Trong lúc Việt Nam tuyên bố đã sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh Asean 17, quốc tế chú ý hơn đến các nghị trình nóng tại Hội nghị Cao cấp Đông Á (EAS) tại Hà Nội.
Với sự tham gia của Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, hai nước này tỏ thái độ muốn chính thức có mặt trong một loạt vấn đề khu vực sẽ được bàn đến tại Hà Nội.
Thương mại và an ninh dự kiến là hai chủ đề chính cho các cuộc họp EAS, hiện gồm 10 nước Asean cùng Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, với Nga và Hoa Kỳ bắt đầu chính thức từ 2011.
Các nhóm chủ đề
Những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đặt chủ đề kinh tế và thương mại lên cao hơn cả.
G20 vừa kết thúc ở Hàn Quốc mới chỉ đạt thoả thuận về nhu cầu có cơ chế dung hòa xung khắc tiền tệ.
Nhưng Hoa Kỳ, Nga và các thành viên khác lại tập trung vào chủ đề an ninh và chính trị, hoặc qua các cuộc gặp chính thức hoặc bên lề hội nghị.
Tuy thế, ngay trong nhóm đề tài này, sự quan tâm cũng khác nhau.
Một số nước, gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc chú tâm vào chủ đề Bắc Hàn mà diễn biến mới nhất, sự xuất hiện của tân đại tướng Kim Jong-un, đang dần làm thay đổi bố cục chính trị nước này.
Hoa Kỳ hiển nhiên sẽ muốn nêu lại vấn đề Miến Điện, nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử nhằm “tân trang” chế độ quân nhân bằng trang phục dân sự vào tháng 11 này.
Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các nước Đông Nam Á cũng coi diễn đàn EAS là dịp tốt để nhắc lại chủ đề lãnh hải và cụ thể là quần đảo Trường Sa.
Nhật Bản và Trung Quốc sẽ gặp thách thức phải làm sao tỏ ra biết giải quyết xung khắc đàng hoành do vụ Điếu Ngư/Senkaku.
Các nước Asean hiển nhiên đang theo dõi quan hệ Trung – Nhật để có động thái phù hợp.
Bên cạnh đó, theo báo New Zealand, quan hệ Đài Loan – Trung Quốc cũng dễ là “chủ đề nóng”.
Nhưng kinh tế cũng không tránh khỏi căng thẳng.
Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang trong tranh cãi về khoáng sản hiếm.
Tuy thế, điều được quan tâm toàn cầu hơn cả vẫn là đề tài tỷ giá tiền tệ.
Như Robert Birsel viết cho Reuters từ Hà Nội tuần này, “Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cách nhau rất xa” trong cách nhìn nhận tỷ giá hối đoái”.
Bà Clinton sẽ bận rộn cho một nghị trình dày đặc các chủ đề châu Á – Thái Bình Dương
Nói ngắn gọn thì Hoa Kỳ và một số nước nhập khẩu từ Trung Quốc cáo buộc rằng Bắc Kinh giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ một cách “giả tạo” để tạo lợi thế xuất khẩu.
Báo Mỹ gần đây có bài cho rằng vì đồng nhân dân tệ mà “nhiều vùng đô thị của Hoa Kỳ bị tàn phá” bởi nạn thất nghiệp.
Asean trong khi đó, theo Robert Birsel, là hoàn toàn bị động trong cuộc tranh chấp này và chỉ mong sao Hoa Kỳ và Trung Quốc tránh một cuộc chiến tiền tệ.
Vẫn theo Reuters, về mặt kinh tế, Asean đã và đang cố gắng củng cố nội bộ bằng cách tăng tính cạnh trạnh qua kết nối hạ tầng cơ sở, điều phối các nguyên tắc cho thị trường và tăng cường quan hệ trực tiếp giữa các khối dân cư, doanh nghiệp của họ với nhau.
Mục tiêu của Asean là nhắm tới một cộng đồng kinh tế theo mô hình EU vào năm 2015.
Nhân quyền nằm ở đâu?
Nước chủ nhà Việt Nam đã và đang bị các tổ chức quốc tế chú tâm vì các vụ bắt dồn dập những người viết blog hoặc các giáo dân Cồn Dầu diễn ra ngay trước EAS.
Hoa Kỳ cũng bị một số giới quan sát phê phán là đã “nhẹ tay” với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền trong khi lại lên tiếng mạnh hơn với Trung Quốc.
Tổng thống Obama đã đích thân lên tiếng nói Trung Quốc cần thả tự do cho nhà bất đồng chính kiến được Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba.
Còn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tuy liên tục đưa ra các thông cáo báo chí về nhân quyền ở Việt Nam nhưng lãnh đạo Mỹ không muốn tỏ ra là dấn thân quá vào việc này.
Hiện chưa rõ bà Clinton sẽ có nêu ra chủ đề này tại Hà Nội hay không, và quan trọng hơn là nêu ra như thế nào.
Đáp lại câu hỏi của BBC Tiếng Việt, dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân chủ, cuối tuần qua đã lên tiếng bảo vệ cho cách tiếp cận của chính quyền Hoa Kỳ:
“Bà Hillary Clinton là ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên và duy nhất đã đứng trước những hội nghị tại Hà Nội và lên tiếng về vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Bà là người đầu tiên và duy nhất cho nên chúng tôi cảm thấy đây là một bước tiến tới.”
Bà cũng cho hay về một buổi họp riêng biệt với ông phụ tá ngoại trưởng Kurt Campbell để cộng đồng Việt Nam tại Mỹ đưa lên vấn đề quan tâm của họ về nhân quyền.
Sau cuộc gặp này, bà Sanchez nói, “Tôi cảm thấy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đang tiến tới bước đặt Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.
Tuy thế, có vẻ như vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thuộc dạng di sản của một hệ thống đang dần thay đổi, trong khi sự thiếu vắng quyền con người tại Miến Điện vừa trầm trọng hơn, vừa mang tính thách thức cho cả khu vực.
Hôm thứ Ba tuần này, tổng thư ký Asean, ông Surin Pitsuwan nói Miến Điện có thể gây khó khăn cho Asean trong việc tạo niềm tin để tiến bước tiếp với tư cách là một khu vực.
Tướng Thein Sein của Miến Điện đến Hà Nội trong trang phục dân sự
Các biên tập viên BBC Miến Điện cho hay dù cuộc bầu cử được tổ chức kỹ lưỡng để chuyển sang chế độ dân sự, các vị trí quyền lực mới tại nước này sẽ chỉ rõ ra vào tháng 1, thậm chí tháng 2/2011.
Trong khi đó, quan chức Asean thì hy vọng cuộc bầu cử sẽ đem lại chút ít hy vọng cho dân chủ hóa.
Nước lớn hội ngộ
Trước mắt, dù các nước Asean có mong đợi gì thì hội nghị thượng đỉnh của khối và sau đó là EAS ở Hà Nội cũng sẽ vẫn do các động lực chính đến từ Hoa Kỳ và Trung Quốc thúc đẩy.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton lần này có tầm bao phủ rộng chưa từng có, với mục tiêu củng cố các đồng minh truyền thông, kết nối các quốc gia thân hữu mới, và chuẩn bị cho vòng công du cao cấp của Tổng thống Obama.
Bà Clinton bắt đầu chuyến thăm châu Á – Thái Bình Dương bằng cuộc gặp tại Hawaii với Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Seiji Maehara, sau đó là chuyến đến Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Papua New Guinea, New Zealand và Úc.
Ngay tháng 11 này, tổng thống Obama sẽ đi Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng cả hai bên đều nhắm tới việc chuẩn bị cho chuyến thăm Tòa Bạch Ốc tháng 1/2011 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Dự kiến đây sẽ là chuyến thăm cuối cùng ở cương vị chủ tịch nước của ông Hồ, trước khi ông rời vị trí năm 2012, dù sẽ vẫn nắm chức chủ tịch đảng tới 2013.
Để đảm bảo cho chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào được êm thắm, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tỏ ra đối đầu với Hoa Kỳ dịp Thủ tướng Ôn Gia Bảo sang Việt Nam lần này.
Mặt khác, Trung Quốc cũng chưa tìm ra cách đáp trả gì trước chiến lược về an ninh vùng liên quan đến chủ trương đa phương, đảm bảo an ninh hàng hải cho vùng biển Đông Nam Á mà bà Clinton nêu ra tại Hà Nội hồi tháng 7 năm nay.
Có ý kiến nói rằng sau vụ vẫn bán vũ khí cho Đài Loan và cuộc gặp với Đạt Lại Lạt Ma, ông Obama đã cho phía Trung Quốc thấy chính quyền của ông “cũng có chất thép”, như lời của Michael Fullilove từ viện Brookings tại Mỹ.
Dù vậy, Washington cũng hiểu rằng giữ ổn định trong một quan hệ mang tính xây dựng là cách tốt nhất để cùng Bắc Kinh giải quyết một loạt vấn đề toàn cầu.
[Nguồn BBC]