Sau phiên xử một ngày, các nhà đối kháng nhận án tù từ 5 tới 16 năm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ngày 20/01/2010 ra thông cáo gọi phiên xử cùng ngày với các nhà đối kháng là “sự nhạo báng công lý”. Thông cáo nói “Những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù”.
Brittis Edman, nhà nghiên cứu về Việt Nam của Amnesty International nói trong thông cáo: “Phiên xử không cho các bị cáo được bào chữa một cách đáng kể, thể hiện một cách rõ ràng việc thiếu bao dung đối với tự do ngôn luận và bất đồng một cách hòa bình, và việc tòa án thiếu tính độc lập.” Các án tù được đưa ra trong bối cảnh ra tăng trấn áp việc chỉ trích chính phủ theo đó nhắm vào các luật sư độc lập, người viết blog, và các nhà hoạt động cổ vũ cho dân chủ chỉ trích các chính sách của chính phủ. Brittis Edman nói: “Phiên tòa rõ ràng sự nhạo báng công lý, phiên xử tước bỏ nhân quyền cơ bản như giả định là vô tội và quyền được bào chữa.”
Amnesty nói hội đồng xét xử chỉ hội ý 15 phút và sau đó đọc bản án mất 45 phút, và theo họ, điều đó chứng tỏ bản án đã được sắp đặt từ trước. Điều này cho thấy rõ ràng bản án đã được chuẩn bị trước phiên xử.
Trong khi đó Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) chỉ trích chính phủ các nước phương Tây miễn cưỡng lên án giới lãnh dạo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
‘Mặc cảm chiến tranh’
Brad Adams, người đứng đầu ban Á châu của tổ chức này, nói chính phủ các nước phương Tây nói chung lờ đi tình hình tại Việt Nam do đất nước này có quá khứ về chiến tranh. “Tại phương Tây có nhiều người cảm thấy có lỗi trong các cuộc chiến với Pháp và Hoa Kỳ tại Việt Nam.”
“Điều này dẫn tới việc có nhiều người nghĩ rằng họ nên dễ dãi với chính phủ Việt Nam, thế nhưng điều đó không nhất thiết sẽ làm cuộc sống của người dân Việt Nam khá hơn,” ông Brad Adams nói.
Ông nói thêm rằng “Đó là vì sao chính phủ các nước phương Tây bơm tiền vào nền kinh tế đang hưng thịnh của Việt Nam thay vì bình luận về thực trạng của Việt Nam vẫn còn là một nước độc tài một đảng.”
Theo ông, phương Tây “bỏ qua” cho Việt Nam về các vi phạm nhân quyền.
Ông Brad Adams nói: “Lê Công Định là người can đảm…Thế nhưng tôi sợ rằng sau lần này, ông sẽ không còn được chú ý. Tuy nhiên có những người khác sẽ thế chân.”
“Có rất nhiều người giống như ông nhưng cần phải có thời gian và vì vậy cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ này không được liền mạch.”
“Nếu người ta hy vọng đất nước này sẽ có ngày trở thành quốc gia dân chủ đa đảng thì đó sẽ là một quá trình rất lâu dài.”
Chính phủ Hoa Kỳ và Anh cũng đã ra thông cáo chỉ trích bản án dành cho các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung.
‘Đấu đá nội bộ’
Trong khi đó Tổ chức Phóng viên Không Biên giới trên trang web của họ lên án điều họ gọi là cái giá mà những nhà hoạt động này phải trả cho sự chứng hoang tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như cuộc đấu đá quyền lực nội bộ trong đảng trước kỳ đại hội đảng được tổ chức vào năm sau.
Thông cáo trên trang của tổ chức này nói việc bắt và xử tù này sẽ không ngưng được cuộc tranh luận về tương lai của đất nước.
Cộng đồng quốc tế phải lên án các án tù nặng này và tạo áp lực để chính phủ Việt Nam phải thả các nhà hoạt động.
“Chúng tôi hối thúc Liên hiệp Âu châu ngưng đối thoại nhân quyền với Việt Nam cho tới khi các nhà hoạt động được trả tự do, và chúng tôi thúc giục ASEAN bày tỏ quan ngại ngày càng ra tăng sau các án tù mới đây”, trang web của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới viết.
VIỆT THỨC [Theo Tin BBC & Các Tin tổng hợp]