Trong bài viết Vài suy nghĩ về Bên Thắng Cuộc của Huy Đức, ông Vũ Ánh viết:
“Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không?“1
Tư duy khoa học chặt chẽ, hợp lý tiến hành theo một quy trình chính xác dựa vào một hệ thống quy tắc khiến cho những nhận xét và suy luận không tự mâu thuẫn. Trong khoa học thực nghiệm, đặc biệt trong khoa học ứng dụng – chẳng hạn trong y khoa – giả thuyết xây dựng trên cơ sở nhận xét và được thực nghiệm kiểm chứng (ví dụ thử nghiệm tác dụng của thuốc trên động vật rồi kiểm chứng trên người tình nguyện). Trong khoa học xã hội – như triết học, sử học, văn học, luật học, kinh tế học, chính trị học, ngôn ngữ học v.v..– là khoa học nghiên cứu những quy luật hình thành, hoạt động và phát triển của xã hội và của con người, nghiên cứu các quan hệ giữa con người với nhau – ví dụ giữa người cộng sản và người quốc gia – đóng vai trò kiểm chứng là kinh nghiệm, là lịch sử. Kinh nghiệm sống của miền Nam, lịch sử văn hoá của nó cung cấp dồi dào những dữ kiện thuộc hiện thực để trả lời rất thoả đáng câu hỏi được ông Vũ Ánh nêu ra.
Chế độ Việt Nam Cộng Hoà là một chế độ thân Tây phương.
Những người góp phần xây dựng, củng cố, bảo vệ nó– trong số có kẻ viết bài này – đều chịu ảnh hưởng các nền văn minh Âu Mỹ không nhiều thì ít. Cho nên có thể khẳng định là nếu Miền Nam chiến thắng trong cuộc chiến ý thức hệ thì chính sách đối xử với tù hàng binh đối phương không thể nào tàn ngược như chính sách của chế độ cộng sản, lại càng không thể tàn ngược đến mức gọi là “trả thù“ (động từông Vũ Ánh dùng). Chỉ có hai chế độ đạt được tiêu chuẩn phi nhân đối với các cộng đồng mình không ưa là chế độ quốc xã và chế độ cộng sản. Chế độ cộng sản còn hơn chế độ quốc xã ở tính cách mọi rợ đểu cáng.
Văn hoá Miền Nam là một nền văn hoá có căn bản nhân bản. Chủnghĩa nhân bản tin vào con người, hướng con người đến mục đích mưu cầu hạnh phúc vật chất và tinh thần mà không xúc phạm nhân phẩm. Từ trào lưu sơ khởi với những Rabelais (Gargantua, Pantagruel), Du Bellay (Défense et illustration de la langue française), Montaigne (Essais) cho đến thế kỷ XX, humanisme đãthường xuyên phải chiến đấu với những hiện tượng hoặc những hệ thống phủ nhận cá nhân và giá trị con người của cá nhân; từ chống chiến tranh tàn sát nhân loại bằng kỹ thuật hiện đại đến chống độc tài quốc xã, chống đảng trị cộng sản vì chúng hủy diệt nhân tính. Hãy đọc Nineteen Eighty Four của George Orwell.
Chủ nghĩa nhân bản đó thấm đẫm nền văn hoá Miền Nam quốc gia, con người Miền Nam quốc gia hô hấp bầu khí quyển chân lý đạo đức do nó cung cấp, suy nghĩ hành động theo tưduy lý luận của nó. Khác hẳn và ngược hẳn với chủnghĩa cộng sản của Miền Bắc trước 1975.
Việt Nam Cộng Hoà tuy là một xã hội có nhiều khuyết điểm nhưng vẫn là một xã hội chủ yếu xây dựng trên tinh thần nhân bản. Bởi thế tự thân cơ cấu nó có những đối lực, đối trọng; môi trường nội thể nó có những máy hãm, chất cản. Để khiến cho nó chẳng thểnào có những trại giam tàn bạo hơn trại tập trung cải tạo cộng sản. Những đối lực, đối trọng, những máy hãm, chất cản, trong trường hợp chúng ta đang bàn, là dư luận báo chí quốc nội và quốc ngoại, là thành phần đối lập và chống báng. Nếu Miền Nam mà đày đọa người cộng sản thất trận như người cộng sản đã đày đọa người Miền Nam thất trận – chỉ như thôi, đừng nói hơn – là các ông Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan với các tờ báo Đối diện, Đứng dậy; các bà Kiều Mộng Thu, Ngô Bá Thành, ni sư Huỳnh Liên, ông nhà văn Vũ Hạnh, bà nhà văn Minh Quân; các tổ chức“tranh đấu đòi cải thiện chế độ lao tù“, các phe nhóm “phản đối chế độ chuồng cọp“ và hàng hàng lớp lớp những thành phần phóng viên, ký giả Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Úc, Phi, Nhật cùng với những trí thức chuyên gia “tiến bộ“ à la Erich Wulff, à la André Menras alias Hồ Cương Quyết2v.v..và v.v..sẽ nhao nhao lên tố cáo, biểu tình, xuống đường, tuần hành, đốt xe hơi, đánh cảnh sát, hô khẩu hiệu, nằm vạ trước thềm Quốc hội, chiếm đóng trụ sở Đại học, lại v.v..và v.v.. Miền Nam từ bản chất không thể nào làm được như ông Vũ Ánh vò đầu suy nghĩ.
Miền Namđã từng chiêu hồi hàng trăm ngàn người cộng sản. Trong khi đó thì chính con gái Staline đã rời bỏ chế độNga Xô-viết. Không có nhà thơ nào ở Miền Nam đề cao chủ nghĩa tàn sát đồng bào như Tố Hữu, như Xuân Diệu. Không có nhà văn nào hoan nghênh căm thù và sát nhân nhưChế Lan Viên : “Chính vì thương yêu mà người cộng sản phải căm thù. Chính vì muốn cho ngày mai sẽ đến một xã hội không còn kẻ giết người, mà hôm nay ta phải tiêu diệt chúng nó.“3
Trong khi đó nhà thơ Cao Tần chủ trương:
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng, ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương.
Cách mạng vô sản khác với cách mạng tư sản, theo học thuyết cộng sản. Một trong những sự khác biệt đó là: cách mạng tư sản thường kết thúc bằng việc nắm chính quyền nhưng đối với cách mạng vô sản thì nắm chính quyền chỉ là bước đầu của cách mạng, vì chính quyền mới sẽ được sử dụng làm đòn bẩy để cải tạo nền kinh tế cũ và tổ chức nền kinh tế mới. Thực tếlịch sử chứng minh rằng thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chuyên chính vô sản là thực hiện những sự cải tạo về kinh tế, xã hội và chính trị tại các nước được mệnh danh là dân chủ nhân dân, từchâu Âu qua châu Á, từ châu Phi qua châu Mỹ. Về mặt sinh học, đường lối câu thúc thân thể những phần tử thù nghịch đối kháng để làm công việc gọi là cải tạo họ dựa chủ yếu vào các học thuyết, chủ trương của những tác giả Nga hay Liên Xô cũ Timiriazev, Lyssenko, Setchenov, Pavlov; qua đó người dân được cải tạo hàng loạt trong nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa. “Toàn bộ lịch sử chủ nghĩa cộng sản mang dấu ấn những tập thể xã hội hay chủng tộc bị tàn sát hay xua đuổi có hệ thống không phải vì những gì họ từng làm, mà vì những gì họ vốn là.“ Jean-Francois Revel nhận xét như vậy trong cuốn sách liên quan đến tác phẩm Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản.3 Những “tập thể xã hội hay chủng tộc“ được Jean-Francois Revel đề cập thì ở Việt Nam sau tháng tư 1975 không hề thiếu: ngụy quân, ngụy quyền, văn nghệ sĩ, nạn kiều người Hoa, giới tư sản và tưsản mại bản.4
Trong lý luận, ý kiến cho rằng miền Nam mà thắng thì sẽ đối xử với Miền Bắc cũng tồi tệ như Miền Bắc từng đối xử với Miền Nam sau 1975, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn, là một định đề. Từ định đề đó, tôi xin tiếp tục chứng minh qua hoàn cảnh lịch sử của nước Đức. Ai cũng biết rằng Tây Đức đã thắng Đông Đức, tưbản đã thắng cộng sản, tự do đã thắng độc tài. Không hề có trại tập trung học tập cải tạo. Điều này cả thế giới đều thấy và đang thấy. Các Ủy viên Trung ương Bộ Chính Trị đảng cộng sản Đức một sốphải ra toà, nhưng chỉ bị lãnh án tương xứng với tội trạng; và họ đã được xử theo luật pháp của chính nước Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức)! Egon Krenz, Tổng Bí thư cuối cùng, chỉ lãnh án mấy năm rồi được Thị trưởng Berlin Klaus Wowereit ân xá. Erich Mielke, viên tướng không mặt chỉ huy cơ quan tình báo mật vụ Đông Đức Stasi, chết già trong một viện dưỡng lão5. Sĩ quan không phải đảng viên cộng sản thuộc quân đội nhân dân được thu nhận vào quân đội liên bang. Thời gian phục vụ trong bộ máy công quyền cũ đương nhiênđược tính vào thâm niên hưởng hưu bổng của công nhân viên chức về hưu sau ngày thống nhất. Vợ của thủlãnh Đông Đức cuối cùng, bà Margaret Honecker, đang ung dung sống ở Chile với lương hưu bổng được chính quyền chuyển cho đều đặn hàng tháng. Bả còn kiện cáo chính quyền Angela Merkel vì cho rằng hưu bổng của mình khôngđúng tiêu chuẩn!
Thử dùng một tiên đề làm xuất phát điểm cho hệ thống lý luận ai thắng ai, nhiều người Đức đã đưa ra chuyện giả định rằng nếu Đông Đức chiếm được Tây Đức thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Tờ nhật báo Bild, có số độc giả rất lớn, đã mời gọi độc giả góp ý về chủ đề liên hệ và người viết bài này cũng đã mượn chính hoàn cảnh bản thân và quê hương để gửi thư cho tờ báo đăng tải vào mục ý kiến độc giả.
Trong trường hợp này, Honecker đã có sẵn tư tưởng Marx-Engels-Lénine-Staline-Mao Trạch Đông, chỉ việc mang ra áp dụng cho đám quân công cán chính Tây Đức.
Có thể có người bảo Đức thống nhất trong hoà bình còn Miền Nam bị Miền Bắc chiếm đóng sau một cuộc chiến. Muốn trảlời, có thể vẫn dùng lịch sử hiện đại Đức đểchứng minh. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, nước Đức bị quân đồng minh Anh Mỹ Pháp và Liên Xô chiếm cứ.Trên vùng lãnh thổ do Anh Mỹ Pháp quản trị, các viên chức cao cấp và sĩ quan Đức bị tập trung vào những trại câu lưu. Người Đức dùng chữ Internierung để chỉ biện pháp này.Trung bình họ bị giữ ba, bốn tháng. Họ bị an trí như vậy nhằm làm thủ tục thanh lọc để tìm kiếm các tội phạm chiến tranh. Có người bị chở sang Anh, sang Pháp. Không nghe người nào bị đưa sang Mỹ. Sau đó, họ trở lạiđời sống dân sự, kiếm việc làm tự mưu sinh. Có người lập nghiệp luôn ở Anh, ở Pháp. Cấp tướng bị giữ lâu hơn nhưng cũng chỉ một hai năm. Viên tướng chỉ huy căn cứ quân sự Penemüde ở Bắc Đức, nơi từng bắn hàng loạt hoả tiễn sang Luân đôn, đã được cấp nhập cảnh sang Hoa Kỳ năm 1948. Cựu Tổng thống Richard von Weizsäcker của Đức từng là sĩ quan cấp uý trong binh chủng SS Schutzstaffel, đơn vị bảo vệ của chế độ phát xít, và nhà văn được giải Nobel văn chương Günter Grass cũng vậy!
Trong khi đó những người Đức do quân đội Nga Xô viết bắt giữ bị đối xử khác hẳn. Họ bị đưa về giam giữ trên đất Nga, bặt tin tức gia đình, không biết đến ngày về. Họphải lao động khổ sai để cải tạo. Họ bị đánh đập hành hạ, họ bị bỏ đói trong tuyết. Kẻ thắng trận tiếp tục xem họ là kẻ thù với tất cả ý nghĩa kinh hoàng của chữ đó. Khi Thủ tướng Adenauer lên cầm quyền, ông tích cực can thiệp cho họ, năm lần bảy lượtđích thân sang Mạc tư khoa năn nỉ thỉnh cầu chính quyền Nga Xô cho họ trở về nguyên quán. Tốn không biết bao nhiêu công của, cuối cùng rồi chế độ cộng sản cũng cho người tù hàng binh Đức qui hương. Nhưng thay vì cho họ về Tây Đức thì một số lại bị giao cho nhà cầm quyền Đông Đức, với lập luận người Đức thì vềnước Đức, Đông Đức chẳng phải cũng là Đức hay sao? Cộng sản thì ở đâu và bao giờ cũng mọi rợ đểu cáng như vậy!
Thật ra phía đồng minh cũng có chương trình “cải tạo“ dành cho người Đức. Chương trình này chủ yếu được ủy thác cho bộ Tham mưu quân đội Anh nghiên cứu thi hành trên toàn lãnh thổ Tây Đức, gọi là re-education.Nhưng nó không có “lên lớp“, không có “thu hoạch“. Nó chỉ có sách vở, báo chí, phim ảnh, phát thanh v.v..
Như vậy, và dẫu rằng người Anh, người Pháp, người Mỹ không hề là đồng bào đồng hương với người Đức, nhưng bởi vì chủ nghĩa nhân bản nhân đạo vốn là căn bản của nền văn minh văn hoá phương Tây – mà, như đã trình bày, Việt Nam Cộng Hoà chịu ảnh hưởng sâu đậm– nên người Đức phía Tây đã được đối xử như là những con người bại trận; trong khi người dân Đông Đức bị chủ nghĩa cộng sản Nga xem như một loài vật hạ đẳng.
Hiện đang có một số đảng viên Đảng Tả, Die Linke (hậu thân của đảng cộng sản ĐôngĐức cũ) trong quốc hội liên bang và trong hội đồng đại biểu một số tiểu bang của nước Đức thống nhất. Thủ đô Berlin hiện đang do một liên minh hồng-đỏ giữa SPD (khuynh hướng thiên tả) và Die Linke (cộng sản/thiên cộng) cai trị. Sahra Wagenknecht bảo rằng Stalin là người tốt. Gesine Lötzsch gửi thiệp chúc mừng sinh nhật Fidel Castro. Cả hai hiện đang là nữ dân biểu liên bang thuộc khối cộng sản/thân cộng. Về cơ bản vốn theo chủnghĩa nhân bản nên nước Đức thống nhất hiện có một Tổng thống và một Thủ tướng đều xuất thân từ nửa nước Đức cộng sản cũ. Không thể nào có tình huống tương tự xảy ra, nếu Đông Đức chiến thắng Tây Đức.Đó là chân lý lịch sử.
Tôi có cảm giác dường như tác giả Vũ Ánh chưa quán triệt được chân lý lịch sử này. Thật hết sức đáng tiếc.
1. Tôi ghi câu văn này của tác giả Vũ Ánh căn cứ vào tài liệu đọc được trên internet do ông Lê Tấn Lộc phổ biến tiếp theo bài của ông Bùi Anh Trinh nhan đề Nghĩ về Bên thua cuộc.
2. Erich Wulff là giáo sư Tâm thần học người Đức từng giảng dạy tại Đại học Y khoa Huế thuộc thành phần thân cộng. André Menras là một người Pháp. Theo các tin tức loan tải trên internet thì đương sự được Hồ Chí Minh đặt cho tên Việt là Hồ Cương Quyết (?!?!). Menras thuộc thành phần phản chiến, từng treo cờ Việt cộng tại tượng đài Thủy quân lục chiến trước trụ sở Quốc hội Việt Nam Cộng hoà.
3. Chế Lan Viên.- Nghĩ cạnh dòng thơ. Nhà Xuất bản Văn Học. Hà nội. 1981. tr. 90.
4. Horst Moller (Hrsg).- Der rote Holocaust und die Deutschen. Die Debatte um das “Schwarzbuch des Kommunismus“ (Lò hoả thiêu đỏ và người Đức. Cuộc tranh luận xung quanh cuốn sách “Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản“). Piper Verlag. München/Zürich. 1999. tr. 249.
5. Trong y khoa, sinh viên Miền Nam năm thứ hai khi học về Pavlov chỉ được học về phản xạ có điều kiện; trong khi đó, sách Sinh lý học Miền Bắc trình bày dông dài về học thuyết Pavlov, nhấn mạnh đến những “định hình động hình thần kinh” nhằm lý giải và biện hộ cho chủ trương học tập cải tạo với mục đích xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa. Lyssenko không được giới khoa học Miền Nam biết đến, trong khi Miền Bắc, theo Nga Xô-viết, nhiệt liệt đề cao học thuyết Mitchourin-Lyssenko; học thuyết này phủ nhận vai trò của gen, xemgen là duy tâm. Chính nhà khoa học vĩ đại của Miền Bắc, Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng, cũng từng trồng ngô theo học thuyết Lyssenko. Tất nhiên ông không thu hoạch được ngô và cũng chẳng hái bẻ được bắp! Sinh lý học, di truyền học, nông học đều hùa nhau tích cực phục vụ cho chính trị. (Tôn Thất Tùng.- Đường vào khoa học của tôi. Nhà Xuất bản Thanh niên. Hà nội. 1978. tr. 60). Nguyên văn : “Tôi cũng thử trồng ngô theo lý luận Lit-xanh-cô: tôi gieo rất dầy, nhưng ngô lớn lên có bắp rất nhỏ, và hạt rất thưa.“
6. Egon Krenz bị Toà án Tỉểu bang Berlin kết án ngày 25.08.1997 vì tội hình liên quan tới những vụ tàn sát người dân vô tội trốn chạy thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nhưng đương sự không chịu thi hành bản án và nộp đơn kháng án lên Tối cao Pháp viện Liên Bang Đức, rồi lên Tối cao Pháp viện Bảo hiến CHLB Đức rồi lên Pháp viện Nhân quyền Âu châu. Cả ba pháp đình cao cấp này đều xác nhận án lệnh của Toà Berlin với luận điệu chính hiến pháp Đông Đức long trọng thừa nhận sự bảo vệ sinh mệnh công dân, cho nên các biện pháp an toàn biên giới giữa hai nước Đức ngày trước đương nhiên phải tuân thủ điều luật cơ bản này. Trong khi đó thì những lãnh tụ Đông Đức trong số có Egon Krenz đã cùng cộng tác vào sự thực hiện một đường lối phòng thủ vi phạm trắng trợn luật pháp Đông Đức. Trong suốt thời gian ở tù, Egon Krenz được hưởng qui chế offener Vollzug (tù mở) vì Krenz xin được việc làm tại một hãng xưởng chế tạo y cụ chỉnh hình. Theo qui chế này, Krenz ngày ngày trở về ngôi biệt thự của mình tại vùng Berlin-Pankow để làm việc cho chủ tư bản và lĩnh lương hàng tháng 4000 Đức Mã. Tuy nhiên vì có lương cố định hằng tháng nên Krenz phải trả tiền phòng giam cá nhân mỗi tháng 199,75 Đức Mã. Báo chí Đức trào lộng bảo rằng Krenz phải…thuê xà lim để ở tù.
Erich Mielke chết âm thầm cô đơn ngày 22.05.2000 trong một viện chăm sóc người già ở Berlin-Hellersdorf, hưởng thọ 92 tuổi.
BS.Trần Văn Tích
2 Comments
cưa
HÌ HÌ ít ra cũng phải có như vậy để bác VŨ ÁNH không múa gậy vườn hoang ,tôicũng có viết phãn hồi không mấy đồng ý với bác ÁNH ,trên trang bác BS nhưng như gío vô nhà tróng .