Tin thi sĩ Hòang Cầm vừa từ giã nhân thế vào ngày 6 tháng 5 năm 2010 được loan ra khắp thế giới từ trong nước tới hải ngọai. Nhà thơ lớn hưởng thọ 88 tuổi sau khi cống hiến cho nền thi ca dân tộc một số bài thơ hay. Có bản tin nói là vĩnh biệt tác giả Bên Kia Sông Đuống, có bản tin nói là tác giả Lá Diêu Bông đã ra đi. Các báo chí trong nước khi kể đến những bài thơ nổi tiếng của Hòang Cầm thì lại không có tên bài Đêm Liên Hoan trong khi đó bản tin một số báo hải ngọai thì có nhắc đến bài thơ dài này, được coi là bài thơ đầy hùng khí đấu tranh nhất của thời kháng chiến chống Pháp: “Em đi trẩy hội non sông. Cười lên ánh mắt muôn lòng xuân sang.” Lòng dấy lên thắc mắc.
Thời trung học, tôi vẫn thường nghe bạn bè ngâm bài thơ Bên Kia Sông Đuống đầy hào hứng, đôi lúc anh bạn chế ra “buồn mà chi em , để anh đưa em về bên kia sông , cho em uống nước đầy bụng cành hông rồi dẫn về” làm cả bọn cuời vang.
Rồi trong đầu óc của tuổi học sinh yêu lịch sử kiêu hùng của dân tộc, đọc những câu thơ hùng tráng trong tập thơ Kiều Loan nói về thời chiến đấu chống giặc ngọai xâm của vua Quang Trung.
Đầu thậpniên 80, đọc trên tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong ở hải ngọai có bài viết của Phạm Duy giới thiệu bài thơ mới của Hòang Cầm là Lá Diêu Bông, nói là trong thi ca Việt Nam chỉ có hai người có nhắc đến tình chị. Một là Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính : “Em ơi em ở lại nhà. Vườn dâu em đốn mẹ già em thương. Mẹ già một nắng hai sương. Chị đi một bước trăm đường xót xa.” Và người thứ nhì là Hòang Cầm với bài thơ nói về tình yêu của một đứa con trai nhỏ tuổi đối với người con gái lớn tuổi hơn “ Đứa nào tìm thấy lá diêu bông. Thì từ nay tao sẽ gọi là chồng.”
Bài viết giới thiệu Lá Diêu Bông đó làm tôi chú ý. Vì ý bài thơ đánh trúng tim đen của mình, thuở nhỏ cũng đã từng đem lòng yêu thương người con gái lớn tuổi hơn. Sau này hỏi bạn bè thì nhiều đứa cũng trải qua cùng tâm trạng. Có người bạn đưa ra một câu kết luận rằng “ tình yêu của người đàn ông tỉ lệ nghịch với tuổi tác” có nghĩa là tuổi nhỏ thương người lớn tuổi hơn, đến già thì đem lòng yêu người trẻ hơn. Và tình yêu lọai đó thì ít khi đạt đến mong ước, và nhất là tình yêu ở cái tuổi thiếu niên, thanh niên thì lại càng mãnh liệt. Ai lại không trải qua một thời yêu thương mộng mơ . Và Hòang Cầm với Lá Diêu Bông đã nói lên dùm tâm trạng bao người. Đó là cái độc đáo của bài thơ.
Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Lá Diêu Bông và một số bài thơ khác của Hòang Cầm và ông phổ biến ở nhiều nơi có người Việt Nam cư ngụ tại hải ngọai, in tập nhạc và thu băng lấy tên là Hòang Cầm ca. Một điểm đặc biệt cần nói là lúc này Phạm Duy đã khóac một ý nghĩa chính trị cho bài thơ Lá Diêu Bông . Ông nói lá diêu bông là một thứ lá làm đẹp da mặt phụ nữ và đi tìm lá diêu bông là đi tìm thuốc để làm đẹp chế độ Cộng Sản nhưng trên đời làm gì có thứ lá đó. Tôi thông cảm sự giải thích miễn cưỡng đó vì Phạm Duy phải làm như vậy để phổ biến nhạc phổ thơ Hòang Cầm cho dễ dàng tại hải ngọai trong thời gian này. Và Hòang Cầm ở trong nước bị chế độ làm phiền, ông có lên tiếng trách Phạm Duy; nhưng cũng nhờ đó mà tên tuổi và thơ mới của ộng được người hải ngọai biết tới nhiều. Và cuối cùng thì nhà thơ và nhạc sĩ thông cảm với nhau trong mối duyên thi nhạc.
Bài nhạc phổ thơ Lá Diêu Bông của Phạm Duy do Thái Hiền hát gây chú ý và truyền cảm hứng đi xa. Nhạc sĩ Trần Tiến đã phối hợp câu ca dao “Bướm vàng đậu trái mù u. Lấy chồng chi sớm lời ru càng buồn” và ý thơ trong bài thơ Lá Diêu Bông để làm nên bài hát Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng nổi tiếng “Thương em đời con gái kiêu sa, em đố ai tìm được lá diêu bông, em xin lấy làm chồng.” Mặc dù ca khúc này làm để phục vụ chiến dịch sinh sản có kế họach do nhà nước đưa ra, được giải thưởng tiền bạc, nhưng bài hát thành công về mặt nghệ thuật. Sau đó nhiều nhạc sĩ lấy cảm hứng làm thêm các bài hát có chữ lá diêu bông, ý nói là một thứ lá không có trên đời, bắt người con trai đi tìm như một lời hứa hẹn hão huyền của người con gái.
Sau này Hòang Cầm có viết một bài nói về cảm hứng của ông khi làm bài thơ Lá Diêu Bông. Ý của tác giả là một lẽ , còn riêng người thưởng thức thì có cách cảm nhận riêng. Đối với tôi, Lá Diêu Bông gợi lại tình yêu đứa bé trai yêu người con gái lớn tuổi mà mình đã trải qua, ý này mặn mà hơn ý nghĩa lời hứa theo gió mây bay của người tình.
Nhiều năm trước, trong thành phố tôi ở, có một cô gái đẹp được bao nhiêu chàng trai đeo đuổi. Rốt cuộc một người từ phương xa đến và mau chóng chiếm được trái tim người đẹp. Kẻ chiến thắng này có một ưu điểm nổi bật là mạnh dạn tấn công mục tiêu hơn những tên con trai có vẻ nhút nhát kia.
Sự việc này làm tôi nhớ đến tình trạng tội nghiệp của những kẻ theo đuổi đã hết sức chìu chuộng người con gái “ từ thuở ấy em tìm chiếc lá, đi đầu non cuối bể, gió quê vi vút gọi, ới Diêu Bông”. Ca khúc của Phạm Duy phổ Lá Diêu Bông kết bằng câu “ Em đi trăm núi nghìn sông. Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ”.
Tôi chợt chế ra câu thơ “ Em đi trăm núi nghìn sông. Tìm hòai mới biết lá trong mình nàng.” Chiếc lá đó đã có từ ngàn xưa, trong văn học nghệ thuật để chỉ cái đẹp và quí giá nhất của người con gái. Tìm thấy nó, chiếm được nó là chiếm được trái tim người đẹp như câu thơ “ Đứa nào tìm được lá diêu bông . Thì từ nay tao sẽ gọi là chồng.”
Xin cám ơn thi sĩ Hòang Cầm, ngòai những bài thơ đấu tranh mang hùng khí dân tộc thuở trai trẻ đượm chất thơ, sau này ông còn thêm những bài nồng nàn tình yêu rất đặc biệt “Nếu anh còn trẻ như năm cũ. Quyết đón em về sống với anh.” Và chỉ riêng Lá Diêu Bông đã tạo nên cảm hứng lan truyền từ lúc ra đời cho đến nay và bài viết này để nhớ đến một thi sĩ vừa giã biệt giới thi ca Việt Nam : Hòang Cầm Bùi Tằng Việt.
Trần Củng Sơn
San Jose, 7 tháng 5 năm 2010