Dòng Danube xanh có nguy cơ bị nhuộm đỏ, các sinh vật sẽ bị giết chết, nhiều quốc gia châu Âu khác sẽ bị liên lụy… Các chuyên gia cảnh báo ảnh hưởng của vụ bùn đỏ xảy ra từ hôm 4/10 ở Hungary có thể gây ô nhiễm chưa từng có cho châu Âu.
Đây là một thảm hoạ sinh thái mà Hungary chưa từng kinh qua và được cho là thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử chế biến nhôm và Alumin mà thật trớ trêu lại xảy ra tại một quốc gia có truyền thống và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nguyên nhân tai nạn chưa rõ ràng nhưng hậu quả rất nghiêm trọng.
Vụ bùn đỏ bùng phát hôm 4/10 ở tỉnh Veszprem, cách Budapest chừng 164km về phía Tây Nam, làm 4 người chết đầu tuần và Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến cáo Hungary không được để bùn này tràn ra sông Danube. Vì nếu để sông Danube bị ô nhiễm, sẽ có khoảng gần 5 hay 6 quốc gia châu Âu khác bị liên lụy.
Thủ Tướng Hungary Viktor Orban cho biết “chính phủ hoàn toàn bị bất ngờ” vì nhà máy và bể chứa bùn tại Ajka chỉ mới được kiểm tra cách đây 2 tuần và không có gì là bất thường. Bể chứa bùn tại có chiều dài và rộng là 450 mét trên 300 mét đã bị vỡ. Giới chuyên môn cho rằng những biện pháp khắc phục và giảm thiểu tác dụng độc hại của bùn đỏ còn phải được thực hiện trong nhiều tháng tới. Một biện pháp khả dĩ là dẫn bùn đỏ vào một diện tích đất canh tác nào đó, sau đó thay đất và hoàn thổ.
Sông Danude dài 2.850 km là con sông lớn thứ nhì của châu Âu, chảy qua 7 quốc gia là Hungary, Croatia, Serbia, Romania, Bulgaria, Ukraine và Moldova rồi đổ vào Hắc Hải. EU đang lo lắng là vụ việc này sẽ gây ô nhiễm độc hại lớn ở châu Âu và giết chết nhiều sinh vật và rong tảo nước ngọt.
Bùn đỏ là hỗn hợp bao gồm các chất như sắt, mangan… và một lượng kiềm dư thừa phát sinh trong quá trình dung hòa, tách quặng Alumin. Xét trên góc độ môi trường, bùn đỏ là một loại chất thải rất độc hại, được ví như “bùn bẩn” hay “bom bẩn”.
Tuy vậy, các kim loại nặng độc hại, hoặc chất chì hay phóng xạ trong bùn đỏ không thực nguy hiểm đến tính mạng con người vì hàm lượng của chúng không đáng kể. Điều thực sự nguy hiểm và độc hại là lượng nước thải kèm theo bùn đỏ, xuất phát từ cách xử lý và lưu trữ bùn đỏ theo kiểu hiện tại, vì bùn đỏ trước khi thải và chôn lấp sẽ được rửa nhiều lần nhằm tận thu kiềm. Dẫu vậy, lượng bùn thải cũng vẫn bị kiềm hóa ở mức độ rất đáng kể: cứ một tấn bùn đỏ lại đi kèm với 2-3m3 nước thải có nồng độ kiềm rất mạnh.
Chỉ số pH của bùn đỏ trào ra từ bể chứa ở Hungary là chừng 13, tức là hơn cả loại thuốc tẩy mạnh nhất và gấp 1 triệu lần dung dịch trung hòa là nước tinh khiết. Như vậy, đối với con người và động vật sống, một cách trực tiếp, dung dịch bùn đỏ có thể gây bỏng da, hoặc tổn thương nặng nếu vào mắt hay miệng, mà không được tẩy rửa nhanh chóng và kịp thời.
Đối với môi trường, bản thân chất kiềm không có tác động lâu dài tới môi sinh vì sẽ bị loãng đi khi hòa tan vào nước, tuy nhiên, kiềm trong bùn đỏ có thể tiêu diệt một phần thảm thực vật, làm hư hại diện tích đất canh tác. Đặc biệt, khi chảy xuống sông, bùn đỏ sẽ làm chết mọi sinh vật như tôm, cá… và đây là điều đã xảy ra ở thượng nguồn sông Marcal (Hungary). Cạnh đó, hai con sông lớn khác là Rába và Danube cũng đang bị đe dọa bởi lũ bùn đỏ.
Điều đáng lo ngại nhất trong trường hợp này là lịch sử công nghệ sản xuất nhôm và Alumin chưa hề xảy ra chuyện một bể chứa bị vỡ khiến biển bùn đỏ tràn ngập các khu dân cư như trường hợp ở Hungary và do đó, hiện tại, các chuyên gia chưa thể nói được gì về những hậu quả của dung dịch kiềm gây ra cho môi trường và hệ sinh thái, ngắn cũng như dài hạn.
Bùn ngập đường ray xe lửa khiến giao thông hỏa xa bị đình trệ tại một tuyến đường: Hãng Đường sắt Quốc gia Hungary phải triệu xe buýt liên tỉnh đến thay thế. Tình trạng này được đánh giá là sẽ kéo dài nhiều tuần.