Alexis de Tocqueville là một học giả Pháp mà cũng là nhà xã hội học quen biết nhất tại Hoa Kỳ với cuốn sách về Nền Dân chủ Mỹ xuất bản năm 1835 và 1840 và những nhận xét có giá trị tiên tri, vượt xa một nhà xã hội học khác là Karl Marx.
Trong cuốn Hồi ký, de Tocqueville viết như sau về nước Pháp của ông: “Dân Pháp biết khá nhiều về chính trị mà chẳng hiểu gì về kinh tế!” Chẳng là năm 1848, khi ông đang là Dân biểu, chính quyền dân cử muốn ban hành biện pháp ngăn ngừa lạm phát thì khuynh hướng xã hội chủ nghĩa xuống đường biểu tình, và dựng chiến hào để chống đối!
Sinh viên Pháp biểu tình lớn tại Paris ngày 21 tháng 10, 2010 phản đối TT Sarcozy tăng tuổi hưu. PHILIPPE DESMAZES/AFP/Getty Images)
Thêm một nhận xét có giá trị tiên tri của de Tocqueville, mà 160 năm sau vẫn còn đúng khi ta theo dõi những hỗn loạn đang xảy ra tại Pháp…
Sau 1975, một số lãnh đạo Cộng sản Việt Nam được các “trí thức” trong Hội Việt Kiều tại Paris báo cáo về “thành quả đấu tranh giai cấp” khi dân Pháp chỉ cần đi làm chừng một năm là có quyền nghỉ để ăn lương thất nghiệp trị giá bằng 70% mức lương sau cùng. Không ai nêu câu hỏi là trong lúc họ nghỉ như vậy, ai sản xuất để bảo đảm cho họ 70% mức lương cũ? Lãnh đạo tối dạ của Hà Nội không cần lý đến câu hỏi đó, nên kinh tế mới khủng hoảng và đảng chột dạ mới phải đổi mới!
Cũng theo kiểu đấu tranh như vậy, năm 2000, Pháp áp dụng chế độ lao động gọi là “một tuần 35 giờ”. Từ 39 giờ, kể từ nay thời gian lao động được giảm xuống còn 35 giờ mà không giảm lương. Tức là đi làm 35 tiếng nhưng vẫn lãnh lương 39 tiếng, một thắng lợi lao động khác! Lý luận hàm chứa bên trong chủ trương này là khi đi làm ít hơn thì người ta san xẻ việc làm ấy cho người khác, một biện pháp đẩy lui thất nghiệp. Thực tế thì thất nghiệp không giảm mà còn tăng!
Sinh viên Pháp biểu tình lớn tại Paris ngày 21 tháng 10, 2010 phản đối TT Sarcozy tăng tuổi hưu. PHILIPPE DESMAZES/AFP/Getty Images)
Ly kỳ hơn cả, cái Nội các đã ban hành chế độ lao động ấy là do một Giáo sư về Kinh tế làm Thủ tướng. Ông Lionel Jospin và đảng Xã hội của ông không cần biết là lấy tiền đâu ra – ai sản xuất – trong bốn tiếng thắng lợi này? Vấn đề căn bản về kinh tế nằm bên ngoài mối quan tâm của đảng Xã hội và Giáo sư Kinh tế Jospin!
Cũng đảng Xã hội đó năm 1983 đã hạ thấp tuổi về hưu từ 65 xuống 60 tuổi. Bây giờ, Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc cánh trung hữu muốn đảo ngược quyết định của Tổng thống François Mitterrand năm 1983, là nâng tuổi về hưu từ 60 lên 62. Và bị các nghiệp đoàn chống đối mạnh. Thật ra, tuổi về hưu 62 này là mức trung bình pháp định của toàn khối Âu Châu, khi tuổi thọ của người dân gia tăng và xã hội bị lão hoá dần, với thành phần cao niên chiếm tỷ trọng ngày một đông hơn so với thành phần ở tuổi lao động. Người sản xuất thì ít đi mà người hưởng thành quả của sản xuất thì đông hơn, thành quả ấy tất nhiên phải giảm!
Trung bình thì dân Pháp có triển vọng sống tới gần 81 tuổi và với tuổi thọ kéo dài khi đà tăng trưởng sản xuất lại sút giảm dần thì việc đẩy lui tuổi hưu bổng từ 60 lên 62 là chuyện dễ hiểu. Dù sao, tuổi đó vẫn còn thấp hơn mức tuổi 65 trước khi Mitterrand làm cách mạng! Nếu không, gánh nặng hưu bổng sẽ khiến quỹ hưu liễm phá sản. Nhưng dù dễ hiểu, chuyện ấy không dễ chấp nhận, các nghiệp đoàn xuống đường phản đối. Và bạo động.
Như nhận xét của de Tocqueville, cánh tả của Pháp có hiểu ra quy luật chính trị. Toàn khổi Âu Châu đang cố thoát khỏi chế độ bao cấp và tiết giảm công chi, kể cả các nước Bắc Âu xưa nay vẫn thiên về tinh thần xã hội chủ nghĩa. Các nước Anh, Đức, Đan Mạch, Na Uy hay Thụy Điển đã đi bước đầu của sự thực tiễn cần thiết. Vì vậy, đảng Xã hội và các nghiệp đoàn Pháp đều e ngại là Pháp sẽ trôi theo trào lưu “phản động” ấy nên phải ra sức “bảo vệ thành quả cách mạng”!
Đấy là các nghiệp đoàn công nhân thợ thuyền trong khu vực quốc doanh, thuộc loại thiên tả hay thực tế thân Cộng như nghiệp đoàn CGT. Còn khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Pháp hay hy vọng phát triển của nước Pháp so với các lân bang không là vấn đề đáng quan tâm. Họ vẫn không hiểu gì về kinh tế học: không có sản xuất mà chỉ có quyền lợi thì kinh tế nghèo đi và công quỹ sẽ hết tiền!
Suốt tuần qua, các nghiệp đoàn không chỉ đình công mà còn phong toả tất cả 12 nhà máy lọc dầu của Pháp để gây ra nạn khan hiếm xăng dầu trên toàn quốc. Giới tiêu thụ bị làm con tin để các nghiệp đoàn gây áp lực với chính quyền. Chỉ vì Hạ viện Pháp đã chấp thuận kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng và đến lượt Thượng viện biểu quyết thì bạo động bùng nổ hôm 19.
Nhưng chuyện chưa đủ ly kỳ. Vì tham gia bạo động chính là thành phần thanh niên, học sinh. Họ nổi lửa đập phá các thành phố nhu Lyon, Marseille, Rouen, Mulhouse, Roubaix, Nantes, Thionville, Forbach và ngoại ô Paris như Lagny-sur-Marne, Nanterre và Saint Denis…
Với tuổi trẻ Pháp, chuyện xuống đường biểu tình, ném bom xăng và đập nát cửa hàng là một biểu hiện của sự trưởng thành! Năm 1968, họ đã từng làm Chính quyền của Tổng thống de Gaulle bị rung chuyển. Rồi từ mấy thập niên qua, mỗi dự luật cải cách giáo dục hay huấn nghệ lại là cơ hội nổi loạn! Các học sinh này chưa đến tuổi đi làm nhưng đã sớm ưu lo về tuổi về hưu!
Giải thích thế nào về hiện tượng kỳ lạ này?
Các nhà xã hội học thì chú ý đến yếu tố văn hoá. Ngẫu nhiên sao, Pháp đang dẫn đầu thế giới về giấc ngủ, trung bình người ta ngủ tám tiếng rưỡi một ngày. Và về bữa ăn, trung bình một ngày kéo dài 135 phút (so với 71 phút của dân Mỹ và 100 phút cùa dân Đức)! Người Pháp gọi đấy là “phẩm chất của đời sống”! Họ hãnh diện với cái “qualité de la vie” như vậy, chứ không hùng hục đi cầy như dân Đức có máu quốc xã, hay dân Mỹ chạy theo tư bản chủ nghĩa.
Nhưng văn hoá chỉ là một phần.
Giáo dục mới là đáng kể. Cho đến nay, các thầy cô và nghiệp đoàn giáo chức thiên tả vẫn miệt mài giảng dậy về cuộc Cách mạng 1789-1793 và kinh tế chính trị học kiểu Marx vẫn nằm trong giáo trình! Người ta không nhìn ra ảo tưởng Cách mạng khi dân Pháp chặt đầu ông vua rồi đưa lên một Hoàng đế gây chinh chiến cho toàn khối Âu Châu khiến nước Pháp lụn bại từ đó. Người ta cũng không nhìn thấy sự phá sản đã mười mươi của kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa.
Thật ra, nước Pháp cũng đã thay đổi từ nhiều thập niên và đang hội nhập vào trào lưu chung của Liên hiệp Âu Châu và của thế giới toàn cầu hóa. Dù có gặp chống đối, việc tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước đã được tiến hành. Trong kinh tế, khu vực tư doanh cũng phát triển mạnh hơn. Và trong xã hội, lý tưởng của nhiều người ngày nay là trở thành doanh gia thay vì là công chức với những đặc quyền đặc lợi được bảo vệ chặt chẽ.
Trong môi trường đang có đổi thay đó, nước Pháp sẽ phải cải cách theo cùng nhịp độ của thế giới. Những chuyện bạo động như đang thấy sẽ còn xảy ra nhưng sẽ phải lui dần. Nói theo kiểu Marx, bi kịch đang biến thành hài kịch. Và không còn được khán giả vỗ tay nữa. Bên cạnh một nước Đức đã thống nhất và hùng mạnh nhất Âu Châu, nước Pháp sẽ phải thoát xác và phá vỡ cái khuôn khổ phản động này.
NGUYỄN XUÂN NGHĨA