MADRID, Tây Ban Nha – Trong bối cảnh mang dấu ấn đầy tính đột phá, sau hai năm điều tra, một thẩm phán Tây Ban Nha đã chấp nhận những lời buộc tội về diệt chủng và tra tấn cho một vụ kiện chống lại năm viên chức cao cấp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thủ vai chính trong việc đàn áp Pháp Luân Công (PLC).
Đây là lần đầu tiên một tòa án đã công nhận cuộc vận động chống lại nhóm người trên là phù hợp luật pháp với định nghĩa của tội danh diệt chủng. Nếu bị đơn ở tại Tây Ban Nha, Thẩm phán đã có thể gọi họ ra trước tòa xét xử.
“Quyết định lịch sử trên của Thẩm phán Tây Ban Nha nói lên rằng những người lãnh đạo ĐCSTQ chịu trách nhiệm về tội ác tàn bạo này đã bị đẩy gần thêm một bước ra trước công lý”, ông Carlos Iglesias, một luật sư địa phương đại diện cho nguyên đơn nói.
Giữa 2003 và 2007, mười lăm (15) nạn nhân của cuộc đàn áp đã đệ đơn khiếu kiện hình sự đối với từng người trong năm viên chức nói trên dựa theo một đạo luật của Tây Ban Nha cho phép các cá nhân hay luật sư của họ được khởi tố với tư cách cá nhân. Bốn đơn khiếu kiện đã được phối hợp thành một hồ sơ, các dữ kiện trong đó đã được một thẩm phán từ Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha(Audiencia Nacional) tiến hành điều tra từ năm 2006; đơn khiếu kiện thứ năm đã được bổ sung sau đó.
Vào ngày 11 tháng 11, ông Iglesias nhận được một lá thư từ Tòa án Quốc gia nói rằng những cáo trạng về tội danh diệt chủng và tra tấn đã được chấp thuận.
Trong số các bị cáo là cựu lãnh tụ ĐCSTQ, Giang Trạch Dân, được xác nhận rộng rãi như là người khởi xướng và đóng vai điều khiển chính đằng sau chiến dịch phát động “nhổ tận gốc” PLC vào năm 1999. Theo thống kê của chính quyền Trung Cộng vào thời điểm đó ước tính có khoảng 70 tới 100 triệu người đã theo tập môn phái này bao gồm việc phối hợp tập luyện các động tác thư thái và các bài giảng về tinh thần.
Để thực thi quyết định này của họ Giang nhằm quét sạch nhóm PLC, các phương tiện truyền thông quốc doanh, bộ máy an ninh và mạng lưới các trung tâm “cải tạo thông qua các trại lao động” đã được huy động toàn lực. Kể từ đó, các chuyên gia ước tính hàng trăm ngàn, có thể đến hàng triệu các học viên đã bị đẩy đến các trại lao động, nhà tù, và các lớp học cải tạo tư tưởng.
Các nhóm nhân quyền và các hãng truyền thông phương Tây đã lập hồ sơ báo cáo việc sử dụng một cách có hệ thống những biện pháp tra tấn nhằm buộc các học viên PLC từ bỏ đức tin của mình. Kể từ năm 1999, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, có trên 3.000 người được lập hồ sơ đã bị sát hại, nhiều người trong đó đã chết vì bị tra tấn.
Nhận định của Luật sư Tây ban nha Carlos Iglesias
Luật sư Carlos Iglesias và nhà vận động nhân quyền Wei Jingsheng đứng chung với nạn nhân của đàn áp PLC, Lu Shiping và Dai Ying và Li Jianhui, sau khi làm chứng trước thẩm phán về những trường hợp tra tấn và diệt chủng, Madrid, ngày 02 tháng 5 năm 2009. Luật sư Iglesias nói: “Các thủ phạm diệt chủng và tra tấn sẽ đối diện với hai phiên tòa … Một là, với công lý trước tòa, hai là, sự phán xét của lịch sử trước hành vi phạm tội ác lớn nhất trong tất cả các tội danh: tội ác đàn áp hàng triệu con người, những người mà chỉ có một ý muốn cải thiện phẩm chất luân lý đạo đức và tinh thần của bản thân dựa trên các giá trị phổ quát nhất.”
Cùng phải đối mặt với lời buộc tội về tội ác diệt chủng và tra tấn trong vụ kiện ở Tây Ban Nha là La Cán, cựu trưởng Văn phòng 610, một cơ quan đặc biệt cao hơn pháp luật được thiết lập để lãnh đạo và phối hợp các chiến dịch chống PLC. Các luật sư về nhân quyền tại Trung Quốc đã so sánh Phòng 610 với Sở Gestapo của Đức quốc xã về qui mô điều hành, sự tàn bạo, và quyền lực phi thường của nó.
Ba bị cáo khác là Bạc Hy Lai, hiện là Bí thư của Trùng Khánh và cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, Giả Khánh Lâm, một thành viên cao cấp đứng hàng thứ tư trong hệ thống phân cấp Đảng; và Ngô Quan Chính, người đứng đầu một Ủy ban Kỷ luật nội bộ Đảng. Những cáo buộc tội trạng của ba người kia là dựa trên sự thúc đẩy tích cực của họ cho chiến dịch chống lại PLC trong thời gian mà họ là những quan chức đứng đầu tại Liêu Ninh, Bắc Kinh và Sơn Đông.
Theo bằng chứng được trình bày trước tòa, ông Giả đã đọc nhiều bài phát biểu kêu gọi thuộc cấp bức hại PLC đồng thời khen ngợi các đơn vị an ninh về “thành tích” của họ trong “cuộc chiến” chống lại môn tu luyện tinh thần này. Vào năm 2002, ông ta đã đưa chiến dịch này trở thành một trong năm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu tại Bắc Kinh.
Một bài viết được Giải Pulitzer năm 2000 của Ian Johnson, do Tạp Chí Wall Street đề cử, ghi lại chi tiết hồ sơ liên quan việc sử dụng các phương pháp chế tài về tài chính cũng như chính trị áp đặt bởi ông Ngô đối với cấp dưới đã dẫn tới việc chính quyền thành phố Duy Phường tra tấn, và đôi khi sát hại cư dân địa phương vì tập luyện Pháp Luân Công.
Hình sự Tố Tụng & Các bước tiếp theo
Từng người một trong năm bị cáo giờ đây sẽ được nhận một thư yêu cầu từ Thẩm phán Ismael Moreno thông qua các kênh ngoại giao, ông Iglesias cho hay. Bức thư này sẽ gồm hơn 20 câu hỏi liên quan đến sự tham gia của từng cá nhân trong cuộc đàn áp chống PLC được viết bằng tiếng Tây Ban Nha và cả tiếng Trung Quốc. Không trả lời các câu hỏi trên sẽ thúc đẩy tình huống Thẩm phán Moreno phát hành một trát lệnh bắt giữ quốc tế. Ông Iglesias cho biết bị cáo sẽ có 4 đến 6 tuần để trả lời.
Thẩm phán Moreno đã dành hai năm điều tra vụ án, kế thừa một phán lệnh của Tòa án Hiến định vào tháng Sáu năm 2006, ra lệnh các tòa án Tây Ban Nha chấp nhận các đơn kiện trên dựa vào một đạo luật cho phép họ thực thi các quyền pháp lý phổ quát. Nguyên tắc pháp lý này cho phép các tòa án trong nước nghe các vụ kiện về tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại không phân biệt nơi chúng xảy ra cũng như quốc tịch của bị đơn.
Bằng chứng do thẩm phán xem xét trong quá trình điều tra bao gồm các văn bản tường trình vụ việc từ mười lăm (15) học viên Pháp Luân Công và lời khai trực tiếp từ bảy (7) học viên khác. Thẩm phán cũng dựa vào các báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Hội Thành lập Luật Nhân quyền, và Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để đạt được quyết định, ông Iglesias cho biết.
“Việc áp dụng quyền pháp lý phổ quát hiện đưa vụ kiện này vào một giai đoạn quyết định và cho thấy rằng hệ thống công lý Tây Ban Nha sẽ bảo vệ nạn nhân của cuộc diệt chủng đang xảy ra trong thế kỷ 21 tại Trung Quốc và sẽ không miễn truy tố đối với các tội phạm thể loại này,” ông Iglesias nói “Khi phạm một tội ác diệt chủng hoặc tra tấn, đây là một tội ác chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế chứ không chỉ chống lại các công dân Trung Quốc. Tây Ban Nha đang nổi lên như là một người bảo vệ quyền con người và công lý phổ quát.”
Trường hợp này là một phần của một xu hướng rộng lớn hơn ở Tây Ban Nha và cũng là một nỗ lực lớn hơn bởi tín đồ Pháp Luân Công và luật sư của mình để tìm kiếm sự đền bù ở bên ngoài Trung Quốc. Toà án Tây Ban Nha đã đẩy mạnh phong trào truy tố các tội phạm quốc tế tại các tòa án nước mình khi một thẩm phán đã ban hành yêu cầu dẫn độ nhà độc tài Chile Augusto Pinochet vào năm 1998. Gần đây, họ đã bắt đầu điều tra cuộc diệt chủng ở Guatemala và Tây Tạng. Trong khi đó, hơn bảy mươi trường hợp Pháp Luân Công đã đệ đơn nộp tại ít nhất 30 quốc gia khác.
Ông Iglesias nói rằng bên nguyên đơn có thể ngay lập tức kêu gọi lệnh bắt giữ tội phạm quốc tế với các bị can. “Tại Tây Ban Nha, bạn không thể có một phiên tòa mà không có mặt các bị đơn,” ông nói. Nếu bị can không thể sang Tây Ban Nha, hệ thống tư pháp sẽ làm việc với các quốc gia khác có hiệp ước tương trợ tư pháp với Tây Ban Nha để dẫn độ bị can nếu như họ đi sang những nước này.
“Chúng tôi sẽ canh chừng khi họ di chuyển”, ông Iglesias nói. “Công lý cũng như các luật sư sẽ không dừng lại – họ đang gõ cửa nhà những kẻ tội phạm.”
Tường thuật bổ sung bởi Zulema Núñez tại Tây Ban Nha.
Thẩm Phán Argentine Ra Lệnh Bắt Các Quan Chức Trung Quốc Vi Phạm Tội Diệt Chủng Và Tra Tấn
Trong một vụ kiện diệt chủng mang tính lịch sử, một thẩm phán người Argentina đã ra lệnh bắt các quan chức cấp cao Trung Quốc vì vai trò của họ trong cuộc đàn áp môn tập luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Phán quyết lịch sử của thẩm phán Araoz de Lamadrid ngày 17 tháng 12 năm 2009 là tiền lệ có tính cách lịch sử pháp lý đối với Argentina, và là lần đầu tiên đặc quyền ngoại giao đã được sử dụng để truy tố những bị can nước ngoài về tội ác chống lại nhân loại.
Thẩm phán đã đưa ra một trát lệnh quốc gia và quốc tế đòi bắt giữ Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và La Cán, cựu giám đốc Phòng 610, một cơ quan nằm ngoài luật pháp được thành lập để dẫn đầu và phối hợp chiến dịch chống lại Pháp Luân Công. Trát lệnh truy tầm được thi hành bởi Phòng Cảnh sát Quốc tế (Interpol) thuộc Cảnh sát Liên bang Argentina.
Vụ kiện theo sau một phán quyết tương tự tại Tây Ban Nha vào tháng trước, nơi mà 5 lãnh đạo cộng sản cấp cao bị Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha truy tố vì vai trò của họ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Trong vụ kiện đó, thẩm phán Tây Ban Nha Ismael Moreno đã chấp nhận lời buộc tội diệt chủng và tra tấn sau hai năm điều tra. Giang, người được công nhận rộng rãi là kẻ khởi xướng và lèo lái chính đằng sau chiến dịch được phát động vào năm 1999 nhằm “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công, cũng nằm trong số các bị cáo của vụ kiện đó.
Theo các thống kê của chế độ Trung Quốc vào thời điểm đó, ước tính từ 70 đến 100 triệu người đang tập luyện môn tu mà kết hợp các động tác chậm rãi với giáo lý tinh thần này.
La cũng phải đối mặt với cáo buộc diệt chủng và tra tấn trong vụ kiện tại Tây Ban Nha vì sự tham gia của ông ta khi lãnh đạo Phòng 610.
Ba bị cáo khác là Bạc Hy Lai, hiện là Bí thư thành ủy Trùng Khánh và cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại; Giả Khánh Lâm, thành viên đứng thứ tư trong hệ thống Đảng; và Ngô Quan Chính, người đứng đầu Ủy ban Kỷ luật Nội bộ Đảng.
Một bài viết đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2000 của Ian Johnson thuộc Tạp chí Wall Street đã dẫn chứng những cách thức mà ông Ngô trừng phạt tài chính và gây áp lực chính trị lên thuộc cấp, chỉ đạo cho các giới chức thành phố Duy Phường tra tấn – và đôi khi giết hại – các cư dân địa phương tập Pháp Luân Công.
Trong vụ kiện ở Tây Ban Nha, các bị cáo cũng có thể đối mặt với một lệnh bắt giữ quốc tế. Họ còn ít hơn 3 tuần lễ để hồi đáp thư yêu cầu từ thẩm phán Moreno với 20 câu hỏi liên quan đến sự dính líu của họ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Ở Argentina, thẩm phán Lamadrid đã mô tả Phòng 610 như một “Gestapo của Trung Quốc với mục đích hủy diệt hàng ngàn người dân vô tội (bao gồm phụ nữ, người già và trẻ em) dưới sự kiểm soát, định hướng, giám sát và phối hợp của La Cán, bị can…”
“Những hành động của Giang và La từ rất lâu đã đặt họ vào cùng một hạng với Augusto Pinochets, Slobodan Milosevics, và Charles Taylors trên thế giới”, phát ngôn viên Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp Trương Nhị Bình nói trong một thông cáo báo chí. “Cơ chế công lý quốc tế cũng đang bắt kịp hai tên tội phạm này.”
“Phán quyết tiến tới công lý và công bằng trong vụ kiện này sẽ trở thành sự tín nhiệm đối với Argentina như một quốc gia dẫn đầu trong luật nhân quyền quốc tế,” theo lời luật sư Carlos Iglesias, người đã đệ trình một vụ kiện tương tự lên Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha.
Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp), là một môn tập luyện tinh thần tập trung vào sự tự cải thiện bản thân qua sự tuân theo nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”. Môn tập luyện cũng bao gồm 5 bộ động tác khí công giống như Thái Cực quyền.
Có hơn 3.000 học viên được xác nhận là đã bị tra tấn đến chết, theo các nguồn tin của Pháp Luân Công, và cuộc bức hại chống lại nhóm này thường được viện dẫn như là một trong những lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc. Cuộc bức hại khởi đầu vào năm 1999, sau 7 năm lớn mạnh nhanh chóng của giới tập luyện đại chúng tại Trung Quốc.
Nếu Giang và La đi tới một quốc gia có hiệp ước dẫn độ với Argentina, họ có thể bị giam giữ, chuyển tới Argentina, và sẽ bị đưa ra trước tòa án, ông Lamadrid nói. Theo một luật sư thuộc Tổ chức Luật Nhân quyền, ông Terri Marsh, nếu các bị đơn phải hầu tòa, một lời tuyên án có tội là chắc chắn bảo đảm và rất có khả năng bị ở tù một thời gian đáng kể.
Phán quyết của thẩm phán dựa trên chứng cứ khẩu cung từ 17 nạn nhân của tra tấn và các hình thức bức hại khác. Các nhân chứng đã cung cấp một “cái nhìn khắc nghiệt và cứng rắn trước thái độ hung hãn của ĐCSTQ đối với nhân quyền ”, theo Alejandro Cowes, một trong những luật sư tiên phong khởi tố nhân danh những nạn nhân Pháp Luân Công.
Thẩm phán cũng để ý tới những lời khai của các bác sĩ, các báo cáo của Liên Hiệp Quốc và sự khảo sát sưu tầm của các nhóm nhân quyền, chẳng hạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
“Thảm kịch diệt chủng…bao gồm một chuỗi dài những hành động được sắp xếp với sự coi thường hoàn toàn sinh mạng và phẩm giá con người”, ông Lamadrid nói trong phán quyết của ông, điều phải mất bốn năm kể từ khi việc thu thập các chứng cứ bắt đầu.
“Mục đích giao phó – nhổ tận gốc Pháp Luân Công – đã được sử dụng để bào chữa cho bất cứ phương tiện nào được sử dụng. Do đó, sự đau khổ, tra tấn, mất tích, vong mạng, tẩy não, tra tấn tâm thần đã xảy ra hàng ngày trong cuộc bức hại các học viên”, ông nói.
“Tôi hiểu rằng trong vụ kiện hiện tại, nguyên tắc thẩm quyền phổ quát phải được áp dụng theo quan điểm [mức độ nghiêm trọng] của tội ác, con số nạn nhân bị ảnh hưởng, và bản chất ý thức hệ của các hành động chống lại các thành viên của nhóm tôn giáo Pháp Luân Công”, thẩm phán nói trong lời phán quyết của ông.
Phán quyết này là độc nhất, nó xử lý cùng một lúc sự ứng dụng thẩm quyền phổ quát, những tội ác mới xảy ra, và lệnh bắt giữ đầu tiên các quan chức cấp cao Trung Quốc, ông Cowes nói.
“Đối với Trung Quốc, hay nói đúng hơn là đối với nhân dân Trung Quốc, nó có nghĩa là điều này có thể là sự khởi đầu cho sự kết thúc của một nền độc tài đã nắm quyền trong vòng 60 năm qua, và đã đàn áp đẫm máu hơn 85 triệu nạn nhân”, ông nói.
“Đối với cộng đồng quốc tế, đây là một lời kêu gọi thức tỉnh”.
VŨ KIẾM MINH (phỏng theo The Epoch Times)