lần thứ 3.
Việc giới chức Trung Quốc và Mỹ ráo riết vận động nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đã buộc các nước thành viên ADMM+ phải hủy bỏ lễ ký tuyên bố chung về những vấn đề an ninh khu vực.
Chính phủ một số nước Đông Nam Á lo ngại họ sẽ bị kéo vào cuộc đối đầu giữa hai cường quốc này.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, Chủ tọa hội nghị ADMM+ lần thứ 3, cảnh báo rằng những toan tính về địa chính trị của các cường quốc có nguy cơ đẩy căng thẳng khu vực leo thang.
Tuy nhiên, tuần trước, ông Hishammuddin Hussein đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc tập trận của Hải quân Mỹ ở gần một hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông.
An Nhiên (Tổng hợp)