Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.”
Việt Dzũng đã thực sự bỏ chúng ta ra đi vào ngày Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai, tại bệnh viện Fountain Valley, Nam California, ở tuổi 55. Chúng ta nghĩ rằng cái chết của Việt Dzũng là quá sớm nhưng cũng không là đột ngột, vì bệnh tim của anh đã cho anh biết trước là có thể chết bất cứ lúc nào. Một người chết ở tuổi 55, vẫn thường được người đời cho là chết trẻ, nhưng thực sự sống thế nào cho có ý nghĩa, còn chiều dài của đời sống đôi khi chẳng nói lên được điều gì.
Bàn thờ tại lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, tối Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai 2013.
Với 38 năm, có thể nói từ tuổi trưởng thành, bắt đầu hiểu biết và từ lúc phải bỏ quê hương ra đi, cuộc đời của Việt Dzũng đã dài hơn nhiều cuộc sống khác, dù sống thọ đến tám chín mươi, nhưng “đa thọ” đôi khi cũng “đa nhục”. Với đôi chân bẩm sinh tật nguyền, không lành lặn, mạnh mẽ như đôi chân của chúng ta, chống đỡ nhờ đôi nạng, nhưng gần 40 năm qua, anh đã đi những đoạn đường dài nhiều lần gấp bội chúng ta, mà đã đến những nơi chúng ta chưa bao giờ đến được, hay nếu có, cũng chỉ là trong nỗi mơ ước. Phải gần Việt Dzũng để thấy những khó khăn những lúc anh ra sân khấu, hay phải bước lên bục cao, di chuyển bằng máy bay, cả lúc lên xuống xe, trong khi di chuyển hàng ngày trong những công việc và nơi chốn khác nhau, mới thấy sự nỗ lực không ngừng, mà không ai cũng có thể có được. Hơn nữa, anh chỉ có một nụ cười mà không có những nét cau có, giận dữ hay nặng lòng vì những điều bất như ý.
Nước Mỹ đã có thể cho anh những phương tiện ưu đãi dành cho người khuyết tật, nhưng anh đã không thể nào sống trong sự an bài của số phận, và đã quyết chọn cho mình một cuộc sống khác hơn, vững vàng, trong sáng, có lý tưởng và mạnh mẽ hơn tất cả những người mạnh mẽ.
Nói đến tên Việt Dzũng, có lẽ chúng ta không cần phải ghép thêm một danh xưng đằng trước. Nhạc sĩ, ca sĩ, MC, xướng ngôn viên, ký giả, soạn giả, chủ bút một tòa soạn báo chí hay điều hợp một chương trình phát thanh, làm “host” cho một buổi hội luận trên đài truyền hình, kể cả tài đánh máy rất nhanh, ở địa hạt nào anh cũng tỏ ra một người xuất sắc, toàn mỹ.
Việt Dzũng ra đi, như vậy, đã để lại rất nhiều thương tiếc cho tất cả mọi người Việt Nam trên thế giới, bất kỳ đó là Mỹ, Canada, Pháp, Việt Nam và cả bên trời Ðông Âu, ở cả những nước vừa ra khỏi chế độ Cộng Sản. Ðó là tất cả những người Việt có tình yêu với đất nước, quê hương trên khắp vùng đất thế giới. Phải nhìn những cụ già ngồi xe lăn, những gia đình dẫn cả con cháu đến dự đêm tưởng niệm Việt Dzũng, một đêm cuối năm giá lạnh, trước đài truyền hình SBTN, thuộc thành phố Garden Grove; phải nghe những nhân vật chính quyền, tôn giáo, thành viên các đoàn thể trong cộng đồng cả Việt lẫn Mỹ, già hay trẻ, bày tỏ nỗi thương tiếc của họ đối với Việt Dzũng trên sân khấu Asia, mới thấy sự ra đi của anh là sự mất mát to lớn dường nào đối với tất cả mọi người.
Phải mục kích đoàn người đông đúc viếng anh tại nhà quàn, thánh lễ di quan nơi nhà thờ, tại buổi tiễn đưa lần cuối anh về với cát bụi, mới thấy Việt Dzũng thân thuộc, gần gũi chừng nào trong lòng tất cả mọi người, không biết họ là ai, tôn giáo nào, ở mọi lứa tuổi, ở bất cứ nơi nào đến đây. Nhưng, hơn hết, họ đều là những người yêu nước và đang nghĩ về quê hương, đất nước bên kia, cách chúng ta, những người đang sống lưu vong, nửa vòng trái đất.
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy gia đình, bạn bè và những người gần gũi, cộng sự của anh như Trúc Hồ, Minh Phượng, Nguyệt Ánh, những người đã cùng đứng với anh trên sân khấu như Ngọc Ðan Thanh, Diệu Quyên, Thùy Dương, Nguyên Khang… không ngăn được dòng nước mắt khi nói về anh, nhưng vì sao cả những người ở xa, từ San Jose xuống, từ Riverside về, từ Los Angeles, San Diego đến, không hề quen biết, gần gũi anh, chỉ thấy nghe anh qua băng nhạc, làn sóng phát thanh hay băng tần truyền hình, vì ngưỡng mộ, thương tiếc anh, cũng sụt sùi nhỏ lệ.
Chúng ta có thể nói đây là cái chết gây xúc động nhất trong cộng đồng hải ngoại từ gần 40 năm nay, và Việt Dzũng quả là một tên tuổi quá lớn. Cái tên Việt Dzũng và những việc làm của anh đã làm cho trong nước kiêng dè và sợ hãi, khi họ không dám loan tin sự ra đi của anh. Nguyên tắc của truyền thông là phải loan tin sự thật, báo tin về một cái chết, dù là bạn hay thù, vì sao phải im lặng? Việt Dzũng, người mà chính quyền trong nước đã đặt tên là “Tên Gangster Trên Sân Khấu Hải Ngoại” ra đi, hẳn là một niềm vui mừng lớn cho họ!
Ðây là một sự thật chúng ta không cần mở mắt lớn, cũng thấy rõ. Cộng Sản sợ hãi trước đám đông quần chúng thầm lặng đã đồng ý và thương yêu một người suốt bao nhiêu năm tranh đấu cho những người thấp cổ bé miệng ở quê hương, và sợ những tiếng nói, hình ảnh này đưa về tận nơi quê nhà.
Gia đình Việt Dzũng đã từ chối vinh dự phủ cờ cho anh và chúng ta tôn trọng quyết định này. Nhưng giả thử dù có được phủ lá quốc kỳ trên quan tài anh ngày ra đi, thì Việt Dzũng, một người chưa hề có một ngày lính, cũng xứng đáng hơn biết bao nhiêu quân nhân đã bỏ anh em, bỏ bạn bè, được sống trên mảnh đất tự do này, đã trở về Việt Nam nhiều lần, chết già trên giường bệnh cũng được hưởng nghi thức ấy.
Ngạn ngữ Pháp có câu: “Khi mới sinh ra đời, bạn khóc và mọi người xung quanh bạn đều mỉm cười. Hãy sống sao để khi nhắm mắt, bạn mỉm cười trong lúc mọi người quanh bạn khóc.” Việt Dzũng đã sống được một đời sống như vậy!
Ðây cũng là một cái tang chung và một tổn thất lớn của Asia và SBTN. Trong những năm gần đây Trúc Hồ đã mất Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân và bây giờ là Việt Dzũng! Những sự mất mát coi vậy mà rất khó thay thế.
Cô Nhung và Hoàng Anh! Ðời người hữu hạn. Xin hãy hãnh diện mỉm cười khi mọi người đang khóc.
Vĩnh biệt Việt Dzũng! Mấy ai đã được sống và chết như anh.
Huy Phương