Thủ tướng Hun Sen lên tiếng cảnh cáo dân chúng và đối lập đừng tổ chức xuống đường đòi dân chủ và chống tham ô như ở Tunisia và Ai Cập. Thái độ của vị thủ tướng lâu đời nhất châu Á gây chú ý trong giới phân tích trong và ngoài nước.
Từ thủ đô Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen Ảnh: Reuters
“Trong bài nói chuyện trên đài phát thanh nhà nước mới đây, thủ tướng Hun Sen nói mục đích của ông “không chỉ làm suy yếu phe đối lập mà còn phải tiêu diệt họ nữa”. Đây là phát biểu mới nhất của người cầm đầu nhà nước khiến công luận lo ngại quyền tự do trong xã hội bị đe dọa khi thời gian bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra trong vòng hai năm nữa. Ông Hun Sen, 59 tuổi, trước đây ông nói sẽ tiếp tục cầm quyền đến 90 tuổi, trong khi đó lại dọn đường cho con trai trưởng ông lên kế vị.
Theo tổ chức nhân quyền địa phương Licadho những tiếng nói bất đồng không còn được cơ hội phát biểu và các thảo luận chính trị trên diễn đàn bây giờ bị giới hạn rất nhiều, khiến người dân cảm thấy khó thở trong môi trường chính trị sẵn sàng dùng cảnh sát đàn áp.
Mark Turner, chuyên gia về tình hình Cam Bốt đang làm việc tại Đại Học Canbera nói di sản lịch sử đẫm máu của quốc gia khiến cho đảng cầm quyền hiện nay muốn xiết chặt kiểm soát toàn xã hội. Nếu lợi tức tăng lên, giáo dục được cải tiến, các phương tiện y tế đáp ứng một phần nhu cầu thì đa số người dân có thể chấp nhận bị giới hạn một số quyền tự do.
Chea Vannath nhà phân tích độc lập tại Phnom Penh nói tình hình hiện nay ai phê bình quan tòa hay giới chức công quyền thì đó là kẻ tội phạm. Trong khi đó vị phó giám đốc tại châu Á của tổ chức Human Rights Watch là Phil Robertson đưa ra nhận xét là sự miễn trừ ăn sâu vào hệ thống công quyền đặc biệt trong thành phần cấp cao, do hệ thống tư pháp thiếu độc lập và bị Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền can thiệp chính trị.
Nạn nhân đầu tiên của bộ Luật Hình sự mới là một nhân viên của Chương trình Thực phẩm Thế giới bị kết án 6 tháng tù vì dám in một bài viết trên website đối lập hay chỉ trích chính quyền.
Ông Tith Sothea, người phát ngôn của chính quyền bác bỏ ý kiến chỉ trích của giới hoạt động nhân quyền. Ông nói, chính quyền do thủ tướng Hun Sen lãnh đạo hiện nay đang cố gắng làm việc để bảo vệ nhân quyền cũng như thực hiện nhiều cải cách phục vụ người dân và ổn định xã hội.
Theo nhiều ý kiến của người hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền tại Cam Bốt thì chính quyền đang gia tăng kiểm soát cũng như hạn chế quyền tự do ngôn luận trong xã hội.
Tình hình bất ổn tại hai quốc gia châu Phi là Tunisia và Ai Cập cũng tác động không ít đến suy nghĩ người dân và làm cho chính quyền phải cẩn trọng. Khi nhà độc tài Tunisia bị lật đổ sau 3 thập niên cố bám quyền, thủ tướng Hun Sen nhanh chóng lên tiếng nói nếu có bất kỳ cuộc biểu tình nào muốn lật đổ, ông sẵn sàng đàn áp mạnh, nhưng ông hứa sẽ ra đi nếu thất bại trong cuộc bầu cử năm 2013.
Phạm Phan / Tú Anh [Nguồn: RFI]