Cao Nguyên
Duyên Chữ Nghĩa
Nhờ Duyên chữ nghĩa hay Duyên với nguời, mà tôi được cái cơ may gặp nhà thơ Nhất Tuấn trên trời từ khanhly.net/phoxua để rồi anh em chào nhau qua điện thoại và kể chuyện mặt đất một thời binh lửa.
Tôi không ngại nói với anh về nửa thế kỷ tôi đọc thơ Nhất Tuấn từ “Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa” đến “Quê xa cũng Thái Bình Dương / Mà ta hai kẻ viễn phương lưu đày” .
Năm 2005, khi được tin anh Phạm Huấn mất, tôi viết bài thơ “TIẾC”, như nén hương lòng gởi tiễn đưa một đàn anh:
TIẾC
(thương kính gởi thiên thần Phạm Huấn)
Tiếc
lúc gặp anh, Tây Nguyên mùa rực lửa
hẹn rồi chờ, rượu chưa bữa mời nhau
đêm thao thức chờ cổng thành rộng mở (*)
đón bạn về từ giữa núi rừng sâu
Tiếc
những tráng khúc, anh mơ chưa viết được
ngọn bút tình nghẹn chết giữa tim đau
bạn đang giữa trùng vây chưa bỏ cuộc
mà khăn tang ai cố buộc trên đầu
Tiếc
sự tàn nhẫn không thể nào hiểu được
giữa lương tri và cứu cánh làm người
trên đất lạ anh mãi còn thao thức
nhìn xuyên đêm tìm kiếm lại nụ cười
Tiếc
những nụ cười xưa, giờ đã mất
trên chính anh và của bạn bè anh
vậy mà lúc hoàng hôn anh sắp tắt
nhìn cháu con, ánh mắt chợt long lanh
Tiếc
khi anh đi, mình lại không được gặp
nhìn anh thôi, không dám nhắc gì đâu
chỉ lời nói còn trong tim là thật
còn mọi điều, rất tiếc – đã là không!
Cao Nguyên
Tôi gặp anh Phạm Huấn chỉ vài lần trong thời gian quân vụ ở Pleiku, không quen lắm nên chưa được thân, chỉ là cảm mến tính cách và văn phong của anh.
Đâu ngờ bài thơ này lại là một sợi dây nối kết tình thân ái giữa tôi và anh Nhất Tuấn – bào huynh của anh Phạm Huấn.
Khi bài thơ “Tiếc” xuất hiện trên trang khanhly.net, anh Nhất Tuấn nói sẽ chuyển bài thơ đến chị Minh Hà – vợ anh Phạm Huấn. Ô hay, cái vòng quay thời gian đã tạo nên mối ân tình huyền diệu giữa những tấm lòng mang ơn chữ nghĩa.
Mà chữ nghĩa cũng lạ, có gì đó rất quen quen giữa 2 bài thơ: “Thăm Người Lính Cao Nguyên” (Nhất Tuấn – 1964) và “Chiều Trên Cao Nguyên” (Cao Nguyên – 2004). Bốn mươi năm, lịch sử chuyển dịch qua mấy chặng đường, mà chữ nghĩa vẫn một mạch đi “Đây có những người trai / Của núi rừng đất đỏ” của ngày xưa, và nay nghe “gió reo lời hát / ngỡ tiếng bạn về / từ cõi trăm năm” !
Một Mở/Một Kết – Hai tâm hồn đồng điệu viết một tình khúc chứa cả bi và tráng của một thời mình đi qua trên vùng đất còn da diết nhớ :
Thăm Người Lính Cao Nguyên
Chiều muộn, lên rừng núi
Thăm anh lính cao nguyên
Mây đồi xa giăng khói
Chìm dần trong mưa đêm
Đây có những người trai
Của núi rừng đất đỏ
Ba lô nặng trĩu vai
Từng hành quân gian khổ
Hết ở “Pla-tô J”
Lại sang miền “Dak-sut”
Bụi nhòa bộ treillis
Thân run trong giá buốt
Vì dân anh diệt cộng
Nào sá gì lầm than
Chết cho mọi người sống
Đem thân giữ giang san
Đêm nay mưa rừng bay
Thăm nhau trong chốc lát
Ta cùng tay nắm tay
Tìm vui trong điệu hát
Rồi thanh bình trở lại
Có những người em thơ
Chờ anh về tâm sự
Cho trọn niềm ước mơ
Nhất Tuấn
(“Truyện Chúng Mình” I. 1964)
Chiều Trên Cao Nguyên
chiều trên cao nguyên
gió reo lời hát
ngỡ tiếng bạn về
từ cõi trăm năm
bạn từng một thời
trong đêm nước mắt
mời rượu tiễn người
vào đất lạnh căm !
chiều trên cao nguyên
sương mù rớt vội
quyện phấn thông vàng
khỏa dấu chân quen
lòng ta đi qua
từng con dốc sỏi
trên đường về làng
nỗi nhớ gọi vang !
chiều trên cao nguyên
giăng hàng phố mới
đêm ta về đâu
tìm lối trăng xưa
lối chờ, lối đợi
hoa lá giao mùa
chừ xa vời vợi
gót hồng đón đưa !
Cao Nguyên
(tháng ba 2004)
Cám ơn anh Nhất Tuấn, nhờ dòng thơ anh, tôi có thêm một mối ân tình .
Virginia – tháng hai 2009
@@@
Bài viết đã 7 năm, thời gian vút qua nhưng Duyên Chữ Nghĩa mãi còn hiện hữu. Với cuộc hạnh ngộ của những tâm hồn đồng điệu vì duyên này, tôi và anh Nhất Tuấn lại gặp nhau trong TUYỂN TẬP NHÂN VĂN, XUÂN 2016, do Việt Thức Phát hành tháng 3/2016, với những cây bút: Lưu Nguyễn Đạt, Chu Việt, Lê Hữu, Chân Minh, Phạm Cao Dương, Phan Văn Song, Phạm Trần Anh, Nguyễn Cao Quyền, Nguyễn Trọng Khôi, Trọng Đạt, Trần Thanh Hiệp, Song Nhị, Trang Châu, Cao Nguyên, Nhất Tuấn .
Đúng là mối duyên kỳ ngộ phát sinh từ Chữ Nghĩa .
Cao Nguyên
Miền Đông Bắc Hoa Kỳ – 26/3/2016