Hôm thứ Hai, Thủ tướng Mohammed Ghannuczi đã ra thông báo về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của ba nhà đối lập nổi tiếng và một số nhân vật chủ chốt thuộc ê- kíp trước kia, ngoài thủ tướng Ghannuczi, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao và bộ trưởng Bộ Nội Vụ.
Người ta không rõ, liệu điều này có làm người Tunisia hài lòng không. Ngày thứ Hai, bất chấp lệnh cấm tụ tập, tại thủ đô vẫn diễn ra các cuộc biểu tình. “Đả đảo độc tài đảng trị!” – Khoảng 1000 người đã hét lên như vậy, những người này sau đó bị công an giải tán.
Sự tức giận của họ gia tăng khi tờ nhật báo “Le Monde” trích thông tin của tình báo Pháp rằng, phu nhân của Tổng thống, vài giờ trước khi chính quyền Ben Ali sụp đổ hôm thứ Sáu, đã tới Ngân Hàng Trung Ương, đòi lấy một số vàng tương đương với 45 triệu Euros. Khi người đứng đầu Ngân Hàng từ chối, bà ta đã cầu cứu chồng, cũng chính là người đã đưa ra đòi hỏi đó. Không rõ, bằng cách nào, ông bà Tổng thống đã trốn khỏi Tunisia.
Vợ chồng Tổng thống Ben Ali hiện đang ở Ả Rập Xê Út (Arabia Saudi), còn các quan chức Ngân Hàng Trung Ương khẳng định, dự trữ vàng không hề suy chuyển. Nhưng theo nhật báo “Le Monde”, tình báo Pháp tỏ ra khá chắc chắn với nguồn tin của mình.
Trò chuyện với bà Mansouri Mokhefi, người đứng đầu chương trình nghiên cứu về các quốc gia Bắc Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI)
Dominica Pszczółkowska (DP): Tại sao cách mạng Tunisia lại nổ ra đúng vào lúc này?
Mansouri Mokhefi (MM): Đó là sự chán ghét chế độ độc tài, nơi mà quyền tự do ngôn luận đã từ lâu bị đàn áp. Cuộc cách mạng bùng nổ bởi 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là những tiết lộ Wikileaks, các công điện Ngoại giao của Mỹ đã mô tả Tunisia như một quốc gia của mafia và tham nhũng. Thêm vào đó, tên tuổi nhiều thành viên gia đình Tổng thống như anh, em, cháu… được những điện tín này đề cập tới như những kẻ cắp. Điều đó tạo ra một cú sốc. Người Tunisia từng tin tưởng ngây thơ rằng, thế giới đánh giá đất nước họ hiện đại, với nền kinh tế phát triển nhưng thực ra là một đất nước thối rữa từ bên trong. Góp phần vào đó, là các trang mạng xã hội. Giới trẻ, thông qua mạng, tiếp cận với các thông tin của Wikileaks được dịch qua tiếng pháp và tiếng Ả Rập mà bất kể ai cũng có thể đọc.
Ngòi nổ cho cuộc Cách mạng là bi kịch của chàng trai 26 tuổi, cử nhân đại học, tên Mohamed Buazizi. Anh đã tự thiêu khi cảnh sát tịch thu chiếc xe kéo cùng với rau quả mà anh vẫn buôn bán.
DP: Còn vai trò của quân đội thì sao? Có phải họ đã bất tuân lệnh Tổng thống và còn bảo ông “biến đi”?
MM: Thực tế cho thấy rằng, có lẽ Ben Ali đã thất bại vì không có sự ủng hộ của quân đội. Quân đội Tunisia hoàn toàn khác, so với nước khu vực, ví dụ như Algeria. Quân đội tuy thực thi nhiệm vụ, nhưng yếu, họ không trưởng thành trong ánh hào quang của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ben Ali không xây dựng quyền lực của mình dựa trên quân đội mà trên một nhóm công an và cận vệ.
Đóng một vai trò nhất định nào đó là các quốc gia phương Tây, trong đó có Pháp và Mỹ, trước những biến cố (ở Tunisia) đã cho Ben Ali hiểu rằng, đừng có trông chờ gì ở sự giúp đỡ của những nước này.
DP: Phe đối lập của Tunisia thì sao?
MM: Họ đã bị ‘nghiền nát’. Một số bị cầm tù, số khác phải lưu vong. Nhưng giờ đây, họ đang đòi dân chủ, một kỷ nguyên mới thực sự bắt đầu.
DP: Tunisia liệu đã sẵn sàng cho dân chủ chưa?
MM: Tại sao chưa? Đã có một tầng lớp trung lưu và tầng lớp ưu tú được hưởng nền giáo dục nhiều năm từ Pháp và sau này là các nước nói tiếng Anh. Đã có những người với trình độ thích hợp, phương pháp tiếp cận thích hợp, chẳng hạn như, trong phong trào phản kháng, có sự góp mặt của các bác sỹ và luật sư. Trình độ của phụ nữ cũng cao hơn bất kỳ quốc gia Ả Rập nào khác. Tôi nghĩ rằng, xã hội Tunisia đã chứng tỏ sự trưởng thành. Có thể sẽ trải qua một thời kỳ quá độ lộn xộn, nhưng tôi tin tưởng rằng, dân chủ sẽ thắng thế!
DP: Liệu Hồi Giáo có phải là một mối đe dọa không?
MM: Ben Ali đã dựng lên một bức tường chống lại Hồi giáo. Tuy nhiên, mối đe dọa đó bị phóng đại. Đã đến lúc chúng ta không nên coi Hồi giáo là mối đe dọa. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo lâu nay sống lưu vong đã được phép trở về, nhưng chưa được mời tham dự vào việc bàn bạc để xây dựng chính phủ mới. Tôi nghĩ rằng, sớm hay muộn thì họ cũng nhận thấy, nên để những lãnh tụ Hồi giáo tham gia hơn là đứng ngoài chính quyền.
DP: Cuộc Cách mạng ở Tunisia rồi có lây lan sang các nước láng giềng hay không?
MM: Một sự yên lặng nặng nề đang diễn ra. Đó là bằng chứng cho thấy, các lãnh đạo các quốc gia Ả Rập đang lo lắng.
Thật thú vị, Tunisia chính là đất nước bị kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn cả so với các nước láng giềng. Ở Algieria chẳng hạn, người dân có quyền công khai chỉ trích, chế giễu chính phủ; còn ở Maroc, báo chí tương đối được tự do, miễn là đừng đụng chạm tới nhà Vua. Chỉ có ở Tunisia, mọi người đều sợ hãi. Nhưng chính ở nơi đây, chế độ độc tài lại bị phế truất – lần đầu tiên, ở một quốc gia Ả Rập!
Điều này mở ra triển vọng lạc quan cho những quốc gia khác. Thật khó có thể dự đoán các sự kiện, nhưng rõ ràng những gì đang xảy ra ở Jordan (hàng ngàn cuộc biểu tình phản đối tình trạng đắt đỏ và thiếu tự do) là ảnh hưởng của cuộc cách mạng Tunisia. Ở Ai Cập, công đoàn đang kêu gọi cải cách, thậm chí đòi Tổng thống phải từ chức, mặc dù phong trào của họ chưa được lớn mạnh như ở Jordan. Ở Algieria, cũng có sự phản kháng tuyệt vọng, với ý định tự thiêu như ở Tunisia, nhưng đó là đất nước được cai trị bởi quân đội, hơn nữa, trình độ dân trí thấp hơn và chưa xuất hiện tầng lớp trung lưu.
Không còn nghi ngờ gì nữa, những gì xảy ra tại Tunisia đã giải tỏa tư tưởng và tạo thêm can đảm cho các quốc gia khác.
Tác giả: Dominica Pszczółkowska, Mạc Việt Hồng chuyển ngữ từ nhật báo Wyborcza.
One Comment
kimhoanguen
Dan Tunisia du sao cung hon dan VN,ho da het cuoi dau tuan lenh chinh quyen doc tai tham nhung con dan VN minh thi chua, cung con tiep tuc cuoi dau chap nhan chua he co y nghi dam dung len phan khang. Au cung la so kiep cua dan con rong chau tien.