Kỳ Ngoại hầu Cường Để (đứng) và cụ Phan Bội Châu (ngồi)
I.Thức tỉnh với Thế kỷ
Đầu thế kỷ XX, sự trỗi dậy của Nhật Bản đã có những kích thích mạnh vào dân trí ở Việt Nam. Một mặt, tâm lý tự ti của người da vàng, tự cho mình là hèn kém so với người da trắng, đã bắt đầu được dẹp bỏ. Tiếp theo sự thảm bại của phong trào Cần vương và phong trào Văn thân, nhà Nho như bỗng thức tỉnh sau những đêm dài đầy ác mộng. Nhưng gương Nhật Bản đã mang lại cho họ một nguồn hy vọng mới, những ý nghĩa mới của cuộc sống.
Phen này cắt tóc đi tu
Tụng kinh độc lập ở chùa duy tân
Đến ngày khấn vái ân cần
Cầu cho ích quốc lợi dân mới là
Tu sao cho mở trí dân nhà
Tu sao độ được dân ta phú cường
Mặt khác, nhiều cuộc tranh đấu mới đã được mở ra
Đề xướng việc duy tân, Phan Bội Châu thành lập Duy Tân hội cùng Phong trào Đông Du (1905-1909) và Phan Châu Trinh phát động tại miền Trung Việt Nam Phong trào Duy Tân. Hệ quả tất nhiên của những cuộc vận động duy tân này là sự xuất hiện của một ý thức mới về cuộc sống chung trong xã hội, cuộc sống chung đã diễn ra lâu đời và trên nền tảng Tam cương, Ngũ thường của luân lý Nho giáo.
Nhìn các vấn đề của đất nước với ý thức mới, nhiều nhà nho ái quốc trong đó phải kể Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, đã lấy sáng kiến liên lạc với một gia đình dòng dõi chính thống, trong hoàng tộc, để lập lại ngôi vua, thay vua Khải Định, ông vua bị coi là bù nhìn của thực dân Pháp. Vì lý do tuổi già, những bậc cao niên trong gia đình này từ chối không đích thân tham gia, chỉ giới thiệu một thiếu niên, tuổi hãy còn rất trẻ, thay mặt gia đình tham dự cuộc vận động trung hưng do phong trào chủ xướng.
Thiếu niên đó tên là Nguyễn Phúc Đan, sinh ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (tức 28 tháng 2 năm1882) tại Huế, con của Hàm Hóa Hương công Tăng Nhu. cháu đích tôn 6 đời của vua Gia Long, cháu trực hệ 5 đời của của Hoàng tử Cảnh. Để tham gia phong trào lập lại ngôi vua, chàng thiếu niên này mang biệt danh Nguyễn Trung Hưng và về sau đã trở thành.Kỳ Ngoại hầu Nguyễn Phúc Cường Để, Hoàng thân triều Nguyễn (cháu năm đời củaNguyễn Phúc Cảnh), và là một nhàcách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
II. Thời thế và anh hùng
Vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các nhà nho đã lãnh đạo cuộc tranh đấu chống Pháp giành độc lập. Khởi đầu lớp sĩ phu này được thúc đẩy bởi tinh thần cách mệnh của Nho giáo, như đọc thấy trong Kinh Dịch “Thiên địa cách nhi tứ thời hành. Thang Vũ cách mệnh. thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân. Cách chi thời đại hỹ tai:” Dịch thoát, câu này đại ý nói “trời đất nhờ canh cải, nên có bốn mùa. Vua Thành Thang, vua Vũ đã làm được những cuộc cách mệnh đổi đời, trên thuận lẽ trời, dưới hợp ý dân. Canh cải mà hợp thời, cách mệnh mà đúng lúc, thực là cao cả vậy”. Nhưng khi nhận thấy văn hóa Nho giáo cổ truyền không đủ sức đương đầu với Pháp, các nhà Nho này đã chuyển hướng sang con đường Âu hóa mà một nhà nho tân tiến đang cổ võ mạnh mẽ ở Trung Hoa là Lương Khải Siêu. Nguyễn Phúc Đan, hay Nguyễn Trung Hưng, vì là dòng dõi chính thống nên đã được chọn làm vua tương lai, trong khuôn khổ một chế độ quân chủ lập hiến. Do thời thế, nhân vật Kỳ ngoại hầu Cường Để, một hoàng thân triều Nguyễn đã xuất hiện trong vai trò một nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Nhưng khi Phan Đình Phùng mất, khả năng đấu tranh bằng lực lượng vũ trang cũng mất theo, Kỳ ngoại hầu Cường Để chuyển sang hoạt động chính trị.
Năm 1906, ông trốn sang Nhật và cùng với Phan Bội Châu cổ động phong trào Đông Du. Ông chủ trương quân chủ lập hiến và nhận đứng ra lãnh đạo Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội. Địa bàn ảnh hưởng của ông mạnh nhất trong giới giáo dân Cao Đài.
Năm 1910, người Nhật vì muốn vay 300 triệu quan (francs) từ chính phủ Pháp nên chấp thuận yêu sách của Pháp trục xuất ông, Phan Bội Châu cùng với các học viên thuộc phong trào Duy Tân tại Nhật. Ông phải rời bỏ Nhật sang Trung Quốc và, lưu lạc một thời gian ở Xiêm rồi sang cả Âu Châu. Các học viên của phong trào Duy Tân cũng theo ông sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động chống Pháp.
Năm 1915 ông trở về Nhật Bản, cư ngụ ở phường Ômori, Tokyo, giao du với những chính khách Nhật, như Inukai Tsuyoshi, Kashiwabara Buntaro, và Matsui Iwane. Những nhân vật này cũng tham gia hiệp hội Kissaragi-Kai với chủ trương ủng hộ tinh thần và tài chánh cho Cường Để. Vì tin tưởng và trông cậy vào người Nhật, ông đã ủng hộ quân đội Nhật Bản xâm chiếm Việt Nam thời Đệ nhị Thế chiến. Vì ông nghĩ người Nhật có thể giúp ông giải phóng đất nước khỏi tay thực dân Pháp.
Tại Việt Nam những người đấu tranh cho độc lập dân tộc, phần nhiều hoạt động ở miền Trung, như cựu Thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ Lê Toàn, kỹ sư Vũ Văn An v.v…, vào những năm 1940, đã lập nên phong trào Cường Để, mang hoài bão giành lại độc lập cho đất nước. Nhưng năm 1945, sau khi đảo chính Pháp tại Đông Dương, người Nhật lại không đưa Cường Để về Việt Nam lên ngôi vua, mà chọn Bảo Đại. Vì vậy, phong trào Cường Để đã dần dần suy tàn.
III. Cuối đời của Kỳ ngoại hầu Cường Để
Ông mất ngày 6 tháng 4 năm 1951, vì bệnh ung thư, tại Tokyo, Nhật Bản, hưởng thọ 69 tuổi. Tên ông đã được đặt cho một phố tại Quận 1, Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1954, một phần di cốt của ông được người Nhật trao cho giáo chủ đạo Cao Đài là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đem về Tây Ninh. Năm 1957 phần thứ hai di cốt của ông cũng được hồi hương. Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm đã cử hành trọng thể lễ đón nhận. Phần thứ ba di cốt ông được chôn trong mộ phần của Đông Du học sinh Trần Đông Phong ở nghĩa trang Zōshigaya thuộc tuyén Toden Arakawa phường Toshima (Toshima-ku, Phong Đảo khu). Hổ thẹn vì không vận động quyên góp đủ số tiền cho Phong trào, Trần Đông Phong đã tự sát năm 1908. Cảm kích trước nghĩa khí đó, chính hoàng thân Cường Để đã xây mộ phần cho Trần Đông Phong không ngờ rằng mộ phần đó sau này lại được dùng làm nơi an nghỉ cuối cùng cho lãnh tụ Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội.
Trong thời gian ông ở Nhật, Kỳ Ngoại hầu đã kết hôn với Andō Shigeyuki, con gái nuôi của Thiên hoàng Chiêu Hòa.
Tuy mặc long bào nhưng Kỳ ngoại hầu chưa bao giờ làm vua.
Về tư tưởng chinh trị của Kỳ ngoại hầu, người ta nhận thấy hai đặc điểm chính. Thứ nhất, ông theo xu hướng quân chủ lập hiến như ở Nhật Bản.Thứ hai, tuy đã chọn con đường cách mạng, nhưng ông chủ trương chỉ bạo động đối với thực dân Pháp. Còn đối nội thì ông muốn thay đổi bằng những cải cách ôn hòa. Điều này đã hiện rõ qua 3 tài liệu viết còn lưu giữ được cho hậu thế. Đó là hai bản Tuyên ngôn của Kỳ ngoại hầu năm 1906 từ Nhật gửi về Việt Nam cho các “ông hoàng bà chúa” và cho quốc dân Việt Nam và Thư năm 1924 ông gửi cho vua Khải Định.
Trong bản Tuyên ngôn thứ nhất gửi các người hoàng phái, ông cực lực đả kích thái độ của người Pháp đã bạc đãi con cháu nhà Nguyễn và kêu gọi họ đồng tâm hiệp lực với quốc dân giải ách nô lệ để cứu nước. Bản Tuyên ngôn thứ hai gửi “quốc dân” kêu gọi mọi ngưởi đồng đứng dậy. “Chúng ta chịu ách nô lệ đến bao giờ?[…] Tất cả chúng ta, đồng tâm hiệp lực, sẽ tiêu diệt quân thù, chiếm cứ lại đất nước […] Chúng ta hãy nhẫn nhục chờ thời, cho có đầy đủ võ khí, khi ngày giờ đến, chúng ta sẽ làm tròn nhiệm vụ của người dân yêu nước”.
Trong thư năm 1924 gửi cho vua Khải Định, với những lời lẽ của người đã tự nhận là vong thần “Thân nương đất lạ, hồn gửi nước nhà, những điều muốn nói còn nhiều, cúi xin Hoàng thượng soi xét” Kỳ ngoại hầu đã công khai nhìn nhận sự chính thống của vua Khải Định. Tức là về nội trị, đối với Kỳ ngoại hầu, đã không có và sẽ không có “cách mạng”. Người ta hiểu vì sao cơ hội đã bốn, năm lần đến với Kỳ Ngoại hầu để ông làm vua hay nguyên thủ quốc gia nhưng rốt cuộc ông vẫn chỉ là một ông hoàng thân lưu vong phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách.
Thời thế đã không tạo cho ông cũng như chính ông không tự tạo cho mình thành Anh hùng cách mạng. Vậy thì chỉ còn có thể là người của“ những cơ hội để lỡ”.
Trần Thanh Hiệp, LS
July 19, 2014
Ghi Chú:
Bài dưới đây do Trần Thanh Hiệp viết thế cho đồng tác giả mục Lịch Sử Tư Tưởng Chính Trị Thế Giới trên Việt Thức là Giáo sư Đoàn Việt Hoạt, phải nghỉ viết một kỳ để đi dự một cuộc hội thảo ở châu Á. Do đó, bài này không nằm trong dòng tư tưởng chủ lưu của Gs Hoạt. Mà chỉ là một tài liệu đọc thêm, như một sử liệu, để tìm hiểu về loại hiện tượng “Những cơ hội để lỡ” trong đời sống chính trị ở Viẹt Nam cận đại.
*Viết bài trên đây, tôi đã dựa vào nhiều nguồn thông tin trong đó có những nguồn lấy xuống từ trên mạng Internet trong và ngoài nước. Nhưng đặc biệt, tôi đã may mằn được sử dụng một vài đoạn trích trong một công trình nghiên cứu của ông Trịnh Hưng Ngẫu về Hoạt động Cách Mạng Việt Nam do ông tự xuất bản.