Tuần này một cuộc hội đàm hàng năm giữa Mỹ và Trung Cộng dự liệu về các vấn đề ngoại giao và kinh tế có vẻ lâm vào thế kẹt, vì một nhân vật đối kháng người gốc Tầu ở Bắc Kinh. đã trốn thoát từ tuần trước và hiện đang được Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh che chở. Đầu tuần này, chính phủ của Tổng Thống Barack Obama đã nỗ lực vận động gỡ thế kẹt bằng cách phái một nhà ngoại giao cao cấp đến Bắc Kinh giải quyết vụ ông Chen Guangcheng bỏ trốn và hiện đang ở dưới sự che chở của Mỹ.
Trong khi vụ này nằm trong màn bí mật, không một lời giải thích của Sứ quán Mỹ, và cũng không ai biết ông Guangcheng có nằm trong tòa Đại sứ Mỹ hay không, Kurt M. Cambell, một phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, đã đến Bắc Kinh hôm chủ nhật để hội kiến với nhà cầm quyền Trung Cộng về vụ ông Chen bỏ trốn trước khi có cuộc hội đàm chính thức giữa Trung Cộng và Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ ông Timothy Geithner trong tuần này. Bà Clinton và ông Geithner đã rời Mỹ qua Trung Quốc từ đầu tuần.
Một giới chức ngoại giao Mỹ giấu tên nói hiện chưa rõ các giới chức Trung Cộng sẽ nói gì với bà Ngoại trưởng Clinton. Trong khi chờ đợi những diễn biến có thể sẽ xẩy ra trong tuần này, thiết tưởng cũng nên nói qua vài điều về thân thế nhà đối kháng Trần Quang Thành (Chen Guangchen). Năm nay ông 40 tuổi, mắt ông đã bị mù, và đã bị chính quyền Bắc Kinh giam lỏng tại gia,nhưng ông đã trốn thoát và hầu như chắc chắn, ông đã trốn vào tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Và hôm Thứ Tư, luật sư mù Trần Quang Thành đã phải rời sứ quán Mỹ để vào một bệnh viện Bắc kinh vì công an hăm dọa giết vợ của ông. Ông Trần đã bắt đầu chống đối chính quyền Trung Cộng từ khi Bắc Kinh ra lệnh cưỡng ép phá thai, và ra lệnh cho mỗi cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ được có một đứa con.
Cho đến nay nhiều chính khách Mỹ cho rằng mối quan hệ giữa hai nước lớn ở Thái Bình Dương là Mỹ và Trung Quốc là một vấn đề có tầm quan trọng hơn cả mọi chuyện khác, kề cả dân chủ và nhân quyền. Thế nhưng trên thực tế, nhân quyền và các vấn đề chính trị vẫn là những đề tài cốt lõi của hai nước lớn này ở chung trong một đại dương, không ai có thể chỗi cãi.
Hai điểm then chốt trong chính sách của chính phủ Mỹ dưới quyền TT Obama vẫn là nhân quyền và tư tuởng chính trị. Bởi vậy chính sách của Obama không phải chỉ gửi vài đơn vị Hải quân đến Úc châu. Obama đã nói rất rõ ràng mục tiêu chính của Mỹ đối với Trung Cộng là một chương trình dài hạn nhằm xây dựng tự do chính trị và tự do kinh tế ở vùng này.
Sự kiện chỉ có một nước lớn độc đảng thách thức chương trình của Mỹ thật ra không phải là chuyện bên lề, mà là mối quan tâm lớn của các chiến lược gia Mỹ. Ấn Độ có thể cũng đang làm những việc mà Mỹ thấy quan ngại như những việc Trung Cộng đang làm – đóng những hàng không mẫu hạm khổng lồ và các hệ thống phóng phi đạn tối tân. Nhưng Mỹ tin rằng Ấn Độ sẽ sử dụng những loại võ khí đó một cách có tinh thần trách nhiệm. Mỹ không tin Trung Cộng có tinh thần đó.
Đồng thời các tay lãnh tụ Trung Cộng không phải có chứng hoang tưởng khi họ dự liệu Mỹ có thể muốn họ mất luôn chính quyền. Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đã từng có câu tuyên bố lừng danh, khi ông nói “Đảng Cộng sản Trung Quốc đi trật đường lịch sử!”.
Đầu tuần này, những tin tức tức và hình ảnh từ Bắc kinh phổ biến trên khắp thế giới cho thấy nhiều nhóm người mang hình ảnh ủng hộ Trần Quang Thành. Murong Xuecun, một nhà văn nổi tiếng, đã tranh đấu công khai đòi trả tự do cho ông Trần. Ông nói nhiều người dân đã phẫn nộ và bất chấp sự đàn áp của chính quyền, đã công khai lên tiếng phản đối vụ đàn áp ông Trần.
Ông Trần đã trở thành người của nhân dân, tiêu biểu cho những đau khổ của người dân.
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh